Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Nghề báo là nghề đi liền giữa "ân và oán"

21/06/2013 07:55
Viết Cường (Thực hiện)
(GDVN) - Gần 1h sáng, Đỗ Doãn Hoàng nhắn tin cho tôi thông báo: đã trả lời xong xuôi các câu hỏi gửi vào mail. Thế mới biết, làm báo vất vả thật. Ngày mà cả nước nhắc đến, tôn vinh báo chí thì Đỗ Doãn Hoàng vẫn đang lụi hụi viết bài để kịp bài cho sáng mai xuất bản. Với anh, gần như không có ngày nào là ngày nghỉ.

Tôi biết đến cái tên Đỗ Doãn Hoàng từ năm 2004, ngày tôi chỉ mới 18, 19 tuổi, lúc bắt đầu bước chân vào trường báo. Khi đó tên tuổi của anh đã “nổi như cồn”, được nhiều các giảng viên trong trường nhắc đến là "cây phóng sự" trẻ tuổi, xông xáo và chuyên động chạm đến những vấn đề gai góc, những chuyện ly kỳ trong cuộc sống.

Đỗ Doãn Hoàng trên đường đi điều tra về phá rừng pơ-mu cổ thụ ở Trạm Tấu, Yên Bái
Đỗ Doãn Hoàng trên đường đi điều tra về phá rừng pơ-mu cổ thụ ở Trạm Tấu, Yên Bái

Thời đó, Đỗ Doãn Hoàng đã cho ra "lò" hàng loạt tập bút ký, phóng sự như Trần gian còn một thứ nghề, Ký sự đồng rừng, Lạc lối dưới chân núi Bù Chồng Cha hay Nến cong và lửa thẳng…

Đỗ Doãn Hoàng lần lượt "đầu quân" cho một số cơ quan báo chí uy tín như Báo Thanh niên, Báo An ninh Thế giới và hiện nay là Báo Lao động. Nhưng dù ở đâu, "vị trí công tác" bất biến của Đỗ Doãn Hoàng vẫn là đi viết phóng sự. Và, đề tài của phóng sự thì luôn là những câu chuyện, những vấn đề nóng hổi đang diễn ra trong cuộc sống.

Đôi lúc, vài người bạn làm báo chúng tôi có dịp ngồi chè chén với nhau, đã tự đặt câu hỏi: "Không biết Đỗ Doãn Hoàng lấy đâu ra sức lực, niềm đam mê để đi và viết nhiều đến thế?". Anh là người luôn giữ được lửa trong mỗi cuộc hành trình dù hành trình ấy là lên đỉnh "nóc nhà Đông Dương", đỉnh Mã Pí Lèng, đỉnh Lũng Cú hay những nơi thâm sơn cùng cốc với những bản người dân tộc thiểu số quanh năm mây phủ…

Anh bảo rằng, những cuộc "độc hành" vẫn luôn đem lại nhiều điều bất ngờ thú vị và có lẽ vì thế ta rất khó tìm thấy Đỗ Doãn Hoàng ở những cuộc họp báo nào đó. Bạn bè nói vui rằng, anh là nhà báo không thích "tác nghiệp bầy đàn", toàn đi "đánh lẻ" với vai trò của một người đi tiên phong... 

Đỗ Doãn Hoàng trong chuyến hành trình Tây Bắc
Đỗ Doãn Hoàng trong chuyến hành trình Tây Bắc

Nghề báo là phải đối mặt với nhiều áp lực, cám dỗ

Nhân dịp ngày kỷ niệm 
88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2013) phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đối với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

PV: Đi viết phóng sự, điều tra dài ngày liên tục nh
ư thế chắc ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hiện tại của anh?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Dĩ nhiên là có chứ. Chúng tôi vất vả và tốn kém để lo cho một cuộc sống mà thành viên trụ cột trong gia đình suốt ngày bôn tẩu, “đời trôi như nhánh sông”.

Thứ nhất, sẩy nhà ra thất nghiệp, đi công tác quanh năm vô cùng tốn kém, tiền công tác phí chỉ lo được phần nào. Ở nhà thì cái gì cũng phải nhờ và thuê, từ xe ôm cho con, đến điện nước, bác sỹ các thứ đều sử dụng dịch vụ cung cấp tại nhà, kiểu: thợ điện nước riêng, xe ôm riêng và bác sỹ riêng.

Bản thân tôi cũng có rất nhiều “nhân viên” để lo đủ các thủ tục gia đình và xã hội khi mình vắng mặt. Rất may là vợ tôi ủng hộ chồng, đôi khi các con cũng tự hào thấy bố làm được một số việc hữu ích cho xã hội (vì chúng thấy bà con đến khóc lóc cảm ơn, hoặc xem báo chí, tivi thấy bố cứu người nọ, giúp cởi oan, gửi tiền nong thay đổi cuộc sống cho người nọ người kia…).

- Trong gia đình lớn của anh, bố mẹ, vợ con anh có khi nào cảm thấy chán nản vì chuyện đó?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Nếu nói đại gia đình tôi không mệt mỏi, chán nản vì việc tôi lông bông phiêu bồng thì là tôi đã nói dối. Nhưng rất may, vợ tôi cũng là nhà báo, học cùng trường Đại học báo chí, cùng đi làm nghề với tôi từ thời sinh viên, nên rất thông cảm.

Các con thì phụng phịu: bố lại đi à, bao giờ bố về ạ. Tôi rất khó nghĩ và đôi khi ân hận khi mà số máy nhà mình gọi cho tôi luôn có giọng dễ thương nao lòng của thằng con thứ hai (6 tuổi): bao giờ bố về ạ? Thằng lớn 13 tuổi thì có vẻ thông cảm và âm thầm chịu đựng hơn.

Lắm lúc tôi nghĩ lời của cô bạn: tranh thủ chơi với con đi, dạy con các kỹ năng sống đi, chúng nó sắp hết tuổi để làm những việc đó rồi đấy. Bất giác tôi rùng mình…

Bố tôi thì tủm tỉm mỗi khi cùng tôi phiêu du ngẫu hứng qua các vùng đất: này, tao đẻ ra mày mà tao cũng không thể ngờ có ngày mày lại lãng tử đến như vậy. Ông đặt bút danh (ghi trong thẻ nhà báo) của tôi là Lãng Quân, chắc cùng do thế.

- Trong cuộc đời làm báo, tác nghiệp của mình anh có hay bị phải chịu nhiều áp lực, bị đe dọa không?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi từng bị người ta dùng cả mỹ nhân kế (tôi không mắc, cười). Bị đe dọa tấn công các con. Tấn công bố… vợ. Bị vây quanh xe chửi bới. Bị đuổi như đuổi tà, đặc biệt là bị lâm tặc đuổi bắt như… kiểm lâm đuổi lâm tặc.

Đe dọa của kẻ xấu thì nhiều kiểu lắm. Suốt thời gian dài, “đại gia” nọ bắn tin nói rằng sẽ gây tai nạn giết tôi để rồi cho ai đó ra tòa với giá đền một mạng người là 30 triệu đồng. Cũng may, tôi rất lỳ với quan niệm rõ ràng: làm báo thì phải đụng chạm, viết mà gây hiệu ứng xã hội lớn là thành công rồi.

Thành công kiểu đó thì ảnh hưởng trầm trọng đến kẻ khác, họ đe dọa hay tấn công mình là không có gì khó hiểu. Nhưng an tâm, ma bao giờ chả sợ người!

 Nghề báo là nghề đi liền giữa ân và oán?

- Trong những lần đi viết, hình ảnh nào khiến anh bị ám ảnh nhiều nhất?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi ám ảnh nhất là cái chết của đồng bào mình. Tôi không bao giờ quên được những ngày lăn lộn ở các vùng thảm họa. Mấy chục người chết vì lũ cuốn, lũ quét ở Ba Khe. Quan tài xếp đỏ bờ suối tang thương, có bà mẹ già gào gổng, hai tay vịn hai cái quan tài đỏ lòm lòm mà khóc từ sáng đến trưa, bà không muốn rời một ai - trong số hai người con trai cùng chết vì một cơn lũ ấy.

Có lần lở đất đá khiến từng mảnh thi thể của người ta biến mất, có khi thứ đem chôn chỉ là một bàn tay, một hàm răng, một mớ tóc. Đám tang của người Mông ở La Pán Tẩn, Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái hôm đó thật ám ảnh.

Người tử nạn vỡ dập cơ thể, anh ta đội mũ, mặc quần áo dân tộc Mông đầy sắc xanh đỏ. Anh ta nằm, hai tay duỗi dọc đùi. Trên đầu có một chai rượu. Trên bụng có mớ lòng lợn, thịt lợn trắng hếu, bên trên bụng phía dưới là con gà, ụ xôi to tướng. Bên trên đồ ăn đặt trên bụng thi thể là một ngọn đèn lom dom.

Tôi vào viếng, họ mời ăn. Bà mẹ người xấu số (bà có hai người con trai cùng chết một lúc) buông tay khỏi cái xác chất đầy thịt thà xôi gạo quay ra. Bà nhao đi trong bong tối um um của ngôi nhà tường chình đất thấp tè.

Bà ôm chầm lấy tôi, cứ thế khóc và kể lể sự tình thê thiết bằng tiếng Mông. Thi thể nằm ở khung gỗ giữa nhà kia còn may mắn chán. Anh trai cậu ta bị trôi mất tích, cán bộ, công an, quân đội đi đào 3 ngày vẫn mới chỉ tìm thấy một nửa người phía trên và một khúc tay để mai táng…

Đõ Doãn Hoàng trong chuyến đi Tây Tạng
Đõ Doãn Hoàng trong chuyến đi Tây Tạng

- Theo quan điểm cá nhân của anh, báo chí đang làm được gì và chưa làm được gì?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Cái được lớn nhất là ở chỗ: bà con tin yêu. Giờ họ không gửi đơn kiện đi đâu cả, cứ có vụ gì bức xúc là gọi nhà báo tới. Chi tiết này, cánh nhà báo chúng ta nên thấy rất tự hào. Còn cái chưa được nhất: là ta vẫn để mang tiếng “nhà văn nói…, nhà báo nói thêm”. Tính trung thực của báo chí, tính chặt chẽ về tài liệu, sự ám hiểu pháp luật, sự khúc chiết từng câu từng từ cần được quan tâm hơn nữa.

- Nghề báo là nghề đi liền giữa ân và oán?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Đây là lần đầu tiên có người nói với tôi điều này, dù ai cũng hiểu điều đó. Và tôi giật mình vì nó đúng quá. Tôi cứu được 1 hoặc 100 người tận khổ, người đang bị bất công vô lý, thì cũng có nghĩa là có rất nhiều người bị phanh phui, bị ảnh hưởng “đặc quyền đặc lợi” của họ, có nhiều người bị nguyền rủa vì để tạo ra bất công.

Sau khi làm những vụ lớn, tôi thường nghe những lời oán than của những người chà đạp công lý, nay công lý được thực thi thì họ sẽ… khổ sở. Ai đó bảo: khi có thêm một người quý mến bạn, bạn đừng chủ quan, điều đó có nghĩa là đang có thêm một người ghét bạn đấy.

Ân và oán, bạn và thù… nó luẩn quẩn thế. Tôi vẫn thường bảo các “quan” mà tôi viết báo làm họ bị “ném đá”, bị kỷ luật, bị mất chức: rằng trước khi làm vụ này tôi không biết anh chị là ai, sau khi làm vụ này tôi cũng chưa bao giờ có ý định gặp lại anh chị. Vậy thì đừng tin là tôi làm việc này để hạ bệ, để thanh toán thù oán gì với cá nhân anh chị.

- Anh có nghĩ rằng, có nhiều người cho rằng, thời buổi này, làm báo chân chính rất khó để có cuộc sống khá giả?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi nghĩ rằng, với câu hỏi này, bạn đang nhận định sai. Làm báo chân chính mà giỏi thì dễ giàu lắm. Bởi nhà báo giỏi bây giờ được săn đón như cầu thủ bóng đá giỏi vậy, tiền nào của nấy, bài nào nhuận bút đó, cái tên nhà báo đó ở đẳng cấp nào thì lối “ứng xử mọi mặt” cũng xứng tầm ngần ấy.

Còn nhà báo không giỏi hoặc dốt thì khá giả là cực khó, trừ khi… Tuy nhiên, cần xem lại, bạn quan niệm thế nào là khá giả? Còn định nghĩa khá giả như xã hội đang hiểu thì nhà báo hoàn toàn có thể làm giàu tương đối được bằng ngòi bút chân chính của mình.

- Vâng, xin cảm ơn anh!

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng sinh năm 1976, tại Ba Vì. Tốt nghiệp Học viện báo chí tuyên truyền, hiện là phóng viên báo Lao động. Đã xuất bản 16 cuốn sách, trong đó một tập truyện ngắn, một tập truyện vừa, một tập tạp văn (in cùng em trai); và 12 tập bút ký, phóng sự: Trần gian còn một thứ nghề, Ký sự đồng rừng, Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha, Nến cong và lửa thẳng,…

Đã công tác tại các cơ quan báo chí: Tạp chí Thanh Niên, báo Thanh Niên, Báo An ninh Thế giới, báo Lao Động. Đoạt 3 giải Báo chí Quốc gia và nhiều giải thưởng báo chí, văn chương khác.

Tham gia thỉnh giảng môn phóng sự, bút ký, phóng sự điều tra ở một số trường Đại học, cơ quan báo chí ở Hà Nội và nhiều Hội Báo chí, các Đài PTTH, Báo các tỉnh thành trong cả nước, đồng thời là cố vấn dự án, thiết kế các chương trình Hành trình Việt Nam xanh.

Viết Cường (Thực hiện)