Nguyên Phó thủ tướng "chấm điểm" Bộ trưởng Huệ

25/11/2011 00:17
Ngọc Quang
(GDVN) - “Điểm nổi bật của Bộ trưởng Vương Đình Huệ là trả lời các vấn đề rành mạch, khúc triết, mang đến nhiều thông tin kịp thời nhưng...".

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho rằng, thời gian gần đây đã có những tín hiệu tích cực từ phía một số Bộ trưởng dám nói dám làm, tuy rằng có giải quyết được vấn đề đúng theo mong mỏi của nhân dân và những gì các Bộ trưởng đã nói thì phải có thời gian kiểm nghiệm, đánh giá. Tuy nhiên, trong phiên chất vấn các Bộ trưởng lần này thì đã thấy những nét mới.

“Điểm nổi bật của Bộ trưởng Vương Đình Huệ là trả lời các vấn đề rành mạch, khúc triết, mang đến nhiều thông tin kịp thời như giá xăng dầu, giá điện và tái cấu trúc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, nợ công và đầu tư các khoản vay ấy… nhưng để xử lý hết các vấn đề nổi cộm đã nêu là nhiệm vụ rất nặng nề”, ông Nguyễn Khánh cho hay.

Cũng theo Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, thế giới có 3 tổ chức độc lập chuyên đánh giá các nước. Một là Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá về sức cạnh tranh, năng lực; hai là Tổ chức trí tuệ thế giới đánh giá về trí tuệ, sức đổi mới, sáng tạo; ba là Tổ chức minh bạch thế giới đánh giá về sự minh bạch, tình hình tham nhũng, trong đó có đặt vấn đề là minh bạch hay không minh bạch?

Về trí tuệ thì Việt Nam được xếp loại khá, năng lực thì vào loại trung bình, còn minh bạch thì xếp loại kém. Như vậy vấn đề mà Bộ trưởng Huệ nêu ra cũng rất hay, nhưng có thực hiện được hay không và làm thế nào, bắt đầu từ đâu lại là một bài toán vô cùng khó khăn.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh

Nhận định về câu nói của Bộ trưởng Bộ Tài chính khi kết thúc phiên chất vấn rằng, "giải pháp của mọi giải pháp trong lĩnh vực này là minh bạch và công khai”, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nói: “Minh bạch và công khai là giải pháp của mọi giải pháp thì còn tùy theo quan niệm của mỗi người, nhưng đây là một giải pháp quan trọng. Còn về chuyện EVN có mức lương bình quân cao thì đúng là một vấn đề cần phải xem xét, vì ý kiến một số ĐBQH nêu ra là hợp tình hợp lý, đúng là nếu có lãi thì không có vấn đề gì, nhưng đang lỗ lớn mà lương cao như vậy thì không ổn".

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ trưởng Huệ đã làm hài lòng các ĐBQH chất vấn
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ trưởng Huệ đã làm hài lòng các ĐBQH chất vấn

"Từ kinh nghiệm của tôi thì thảo luận xung quanh vấn đề lỗ lãi, giá cả cho thấy Việt Nam chưa làm tốt việc này, chưa minh bạch thế nào là lỗ thế nào là lãi và rất khó kiểm soát điều đó. Trước đây, tôi đã tham gia vào việc kiểm tra định giá của ngành điện, nhưng tất cả những gì thuộc về hao phí thì không thể xác định được, không thể tìm ra con số chính xác.

Ở các nước phát triển thì họ làm rất tốt việc kiểm soát số liệu, nhưng điều đó cũng còn phụ thuộc vào người thực hiện, đó là vấn đề ý thức, đạo đức, còn có những vấn đề họ cố ý hoặc vô tình làm trái thì cũng chỉ biết vậy thôi, nghi ngờ nhưng cũng không thể đưa ra kết luận xử lý được. Vì vậy, minh bạch là vấn đề rất khó, làm thế nào để tiến tới sự minh bạch ấy mới là điều cần phải bàn, cần phải làm”, ông Khánh chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập
Nhà văn Nguyễn Quang Lập

Cũng trong tối qua, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã có những chia sẻ hết sức thú vị với Báo GDVN về phần chất vấn Bộ trưởng Huệ. Nhà văn Nguyễn Quang Lập cho hay: “Tôi thấy ấn tượng nhất với chi tiết Bộ trưởng nói giải pháp của mọi giải pháp trong lĩnh vực này là minh bạch và công khai… Tôi cho rằng ở tầm của một Bộ trưởng để nói được câu ấy cũng không phải đơn giản.

Câu nói ấy của Bộ trưởng đã phản ánh đúng bản chất của vấn đề, bởi vì nếu chúng ta không minh bạch hóa thì không thể tiến lên nhanh chóng được”.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Lập thì với những gì mà Bộ trưởng Huệ đã trả lời có thể thấy rõ sự thẳng thắn, không vòng vo, không né tránh trách nhiệm… “Tôi không thể bình luận sâu về các vấn đề liên quan tới điều chỉnh giá hay tái cấu trúc ngành, nhưng tôi cảm nhận rằng các ĐBQH và cử tri cũng sẽ hài lòng với những thông tin mà Bộ trưởng Huệ đã nêu ra, nói rõ hạn chế và đồng thời cũng đưa giải pháp. Qua theo dõi phiên chất vấn lần này, tôi càng thêm tin tưởng và ủng hộ Bộ trưởng Bộ Tài chính trong giai đoạn sắp tới, mong Bộ trưởng ngày càng làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình”, nhà văn Nguyễn Quang Lập chia sẻ.

Cũng ở khía cạnh minh bạch các thông tin, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho hay: “Về lộ trình này Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nghị định 84 và Quyết định 24 về giá điện, chỉ còn tốc độ đi thế nào; trong Nghị đinh và Quyết định này phải xem xét ổn định kinh tế vĩ mô, khả năng chịu đựng của người tiêu dùng và nền kinh tế ra sao? Trong Quyết định 24 đã nêu là chúng ta xây dựng thị trường cạnh tranh, minh bạch, chống độc quyền, đó là điểm người tiêu dùng quan tâm. Người tiêu dùng không quan tâm tới giá đó ra sao, mà giá đó có thông qua cạnh tranh minh bạch không?”.

Trong cuộc họp điều hành giá xăng dầu lần trước do Bộ Tài chính chủ trì, Bộ trưởng Huệ đã khiến nhân dân cả nước hết sức phấn khởi với những tuyên bố cứng rắn và ủng hộ điều chỉnh giá có lợi cho người dân.

Tại phiên chất vấn lần này, Bộ trưởng Huệ đã nêu: Theo số liệu kiểm toán của Công ty Deloitte, chỉ có năm 2010, xăng dầu lỗ 219 tỷ, 2008 và 2009 có lỗ và lãi; 2011 toàn tổng công ty báo lỗ theo số liệu tới tháng 6 là 1.800 tỷ (riêng chênh lệch tỷ giá 1.430 tỷ); từ tháng 3 Tổng Công ty xăng dầu chuẩn bị 500 triệu USD mua hàng, đơn hàng chưa về còn 200 triệu USD nữa, tại thời điểm đó đã lỗ 1.700 tỷ.

Trong năm 2011 sử dụng các chi phí kinh doanh cao hơn định mức là 520 tỷ, mức chi của Tổng Công ty xăng dầu thấp nhất rồi, nhưng chi cho đầu mối lớn thì lỗ. Chúng tôi cũng đề nghị với Bộ Công thương xem lại chi hoa hồng đại lý và nếu nó nằm trong mức 600 đồng/lít thì chắc chắn có lãi, nhưng có những điểm mà được triết khấu 800 – 1000 đồng thì chắc chắn lỗ.

Đối với Tập đoàn điện lực VN lỗ hơn 8.040 tỷ đồng, lỗ chênh lệch giá là 15 nghìn tỷ đồng và tổng là hơn 23 nghìn tỷ đồng. EVN phải mua điện giá cao từ một số nhà máy nhiệt điện.

Bên cạnh đó, năm 2011 dự kiến lỗ ít hơn, lỗ trên 11 nghìn tỷ đồng, nhưng lỗ thực chỉ có hơn 600 tỷ đồng, đây là một sự cố gắng lớn. Cuối tháng 9 và 10 có 2 nhà máy điện mới đưa vào vận hành, chiếm 30% tổng sản lượng điện của cả nước, từ 15-29/9 dùng dầu chạy bù. Dự án PM3 Cà Mau phải chạy dầu nhưng kinh phí không có và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất sát sao. Nhưng từ việc chạy bù này mà đã phát sinh hơn 2 nghìn tỷ đồng, tổng lỗ khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng, như vậy là một sự cố gắng so với dự kiến lỗ 11 nghìn tỷ đồng.

ĐBQH có hỏi lỗ của 2010 thì tính toán thế nào với 2012? Chúng ta điều chỉnh dần theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo cho nhà đầu tư. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Công thương, EVN phối hợp để đưa ra giá cơ bản là theo giá 2011 và một số yếu tố khác và không tính lãi của EVN (tức là lãi bằng 0), bán than bằng 57,63% giá thành của than, hợp đồng mua bán điện giữ giá như hiện hành, giá điện tăng khoảng 4,6% so với giá hiện nay, đó là giá chúng tôi đã tính tất cả giá mà EVN phải giảm trừ.

Ngọc Quang