Nghẹn lòng những nấm mộ chung trên miền đất lửa

27/07/2016 12:04
HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG
(GDVN) - Tuy các anh không sinh cùng ngày tháng nhưng hôm nay được chiến đấu và yên nghỉ cùng nhau dưới một mái nhà chung.

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp viếng thăm Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9). Nằm ngay bên QL9, đây là con đường chiến lược nối từ biên giới Việt Lào về Đông Hà.

Nhằm cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, Mỹ từng lập nhiều cứ điểm, lô cốt vững chắc dọc trục đường này.

Bằng sự kiên cường, quân và dân ta đã biến đây trở thành “nỗi kinh hoàng” cho quân địch. Thế nhưng để làm nên những chiến công đó, đã có rất nhiều chiến sĩ anh dũng ngã xuống hóa thân vào lòng đất mẹ.

Khu mộ tập thể với 8 ngôi mộ khác nhau tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Ảnh: B.Sương
Khu mộ tập thể với 8 ngôi mộ khác nhau tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Ảnh: B.Sương

Tìm nhau giữa những ngày tháng 7

Ông Hoàng Chí - Trưởng ban quản lý NTLS Đường 9 cho biết: “Phần đông các liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 đều còn rất trẻ.

Họ là những sinh viên vừa mới 18 đôi mươi xếp bút nghiên theo tiếng gọi Tổ Quốc lên đường nhập ngũ. Vì có quá nhiều liệt sĩ còn chưa biết tên nên đến nay người thân vẫn chưa tìm được”.

Có lẽ vì số lượng các liệt sĩ chưa biết tên còn khá nhiều nên hàng năm, ngoài các đoàn đến thăm viếng thì NTLS Đường 9 đón rất đông các thân nhân của các liệt sĩ đến tìm kiếm người thân.

Những ngày tháng 7 này, Ban quản lý NTLS Đường 9 tiếp đón hàng trăm trường hợp thân nhân nhờ tra cứu hồ sơ tìm kiếm, tuy nhiên không phải ai cũng may mắn tìm được người nhà.

Trong đoàn người viếng thăm, chúng tôi bắt gặp hình ảnh hai vợ chồng già đang lặng lẽ thắp hương làm lễ. Rót ly rượu lên nấm mồ liệt sĩ mà cả hai không ngăn được những dòng nước mắt.

Tìm hiểu được biết, đó là vợ chồng ông Nguyễn Trọng Thăng (72 tuổi) và bà Trần Thị Song Hòa (71 tuổi) quê ở Đô Lương, Nghệ An. Họ là một trong số ít những thân nhân liệt sĩ tìm thấy người nhà đang yên nghỉ ở đây.

Vợ chồng ông Nguyễn Trọng Thăng và bà Trần Thị Song Hòa nghẹn ngào “hội ngộ” người thân trong những ngày tháng 7. Ảnh: B.Sương
Vợ chồng ông Nguyễn Trọng Thăng và bà Trần Thị Song Hòa nghẹn ngào “hội ngộ” người thân trong những ngày tháng 7. Ảnh: B.Sương

Lau vội nước mắt, Bà Trần Thị Song Hòa chia sẻ: “Phần mộ này là của em tôi, liệt sĩ Trần Xuân Triều, Sư đoàn 308, Đoàn 559.

Năm 1968, khi đang học đại học năm 4 chuẩn bị thi tốt nghiệp thì em tôi xếp bút nghiêng lên đường nhập ngũ.

Lúc ấy Triều mới 18 tuổi, còn trẻ lắm. Đến năm 1972 thì gia đình nhận được tin Triều đã hy sinh”.

Ông Thăng (anh rể liệt sĩ Trần Xuân Triều) cũng xúc động: “Tìm được em ở đây gia đình mừng lắm.

Lúc đầu cũng có ý định đưa em về quê, nhưng thấy em yên nghỉ ở đây được chăm sóc đầy đủ. Nghĩa trang ngày càng sạch đẹp, gia đình chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm rất nhiều.”

Ít ai biết, để có cuộc “hội ngộ” như ngày hôm nay là cả một hành trình gian nan và đầy nước mắt.

Bà Hòa cho biết, gia đình có 4 anh chị em thì anh đầu của liệt sĩ Triều cũng hy sinh trong cuộc chiến 12 ngày đêm. Cùng một lúc mất đi hai người thân trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh là mất mát quá lớn đối với gia đình.

Sau ngày hòa bình lặp lại, gia đình mong mỏi tìm kiếm hài cốt, đưa liệt sĩ Triều về quê nhưng manh mối duy nhất chỉ biết anh hy sinh ở mặt trận phía Nam.

Gia đình cũng nhắn tìm trên các phương tiện đại chúng, tìm thông tin từ đồng đội của anh, nhưng việc tìm kiếm như mò kim đáy biển, ở quê nhà mẹ liệt sĩ Trần Xuân Triều khóc cạn nước mắt.

Một trong những tấm bia lớn ghi tên các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ cùng nhau tại khu mộ liệt sĩ tập thể. Ảnh: B.Sương
Một trong những tấm bia lớn ghi tên các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ cùng nhau tại khu mộ liệt sĩ tập thể. Ảnh: B.Sương

Thế rồi trong lúc tưởng chừng đã hết hy vọng, một ngày năm 1995, gia đình nhận được tin có một người cùng xã trong một lần đến NTLS Đường 9 viếng thăm đã ghi danh sánh những liệt sĩ cùng quê gửi về địa phương.

Trong số này có tên liệt sĩ Trần Xuân Triều. Vội sắp xếp hành trang, gia đình bắt xe vào Quảng Trị thì đúng là anh đang nằm ở đây.

Gặp nhau trong hoàn cảnh ấy mà vừa mừng vừa tủi, vậy là cứ đến dịp Tết và lễ 27/7, gia đình lại vào đây để thăm anh.

Khu mộ đặc biệt

Trên thực tế, trường hợp may mắn tìm được người thân như gia đình liệt sĩ Trần Xuân Triều cũng chỉ là một phần rất nhỏ.

Chúng tôi hỏi ông Hoàng Chí - Trưởng ban quản lý NTLS Đường 9: “Hiện nay nghĩa trang đang quản lý bao nhiêu nấm mộ liệt sĩ?”;

Ông Chí cho hay: “Ở đây không thể thống kê theo số mộ, bởi có những nấm mộ rất “đặc biệt” khó tính làm 1 ngôi”. Câu trả lời của vị Trưởng BQL khiến không ít người cảm thấy tò mò.

Không để chúng tôi phải đợi lâu, trưởng ban dẫn mọi người đến khu mộ đặc biệt nhất của nghĩa trang.

Trước mắt chúng tôi, khu mộ tập thể với 8 ngôi mộ có kích thước lớn nhỏ chiếm một vị trí trang trọng trong khuôn viên của NTLS Đường 9.

Trong 8 ngôi này có hai ngôi có kích thước lớn nổi bật là nơi an nghỉ lần lượt của 105 và 102 liệt sĩ. Ngôi bé nhất là mộ chung của 3 liệt sĩ hy sinh tại huyện Đakrông (Quảng Trị).

Ông Hoàng Chí giải thích: “Trong chiến tranh, có những khi quân ta không làm chủ được trận địa, khi hy sinh quân địch đào hố chôn tập thể rồi tẩm xăng đốt.

Sau này khi phát hiện và quy tập, vì không thể tách ra được nên mới có những ngôi mộ tập thể như vậy.”

Hai ngôi mộ lớn trong khu mộ tập thể của Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 hiện là nơi yên nghỉ lần lượt của 105 và 102 liệt sĩ. Ảnh: B.Sương
Hai ngôi mộ lớn trong khu mộ tập thể của Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 hiện là nơi yên nghỉ lần lượt của 105 và 102 liệt sĩ. Ảnh: B.Sương

Trên tấm bia của một ngôi mộ lớn có ghi rõ: “Phần mộ 105 liệt sĩ, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 ; Hy sinh: 2/2/1968 ; Nơi hy sinh: huyện Cam Lộ ; An táng tại nghĩa trang: 16/5/2005”.

Cạnh đó, ngôi mộ kích thước nhỏ hơn trên bia cũng có ghi: “Phần mộ 80 liệt sĩ chưa biết tên; Đơn vị: 31”33” Đặc công ; Hy sinh: 26/8/1966 tại Tân Tường, Cam Lộ;...”.

Tuy các anh không sinh cùng ngày tháng nhưng hôm nay được chiến đấu và yên nghỉ cùng nhau dưới một mái nhà chung.

Đứng trước những nấm mộ này, nhiều người đến thăm viếng không khỏi xúc động.

Ông Hoàng Chí còn cho biết thêm, hiện NTLS Đường 9 đang quản lý 10.640 liệt sĩ nhưng 70% trong số đó là chưa biết tên, số còn lại là biết tên nhưng chưa biết quê quán.

Những liệt sĩ biết cả tên lẫn quê quán chỉ chiếm một số lượng không nhiều.

Với hàng nghìn liệt sĩ còn chưa biết tên đang nằm lại ở khắp nhiều miền đất nước, hành trình tìm kiếm người thân sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa.

Nhưng dù đang nằm ở đâu trong lòng đất mẹ, các anh vẫn sống mãi trong tâm tưởng của các thế hệ người Việt Nam.

HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG