Người "nói giọng Bắc sau tai nạn" thấy "quá lạc lõng"

04/09/2012 15:28
Theo Vnexpress
Chị Nguyễn Thị Thảo ở Quảng Bình - người đột nhiên nói giọng Hà Nội sau tai nạn giao thông - mong muốn phục hồi sức khỏe để làm ăn và cố gắng tập nói lại giọng Quảng Bình vì "thấy lạc lõng quá".

Chị Nguyễn Thị Thảo ở Quảng Bình - người đột nhiên nói giọng Hà Nội sau tai nạn giao thông - mong muốn phục hồi sức khỏe để làm ăn và cố gắng tập nói lại giọng Quảng Bình vì "thấy lạc lõng quá".

Ra viện từ ngày 7/8 đến nay, chị Thảo vẫn tiếp tục nói giọng Bắc đặc sệt. Hiện tại đã điều trị ổn định nhưng chị vẫn còn rất yếu, đau đầu chóng mặt, đau nửa người bên phải, thỉnh thoảng chân tay co rút, không làm được việc gì cả. Đêm chị thường xuyên mất ngủ và một ngày chỉ ăn được nửa bát cơm, dù trước đó ăn rất khỏe đến 3-4 bát mỗi bữa.

Sức khỏe chị Thảo còn yếu sau tai nạn.
Sức khỏe chị Thảo còn yếu sau tai nạn.
Ước muốn của chị Thảo bây giờ là phục hồi sức khỏe để làm ăn nuôi 4 đứa con và một mẹ già. Chị cũng mong cố gắng tập nói lại giọng Quảng Bình, "chứ không thì thấy lạc lõng quá".

Mẹ chồng chị là bà Đặng Thị Khòi năm nay 81 tuổi, cho biết: "Rất khó chịu khi nghe con dâu nói giọng Bắc và sợ không biết chị bị bệnh gì nữa". Bà cũng chỉ mong con dâu mau khỏe và "nó ở đâu thì nói giọng ở đó".

Trước đó, tối 25/7 trên đường đi làm về chị Thảo và một phụ nữ cùng thôn bị 3 thanh niên đi xe máy tông. Chị Thảo chấn thương vùng đầu, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới với chẩn đoán chấn thương sọ não. Sau 2 ngày điều trị ở đây chị được chuyển đến Bệnh viện trung ương Huế điều trị tiếp.

Sau 3 ngày nằm mê man bất tỉnh, chị tỉnh dậy và nói giọng Bắc trong khi bao năm qua chị chỉ nói đặc sệt giọng Nghĩa Ninh, Quảng Bình bản địa.

Chẳng hạn, chị không còn gọi cái chén (dùng ăn cơm, theo cách gọi của người Quảng Bình) như trước mà nói cái bát (theo cách gọi của người Bắc). Tiếng kêu “trời ơi” thì nay chị nói “giời ơi”, hay các từ thường dùng ở địa phương như răng rứa, đi mô về... thì chị chuyển sang thành sao vậy, đi đâu về...

Theo anh Trần Đình Lâm, chồng chị Thảo, quanh năm chị chỉ quẩn quanh với ruộng đồng, không tiếp xúc, giao du với ai là người nói giọng Bắc, thậm chí người nhà cũng chưa bao giờ nghe chị giả giọng Bắc cả. Còn chị Thảo cho biết không cảm thấy có gì khác biệt hoặc khó nói hơn khi nói bằng giọng Bắc thay cho giọng địa phương.

Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) Nguyễn Minh Tuấn nhận định, hiện tượng chị Thảo gặp phải được coi là trạng thái rối loạn phân ly (hay còn gọi là nhân cách đôi), cùng lúc người bệnh sống bằng hai con người song song. Tình trạng này có thể gặp sau chấn thương, sau stress.

Còn theo các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới, có thể sau chấn thương bệnh nhân bị rối loạn thần kinh. Những trường hơp này bệnh nhân nên đi khám các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để điều trị sớm.
Theo Vnexpress