Người từng gặp bộ đôi quyền lực Nga: Tôi tin ông Putin sẽ chiến thắng

03/03/2012 09:41
Nguyễn Hường
(GDVN) - Ông là một trong số ít người Việt có cơ gội gặp gỡ các nhà lãnh đạo cao nhất của nước  Nga là Vladimir Putin và Dmitry Medvedev.

Dịch giả Thúy Toàn là người nổi danh, từng được phong tặng danh hiệu là người dịch thơ Puskin hay nhất Việt Nam, người bắc nhịp cầu văn học Việt – Nga vắt qua 2 thế kỷ... và là người đi tiên phong trong việc chuyển ngữ thơ Nga sang tiếng Việt và dịch nhiều thơ Nga nhất.

Dù đã bước sang tuổi 74, mái tóc đã bạc rất nhiều, nhưng gặp ông, người ta đều nhận thấy phong thái mang đậm "tính cách Nga" - hồn hậu và dễ gần. Hoàng Thuý Toàn vẫn không ngừng đóng góp công sức vào sự nghiệp phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt - Nga trên nhiều lĩnh vực, nhất là văn học - nghệ thuật.

Dịch giả Thúy Toàn hiện là Chủ tịch Hồi đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Ông được trao tặng Giải thưởng Quốc tế của Hội Nhà văn Liên Xô về dịch văn học Nga – Xô Viết (1978), là hội viên danh dự của Hội Nhà văn Nga, Ủy viên tích cực trong Ban chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga. 

Dịch giả Thuý Toàn được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trao tặng Huân chương Hữu nghị của nước Nga
Dịch giả Thuý Toàn được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trao tặng Huân chương Hữu nghị của nước Nga

Tháng 11/2010, dịch giả Thúy Toàn là 1 trong số 12 người được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trao tặng Huân chương Hữu nghị, Huân chương cao quý của nước Nga tại Điện Kremli.

Nhân sự kiện bầu cử tại Nga 2012 đang thu hút sự chú ý của dư luận trong nước cũng như quốc tế, PV của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Thuý Toàn về một số vấn đề liên quan đến đất nước, con người và ngôn ngữ Nga vì biết rằng ông là một người có gắn bó rất nhiều với nền văn hoá của xứ sở Bạch Dương và đã có những nỗ lực không biết mệt mỏi cho sự phát triển mối quan hệ hữu nghị - thuỷ chung giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Thưa ông, nhiều bạn trẻ muốn biết quãng thời gian ông sống tại nước Nga là bao lâu? Trong những năm gần đây ông có nhiều dịp quay trở lại nước Nga không?

Tôi ở Nga ít thôi. Từ năm 1954 đến năm 1961. Sau đó, khoảng từ năm 1976 trở đi thỉnh thoảng tôi bắt đầu trở lại Nga. Cứ một vài năm tôi lại sang thăm một lần, có khi ở lại đến hàng năm.


Nhưng từ 1993 trở lại đây thì năm nào tôi cũng đi. Thậm chí một năm đi 2 lần bởi vì có thời kỳ tôi làm ủy viên quốc tế của Hội những người tốt nghiệp các trường đại học Liên Xô. Khoảng năm 2000 đến nay năm nào tôi cũng có dịp tới nước Nga.

Kể từ sau khi ông Vladimir Putin đắc cử Tổng thống Nga (năm 2000), ông thấy đời sống của người dân Nga thay đổi như thế nào so với thời kỳ ông đi học và sau khi Khối Liên bang Xô Viết tan rã?

Tất nhiên, hồi tôi đi học, lúc bấy giờ rất yên bình. Từ năm 1954 tới 1961 là thời kỳ tương đối ổn định. Sau đại hội XX cũng có nhiều thay đổi nhưng đời sống tương đối tốt.


Còn những năm 1990 tới nay, cụ thể là từ những năm 1993, có thể thấy rõ là nước Nga sau khi Liên Xô không còn nữa đã xuống cấp rất nhiều.

Có những thời kỳ chợ búa bắt đầu bung ra rất nhiều, Moscow bừa bộn, chỗ nào cũng bán hàng, rất nhiều chợ và các thứ linh tinh. Tuy nhiên, đời sống của người dân bắt đầu xuất hiện những khó khăn. Lương hưu trả chậm, thấp và thậm chí là không có.

Nhưng rồi, phải nói là sự thay đổi diễn ra rất là nhanh. Mọi thứ cũng dần trở lại ổn định. Nước Nga lạ lắm. Mình không thể đánh giá nó như cách đánh giá những quốc gia khác mà mình phải tin vào sự đi lên của nước Nga. Điều đặc biệt đó giống như những câu thơ:

“Bằng trí óc không thể hiểu nổi nước Nga/ Không thể đo nước Nga bằng dây thước/ Nước Nga có một điều đặc biệt/ Chỉ có thể đặt niềm tin vào nước Nga…”. (trích thơ của nhà thơ Nga Chiutchev mà dịch giả Thúy Toàn đã dịch sang tiếng Việt).

Ông Hoàng Thuý Toàn
Ông Hoàng Thuý Toàn

Nước Nga lạ lắm. Khi đứng ở vị trí của một người ngoài và phán về nó là rất khó, không thể hiểu hết được. Ý chí của người Nga rất mạnh. Chính sự thôi thúc nước Nga phải chiến thắng, nước Nga phải hùng mạnh, phải có vị thế của một cường quốc của ông Putin đã giúp nước Nga tiến lên.

Khi Boris Elsin từ giã chính trường và đề cử Vladimir Putin lên làm Tổng thống, ông cũng đã thể hiện cá tính mạnh mẽ của người Nga.

Tôi xin phép không đánh giá Boris Elsin là người thế nào. Nhưng việc ông ấy chấp nhận Vladimir Putin, đề cử Putin, chọn lựa Putin, ủng hộ Putin lên làm Tổng thống đã một minh chứng rằng ông ấy là người có con mắt tinh đời.  

Tôi không biết ông ấy còn mục đích nào khác khi quyết định điều đó hay không, nhưng rõ ràng rằng ở đây, Boris Elsin đã thể hiện là một người Nga, một con người dám liều vì nước Nga, sẵn sàng chọn Putin để phục hưng nước Nga. 

Tôi đánh giá cao Boris Elsin ở điều đó. Người ta có thể nói Elsin thế này, Elsin thế kia nhưng việc lựa chọn Putin đã thể hiện rằng ông ấy là một người luôn hết lòng vì nước Nga. 

Rõ ràng con người Nga là thế đó. Họ có thể có  quan điểm thế này, cá tính thế kia nhưng họ luôn vì đất nước.

Ông Putin cũng đã chứng minh rằng sự lựa chọn của Boris Elsin là đúng. Ông đã đóng góp rất nhiều công sức trong quá trình mang lại sự tự chủ cho nước Nga, thể hiện qua thực tế là nước Nga đã dần dần ổn định trở lại. Ví dụ, ông Putin đã dẹp yên được những cuộc xung đột không cần thiết giữa các sắc tộc tại Chechnya.

Dịch giả Thuý Toàn trò chuyện với PV của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam
Dịch giả Thuý Toàn trò chuyện với PV của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam

Nước Nga ổn định dần, nước Nga dần phục hồi kinh tế, trả được những khoản nợ lớn. Những năm gần đây, rõ ràng là lực lượng quân sự của nước Nga cũng đã thay đổi hẳn. Có những vũ khí mới, mạnh mà các nước khác không có. Tiếng nói của nước Nga cũng có một sức mạnh nhất định, không còn như đầu những năm 1990 nữa.

Ông có tin là Thủ tướng Nga Putin sẽ giành chiến thắng tuyệt đối ngay từ Vòng 1 trong cuộc bầu cử 4/3 tới hay không?

Cho tới thời điểm này, điều đó là khá rõ ràng rồi bởi vì số người ủng hộ các ứng cử viên khác ít hơn hẳn Putin. Ngoài ra, nói gì thì nói, cương lĩnh vận động tranh cử của họ không mạnh, không rõ ràng, không thuyết phục mọi người như của ông Putin.


Vậy nếu Putin đắc cử Tổng thống một lần nữa, ông hy vọng tân lãnh đạo Điện Kremlia sẽ đem lại sự thay đổi lớn lao gì cho nước Nga trong tương lai?

Điều tôi mong mỏi cũng như những điều được thể hiện trong chương trình nghị sự của ông Putin. Ông ấy nói ông sẽ cùng với nhân dân xây dựng một nước Nga hùng mạnh, đưa nước Nga trở lại vị thế là một cường quốc.

Ông cũng không quên giúp nâng cao đời sống của người dân, kinh tế tăng trưởng thì đời sống của người dân cũng sẽ được đảm bảo. Đặc biệt ông Putin cũng đảm bảo sẽ chú trọng tới việc cải thiện đời sống cho cả giới trí thức như thầy thuốc, giáo viên... Điều đó cũng rất quan trọng đối với niềm tin của người Nga.

Ông có tin rằng ông Putin sẽ làm được những điều như đề ra trong nhiệm kỳ tổng thống mới (nếu có) của mình không?


Tôi tin ông Putin có thể làm được. Bởi vì nó thể hiện rõ ràng qua những gì ông ấy đã làm trong thời gian qua. Tất nhiên, ông ấy đã và sẽ làm điều đó một cách rất vất vả, rất khó khăn.

Trong trường hợp xảy ra tình huống một ứng cử viên khác lại đánh bại ông Putin tại cuộc bầu cử Chủ nhật tuần này (4/3) thì ông có suy nghĩ gì? Theo ông điều đó có khả năng xảy ra không?

Tôi nghĩ là sẽ không có khả năng đó trừ trường hợp là… Thôi, nói gở, tôi không nói. Nhưng tôi nghĩ là rất khó có chuyện đó xảy ra.

Ông có đánh giá gì về những chính sách cải cách kinh tế và chính trị mà ông Putin đưa ra trong các tuyên bố gần đây?

Tôi nghĩ rằng những chính sách ấy hợp với lòng người, hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân Nga. Cho đến nay, thực tế là nó cũng đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân. 

Như vậy, một khi chính sách được đa số ủng hộ là điều là những chính sách rất hữu dụng. Tôi cũng rất mừng. Tôi là người nước ngoài nhưng tôi cũng thấy mừng cho nhân dân Nga vì họ có một nhà lãnh đạo biết chèo lái con thuyền đất nước.
Hoàng Thuý Toàn trong một lần đến thăm Điện Kremlia
Hoàng Thuý Toàn trong một lần đến thăm Điện Kremlia
Theo ý kiến của cá nhân ông, yếu tố gì đã giúp ông Putin giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới trong bối cảnh phe đối lập vẫn tìm cách ngăn cản ông trên con đường quay trở lại điện Kremlin bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình phản đối và đưa ra lý lẽ biện minh về việc đã xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử Duma hôm 4/12/2011?

Theo tôi, các thế lực muốn cản trở, muốn phá hoại bước đường đi lên của nhân dân Nga thì người ta sẽ tìm ra mọi cái cớ.  Điều này không chỉ xảy ra ở Nga mà nó còn xảy ra ở nhiều nước khác.

Rõ ràng là có một bàn tay của một thế lực không phải ở trong nước, mà ở nước ngoài. Người ta không muốn nước Nga mạnh.
Nhưng tôi tin rằng việc làm của họ không được đa số ủng hộ thì không thành công, không thể đảo ngược được lịch sử hay xu thế lịch sử đang đi lên. 
Có một số ý kiến cho rằng yếu tố giúp ông Putin thành công trên con đường lãnh đạo cũng như lấy được niềm tin của người dân trong quá trình quay trở lại Điện Kremlin là nhờ kinh nghiệm của một cựu điệp viên KGB, trong khi một số khác lại cho rằng nhờ ông có được sự hậu thuẫn của Tổng thống Medvedev. Hai yếu tố này có ý nghĩa gì? Theo ông điều gì đã giúp Putin thành công trên con đường lãnh đạo nước Nga?
Theo tôi thì người ta gọi đó là phân tích thôi, chứ yếu tố thì nó nằm ở bản thân ông Putin cơ. KGB chỉ là kinh nghiệm của bản thân ông ấy. Nhiều người cũng là KGB, cũng có thừa năng lực chứ. Nhưng họ vẫn không thể trở thành nhà lãnh đạo được.


Bởi ngoài yếu tố kinh nghiệm ra còn cần phải có đường lối đúng, có tư tưởng đúng và phải có tấm lòng vì nước Nga, dám hy sinh để phục hưng nước Nga. 

Theo tôi, điều quan trọng thực sự là phải vì nước Nga, vì dân tộc Nga. Tôi nghĩ những người khác cũng có nhiều ưu điểm chứ không phải là không có. Nhưng tấm lòng đối với nước Nga thì chưa thấy, chưa thể hiện bằng ông Putin.

Chính vì thế, ông ấy không chỉ được lòng của đông đảo quần chúng mà còn được một người bạn như ông Medvedev ủng hộ. Mà không phải chỉ có ông Medvedev, còn có rất nhiều người khác, cũng như nhiều chính khách phải nể phục ông ấy.

Ông đã có cơ hội được gặp Thủ tướng Putin?

Tôi cũng đã có cơ hội được gặp ông ấy vài lần. Có dịp ông Putin sang thăm Việt Nam, tôi cũng tham gia đoàn đón tiếp. Tôi cũng được gặp ông trong các cuộc gặp gỡ với các sinh viên. 

Sau năm ông sang thăm Việt Nam, ông đã mời các sinh viên Việt Nam đã từng học ở Liên Xô dự một cuộc gặp gỡ quốc tế tại Nga. Tôi cũng được mời và đã gặp ông ở đó.

Vậy ấn tượng của ông về nhà lãnh đạo này thế nào?

Một con người rất hoạt bát, nhanh nhẹn, năng động. Một con người như thế mà lãnh đạo là rất đáng quý.

Còn ấn tượng của ông Putin về Việt Nam thì sao ạ?

Khi ông ấy sang Việt Nam, ông ấy cũng không ngờ là Việt Nam lại thể hiện một tấm lòng đối với nước Nga chứ không phải chỉ đối với ông ấy sâu sắc như thế.

Qua những lần tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam, đi đến đâu cũng thấy thực sự ghi ơn của nhân dân Việt Nam đối với đất nước và nhân dân Liên xô, với cách mạng tháng Mười ông ấy đã rất ấn tượng.

Thể hiện rõ nhất là trong cuộc gặp gỡ giữa cựu sinh viên và những người đã từng sống tại Nga ở Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô. Sau buổi đó, về nước, ông Putin đã nghĩ tới việc tổ chức một cuộc gặp tương tự trên quy mô quốc tế và ông đã mời các đại biểu Việt Nam sang tham dự.


Sau này, ông cũng đã vinh dự nhận được Huân chương Hữu nghị trong chuyến thăm nước Nga năm 2010 và có dịp gặp gỡ Tổng thống Medvedev 2 lần chỉ trong 5 ngày. Ấn tượng của ông về sự kiện này là gì?

Trước tôi, đã có rất nhiều người Việt Nam nhận được vinh dự này rồi. Nhưng tôi muốn nói rằng tôi là một trong những người đầu tiên của giới văn học nghệ thuật nhận được nó.

Tôi nghĩ rằng đó là một điều đặc biệt. Nó có nghĩa là đến lúc này, quan hệ Việt-Nga không chỉ dừng lại ở lĩnh vực chính trị, kinh tế mà các vị lãnh đạo Nga đã chú ý đến cả mối quan hệ văn hóa. Đấy là một điều đáng mừng. 

Họ đánh giá đóng góp của những người Việt Nam làm nghệ thuật, văn học chứ không phải chỉ riêng tôi. Tôi chỉ là một người họ nhặt ra trong những người khác để nhận cái huân chương này mà thôi.

Theo tôi, điều mừng nhất là họ đã chú ý và đánh giá cao đóng góp của anh em văn nghệ sĩ Việt Nam.

Trong chuyến thăm Điện Kremlin năm 2010, ông đã có những kỷ niệm gì?

Mỗi lần đến Nga, nói thực là tôi thấy như được trở lại một nơi thân yêu của mình, mảnh đất mình đã trải qua thời tuổi trẻ và thấy như được trở lại quê hương, quê hương thứ 2. Đấy là một điều thú vị.

Nhưng điều đặc biệt hơn nữa là được tới Điện Kremlin. Tại đây, tôi được đứng trong số 12 người đến từ các quốc gia khác nhau, được phát biểu, được thay mặt anh em Việt Nam để phát biểu. Đó là một ấn tượng sâu sắc. 

Cuộc đời cũng chỉ cần có thế thôi!.

Ông có ấn tượng  gì về Tổng thống Medvedev sau những dịp được gặp gỡ với nhà lãnh đạo này?

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và ông Hoàng Thuý Toàn
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và ông Hoàng Thuý Toàn
Tôi nghĩ rằng đó là một con người rất thông minh, rất bình dị, tư thế, đĩnh đạc, chịu khó lắng nghe người khác.

Tôi đã đánh liều nói chuyện với ông, thậm chí còn nói hơi dài và lại còn dám mang sách ra biếu ông ấy. Một việc làm ngoài ngoại giao. Nhưng ông đã tiếp nhận điều đó một cách trân trọng, lắng nghe một cách trân trọng.

Ông ấy đường đường là Tổng thống của một nước, còn tôi chỉ là một ông già đã về hưu thôi nhưng ông vẫn chịu khó lắng nghe tôi (nghe audio).

Trông bức ảnh chụp lúc đó, ông ấy giống như là một người một học trò đang lắng nghe thầy giáo của mình vậy. Tôi nghĩ rằng đấy là một hành động rất đáng quý. Tôi phục ông vì điều đó.

Thế ông nghĩ gì về bộ đôi quyền lực Putin - Medvedev?

Tôi nghĩ rằng hai người đó, nếu họ đi với nhau rất đẹp. Người hứng, người nâng. Đất nước chỉ cần có sự đoàn kết của lãnh đạo, sự thống nhất vì chung một mục đích, vì tổ quốc, vì đất nước. 


Ông đã có rất nhiều đóng góp trong việc đem nền văn học Nga tới với người dân Việt Nam. Hiện ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục có những đóng góp vào công cuộc phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt-Nga trên cương vị mới. Ông có cảm nghĩ gì  về sự phát triển mối quan hệ Việt-Nga trong giai đoạn hiện tại và tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực văn học nghệ thuật?

Tôi bây giờ chỉ gọi mình là người làm thêm thôi. Tôi nghĩ rằng tôi còn khả năng đến đâu thì đóng góp đến đấy. 

Phía bạn cũng tin cậy, các bạn bè Việt Nam cùng hoạt động trong lĩnh vực quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài cũng như tiếp nhận văn học nước ngoài vào Việt Nam ít nhiều cũng tin cậy tôi. Cho nên tôi thấy mình còn sức thì đóng góp, đóng góp được  thì sẽ tiếp tục đóng góp.

Còn về văn học Nga, tôi cũng vẫn theo dõi tình hình phát triển của nền văn học Nga và giới văn học Nga có quan hệ với Việt Nam nhiều năm nay.

Tôi mong muốn là mình còn có sức thì còn củng cố mối quan hệ giao lưu giữa văn học Nga và Việt Nam, giúp cho nhiều người Việt Nam, nhiều nhà văn Việt Nam có thể đi thăm nước nga, viết về nước Nga và tôi mong có thể được tiếp tục đóng góp vì tới đây chúng tôi được giao nhiệm vụ tổ chức một quỹ gọi là quỹ “Hỗ trợ giao lưu văn học Việt Nam – Liên bang Nga”.
 
Quỹ đó sẽ tìm các phương tiện để giúp những người dịch văn học Việt Nam ra tiếng Nga cũng như văn học Nga sang tiếng Việt được thuận lợi hơn.

Thứ nữa là tìm cách giúp đỡ những người Việt Nam yêu mến văn học Nga có điều kiện tiếp cận với văn học Nga nhiều hơn, có thể trở lại với thực tế như đi thăm trường cũ, có điều kiện trực tiếp tìm hiểu văn học Nga tại chỗ.

Hiện văn học Nga Xô Viết rất phổ biến ở Việt Nam nhưng văn học Nga hiện đại thì hầu như không ai biết tới. Ông nghĩ sao về thực trạng đó?

Văn học Nga Xô Viết trước đây có cả mấy thế hệ cùng nhau chung sức đóng góp vào việc quảng bá. Nhưng sau này lại ít hơn.

Ngay cả những người học tiếng Nga bây giờ cũng không sử dụng tiếng Nga nữa. Nhưng tôi vẫn cố gắng cùng các thầy giáo tiếng Nga góp phần động viên giới trẻ sau này quan tâm hơn tới tiếng Nga. Ngoài những thứ tiếng thông dụng để kiếm sống cũng cần phải có một ngôn ngữ đi sâu vào khám phá nền văn hóa rất vĩ đại.
Hiện giới trẻ đa số chỉ quan tâm ngoại ngữ họ học có giúp họ kiếm sống được hay không chứ ít người đến với ngôn ngữ vì những niềm đam mê khác. Ông nghĩ sao về thực tế này?


Điều đó cũng đúng nhưng tiếng Nga bây giờ cũng đã có thể giúp họ kiếm ăn được đấy. Như một người bạn lúc nãy gọi điện cho tôi. Ông ấy đang rất bận và không thể ra đây được vì khách du lịch Nga tới Nha Trang hiện rất đông. 

Một khi kinh tế phát triển thì tiếng Nga cũng sẽ trở lại. 

Xin cám ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị ngay trước khi nước Nga bước vào ngày trọng đại trong lịch sử - ngày bầu cử Tổng thống 4/3.

Dịch giả Thúy Toàn tên đầy đủ là  Hoàng Thúy Toàn. Ông sinh ngày 1 tháng 3 năm 1938. Hoàng Thúy Toàn ốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Lênin năm 1961.

Ông từng nắm nhiều cương vị khác nhau như: Chủ tịch Hội đồng dịch thuật văn học - Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Giám đốc kiêm Phó Tổng biên tập NXB Văn học, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây...

Năm 2008: được trao tặng Bằng Danh dự của Hội Nhà văn Nga. Ngày 5/11/2010, dịch giả Thúy Toàn là một trong số 12 người được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trao tặng Huân chương Hữu nghị, Huân chương cao quý của nước Nga tại Điện Kremlia.
Nguyễn Hường