Nga thực sự không hề tin vào sự minh bạch quân sự của Trung Quốc

28/07/2013 08:41
Đông Bình
(GDVN) - Báo Nga không tin là Trung Quốc chỉ sở hữu 250 đầu đạn hạt nhân khi nhìn vào thực tế cộng với sự không minh bạch về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Đầu đạn hạt nhân
Đầu đạn hạt nhân

Ngày 24 tháng 7, tuần báo "Người đưa tin công nghiệp quân sự" Nga đăng bài viết nhan đề "Đại lễ hạt nhân của Trung Quốc: Trung Quốc có thể sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới" của tác giả Alexander Khramchikhin, phó viện trưởng Viện nghiên cứu phân tích chính trị-quân sự Nga.

Bài viết cho rằng, nếu đánh giá kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc từ góc độ năng lực sản xuất, thì họ ít nhất có thể có vài nghìn đầu đạn hạt nhân, thậm chí hàng chục nghìn quả.

Theo báo Nga, Trung Quốc không tiết lộ bất cứ tài liệu chính thức nào về quy mô kho vũ khí hạt nhân, trong tương lai gần chắc cũng sẽ không công bố.

Bắc Kinh không dự định thảo luận về quy mô và tình hình triển khai kho vũ khí hạt nhân, chỉ tuyên bố số lượng đầu đạn hạt nhân của mình rất ít, đồng thời lấy đó làm cớ, kiên quyết từ chối tham gia bất cứ cuộc đàm phát cắt giảm vũ khí hạt nhân nào.

Những tài liệu phi chính thức về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được phần lớn các nguồn tin của phương Tây cung cấp chẳng qua là những phỏng đoán không đâu, quả thực đều giải thích không hết.

Các cơ quan nghiên cứu nổi tiếng phương Tây như Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm và Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế London cho rằng, Trung Quốc sở hữu không đến 250 đầu đạn hạt nhân. Nhưng, trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc mỗi năm có thể chế tạo không dưới 140 đầu đạn hạt nhân. Mặc dù một phần đầu đạn cũ đã bị dỡ bỏ, thì con số 250 như dự đoán trở nên rất khôi hài.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc

Bài viết chỉ ra, nếu đánh giá kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc từ góc độ năng lực sản xuất, thì họ ít nhất có thể sở hữu hàng nghìn đầu đạn hạt nhân, thậm chí hàng chục nghìn đầu đạn là có khả năng. Công nghiệp hạt nhân của Trung Quốc có thể bảo đảm quy mô sản xuất này.

Cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc được tiến hành vào năm 1964. Rất nhiều truyền thông phương Tây và Nga đều sử dụng con số 250, lẽ nào trong hơn 40 năm qua Trung Quốc chỉ chế tạo 250 đầu đạn hạt nhân? Năng lực nghiên cứu chế tạo và sản xuất của Pakistan đều không thể sánh ngang với Trung Quốc. Trong 13 năm đều có thể chế tạo được 110 đầu đạn hạt nhân.

Theo bài viết, số lần đề cập tới tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa chiến thuật của Trung Quốc là “nhiều nhất”. Nhưng, những con số này có thể chỉ là số lẻ của số lượng thực tế.

Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc và hệ thống đường hầm dưới lòng đất khổng lồ yểm hộ cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho thấy, Trung Quốc có thể có gần 1.000 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, còn số lượng tên lửa đạn đạo tầm trung cũng sẽ không thấp hơn con số này.

Xét tới mấy loại tên lửa đã hoạt động hơn 40 năm trong lịch sử sản xuất của Trung Quốc, tổng cộng số lượng của chúng có lẽ không dưới 5.000 quả.

Bài viết cho rằng, nói chung, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc còn nhiều hơn tổng cộng của Anh, Pháp và 4 cường quốc hạt nhân phi chính thức (Ấn Độ, Pakistan, Israel và CHDCND Triều Tiên), điều này không nên nghi ngờ. Nếu so sánh kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc với Mỹ, Nga thì kết quả rất khó phán đoán.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 Trung Quốc, tầm phóng 14.000 km.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 Trung Quốc, tầm phóng 14.000 km.

Nhưng, xét tới Mỹ và Nga đã cắt giảm quy mô lớn khu vực hạt nhân ở các cấp độ sau Chiến tranh Lạnh, có thể chắc chắn cho rằng, số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ít nhất có thể sánh ngang với Mỹ, Nga, thậm chí có thể nhiều nhất thế giới.

Ở đây không nên xem thường yếu tố địa lý. Tính năng của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Trung Quốc xem ra vẫn thua Mỹ, nhưng khoảng cách ngày càng thu hẹp, Trung Quốc còn đang sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới DF-41.

Bài viết chỉ ra, trong tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân toàn diện và triệt để, Trung Quốc có lẽ sẽ giống như Mỹ giành chiến thắng dựa vào lượng lớn vũ khí thông thường có tính năng tốt trong những năm gần đây.

Nhưng, Trung Quốc hiện vẫn lạc hậu xa so với Mỹ trong lĩnh vực vũ khí chính xác cao, vì vậy vũ khí hạt nhân có thể bù đắp cho khoảng cách này. Vai trò chính của vũ khí hạt nhân là ở mối đe dọa tiềm tàng, một khi sử dụng nó sẽ gây ra tai họa đáng sợ cho loài người.

Tên lửa đạn đạo JL-2 phóng từ tàu ngầm, Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo JL-2 phóng từ tàu ngầm, Trung Quốc
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Đông Bình