Nga: “Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc vĩnh viễn không thể chiến đấu”

20/10/2012 08:56
Việt Dũng
(GDVN) - Trình độ hệ thống phòng không kém tàu sân bay Kuznetsov của Nga, còn trang bị máy bay chiến đấu là thách thức lớn nhất của tàu sân bay Liêu Ninh...
Chiếc tàu sân bay này có thể vĩnh viễn không trở thành tàu chiến đấu
Chiếc tàu sân bay này có thể vĩnh viễn không trở thành tàu chiến đấu

Tờ tuần san “Luận cứ mỗi tuần” Nga ngày 18/10 có bài viết cho rằng, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc được cải tạo từ tàu sân bay Varyag 11435 do Liên Xô cũ chế tạo, vừa chính thức bàn giao cho Hải quân Trung Quốc cách đây không lâu, điều này được truyền thông Trung Quốc tự hào tuyên bố nước này đã bước vào thời đại tàu sân bay.

Nhưng, tình hình nhiều mặt cho thấy, chiếc tàu sân bay này có thể vĩnh viễn sẽ không trở thành tàu tác chiến.

Báo Nga cho rằng, ngày 10/8/2011, tàu sân bay do Trung Quốc cải tạo đã lần đầu tiên rời khỏi nhà máy đóng tàu ra khơi chạy thử, khi đó còn chưa có số hiệu “16” và cái tên chính thức “tàu Liêu Ninh”.

Lần chạy thử đầu tiên diễn ra trong 3 ngày, từ đó trở đi tàu sân bay này tổng cộng đã hoàn thành chạy thử 10 lần, tổng cộng kéo dài 103 ngày, trong đó có vài lần thời gian chạy thử ngắn ngủi một cách bất ngờ, rõ ràng là đã xảy ra vấn đề gì đó.

Hiện nay, sau khi con tàu này được bàn giao chính thức cho Hải quân Trung Quốc, các phương tiện truyền thông Trung Quốc bắt đầu sôi nổi tuyên truyền, toàn thân con tàu được sơn màu trắng rất bắt mắt, gây sự chú ý cho mọi người, điều này cũng có nghĩa là, Hải quân Trung Quốc đang sử dụng màu trắng để khẳng định sự khác biệt so với màu sơn xanh xám thông dụng của Nga.

Mặc dù màu trắng sẽ đẹp đẽ, rực rỡ và tráng lệ hơn, nhưng lại hoàn toàn bộc lộ bản thân trong bối cảnh màu xanh của đại dương.

Các phương tiện truyền hình Trung Quốc còn miêu tả chi tiết hầu như toàn bộ thủy thủ gồm các sĩ quan trên tàu sân bay Liêu Ninh, điều này cho thấy Trung Quốc rất yêu quý chiếc tàu sân bay đắt giá đầu tiên này, đã dày công chọn ra những thủy thủ ưu tú nhất. Hơn nữa cũng đã đưa tin về các nữ thủy thủ trên tàu sân bay Liêu Ninh, khoe đồ đạc bên trong, kể cả phòng ăn.

Máy bay chiến đấu J-15 số hiệu 556 tiến hành hạ cánh thử xuống tàu sân bay Liêu Ninh vừa được báo chí Trung Quốc công bố
Máy bay chiến đấu J-15 số hiệu 556 tiến hành hạ cánh thử xuống tàu sân bay Liêu Ninh vừa được báo chí Trung Quốc công bố

Báo Nga cho rằng, việc chế tạo tàu sân bay Varyag bị tạm dừng ở nhà máy đóng tàu Nikolayev, Ukraina, sau khi Liên Xô tan rã, khi đó tỷ lệ hoàn thành hệ thống của tàu sân bay đã đạt 78%.

Trước năm 1998, con tàu này luôn được giữ kín ở bến đỗ của nhà máy đóng tàu. Cuối cùng, nó được một công ty ở Macao, Trung Quốc mua với giá 20 triệu USD, ban đầu dường như có kế hoạch cải tạo thành cơ sở vui chơi giải trí trên biển.

Đây hoàn toàn không phải là lần đầu tiên Trung Quốc mua tàu sân bay nghỉ hưu của nước ngoài. Trước đó, Trung Quốc đã mua 2 tàu sân bay nghỉ hưu của Liên Xô cũ và tàu sân bay cũ kỹ Melbourne của Australia, sau khi nghiên cứu nghiêm túc kết cấu những tàu sân bay này, Trung Quốc đã cải tạo nó thành bảo tàng hoặc công trình vui chơi giải trí. >> Trung Quốc thèm khát tàu sân bay quân sự tự bao giờ?

Nhưng, số phận của tàu sân bay Varyag lại khác, nó khác với những tàu sân bay cũ kỹ được Trung Quốc mua trước đó, không còn bị cải tạo thành công trình vui chơi giải trí nữa.

Người Mỹ hầu như lập tức đã hiểu rõ ý đồ thực sự của Trung Quốc, vì vậy gây sức ép, buộc Ukraina dỡ bỏ hầu như tất cả mọi thứ có thể dỡ bỏ trước khi bán tàu sân bay. Nga cũng yêu cầu phía Ukraina dỡ bỏ một số thiết bị và tất cả những linh kiện bí mật.

Máy bay J-15 vừa hạ cánh thử trên tàu sân bay Liêu Ninh: chạm tàu rồi bay lên
Máy bay J-15 vừa hạ cánh thử trên tàu sân bay Liêu Ninh: chạm tàu rồi bay lên

Sau đó, Trung Quốc hầu như đã sử dụng thời gian gần 2 năm mới kéo thành công tàu sân bay về đến Đại Liên, phần lớn thời gian đều bị Thổ Nhĩ Kỳ chặn ở ngoài eo biển Dardanelles và Bosphorus, không thể đi được.

Thổ Nhĩ Kỳ lấy cớ là phía Trung Quốc kéo thân tàu sân bay khổng lồ mất kiểm soát trên biển có thể sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh, mãi cho đến khi phía Trung Quốc tích cực khắc phục khó khăn thì cuối cùng họ mới cho phép đi qua. Mỹ rõ ràng là người biết và đứng đằng sau tất cả mọi việc này.

Trung Quốc đã lập tức tiến hành nghiên cứu nghiêm túc và kỹ càng đối với tàu sân bay Varyag, sau đó từ năm 2004 bắt đầu tiến hành sửa chữa và tân trang cho nó ở Nhà máy đóng tàu Đại Liên.

Khi đó, tình hình tàu sân bay cực kỳ khó khăn, phần lớn thiết bị đều phải lắp ráp lại, nghe nói thậm chí còn có bộ phận quan trọng nhất trong thiết bị động lực chính. Một phần dây cáp điện trên tàu sân bay cũng bị dỡ bỏ, các thiết bị còn thừa cũng bị làm cho khó nhận dạng được.

Tất cả các thiết bị điện tử và vô tuyến điện và trang bị vũ khí đều bị dỡ bỏ hết. Trên thực tế, tàu sân bay Varyag khi đó chỉ còn thừa một cái vỏ rỗng và một số thiết bị cũ nát không biết có dùng được nữa hay không.

Các kỹ sư Trung Quốc đã cải tạo thiết bị động lực của tàu sân bay, đã lắp thiết bị điện tử nội địa rất giống sản phẩm do Nga chế tạo và giếng phóng tên lửa chống hạm.

Ngoài ra cũng đã lắp xi-téc xăng dầu hàng không, đã mở rộng kho chứa máy bay. Vũ khí trang bị lắp mới về cơ bản toàn là sản phẩm trong nước, gồm hệ thống tên lửa phòng thủ tầm gần và pháo 30 mm.

Máy bay trực thăng Z-8 hạ cánh xuống tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay trực thăng Z-8 hạ cánh xuống tàu sân bay Liêu Ninh

Mặc dù tính năng của hệ thống phòng không tàu sân bay Trung Quốc không đạt được trình độ như hệ thống tương tự từng trang bị cho tàu sân bay Varyag trước đây và tàu sân bay hiện có Kuznetsov của Hải quân Nga, không thể hình thành mạng lưới hỏa lực phòng thủ tầm gần dày đặc nhất, nhưng những thứ này hoàn toàn không quan trọng, bởi vì tàu sân bay Liêu Ninh rất có thể vĩnh viễn sẽ không trở thành tàu sân bay dùng cho tác chiến.

Báo Nga cho rằng, trong cùng thời gian, Ukraina từng chào hàng trước tàu sân bay Varyag chưa hoàn thành cho Nga, khi đó chỉ cần 20-25 triệu USD.

Nhưng khi đó Nga không chỉ cơ bản không có sức để mua mới tàu sân bay, hơn nữa đến việc giữ vững hạm đội hiện có cũng rất khó khăn, hạm đội quân Nga bị phá hoại nghiêm trọng, rất nhiều tàu chiến chưa cũ đều bị bán với giá đồ kim loại bỏ đi.

Khi đó các nhà lãnh đạo Nga cơ bản không muốn dùng một đồng tiền nào để mua tàu sân bay, người Ukraina cũng không muốn gán nợ nó, nếu không Hải quân Nga hiện có thể sở hữu 2, chứ không phải 1 tàu sân bay.

Hiện nay, thách thức lớn nhất của tàu sân bay Trung Quốc là vấn đề trang bị máy bay chiến đấu. Những hình ảnh hạ cánh xuống tàu sân bay Liêu Ninh của các loại máy bay trực thăng đã được quảng bá rộng rãi, nhưng về máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay còn rất nhiều vấn đề và phỏng đoán.

Tàu sân bay Liêu Ninh được chụp vào ban đêm
Tàu sân bay Liêu Ninh được chụp vào ban đêm

Chẳng hạn, cách đây không lâu, hình ảnh máy bay đậu trên đường băng tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được truyền thông công khai, nhưng các chuyên gia sau đó nhận ra, đó chỉ là mô hình đặc biệt của máy bay chiến đấu, vì vậy tình hình có liên quan đến máy bay chiến đấu hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh tạm thời còn chưa có bất cứ sự xác nhận chính xác nào.

Đương nhiên, Trung Quốc cuối cùng sẽ có thể nắm chắc việc cất/hạ cánh máy bay chiến đấu trên đường băng tàu sân bay, hơn nữa sẽ nhanh chóng nắm được, dự kiến trong năm nay hoặc năm tới có thể tiến hành hạ cánh thử lần đầu tiên cho máy bay chiến đấu.

Báo Nga cho rằng, nếu nói rốt cuộc những máy bay trực thăng nào có thể đỗ trên tàu sân bay Liêu Ninh là một vấn đề rõ ràng ngay từ đầu, thì vấn đề máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay lại càng phức tạp.

Trung Quốc từng định mua vài chiếc máy bay Su-33 của Nga, nhưng đã bị Nga từ chối. Phía Nga đề nghị Trung Quốc mua số lượng lớn, động cơ rất đơn giản. Phía Nga cho rằng, xuất khẩu vài chiếc bình thường mà phải tái khởi động dây chuyền sản xuất Su-33 thì không có lợi về kinh tế, hơn nữa lo ngại Trung Quốc ăn cắp công nghệ của Nga, sau đó tiến hành sao chép.

Đường băng tàu sân bay Liêu Ninh chụp từ máy bay trực thăng Z-8
Đường băng tàu sân bay Liêu Ninh chụp từ máy bay trực thăng Z-8

Sau đó, Trung Quốc quyết định tự nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu phiên bản hải quân của mình, ý nghĩ nghiên cứu chế tạo ra máy bay chiến đấu J-10 phiên bản hải quân tuy không bị bác bỏ, nhưng lại đem gác xó, bởi vì máy bay chiến đấu một động cơ không thể cải tạo thành một máy bay chiến đấu phiên bản hải quân mạnh mẽ thực sự.

Trung Quốc đã lựa chọn một con đường ít khó khăn và trở ngại nhất, tìm cách và sở hữu được máy bay thử nghiệm ban đầu của Su-33 Nga từ Ukraina, sau đó tiến hành nghiên cứu và sao chép, đồng thời kết hợp với thành quả tự nghiên cứu của Trung Quốc, làm cho nó có một số thay đổi, cuối cùng đã nghiên cứu chế tạo ra máy bay J-15 “Cá mập bay”.

Phía Trung Quốc tuyên bố, J-15 sử dụng động cơ trong nước là WS-10. Nhưng, rất nhiều chuyên gia bày tỏ nghi ngờ đối với vấn đề này, suy đoán máy bay thử nghiệm của nó vẫn đang sử dụng động cơ AL-31F của Nga, hơn nữa còn có tin cho biết, J-15 nặng hơn Su-33, vì vậy vấn đề cất cánh trên đường băng tàu sân bay với đầy đủ đạn dược của máy bay này tạm thời vẫn chưa được giải quyết.

Theo báo Nga, không thể cho rằng cải tạo thành công tàu sân bay Varyag thành tàu sân bay Liêu Ninh hoàn toàn là do Trung Quốc tự thực hiện, cho dù rất nhiều công việc cơ bản đều do Trung Quốc tự hoàn thành, nhưng nếu không có sự viện trợ từ bên ngoài, phía Trung Quốc không thể hoàn toàn đảm đương được những công việc này.

Tàu sân bay hạng nặng Trung Quốc (tưởng tượng của dân mạng)
Tàu sân bay hạng nặng Trung Quốc (tưởng tượng của dân mạng)

Trên phương diện này, Trung Quốc vừa tích cực hợp tác với các chuyên gia đóng tàu của thành phố Nikolayev, Ukraina, vừa từng đến Nga xin sự trợ giúp của các nhà thiết kế tàu sân bay 11435.

Mấy năm trước, Trung Quốc còn nhập của Nga một phương án tàu sân bay cỡ trung bình được thiết kế trên nền tảng tàu sân bay 11435, phía Trung Quốc có thể sẽ tiến hành nghiên cứu và điều chỉnh đối với nó, tự nghiên cứu chế tạo tàu sân bay mới nội địa.

Dự kiến trong tương lai sẽ chế tạo 2 tàu sân bay nội địa, hơn nữa sẽ là tàu sân bay tác chiến, từ đó làm tái diễn lịch sử - tàu hộ vệ, tàu ngầm, tàu khu trục kiểu mới của Trung Quốc toàn là thành quả lớn trong hợp tác kỹ thuật quân sự Trung-Nga.

Hơn nữa, người Trung Quốc còn có tham vọng lớn hơn, đã có tin cho rằng Trung Quốc sẽ nghiên cứu chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân cỡ lớn, đồng thời sử dụng máy phóng cho máy bay hải quân, từ bỏ phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu.
Tàu sân bay Trung Quốc (tưởng tượng)
Tàu sân bay Trung Quốc (tưởng tượng)
Việt Dũng