Nga vẫn sẽ là nước cung ứng vũ khí lớn nhất của Ấn Độ trong tương lai gần

28/01/2015 09:52
Việt Dũng
(GDVN) - Quan hệ hợp tác Nga-Ấn là bình đẳng, Nga tham gia 200 chương trình hợp tác, trong đó có hợp tác sản xuất vũ khí công nghệ cao; Pháp có thể thua cuộc.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ, mua của Nga, tiên tiến hơn máy bay cùng loại của Trung Quốc. Ấn Độ có thể dùng máy bay Su-30 Nga thay thế Rafale Pháp.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ, mua của Nga, tiên tiến hơn máy bay cùng loại của Trung Quốc. Ấn Độ có thể dùng máy bay Su-30 Nga thay thế Rafale Pháp.

Mạng "Sputnik" Nga ngày 25 tháng 1 đưa tin, trường quân sự Nga sẽ đào tạo sĩ quan cho Ấn Độ; Bộ tổng tham mưu hai nước sẽ phát triển cơ chế tham vấn với nhau; số lượng các cuộc diễn tập quân sự của lực lượng vũ trang Nga-Ấn sẽ không ngừng tăng lên.

Trong quá trình Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thăm Ấn Độ cách đây không lâu, hai bên đã đạt được đồng thuận về những vấn đề cơ bản này.

Trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, Nga và Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận về việc đẩy nhanh nghiên cứu phát triển máy bay thế hệ thứ năm FGFA.

Công tác của hai bên trên các phương diện như nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải đa năng, tên lửa hành trình BrahMos cỡ nhỏ siêu âm cũng sẽ tiếp tục. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ còn sản xuất máy bay trực thăng Ka-22T.

Được biết, Nga sẽ mở rộng cung ứng máy bay chiến đấu Su-30 cho Ấn Độ. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar chỉ ra, nếu như giao dịch mua sắm máy bay chiến đấu Pháp bị gián đoạn, máy bay do Nga sản xuất sẽ thay thế Rafale Pháp.

Năm 2012, Pháp tranh thầu thành công, chuẩn bị cung ứng máy bay chiến đấu Rafale cho Không quân Ấn Độ, nhưng hợp đồng chậm chạp chưa thể ký kết. Sau khi kết thúc tranh thầu, người Pháp đã tăng gấp đôi giá trị chế tạo máy bay chiến đấu, Ấn Độ rất không hài lòng đối với vấn đề này.

Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do Ấn-Nga hợp tác chế tạo
Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do Ấn-Nga hợp tác chế tạo

Theo tổng biên tập "Kho binh khí Tổ quốc" Nga Viktor Murakhovsky, phía Pháp còn từ chối lắp ráp máy bay chiến đấu ở Ấn Độ, cho dù trong hợp đồng có quy định như vậy, "trên máy bay chiến đấu Pháp hoàn toàn không phải tất cả thiết bị đều tự nghiên cứu phát triển.

Rafale là thành quả hợp tác giữa các doanh nghiệp, trong đó có một số mô đun đến từ Mỹ. Vì vậy, công ty Dassault mặc dù là doanh nghiệp sản xuất chính, nhưng không thể bảo đảm cung ứng thiết bị không do họ sản xuất".

Viktor Murakhovsky cho rằng, khả năng máy bay chiến đấu do Nga sản xuất thay thế máy bay chiến đấu do Pháp sản xuất hoàn toàn không phải tùy thuộc vào ưu thế bay và chiến đấu. "Chủ lực của máy bay chiến đấu Ấn Độ là Su-30MKI.

Đây là bản sao của máy bay chiến đấu Nga, là nghiên cứu chế tạo riêng theo yêu cầu của Ấn Độ. Đối với loại máy bay này, vừa cung ứng máy bay thành phẩm, vừa cung ứng mô đun. Vì vậy, doanh nghiệp Ấn Độ cũng tham gia sản xuất. Nhưng đối với máy bay chiến đấu Rafale Pháp, một chút ưu đãi Ấn Độ cũng không có được".

Đặc điểm hợp tác của Nga-Ấn là quan hệ đối tác bình đẳng. Rất nhiều nhà quan sát độc lập cho rằng, trong thực tiễn thế giới, loại quan hệ này là chưa từng có. "Hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga vẫn là vững chắc, bởi vì Nga cung cấp chương trình hợp tác sản xuất vũ khí công nghệ cao cho Ấn Độ" - chuyên gia quân sự, sĩ quan không quân nghỉ hưu Ấn Độ B. Singh chỉ ra.

Theo bài báo, Nga tham gia 200 chương trình hợp tác Nga-Ấn, trong tương lai gần, Nga vẫn sẽ là nước cung ứng vũ khí lớn nhất của Ấn Độ.

Tàu sân bay INS Vikramaditya Hải quân Ấn Độ, mua của Nga
Tàu sân bay INS Vikramaditya Hải quân Ấn Độ, mua của Nga
Việt Dũng