Ngoại trưởng Ấn Độ: Đối đầu biên giới Trung-Ấn kết thúc và rút quân

28/09/2014 07:49
Việt Dũng
(GDVN) - Cuộc đối đầu lần này gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Ấn Độ, phản ánh lập trường mới của Chính phủ Ấn Độ, cũng cho thấy "tính hai mặt" của Trung Quốc...

Hãng tin AFP Pháp ngày 26 tháng 9 đưa tin, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Ấn Độ  Sushma Swaraj cho biết, quân đội sẽ bắt đầu rút khỏi khu vực biên giới có tranh chấp từ ngày 26 tháng 9.

Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Ấn Độ, bà Sushma Swaraj nói: "Tôi rất vui mừng nói với các bạn, hai nước đã ngồi xuống giải quyết vấn đề này. Thời gian biểu đã xác định, trước ngày 30 tháng 9 sẽ rút quân toàn bộ. Quân đội hai nước sẽ rút về vị trí của các bên vào ngày 1 tháng 9".

Bài báo cho biết, vài trăm quân nhân Trung Quốc cách đây không lâu đã xâm nhập lãnh thổ do Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, từ đó gây ra đối đầu giữa quân đội hai nước ở khu vực Ladakh, biên giới vùng núi xa xôi.

Theo bài báo, từ trước tới nay hai nước luôn tồn tại tranh chấp biên giới, các cuộc xung đột nhỏ vượt qua Tuyến kiểm soát thực tế có lúc xảy ra. Nhưng, lần này, số lượng quân tham gia xung đột và thời cơ của xung đột tuần trước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Ấn Độ.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, hoạt động xây dựng của hai bên đã gây ra đối đầu ở khu vực Chumar.

Các quan chức quân sự Ấn Độ và Trung Quốc ngày 25 tháng 9 đã tổ chức hội đàm ở khu vực biên giới, đã đem lại hy vọng cho giải quyết vấn đề.

Về vấn đề này, tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc ngày 26 tháng 9 dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết: “Cách đây không lâu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành chuyến thăm thành công tới Ấn Độ. Trong thời gian chuyến thăm, hai nước đã ra Tuyên bố chung xây dựng quan hệ đối tác phát triển chặt chẽ hơn, nhất trí cho rằng hòa bình và an ninh của khu vực biên giới Trung-Ấn là bảo đảm quan trọng cho phát triển của quan hệ song phương và tăng trưởng bền vững, tái khẳng định trước khi giải quyết cuối cùng vấn đề biên giới, hai bên sẽ cùng bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực biên giới”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Cảnh Nhạn Sinh
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Cảnh Nhạn Sinh

Cảnh Nhạn Sinh nói thêm: “Mọi người đều biết, biên giới Trung-Ấn vẫn chưa phân định, có lúc xảy ra tình hình cá biệt là điều khó tránh khỏi, nhưng sẽ không ảnh hưởng tới đại cục hợp tác hữu nghị hai nước Trung-Ấn. Đối với một số vấn đề xảy ra ở khu vực biên giới, hai bên đều có kênh trao đổi thông suốt, thông qua đối thoại, hiệp thương để tiến hành giải quyết thỏa đáng, cùng quản lý, kiểm soát tình hình, bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực biên giới”.

“Về tình hình xảy ra gần đây, hai bên Trung-Ấn đã thông qua cơ chế liên quan, tiến hành trao đổi có hiệu quả. Hiện nay, tình hình đã được quản lý, kiểm soát kịp thời, có thể nói khu vực biên giới là hòa bình”.

Trước đó, ngày 23 tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, Trung Quốc và Ấn Độ có ý nguyện và thiện chí chung, thông qua một loạt cơ chế liên quan hiện có, kịp thời tiến hành trao đổi và quản lý, kiểm soát có hiệu quả. Được biết, tình hình liên quan đã được quản lý, kiểm soát có hiệu quả, khu vực biên giới hòa bình.

Hãng tin Reuters Anh ngày 25 tháng 9 bình luận cho rằng, lực lượng Quân đội Ấn Độ đóng ở một địa điểm xa xôi trên cao nguyên Himalayas, đã xây dựng một trạm quan sát nhỏ, có thể quan sát Quân đội Trung Quốc từ bên kia biên giới.

Hành động này đã chọc giận Quân đội Trung Quốc, theo đó Quân đội Trung Quốc đã thi công một con đường bộ ở khu vực Ấn Độ tuyên bố có chủ quyền, đồng thời yêu cầu dỡ bỏ trạm quan sát này. Ấn Độ từ chối và đã phá một đoạn đường mới xây, lập tức tăng quân ở khu vực này.

Trung Quốc thường cho quân xâm nhập khu vực do Ấn Độ kiểm soát (ảnh tư liệu)
Trung Quốc thường cho quân xâm nhập khu vực do Ấn Độ kiểm soát (ảnh tư liệu)

Trong thời gian tranh cử, Tổng thống Ấn Độ Modi cam kết thực hiện chính sách an ninh quốc gia mạnh mẽ hơn, sự kiện đối đầu giữa binh sĩ Trung-Ấn ở Ladakh là bằng chứng cho cam kết của ông.

Binh sĩ hai bên không nổ súng, cuộc xung đột ngắn ngủi lần trước giữa hai bên diễn ra vào 52 năm trước.

Nhưng, quan chức Quân đội Ấn Độ cho biết, tình hình khu vực Chumar, Ladakh mấy tuần gần đây đặc biệt căng thẳng, thể hiện đối đầu gay gắt giữa hai nước Trung-Ấn. Khi ông Tập Cận Bình đến thăm Ấn Độ vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Modi đã gây khó cho ông trong vấn đề biên giới. 

Sau đó, hai bên ra tuyên bố chung, cho rằng, hòa bình và ổn định của biên giới Trung-Ấn là tiền đề và bảo đảm của phát triển quan hệ kinh tế Trung-Ấn tốt hơn.

Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, người xuất thân từ khu vực Ladakh, P. Stobdan đã nhìn thấy sự thay đổi trong quan điểm của Chính phủ Ấn Độ. Ông nói: “Trạm quan sát đã trở thành tiêu điểm của tranh cãi. Trung Quốc đã vạch ra ranh giới đỏ, họ muốn dỡ bỏ trạm quan sát rồi rút quân”.

Năm 2013, Quân đội Trung Quốc ép buộc Ấn Độ dỡ bỏ một trạm quan sát khác ở Chumar để kết thúc đối đầu Trung-Ấn. Cựu Đại sứ Stobdan cho rằng: “Lần này, tân Chính phủ Ấn Độ hầu như không muốn nhượng bộ”.

Trang mạng Đài tiếng nói nước Đức ngày 26 tháng 9 đưa tin, tờ “The Times of India” Ấn Độ gần đây cũng dẫn lời một nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho rằng, không rõ “đối đầu mang tính chiến thuật” hiện nay rốt cuộc truyền đi “thông điệp mang tính chiến lược” như thế nào.

Binh sĩ Trung Quốc xâm nhập khu vực do Ấn Độ kiểm soát (ảnh tư liệu)
Binh sĩ Trung Quốc xâm nhập khu vực do Ấn Độ kiểm soát (ảnh tư liệu)

Nguồn tin này nghi ngờ Trung Quốc chơi trò hai mặt. Phát biểu của ông Tập Cận Bình khi gặp Thủ tướng Modi có sự khác biệt rõ rệt với thái độ của sĩ quan chỉ huy mặt đất Quân đội Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nếu ông ra lệnh rút thì Quân đội Trung Quốc tuyệt đối không thể coi thường.

Báo Đức cho rằng, sự kiện đối đầu này cho thấy, ông Tập Cận Bình vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn Quân đội Trung Quốc. Theo trang mạng “The Diplomat” ngày 23 tháng 9, để bảo đảm quân đội trung thành với ông Tập, sau khi ông Tập thăm Nam Á về nước, lập tức phát biểu với quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, cho thấy ông Tập hoàn toàn không yên tâm với quân đội, vị thế trong quân đội cũng không vững chắc.

Theo báo Đức, sự kiện đối đầu xảy ra trong thời gian ông Tập thăm Ấn Độ và ông Tập phát biểu trước quân đội sau khi kết thúc thăm Nam Á cho thấy, hoạt động của Quân đội Trung Quốc ở Ladakh không được phối hợp chi tiết trước với cấp cao. Nhưng, điểm khác so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, lần này, ông Tập đã tận dụng truyền thông nhà nước, nói thẳng thông điệp không hài lòng với quân đội nước này.

Việt Dũng