Nga và phương Tây: Trừng phạt và đáp trả trừng phạt

01/05/2014 08:54
Việt Dũng
(GDVN) - Mỹ đã đưa ra danh sách trừng phạt bổ sung, phía EU và Nhật Bản cũng phối hợp trừng phạt Nga, nhưng Nga sẽ không ngồi im và kiên quyết đáp trả.

Mỹ, EU và Nhật Bản bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với Nga

Theo hãng tin Reuters ngày 28 tháng 4, vào thứ Hai vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, Mỹ sẽ đưa ra biện pháp trừng phạt mới đối với cá nhân và doanh nghiệp của Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Cuối tuần qua, Chính phủ Mỹ cho biết, biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân và doanh nghiệp thân cận Tổng thống Nga Putin, đồng thời đặt ra hạn chế mới cho xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao đối với ngành quốc phòng Nga.

Tổng thống Mỹ Barack Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama

Theo ông Obama, Mỹ và đồng minh cân nhắc các biện pháp trừng phạt giai đoạn tiếp theo, mục tiêu nhằm vào các ngành như ngân hàng và quốc phòng.

Các phương tiện truyền thông Nga đưa tin, ngày 28 tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry trả lời phỏng vấn tờ "Nhật báo phố Wall" Mỹ cho biết, Mỹ sắp tiến hành trừng phạt đối với một loạt lĩnh vực kinh tế của Nga.

"Hiện nay, chúng tôi đã tiếp cận hành động như vậy (trừng phạt Nga trong lĩnh vực kinh tế như năng lượng, tài chính và quốc phòng). Nếu họ (nhà cầm quyền Nga) tiếp tục lựa chọn con đường này, chúng tôi sẽ làm như vậy" - ông Kerry nói.

Ông John Kerry đã lên án Nga không áp dụng các "biện pháp cụ thể" để làm dịu tình hình căng thẳng ở miền đông Ukraine, đồng thời cảnh báo Nga sẽ phải trả giá cao cho vấn đề này. Cùng ngày, Mỹ tuyên bố tiến hành trừng phạt đối với 7 quan chức và 17 doanh nghiệp Nga.

Tờ "Tài chính kinh tế" Trung Quốc ngày 29 tháng 4 cũng cho biết, Mỹ đã ra tuyên bố tiến hành trừng phạt đối với 7 quan chức Nga và 17 công ty có liên quan đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Giám đốc điều hành Gazprom (ông trùm khí đốt nhà nước Nga) Alexei Miller không nằm trong danh sách trừng phạt, vòng trừng phạt thứ hai hầu như không khắc nghiệt như dự kiến.

Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết, tài sản của tất cả các cá nhân và công ty bị trừng phạt sẽ bị Mỹ đóng băng. Hơn nữa, những cá nhân và công ty này sẽ cấm liên hệ hoạt động với các cá nhân và thực thể có liên quan của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 17 tháng 4 năm 2014
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 17 tháng 4 năm 2014

Trước đó, ông Obama cho biết: "Mục tiêu trừng phạt không nhằm vào cá nhân ông Putin, mà là muốn để ông hiểu rõ, hành động của Nga hiện nay ở Ukraine sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đối với kinh tế Nga, từ đó thúc đẩy ông phải có hành động thực tế, thông qua ngoại giao giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, chứ không phỉa chỉ dừng lại ở lời nói". Nếu Nga tiếp tục "xâm lược" Ukraine, Mỹ sẽ tiến hành trừng phạt nhiều hơn.

Phó Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Tony Blinken cho biết, danh sách trừng phạt mới là nhằm vào những nhân vật thân cận với Tổng thống Nga Putin, họ có ảnh hưởng quan trọng tới nền kinh tế Nga. Biện pháp trừng phạt sẽ liên quan đến xuất khẩu công nghệ cao, gây ảnh hưởng đến công nghiệp quốc phòng Nga.

Theo bài báo, hiện nay, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine, nền kinh tế Nga đối mặt với khó khăn rất lớn. Chỉ trong quý 1 năm 2014, vốn từ Nga chảy ra ngoài có thể đã lên tới 70 tỷ USD, vượt mức cả năm 2013.

Thứ trưởng Kinh tế Nga Sergei Belyakov tháng trước cho biết, tình hình kinh tế hiện nay đã lộ ra "dấu hiệu khủng hoảng rõ rệt". Một quan chức Nga khác cho biết, kinh tế Nga có thể sẽ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm. Tín dụng Nga bị hạ bậc xếp hạng xuống BBB-.

Trong danh sách trừng phạt mới có giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin. Theo trang mạng Quartz, Mỹ trừng phạt Sechin không phải là do ông có thể mang đến bao nhiêu tài sản cá nhân cho Putin, mà là do Rosneft là "cứ điểm tiến công" của Nga trong hợp tác với các ông trùm dầu mỏ phương Tây như Mobil, BP, kiểm soát được Rosneft thì đã "tóm chặt" được "7 tấc" của chiến lược năng lượng Putin. Dưới đây là danh sách trừng phạt:

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin

7 quan chức Nga bị trừng phạt

Oleg Belavantsev - đặc phái viên của Tổng thống Nga ở Crimea;

Sergei Chemezov - tổng giám đốc Công ty phát triển, chế tạo và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao Nga (Rostec);

Dmitry Kozak - Phó Thủ tướng Liên bang Nga;

Evgeniy Murov - Cục trưởng Cục An ninh quốc gia Liên bang Nga;

Aleksei Pushkov - đại biểu Duma quốc gia Nga;

Igor Sechin - CEO của Công ty dầu mỏ quốc doanh Nga Rosneft;

Vyacheslav Volodin - phó chủ nhiệm thứ nhất Văn phòng hành chính Tổng thống Nga;

Doanh nghiệp Nga bị Mỹ trừng phạt

Những doanh nghiệp bị trừng phạt lần này chủ yếu vẫn là Genady Timchenko có liên hệ chặt chẽ với Putin và công ty con do tập đoàn Volga kiểm soát.

Timchenko còn là người sáng lập chung của Công ty dầu mỏ Nga Gunvor, bị nghi là "gà đẻ trứng vàng" của ông Putin. Như vậy, ông Obama muốn cắt đứt nguồn tài chính của ông Putin. Danh sách các doanh nghiệp bị Mỹ trừng phạt như sau:

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Kozak và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Kozak và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Ngân hàng InvestCapital và ngân hàng SMP, lần lượt do Arkady và Boris Rotenberg kiểm soát.

Stroygazmontazh, Công ty xây dựng đường ống khí đốt, do Arkady Rotenberg sở hữu hoặc kiểm soát.

Tập đoàn Volga, công ty đầu tư tư nhân do Gennady Timchenko thành lập năm 2007.

Transoil, công ty vận tải đường sắt Nga, chuyên vận chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, do tập đoàn Volga và Timchenko sở hữu hoặc kiểm soát.

Aquanika, công ty nước khoáng và đồ uống Nga, do tập đoàn Volga và Timchenko sở hữu hoặc kiểm soát.

Avia Group, có liên quan đến xây dựng hạ tầng mặt đất sân bay Moscow, do tập đoàn Volga và Timchenko sở hữu hoặc kiểm soát.

Avia Group Nord, có liên quan đến xây dựng công trình mặt đất sân bay St. Petersburg, do tập đoàn Volga và Timchenko sở hữu hoặc kiểm soát.

Cổ phần khống chế Stroytransgaz, Công ty cổ phần khống chế tài sản xây dựng cơ bản, do tập đoàn Volga và Timchenko sở hữu hoặc kiểm soát.

Tập đoàn Stroytransgaz, tập đoàn xây dựng Nga, do tập đoàn Volga và Timchenko sở hữu hoặc kiểm soát.

Thỏa thuận Geneva về Ukraine sẽ bị mất hiệu lực?
Thỏa thuận Geneva về Ukraine sẽ bị mất hiệu lực?

Công ty Stroytransgaz OJSC, công ty xây dựng chuyên về điện lực, do tập đoàn Volga và Timchenko sở hữu hoặc kiểm soát.

Công ty TNHH Stroytransgaz-M, công ty xây dựng chuyên về các công trình dân dụng như dầu mỏ, khí đốt, do tập đoàn Stroytransgaz, tập đoàn Volga và Timchenko kiểm soát.

Công ty Abros, một ngân hàng đầu tư do Bank Rossiya sở hữu hoặc kiểm soát. Bank Rossiya bị từng phạt vào ngày 20 tháng 3 năm 2014, do Yuri Kovalchuk sở hữu hoặc kiểm soát, Yuri Kovalchuk cũng bị trừng phạt vào ngày 20 tháng 3.

CJSC Zest do Bank Rossiya sở hữu hoặc kiểm soát.

JSB Sobinbank do Bank Rossiya sở hữu hoặc kiểm soát.

Theo đánh giá của hãng tin Reuters Anh, mức độ trừng phạt lần này của Mỹ đối với Nga rất nhỏ, khó có thể ngăn chặn hành động tiếp theo của Moscow ở Ukraine.

Phản ứng của bên ngoài cũng cho thấy, Tổng thống Mỹ Obama hiện đối mặt với 2 hoàn cảnh khó khăn: Làm thế nào để sử dụng các biện pháp trừng phạt vừa có thể trừng phạt hành động can thiệp Ukraine của Nga, vừa không gây hại cho các nước châu Âu và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có liên hệ tài chính chặt chẽ với Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Đức Gernot Erler lên tiếng trừng phạt Nga
Thứ trưởng Ngoại giao Đức Gernot Erler lên tiếng trừng phạt Nga

Mỹ tiến hành trừng phạt Nga là do Nhà Trắng cho rằng, Moscow đã không tuân thủ thỏa thuận giải quyết cuộc khủng hoảng đạt được vào ngày 17 tháng 4 vừa qua.

Washington cho biết, Mỹ sẽ từ chối cấp giấy phép xuất khẩu bất cứ hàng hóa công nghệ cao nào có thể dùng để nâng cao sức mạnh quân sự của Nga. Nhà Trắng cho biết, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn toàn không thu hồi giấy phép xuất khẩu hiện có phù hợp với điều kiện trên.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, đợt trừng phạt mới có mức độ khá nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán, nó là sự tiếp diễn của cách làm hiện nay.

Kết thúc chuyến thăm châu Á, Tổng thống Mỹ Obama cho biết, nếu Nga áp dụng hành động quân sự sâu hơn đối với Ukraine, Mỹ sẽ tiến hành trừng phạt đối với Nga trong lĩnh vực kinh tế, gồm dịch vụ tài chính, năng lượng, kim loại và khoáng sản, xây dựng và quốc phòng.

Ngoài ra, theo báo chí Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Đức Gernot Erler trả lời phỏng vấn cho biết, EU sẽ mở rộng lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản tới 15 người khác của Nga.

Trong khi đó, ngày 29 tháng 4, Chính phủ Nhật Bản cũng ra tuyên bố trừng phạt bổ sung đối với Nga, tạm thời không phát thị thực cho 23 người thuộc Chính phủ Nga. Lý do trừng phạt là Nga không thực hiện thỏa thuận Geneva làm giảm tình hình căng thẳng ở Ukraine, tiếp tục "xâm phạm" chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trước đó, trong tháng 3, Chính phủ Nhật Bản cũng đã áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm tạm thời không khởi động đàm phán 3 hiệp định quốc tế có liên quan đến đầu tư, phát triển vũ trụ.

Nhật Bản phối hợp với Mỹ trừng phạt Nga
Nhật Bản phối hợp với Mỹ trừng phạt Nga

Nga cảm thấy “kinh tởm”, sẽ kiên quyết đáp trả, nhưng Nga sẽ mạnh hơn

Đối với việc Mỹ, EU áp lệnh trừng phạt mới đối với Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga đã đi ngược lại phương thức trao đổi giữa các nước văn minh.

Theo Sergei Ryabkov, Nga sẽ buộc phải đáp trả. "Chúng tôi không thể ngồi im, không thể không có phản ứng thực tế, chúng tôi sẽ quyết định áp dụng phương thức nào đó để đáp trả, Mỹ đã gia tăng khiêu khích" - Sergei Ryabkov nói và cho biết, ông cảm thấy "kinh tởm" về việc Nhà Trắng đưa ra biện pháp trừng phạt mới.

Theo báo chí phương Tây, tầng lớp lãnh đạo Nga luôn coi thường việc trừng phạt của Mỹ, cho rằng, trừng phạt sẽ không có hiệu quả, hơn nữa về lâu dài, trừng phạt của phương Tây thực tế sẽ làm cho kinh tế Nga mạnh hơn.

Tổng thống Nga Putin mới đây tuyên bố, trừng phạt của phương Tây đem lại mấy lợi ích cho Nga, việc trừng phạt của phương Tây đang hỗ trợ cho các công ty trong nước ở Nga, cho phép rất nhiều nguồn vốn ở nước ngoài rút về Nga, giúp cho các nhà hoạch định chính sách nỗ lực xây dựng hệ thống thanh toán trong nước.

Thủ tướng Nga Medvedev cũng khẳng định, phương Tây tiếp tục trừng phạt chỉ có thể làm cho Nga mạnh hơn. Ngày 22 tháng 4, ông nhấn mạnh: "Do phương Tây trừng phạt, Nga hiện đã có động lực giảm lệ thuộc vào bên ngoài, đồng thời đã tăng cường tính tự cấp cho kinh tế khu vực".

Việc hạn chế hàng hóa Nga vào EU và Mỹ sẽ làm cho xuất khẩu của Nga chuyển hướng sang thị trường châu Á, trong khi đó châu Á là thị trường thịnh vượng và vững chắc hơn.

Putin và Obama: Đối đầu Nga-Mỹ ở Ukraine
Putin và Obama: Đối đầu Nga-Mỹ ở Ukraine

Được biết, Công ty dầu mỏ Anh (BP) sở hữu tới 20% cổ phần của Công ty dầu mỏ Nga (Rosneft), BP cũng sẽ không gián đoạn quan hệ với Rosneft. Người phát ngôn BP cho biết, họ sẽ tiếp tục cam kết đầu tư đối với Rosneft, họ vẫn dự định làm nhà đầu tư lâu dài ở Nga.

Tuy nhiên, Công ty dầu mỏ Shell thì cho biết, sẽ dựa vào quy định có liên quan của Mỹ để hành động. Công ty này cũng có quan hệ thương mại với Rosneft Nga.

Trong khi đó, đối với việc trừng phạt bổ sung của Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố bày tỏ "thất vọng" và cho biết Nga sẽ tiến hành đáp trả đối với sự trừng phạt này.
Việt Dũng