Nga 'vỡ mộng' với máy bay ném bom 'siêu vượt âm'

17/11/2012 08:07
Theo Tiền Phong
Những mẫu máy bay ném bom tàng hình tầm xa PAK-DA sẽ không được thiết kế đạt tốc độ bay siêu vượt âm.
RIA Novosti trích dẫn lời của chỉ huy Lực lượng hàng không tầm xa Nga, Trung tướng Zhikharev nói rằng, dự án phát triển máy bay ném bom tầm xa tương lai của Nga, có tên là PAK-DA, đang được phát triển và đó sẽ không phải là một máy bay có khả năng bay siêu vượt âm.

"PAK-DA, hiện đang trong quá trình phát triển, sẽ không có tốc độ bay siêu vượt âm", Tướng Zhikharev nói với RIA Novosti hôm 14/11.

Nguyên mẫu PAK DA đầu tiên sẽ được đưa vào phục vụ trong khoảng năm 2020, ông Zhikharev nói thêm.

Siêu vượt âm là qui định tốc độ cao hơn cả tốc độ siêu âm, thường được giới hạn đạt từ Mach 5.0 trở lên, tốc độ này có thể chỉ được sử dụng trong công nghệ đẩy tiên tiến như động cơ phản lực tĩnh siêu âm ramjet hay scramject. Hiện nay chưa có loại máy bay có người lái nào được ứng dụng công nghệ như vậy.

Máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-160 của Nga.
Máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-160 của Nga.

Tuyên bố của ông Zhikharev được đưa ra sau một cuộc trao đổi kéo dài giữa các phương tiện truyền thông với các quan chức cấp cao của Lực lượng không quân Nga, trong đó gồm cả Phó Thủ tướng Rogozin - người có trách nhiệm đặc biệt trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Trước đó, trong tháng 8-2012, ông Rogozin từng tuyên bố lặp đi lặp lại rằng, Nga sẽ phát triển một máy bay siêu vượt âm cho tổ hợp ném bom tầm xa tương lai PAK DA của họ.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta cần hưởng ứng con đường đi theo công nghệ siêu vượt âm và chúng ta đang tiến theo hướng đó, chúng ta sẽ không bị bỏ lại phía sau người Mỹ", ông Rogozin nói với kênh truyền hình Rossiya 24 trong tháng 8.

Hồi tháng 6-2012, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh phát triển một máy bay ném bom tầm xa mới cho hàng không chiến lược.

Trong suốt hội nghị với các quan chức quốc phòng, ông Putin phát biểu rằng: "Chúng ta phải phát triển và làm việc trên máy bay ném bom tầm xa PAK-DA mới cho hàng không tầm xa. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng theo quan điểm khoa học - công nghệ, nhưng chúng ta cần phải làm việc".

Ban đầu, ông Rogozin từng nói trong tháng 6-2012 rằng, Nga không cần phải tạo ra PAK-DA để thay thế cho những máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa hành trình Tu-160 và Tu-95MS đang lỗi thời.

"Những máy bay như vậy (PAK-DA) sẽ không cần thiết, không phải chúng ta và cũng không phải họ (kẻ thù)", ông Rogozin nói trong một cuộc phỏng vấn của tờ Izvestia. "Với sự phát triển của công nghệ tên lửa phòng không hiện nay, những máy bay như PAK-DA sẽ không có cơ hội xâm nhập vào không phận đối phương", ông Rogozin giải thích.

Tuy nhiên sau đó, ông Rogozin lại ủng hộ phát triển một máy bay ném bom tương lai, nhưng yêu cầu PAK-DA không được sao chép loại máy bay ném bom tàng hình B-2 của hãng Northrop Grumman (Mỹ) và phải triển khai công nghệ siêu vượt âm.

Trong tháng 5-2012, ông Rogozin đã kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng Nga phát triển vũ khí hàng không siêu vượt âm cho hệ thống tấn công tương lai. Trong đó, ông trích dẫn những dự án siêu vượt âm điển hình mà người Mỹ đang làm việc như X-51, Falcon, HiFire và HyFly.

Một số nhà phân tích cho rằng bình luận về công nghệ siêu vượt âm trên máy bay ném bom tàng hình PAK-DA mà ông Rogozin đề cập có khả năng liên quan tới một loại tên lửa phóng từ trên không trong tương lai, chứ không phải là một máy bay ném bom.
Theo Tiền Phong