Ngày đầu tiên không cất cánh, đội bay và nhân viên Air Mekong về đâu?

01/03/2013 10:48
Hà Nhi
(GDVN) - Ông Trương Thành Vũ, Thương mại và Dịch vụ Air Mekong cho biết: Kể từ 1/3/2013, sau khi Air Mekong tạm ngừng bay, với đội ngũ cán bộ công nhân viên “ai phục vụ cho nhu cầu công việc tiếp theo thì tiếp tục thực hiện công việc, còn những ai không liên quan thì chấm dứt theo hợp đồng lao động”.

Chấm dứt hợp đồng những ai không liên quan
Hôm nay (1/3), ngày đầu tiên sau khi Air Mekong chính thức tạm ngừng bay, gọi điện tới đường dây nóng của hãng, nhân viên trực tổng đài cho biết: Cho tới thời điểm này vẫn có khách liên lạc tới để đặt vé. Tuy vậy, Air Mekong từ chối nhận khách và giải thích lý do: Hãng sẽ tạm dừng phục vụ bay trong vòng 3 – 6 tháng để tái cơ cấu đội bay và nhân sự.
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam vào chiều 28/2, ông Trương Thành Vũ - Giám đốc Thương mại và Dịch vụ Air Mekong cho hay, từ 1/3/2013, khi hãng hàng không tư nhân thứ ba của Việt Nam với logo sếu đầu đỏ Air Mekong ngừng bay, đội ngũ nhân viên sẽ được phân công công việc tùy theo tình hình của công ty.

Ông Trương Thành Vũ - Giám đốc Thương mại và Dịch vụ Air Mekong cho hay, từ 1/3/2013: Ai phục vụ cho nhu cầu công việc tiếp theo thì tiếp tục thực hiện công việc, còn những ai không liên quan thì chấm dứt theo hợp đồng lao động.
Ông Trương Thành Vũ - Giám đốc Thương mại và Dịch vụ Air Mekong cho hay, từ 1/3/2013: Ai phục vụ cho nhu cầu công việc tiếp theo thì tiếp tục thực hiện công việc,  còn những ai không liên quan thì chấm dứt theo hợp đồng lao động.


>> Xem chi tiết về việc Air Mekong tạm ngừng bay tại đây


“Ai phục vụ cho nhu cầu công việc tiếp theo thì tiếp tục thực hiện công việc, còn những ai không liên quan thì chấm dứt theo hợp đồng lao động” – ông Vũ nói.
Cũng chia sẻ trên trang Facebook, thông tin từ Air Mekong tiết lộ: “Tùy theo điều kiện và khả năng đáp ứng, nhân viên của Air Mekong có thể thuyên chuyển sang các công ty khác trong tập đoàn BIM như Elite và Bim bất động sản”.
Ngoài ra, được biết 4 chiếc Bombardier CRJ900 (90 chỗ do Canada sản xuất), trước đây Air Mekong  thuê của SkyWest (Mỹ), giờ sẽ trả lại cho SkyWest. 
Trước đó, chuyến bay cuối cùng của Air Mekong lúc 14h40 ngày 28/2 vẫn đầy khách. Tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày cuối cùng bay, nhân viên bán vé của hãng tâm sự với phóng viên VNE rằng: Chị rất buồn vì đây là ngày làm việc cuối. Sau hôm nay, chị sẽ ở nhà và chờ ngày hãng bay trở lại để tiếp tục công việc.
Việc chuyển đổi đội bay của Air Mekong có thể kéo dài vài tháng, chính vì vậy, theo lời khuyên của ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng cục Hàng không Việt Nam: Air Mekong nên duy trì đội ngũ nhân sự hiện tại. 
“Bởi nếu Air Mekong giải quyết việc dừng bay không khéo, đội ngũ nhân sự của hãng lại ly tán thì khả năng tập hợp lại sẽ rất khó. Đây cũng là một khó khăn cho Air Mekong” – Phó Cục trưởng Cục Hàng không nhấn mạnh.
Khi được hỏi về kế hoạch bay trở lại, đại diện của Air Mekong cho biết: Hiện tại, hãng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể khi nào bay lại.
Ông Trương Thành Vũ khẳng định: “Khi nào bay lại thì chúng tôi sẽ công bố”.

Chống độc quyền hàng không, bài toán khó với cơ quan quản lý

Có thể nói, sau một thời gian tham gia vào lĩnh vực hàng không của tư nhân, thị trường hàng không Việt Nam đã trở nên sôi động nhưng một thực tế là, tất cả các hãng hàng không bao gồm nhà nước và tư nhân đều đang gặp khó, chưa hãng nào báo lãi. Một câu hỏi được đặt ra là: Sau Air Mekong, liệu có còn đơn vị nào phải từ bỏ giấc mơ bay? Và làm thế nào để chống độc quyền trong thị trường hàng không?
Cho dù độc quyền là doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước thì đây cũng là bài toán khó với cơ quan quản lý” – Một chuyên gia hàng không nhận định.
Bởi, đối với hàng không nhà nước, cơ quan quản lý phải sử dụng các chế tài để kích thích, cũng như kiểm soát để bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp. 
Còn nếu là tư nhân, họ hoạt động theo quy định của luật pháp, nếu có lợi nhuận thì bay, và để bảo đảm lợi nhuận chắc chắn giá vé sẽ thay đổi, tăng lên để bù đắp chi phí mà họ bỏ ra sau một thời gian đầu tư. Nếu không có lợi nhuận, họ chuyển sang đầu tư lĩnh vực khác, bỏ mặc thị trường hàng không – lúc này, Nhà nước không thể dùng chế tài để "bắt" họ bay như doanh nghiệp có vốn nhà nước nhằm bảo đảm lưu thông vận tải hàng không.
Như vậy, câu chuyện Vietnam Airlines (VNA) độc quyền là yếu tố lịch sử từ trước đến nay, nhưng nếu nhìn theo góc độ kinh tế, nếu trong một tình huống nào đó, tư nhân thống lĩnh thị trường hàng không thì câu chuyện lặp lại cũng có thể xảy ra và rủi ro cũng có thể cao hơn.
Bởi vì, với thực trạng doanh thu không bù đắp được chi phí như hiện nay, ngoại trừ các hãng ngừng bay, hãng nào tồn tại cũng sẽ phải điều chỉnh giá vé để có thể cân đối hoạt động kinh doanh.
“Điều đó có nghĩa là: Dù  nhà nước hay tư nhân thì giá vé cũng có thể điều chỉnh nếu họ độc quyền. Vì vậy, làm thế nào để tránh độc quyền là điều mà Nhà nước nên làm” – một chuyên gia hàng không nhấn mạnh.
Cũng nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn&Bảo vệ NTD Việt Nam đã từng đưa ra quan điểm: “Độc quyền vừa vi phạm Luật cạnh tranh, vừa dẫn đến cửa quyền, kể cả trong giá cả và cung cách phục vụ. Tôi cho rằng, trừ những lĩnh vực thuộc an ninh quốc gia hoặc “quốc kế dân sinh”, Nhà nước phải nắm, còn lại cần khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. Từ đó, người tiêu dùng mới có điều kiện để lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho mình”. 
Chính vì thế, “việc tái cơ cấu một doanh nghiệp nào đó mà dẫn đến độc quyền, không chỉ người tiêu dùng  mà ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước về cạnh tranh với trách nhiệm chống cạnh tranh không lành mạnh cũng sẽ phải lên tiếng” – ông Hùng kết luận.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi