Nguyên Phó CTN: Làm sao để phân tầng giáo dục đại học?

07/05/2013 13:54
Nguyễn Thị Bình (theo Nhân Dân)
Trên báo Nhân Dân, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có bài viết sâu sắc "Tìm lối ra cho giáo dục đại học". BBT đăng tải lại bài viết này.
>>Xem phần 1: 'Đừng vội sợ Việt Nam nhiều sinh viên quá'

Chính sách đối với các trường ngoài công lập
Hệ thống các trường ÐH, cao đẳng NCL là một thành tựu của chủ trương xã hội hóa GDÐH: tận dụng sự tham gia và mở rộng sự thụ hưởng GDÐH từ xã hội, đồng thời tăng thêm nguồn lực cho GDÐH. Ðây là một biểu hiện của đường lối GD của Ðảng và Nhà nước, cần được thực hiện một cách nhất quán.
Trong hệ thống GDÐH NCL của chúng ta, các trường nhiều tuổi nhất mới khoảng hai thập niên, còn rất non trẻ. Vì lẽ đó cần xem đây là các trường thuộc tầng thấp trong hệ thống GDÐH. Tuy nói như vậy nhưng cũng có thể thấy các điểm sáng trong GDÐH NCL nước ta, đó là các trường đã có nhiều cố gắng để đứng vững và nâng cao chất lượng, thí dụ ÐH Thăng Long ở phía Bắc, ÐH Duy Tân ở miền Trung và ÐH Hoa Sen ở phía Nam. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

Tạo điều kiện để ra đời các ÐH NCL là thể hiện đường lối GD của Ðảng và Nhà nước nhưng việc thực hiện không được nhất quán. Chẳng hạn, Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục - thể thao đã nêu rõ Nhà nước khuyến khích các trường tư theo mô hình không vì lợi nhuận, nhưng mọi quy chế cho ÐH NCL đến nay vẫn là loại hình vì lợi nhuận, cho đến Luật GDÐH mới nêu định nghĩa sơ bộ về trường không vì lợi nhuận. 
Một biểu hiện khác: trong mấy năm qua, ngành GD cho thành lập hàng loạt trường tư, nhưng gần đây chính ngành GD lại phê duyệt tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các ÐH công lập tầng trên, nơi sẵn có cơ sở vật chất và đội ngũ, điều này tạo cơ hội cho các ÐH tầng trên tuyển sinh lấn sân các ÐH tầng dưới, trong đó có các trường ÐH NCL. Khi các trường ÐH NCL gặp khó khăn, một số quan chức GD đã vội tuyên bố sẽ giải thể các trường không có khả năng tuyển sinh. Cách ứng xử như vậy là thiếu trách nhiệm. 
Ngành GD cần có cách ứng xử mềm dẻo hơn, chẳng hạn yêu cầu các trường còn yếu có kế hoạch phấn đấu để nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng. Mặt khác Nhà nước cũng cần có sự giúp đỡ các trường NCL, thể hiện nhất quán đường lối xã hội hóa GD của Ðảng và Nhà nước.
Về phân tầng giáo dục đại học
Phân tầng GDÐH là một ý tưởng hay đã được đưa vào Luật GDÐH. Một kinh nghiệm phân tầng GDÐH tốt mà thế giới thường nhắc đến là phân tầng GDÐH của Bang California, Hoa Kỳ, được đề xuất cách đây nửa thế kỷ mà cho đến nay vẫn còn tác dụng. 
GDÐH công lập ở California chia ba tầng. Tầng trên cùng gồm 10 trường ÐH đẳng cấp cao nhất, nặng về nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ, tuyển tốp 1/8 (12,5%) SV giỏi nhất của số học sinh tốt nghiệp THPT. Tầng giữa gồm 23 trường ÐH tầm trung, chỉ có quyền đào tạo đến bằng thạc sĩ, tuyển nhóm 1/3 (33,3%) số học sinh tốt nghiệp THPT kế tiếp. Tầng dưới bao gồm khoảng 110 trường cao đẳng cộng đồng nhận bất cứ học sinh nào muốn được học ÐH và học nghề. 
Hiện nay hệ thống phân tầng này mở rộng ra cả các trường tư và các trường đào tạo nghề, là một hệ thống phân tầng khá hiệu quả mà cả thế giới học tập. Ở đây cần lưu ý là Nhà nước quy định cho các tầng GDÐH cả chức năng đào tạo và cả chất lượng tuyển sinh, không có chuyện các ÐH tầng trên tuyển sinh lấn sân của các trường ÐH tầng dưới.
Khi điều hành hệ thống GDÐH theo đúng các ý tưởng nêu trên hy vọng chúng ta sẽ có một hệ thống GDÐH phát triển ổn định, các trường tầng cao tập trung vào chức năng đào tạo trình độ cao, các trường tầng thấp thực hiện chức năng đào tạo nhân lực thực hành đa dạng theo nhu cầu của nền kinh tế thị trường.
Còn một vấn đề cần lưu ý nữa là thể thức tuyển sinh ÐH ở nước ta cũng cần thay đổi, vì đã 12 năm thực hiện "ba chung" mà kỳ thi chưa áp dụng được công nghệ đánh giá hiện đại như Nghị quyết 14 nêu ra. Một số chuyên gia về đánh giá GD cho biết nếu sử dụng công nghệ đánh giá hiện đại, ngoài việc đo lường chính xác hơn năng lực thí sinh, còn có thể điều khiển sự phân bố phổ điểm thi sao cho từng tầng trường ÐH có thể tuyển sinh theo yêu cầu của mình. Cách tuyển sinh cũng cần đa dạng, có những hệ thống mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra, như hệ thống đại học mở, nhằm tạo cơ hội cho mọi học sinh tốt nghiệp phổ thông nếu muốn đều có thể học ÐH.
GDÐH là một hệ thống rộng lớn, đa dạng và phức tạp, do đó cần những nghiên cứu sâu sắc để sớm xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện cho GDÐH và nói chung "sau trung học" không chỉ năm mười năm mà năm ba mươi năm, nhằm từng bước tạo động lực mạnh mẽ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

* Tiêu đề bài báo do Tòa soạn đặt.
Nguyễn Thị Bình (theo Nhân Dân)