Nguyên Chủ nhiệm VPQH: "Sửa luật đất đai, kiện cáo có bớt đi không?"

29/09/2013 13:00
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Chúng ta vẫn nói sức mạnh là ở dân, thành bại hay không cũng phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhân dân. Vậy thì tại sao sau quá nhiều vụ việc khiếu kiện đất đai kéo dài, chúng ta lại không trưng cầu ý dân về những vấn đề cốt lõi của một dự thảo Luật đất đai sửa đổi".

Những ngày qua, dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước. Đã có nhiều quan điểm xoay quanh dự thảo mới cho rằng, nội dung sửa đổi chưa làm rõ được quyền của người dân khi thu hồi đất đai, chủ yếu chỉ là sửa đổi về mặt hình thức còn bản chất không có nhiều thay đổi.

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã đặt ra một câu hỏi quan trọng: Sửa luật đất đai, kiện cáo có bớt đi không?".

Hiến pháp và luật đất đai có mâu thuẫn

PV: Theo ông, thực chất thì người dân cần gì nhất ở Luật đất đai sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua tới đây?

Ông Vũ Mão: Mục tiêu của cách mạng nước ta là “người cày có ruộng”. Lê Nin cũng từng nói hãy để người nông dân nghĩ trên luống cày của họ. Câu hỏi đặt ra là quyền thực sự về đất đai của người dân được giải quyết thế nào?

Vấn đề sở hữu đất đai trong dự thảo Hiến pháp và trong dự thảo Luật đất đai vẫn còn những vấn đề chưa ổn. Vấn đề đa sở hữu đã bị khép lại. Phải chăng có sự e ngại về việc nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp... Tuy nhiên, theo tôi trong tương lai chúng ta cũng phải giải quyết thoả đáng vấn đề này.

Vấn đề đặt ra là, quy định thế nào để giảm thiểu đi những tiêu cực trong việc thu hồi đất đai ở các địa phương; để quản lý Nhà nước vừa công khai vừa minh bạch và giản tiện, không bị rối rắm. Rõ ràng rằng, pháp luật vẫn quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất cho các dự án quốc phòng, anh ninh, chống thiên tai bão lụt, cho dự án làm một con đường phục vụ quốc kế dân sinh… và người dân có trách nhiệm phải chấp hành.

Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Hiến pháp và Luật đất đai đang có mâu thuẫn.
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Hiến pháp và Luật đất đai đang có mâu thuẫn.

Hiện nay, Hiến pháp và Luật đất đai cũng đang có mâu thuẫn. Trong khi Hiến pháp nói “đất đai là sở hữu toàn dân” thì Luật lại cho 5 quyền (nhưng thực tế bây giờ lại thêm nhiều quyền khác), và trong đó có quyền chuyển nhượng – thực chất là bán cho người khác. Như vậy, thực chất là có tồn tại sở hữu tư nhân, bởi vì phải là tài sản cá nhân thì mới bán được chứ.

PV: Theo ông, việc quy định “đất đai là sở hữu toàn dân” có thể bị lợi dụng trong quá trình thu hồi đất để giao cho các doanh nghiệp thực hiện dự án?

Ông Vũ Mão: Tôi nghĩ rằng, trong số những người giàu lên trong thời gian qua, có tới trên dưới 70% số người giàu có lên là nhờ đất đai. Chúng ta nói đất đai là sở hữu toàn dân mà tại sao lại có nhiều người giàu lên nhờ đất đai, ở đây rõ ràng có vấn đề. Lấy đất của dân thì rẻ rồi hoàn thành dự án xong là bán giá cao, người muốn mua nhà để ở thì mua không nổi, còn những người có tiền sẽ đầu cơ đẩy giá lên cao. Và thế là bất ổn, cái bất ổn không chỉ còn trong phạm vi chuyển đổi mục đích sử dụng nữa, mà nó còn tác động tiêu cực tới thị trường, cuối cùng gánh nặng lại đổ dồn về Nhà nước và nhân dân.

Vậy thì chúng ta phải đặt ra vấn đề, trách nhiệm thuộc về ai? Vấn đề an ninh trật tự thì do Bộ Công an đảm nhiệm, vấn đề sức khỏe do Bộ Y tế đảm bảo, còn vấn đề đất đai thì Bộ Tài nguyên Môi trường có chịu trách nhiệm không? Cái trách nhiệm mà tôi bàn ở đây là trách nhiệm tới cùng đối với sự việc, khi sự việc xảy ra phải nắm ngay tình hình, ráo riết tìm cách giải quyết.

Tuy nhiên, để làm tốt thì pháp luật phải chặt chẽ, chứ như hiện nay thì còn nhiều kẽ hở quá. Vừa qua ở khắp mọi nơi người ta  dùng danh nghĩa Nhà nước để tìm cách trục lợi. Vì thế, nông dân đi kiện về đất đai rất nhiều, thậm chí họ kiện vượt cấp lên Trung ương cũng rất nhiều.

PV: Vậy theo ông thời hạn giao đất cho người nông dân như thế nào là hợp lý?

Ông Vũ Mão: Theo tôi, thời hạn giao đất cho người nông dân cần phải duy trì liên tục, không bị quy định cụ thể thời hạn nào cả. Còn nếu vẫn để thời hạn thì vẫn còn có thể nảy sinh tiêu cực và các đơn vị quản lý Nhà nước cấp địa phương nghiễm nhiên coi mình có quyền hành cho ai thuê thì thuê, lãnh đạo địa phương giống như “những ông vua con”, có quyền quyết định vận mạng của biết bao gia đình đang sống nhờ đất đai, đồng ruộng mà họ đã gắn bó bao đời nay.

Đến bây giờ người nông dân vẫn khổ nhất

PV: Mấy năm qua, khiếu kiện về đất đai luôn trở thành điểm nóng, các vụ khiếu nại tập thể, khiếu nại vượt cấp rất nhiều. Như vậy, có phải người dân đã giảm sút niềm tin vào chính quyền ở địa phương không, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Ở đây có hai vấn đề cần phải suy xét, thứ nhất là niềm tin của người dân đối với lãnh đạo của cơ quan công quyền đã giảm sút rất nhiều, mà chủ yếu xoay quanh vấn đề thu hồi đất nhưng đền bù không thỏa đáng, nhiều vụ việc địa phương mượn cái mũ là “cơ quan nhà nước” để ép dân phải giao đất, và đền bù với mức giá rẻ mạt.

Vấn đề thứ hai phải đặt ra là liệu lãnh đạo nhà nước đã thực sự tin dân chưa? Chúng ta vẫn nói sức mạnh là ở dân, thành bại hay không cũng phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhân dân. Vậy thì tại sao sau quá nhiều vụ việc khiếu kiện đất đai kéo dài, chúng ta lại không trưng cầu ý dân về những vấn đề cốt lõi của một dự thảo Luật đất đai sửa đổi.

Tôi cho rằng, thông qua việc sửa đổi Hiến pháp lần này, đây lại là cơ hội tốt  nhất để chúng ta lấy lại lòng tin của người dân. Suy cho cùng, việc xây dựng pháp luật cũng là để phục vụ nhân dân, vậy nên phải làm sao để người dân đồng lòng ủng hộ. Tốt nhất là trưng cầu ý dân.

Ông Vũ Mão: Đến bây giờ, người nông dân vẫn khổ nhất.
Ông Vũ Mão: Đến bây giờ, người nông dân vẫn khổ nhất.

PV: Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng đưa ra nhận định “Người nông dân thời nào cũng khổ”. Ông cũng sinh ra ở một vùng quê ở tỉnh Nam Định, ông thấy điều đó có đúng không?

Ông Vũ Mão: Gia đình tôi vốn có xuất thân cũng từ nông dân ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Phải nói thế này, bố mẹ tôi cũng từng sống trong cảnh bần cùng, đói khát. Không còn con đường nào khác nên mới phải tìm về Hà Nội để kiếm sống. Chúng ta cũng chẳng nên đổ lỗi cho hoàn cảnh lịch sử làm gì, nhưng đúng là cho tới tận bây giờ thì người nông dân vẫn cứ khổ nhất.

Dù gì đi chăng nữa thì nước ta chủ yếu vẫn là nông nghiệp. Đi lên hiện đại hoá, trước hết phải bắt đầu từ thế mạnh nông nghiệp của nước ta, nhưng có lẽ vừa qua chúng ta chưa thấm nhuần điều đó. Chúng ta có một tấm gương sáng để soi xét lại mình, đó chính là Bác Hồ kính yêu. Người rất thương dân nghèo, thương người lao động… đừng nói tới những gì xa xôi, học tập Bác thì hãy học từ những điều như vậy.

PV: Người nông dân sống nhờ đất, nhưng khi họ không còn đất thì cũng có nghĩa là họ chẳng còn gì. Qua kinh nghiệm thực tế, ông thấy người nông dân đang phải đối mặt với những áp lực nào?

Ông Vũ Mão: Thời gian qua, nhiều địa phương lấy đất để đô thị hóa, để xây khu công nghiệp, làm dự án tràn lan, mà đền bù cho đất ruộng thì rẻ mạt. Người dân có được ít tiền, nhưng lại bị thất nghiệp, đó là hậu quả khôn lường. Ở đây, tôi thấy có vấn đề về quan điểm, mong rằng các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách và pháp luật sao cho có lợi hơn nữa cho người nông dân. Như thế thì mới an sinh xã hội được.

Theo tôi trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi sắp thông qua cần phải có thêm một chương nói rõ về việc thu hồi đất thì lo toan, bố trí đời sống tốt hơn cho người dân ở khu vực đó. Mục tiêu cuối cùng là phải làm sao để người dân có cuộc sống sung túc. Thực tế hiện nay còn xa vời quá! Đồng thời, không chỉ trong Luật đất đai mà trong các luật khác có liên quan cũng cần bổ sung vấn đề này. Nếu cần thiết phải có thêm Pháp lệnh của Ủy ban TVQH để quy định cụ thể những nội dung chuyển đổi ngành nghề khi bị thu hồi đất và trách nhiệm của Nhà nước đối với cuộc sống của người dân.

Điều quan trọng cuối cùng mà tôi muốn nói là khi có Luật đất đai mới thì tình trạng kiện cáo có bớt đi không? Đây là thước đo chất lượng của Luật và cũng là thước đo về một nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)