Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Người vớt xác "đặc dị" cầu Long Biên hóa giải tin đồn về miếu Hai cô

27/10/2012 06:08
Hoàng Lâm - Trọng Trinh
(GDVN) - Từ sau lần đó, một đồn mười, mười đồn trăm, miếu Hai cô bỗng nổi tiếng linh nghiệm, rất nhiều người thường xuyên qua lại nhang khói cầu may vào những ngày rằm hay mùng một.
Những câu chuyện kì lạ quanh ngôi miếu hoang
Trước đây, quanh miếu Hai cô cây cỏ tốt um không có người nào ngó ngàng đến. Người dân nơi đây tuy đã khai hoang lấy đất trồng hoa mầu nhưng không ai dám động đến khu đất quanh miếu Hai cô. Cho đến khi câu lạc bộ bơi sông Hồng được thành lập, họ làm một con đường mòn đi ngang qua miếu Hai cô, từ đó người qua lại đông đúc hơn, vẻ hoang sơ lạnh lẽo, cô quạnh cũng đã bớt đi phần nào.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà người ta lại đầu tư xây dựng ngôi miếu hoang đó. Theo một số người dân sống ở bãi giữa sông Hồng kể lại, có rất nhiều câu chuyện kì lạ liên quan đến ngôi miếu hoang thờ hai cô gái chết trẻ vẫn được biết đến với cái tên miếu Hai cô. Miếu Hai cô hiện nay nằm cách “bãi tắm tiên” khoảng chừng 200m. Vì vậy, những người trong câu lạc bộ bơi sông Hồng mỗi lần xuống bãi tắm đều qua thắp hương cho “hai cô” để tránh những điều rủi ro khi tắm sông.
Miếu Hai cô ở bãi giữa sông Hồng với những tin đồn thêu dệt.
Miếu Hai cô ở bãi giữa sông Hồng với những tin đồn thêu dệt.
Tuy nhiên, theo người bán nước cho những “kình ngư tắm truồng” ở sông Hồng đã có không ít lần có người mới gia nhập câu lạc bộ bơi “quên” không “xin phép hai cô” trước khi đi bơi nên đã có lần suýt chết mà đều là những người bơi rất giỏi.
“Tôi bán hàng ở đây lâu rồi nên được chứng kiến nhiều trường hợp chẳng biết giải thích như thế nào. Chỉ biết, người ta kể lại rằng, mấy ông tắm sông hút chết có cảm giác như có người nào đó kéo chân mình xuống, người cứng đơ ra dù đã khởi động rất kỹ trước khi nhảy xuống nước. May là có nhiều người cứu kịp nên mới thoát chết”, chị Hường, một người bán nước cho những người hay đi bơi ở bãi giữa sông Hồng kể lại.
Từ sau những vụ hút chết đó, hễ các “kình ngư” xuống bơi sông thường đi qua “xin phép hai cô” rồi mới xuống bãi tắm. Dường như chuyện đó đã thành thông lệ, bất cứ người nào trong câu lạc bộ đi qua cái miếu đều phải thắp hương vái lạy.
Một trường hợp khác mà người bán nước kể lại cho chúng tôi cũng chẳng kém phần li kì có liên quan đến việc “quên xin phép” miếu Hai cô. 
Chân cầu Long Biên gần miếu Hai cô từng là bãi tha ma của những người chết trôi.
Chân cầu Long Biên gần miếu Hai cô từng là bãi tha ma của những người chết trôi.
“Vào một hôm trời đổi gió, có một người đàn ông khoảng ngoài 40 tuổi, đi câu cá ở bãi giữa sông Hồng như thường lệ. Chẳng hiểu vì sao hôm đó ông ta lại quên mất cái “thủ tục” vẫn hay phải làm hàng ngày đó là thắp hương khấn vái xin phép “hai cô”.

Người đàn ông ấy vẫn ung dung ngồi câu như bình thường. Khi mồi câu được móc và thả xuống sông, ông ta thấy cái phao cứ chìm liên tiếp, giật lên thì lại nhẹ như bẫng chẳng có con cá nào dính câu. Có một lần phao chìm xuống rất lâu, cước căng như có một con cá rất to cắn mồi.

Tưởng sẽ câu được một con cá to nhất trong ngày, người đàn ông hí hửng vần vò cho con cá mệt mới quyết định giật. Nhưng chẳng hiểu sao, đến khi giật lên thì mồi vẫn dính ở lưỡi câu mà chẳng thấy con cá nào… Người đàn ông thấy vậy sợ quá chạy tọt lên quán của tôi mặt tái nhợt miệng lẩm bẩm: “Tôi bị ai trêu hay sao ấy chị ạ…”, người bán nước giọng run run nói. 
Không chỉ có người lớn, mà ngay cả lũ trẻ con trong khu vực cũng truyền tụng bao chuyện khiếp vía vì động chạm đến nơi an nghỉ của “Hai cô”. 
Người phụ nữ bán nước tiếp tục kể: “Lần ấy có mấy đứa trẻ con trong khu bãi giữa đi chơi, thấy quanh khu miếu Hai cô sạch sẽ thoáng mát, nên lấy đó làm địa điểm chơi bắn bi. Đến chiều tối do mải chơi nên một đứa trong số đó tự nhiên mất tích mà mấy đứa bạn không hề biết là đi đâu. Bố mẹ cùng người dân trong xóm bãi giữa hô hoán nhau đi tìm mãi.

Khi phát hiện được thì đứa trẻ đang chui trong bụi chuối ở gần miếu Hai cô vẻ mặt đầy sợ hãi. Đưa về nhà thì đứa trẻ vẫn trong tình trạng hoảng loạn, gia đình phải qua miếu Hai cô thắp hương cầu xin, đứa trẻ mới trở lại bình thường”.
Một câu chuyện khác cũng liên quan đến miếu Hai cô mà chúng tôi được nghe người dân bãi giữa kể. Số là nhờ vào khoản tiền công đức của một vị “đại gia” - người trong câu lạc bộ bơi lội sông Hồng mà miếu Hai cô mới được khang trang như ngày nay. Trong một buổi chiều đi bơi ngang qua miếu Hai cô, như thường lệ, ông dừng lại và thắp ba nén nhang đồng thời cầu xin hai cô một điều: “Nếu hai cô có linh thiêng thì chiều nay cho con xin một con đề”. Tối đó ông ta trúng đề thật. Nghe đâu trúng đến cả tỷ đồng nên ngay ngày hôm sau để trả ơn Hai cô đã cho mình hưởng “lộc”, người đàn ông đó đã mua gạch đá, xi măng, đồng thời thuê mấy ông thợ xây có tay nghề ra bãi giữa sông Hồng “nâng cấp” lại miếu Hai cô. Hiện nay miếu đã được xây lại khá khang trang sạch đẹp.
Đoạn đường đi qua miếu Hai cô đã được bê tông hóa và có vài chiếc ghế đá được kê xung quanh để cho mọi người khi thăm quan cúng bái ngồi nghỉ. Từ sau lần đó, một đồn mười, mười đồn trăm, miếu Hai cô bỗng nổi tiếng linh nghiệm, rất nhiều người thường xuyên qua lại nhang khói cầu may vào những ngày rằm hay mùng một.
Sự thật về miếu Hai cô
Quay lại với câu chuyện của ông Được “đen”, không như nhiều lời đồn thổi, ông chính là người đã vớt xác hai cô gái và mua gạch xây tạm cho hai cô gái không rõ gốc tích bớt tủi phận.
“Ngay cái ngày đầu tiên chôn cô gái thứ hai ở cạnh đó, tôi chỉ biết trong lòng áy náy lắm vì cái nấm mồ sơ sài quá mà mình không đủ sức để làm cho nó khang trang hơn. Sau một thời gian con đường mòn hình thành, người dân bãi giữa qua lại thi thoảng họ lại thắp cho hai cô mấy nén hương", ông Được nhớ lại.
Theo lời ông Được, từ ngày miếu Hai cô nổi lên như một hiện tượng “thiêng liêng và thần bí”, người dân trên phố xuống bãi giữa ngày một đông, không chỉ người địa phương mà ở tận đâu cũng mò tới khấn vái cầu xin. 
"Dị nhân" Được đen kể lại sự thật về miếu Hai cô.
"Dị nhân" Được đen kể lại sự thật về miếu Hai cô.
Về tin đồn người bỏ tiền xây dựng miếu Hai cô khang trang là do trúng đề tiền tỷ sau khi cầu xin Hai cô, ông Được cho biết: "Đúng là có người hảo tâm đã bỏ tiền ra xây dựng để miếu Hai cô được khang trang như ngày hôm nay. Tuy nhiên, có phải do trúng đề và trúng được bao nhiêu tiền thì tôi không biết được.

Tôi cũng có nghe người ta đồn thổi về chuyện này. Tuy nhiên, tôi ở đây đã gần nửa đời người và lại là người trực tiếp vớt xác và chôn cất Hai cô thì tôi không tin vào những câu chuyện hoang đường do những người dân truyền miệng. Chuyện hai cô gái có thiêng hay không tôi không dám khẳng định vì chẳng có căn cứ nào nhưng quả thực, chuyện những người dân từ khắp nơi đến đây khấn vái xin điều này, điều kia là có thật. Tôi chỉ nghĩ ở hiền thì ắt gặp lành.

Việc những người đến xin lô đề cờ bạc may mắn trúng rồi cho rằng đó là sự linh thiêng của hai cô gái chết trôi, tôi nghĩ chẳng có cơ sở nào khẳng định. Nhưng họ muốn làm những việc nghĩa như xây mộ phần cho hai cô gái thì cũng không ai ngăn cấm được vì nó xuất phát từ cái tâm của họ”, ông Được cho biết về những chuyện ly kì quanh Miếu hai cô được thêu dệt lên.

Trong suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, ông Được “đen” vẫn giữ nguyên tư thế ngồi đầu gối chống cằm trong bóng tối mịt mùng của bãi giữa sông Hồng. 
Gần như cả buổi, ông không hề thay đổi cái tư thế đó. Không thể rời xa cái điếu cày và món thuốc lào quen thuộc, chốc chốc ông lại vơ lấy nó rồi rít lấy vài hơi.

“Thực tình tôi không sao hiểu nổi được cái miếu Hai cô đó lại nổi tiếng nhanh đến vậy. Trong khi tôi là người trực tiếp xây cái miếu đó thì lại chẳng thấy điều gì linh nghiệm cả. Nếu có thì tôi và những người dân bãi giữa sông Hồng có lẽ đã không còn phải khổ, phải đói như thế này nữa. Chỉ toàn những người tận đâu đâu cứ tung tin đồn thêu dệt”, ông Được “đen” lắc đầu chán nản.


Hoàng Lâm - Trọng Trinh