Người ứng cử mà hứa những việc "trên trời" thì dân không tin đâu!

16/04/2016 08:38
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN)- Người ứng cử không nên hứa những việc trên trời, hứa những việc không đủ sức làm theo kiểu nếu trúng cử tôi sẽ ban hành chế độ, chính sách này, chính sách nọ...

LTS: Sáng 15/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia tổ chức tập huấn tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cho các cơ quan báo chí miền Bắc. 

Nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề bầu cử (công tác giám sát bầu cử, xử lý vi phạm bầu cử...) đã được cơ quan có thẩm quyền giải đáp thỏa đáng. 

Để làm rõ thêm vấn đề này, bên lề buổi tập huấn, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

PV: Thưa ông, việc giám sát vận động bầu cử của Mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Pha: Các đoàn giám sát của Mặt trận tổ quốc và hoạt động giám sát của mỗi tổ chức thành viên mặt trận (công đoàn, nông dân, cựu chiến binh…) đều triển khai thực hiện chặt chẽ từ Trung ương tới cấp cơ sở.

Việc giám sát này là hết sức rộng rãi, qua đó, các vi phạm được phát hiện trong quá trình giám sát sẽ được xử lý kịp thời.

Theo ông, trong quá trình vận động bầu cử, người ứng cử được phép hứa hẹn gì? không được hứa hẹn gì? khi tiếp xúc cử tri nhằm tránh việc lợi dụng chức vụ, tiền bạc để dụ dỗ, mua chuộc cử tri?

Ông Nguyễn Văn Pha: Người ứng cử không nên hứa những việc trên trời, hứa những việc không đủ sức làm theo kiểu nếu trúng cử tôi sẽ ban hành chế độ, chính sách này, chính sách nọ cho người dân…

Hứa như vậy là hứa không thực tế, bởi lẽ quyết định Quốc hội mang tính tập thể cao. Do đó, một cá nhân không thể quyết định được công việc của tập thể, nhất là những việc có liên quan tới quyền lợi người dân.

Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ảnh: Báo Công lý).
Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ảnh: Báo Công lý).

Tuy nhiên, khi tiếp xúc cử tri, người ứng cử cũng không thể không hứa hẹn gì.

Song nếu hứa hẹn với cử tri thì người ứng cử chỉ nên hứa, phải thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng cử tri và nhân dân nơi mình ứng cử và phản ánh trung thực tới cơ quan có thẩm quyền. 

Người ứng cử phải dành thời gian thích đáng để tiếp xúc

cử tri, tiếp công dân. Với những vấn đề gì cử tri đã phản

Người ứng cử mà hứa những việc "trên trời" thì dân không tin đâu! ảnh 2

Ông Trần Đăng Tuấn không có tên trong danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội

ánh mà mình đã truyền đạt đến cơ quan có thẩm quyền thì phải đeo bám đến cùng để bảo vệ quyền lợi cử tri, nhân dân…

Nếu người ứng cử hứa như thế thì nhân dân dễ chấp nhận hơn, sức thuyết phục cũng cao hơn so với việc hứa nếu được bầu làm Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ xây dựng luật này luật kia, sẽ đem lại lợi ích này kia cho địa phương, nhân dân...

Người ứng cử vi phạm điều cấm trong luật bầu cử sẽ bị xử lý như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Pha: Hình thức xử lý cao nhất là xóa tên khỏi danh sách.

Ông Trần Đăng Tuấn trượt danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội sau vòng hiệp thương thứ 3 là kết quả bất ngờ. ảnh: Hoàng Nguyên.
Ông Trần Đăng Tuấn trượt danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội sau vòng hiệp thương thứ 3 là kết quả bất ngờ. ảnh: Hoàng Nguyên.

Việc phân bổ các ứng cử viên Trung ương về địa phương được thực hiện như thế nào nhằm tránh việc tập trung quá nhiều các lãnh đạo cao cấp ở địa phương đó? 

Ông Nguyễn Văn Pha: Việc phân bổ này do Hội đồng bầu cử Quốc gia quy định.

Tuy nhiên, ít có chuyện một tỉnh có hai đồng chí ủy viên Bộ Chính trị/ứng cư viên Trung ương. Mặt khác, địa phương cũng khó chập nhận việc một tỉnh có quá nhiều lãnh đạo Trung ương khi tổ chức công tác bầu cử.

Có trường hợp nào ứng viên Trung ương muốn về địa phương hoặc những nơi xác suất trúng cử cao hơn khu vực khác để tranh thủ phiếu?

Ông Nguyễn Văn Pha: Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có các địa phương có công văn xin các lãnh đạo về ứng cử ở địa phương mình thôi, chứ chưa có lãnh đạo cấp cao nào xin về địa phương này, địa phương nọ cho dễ trúng cử cả. 

Ông đánh giá như thế nào về tính chất “dòng họ” trong hiệp thương bầu cử?

Ông Nguyễn Văn Pha: Cái này ở cấp xã có thể có.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, các thôn, tổ dân phố được quyền giới thiệu người của thôn, tổ dân phố để ứng cử Hội đồng Nhân dân cấp xã. Cũng có thể có câu chuyện dòng họ giới thiệu người ứng cử.

Tuy nhiên,việc giới thiệu nhiều hay ít vẫn phải qua hiệp thương của cấp xã đó để lựa chọn. Tôi tin rằng, khâu hiệp thương này không thể có yếu tố dòng họ nào “can thiệp” được đâu.

Ông có thể bật mí về đề xuất chi 3.600 tỷ đồng cho bầu cử sắp tới?

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi xin phép không tiết lộ vấn đề này.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)