Nhà Mỹ Linh xây trót lọt vì lợi nhuận khiến mờ mắt?

18/05/2013 07:07
Thuần Lương/kienthuc
"Cấp huyện, cấp thành phố phải xem xét đây là sai sót về đạo đức hay nghiệp vụ, cố tình hay không cố tình", nguyên Thứ trưởng Bộ TN - MT Đặng Hùng Võ đưa quan điểm về vụ nhà Mỹ Linh xây trên đất rừng.
Sự việc liên quan đến kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội về việc nhà ca sĩ Mỹ Linh xây dựng trên đất rừng vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là sự vênh thông tin giữa cơ quan quản lý cấp trên và chính quyền địa phương.

Khuôn viên nhà ca sĩ Mỹ Linh được cho là xây dựng trên đất rừng phòng hộ.
Khuôn viên nhà ca sĩ Mỹ Linh được cho là xây dựng trên đất rừng phòng hộ.

Nới lỏng quản lý do “siêu lòng vì lợi nhuận”?
Kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội nêu rõ việc xây dựng nhà của gia đình ca sỹ Mỹ Linh là trên đất rừng phòng hộ. Thế nhưng, ông Dương Ngọc Oanh, Chủ tịch UBND xã Minh Phú, Sóc Sơn lại khẳng định với báo chí rằng, đất này không phải là rừng phòng hộ và cũng không phải đất lâm nghiệp; theo quy hoạch thì đó là đất trồng vườn quả!?
“Trước năm 1997, huyện thực hiện chủ trương giao đất theo mô hình hộ gia đình để trồng cây ăn quả. Sau đó, trong mỗi mô hình, huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 600m2”, ông Oanh lý giải. 
Ông Oanh cũng xác nhận diện tích đất của gia đình ca sỹ Mỹ Linh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc chuyển nhượng cũng đã có báo cáo chính quyền nhưng có vi phạm là chưa sang tên đổi chủ.
Trao đổi với pv, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định, trong vụ việc này, trách nhiệm đầu tiên là nới lỏng quản lý ở cấp xã, nguyên nhân có thể do “siêu lòng vì lợi nhuận”.
“Từ khi Sóc Sơn trở thành một huyện ngoại thành Hà Nội, khung cảnh huyện miền núi mất dần, đất đai tăng giá. Việc nới lỏng quản lý dễ xảy ra do giá trị đất cao hơn là khi nó còn thuần túy là một huyện trung du. Từ đấy, người ta có cảm giác rừng dần dần biến mất và dễ siêu lòng vì lợi nhuận. Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra của cấp trên lại chưa tốt nên để diễn ra tình trạng lấy đất rừng làm đất ở tại khá nhiều nơi”, ông Võ phân tích. 
Về việc vênh nhau giữa kết luận của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội và cách giải thích của lãnh đạo xã, ông Hùng Võ cho rằng, ý kiến của thanh tra là có căn cứ, điều này ông cũng từng nghe chính người dân địa phương nói. 
“Trong 5-6 năm trước đây, tôi từng nghe người dân nói đất đó (đất khu ca sĩ Mỹ Linh xây nhà) là đất rừng phòng hộ. Nó được biến tướng từng bước và đã được bán cho rất nhiều người ở Hà Nội lên. Tôi cho rằng, chúng ta nên tin vào ý kiến của cơ quan chức năng cấp cao hơn vì khi họ nói, tức là họ phải có căn cứ, giấy tờ, văn bản. Trách nhiệm về đất đai cao nhất là cấp tỉnh, cấp thành phố, khi địa phương nơi lỏng thì sẽ phải có hình thức xử lý nếu làm đúng, làm nghiêm”, ông Võ nói. 
Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, đất rừng do huyện quản lý nên người chịu trách nhiệm trực tiếp là chủ tịch huyện. Chủ tịch xã có trách nhiệm phát hiện ngăn chặn tất cả những trường hợp vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, chủ tịch xã cho rằng, người xây nhà đã làm đúng các quy định về mua bán đất thì cấp tỉnh, cấp huyện phải xem xét - đây là sai sót về đạo đức hay nghiệp vụ, cố tình hay không cố tình. 
Công an phải vào cuộc 
Về hướng xử lý, ông Võ cho rằng, sai phạm thì phải xử lý. Tuy nhiên, đừng bao giờ nghĩ đến việc phá hủy và không phá hủy không có nghĩa là phải chấp nhận. 
“Thu hồi đất và tài sản trên đất, pháp luật đã quy định rõ ràng. Trong trường hợp nhà Mỹ Linh, Nhà nước có thể thu hồi đất và mua lại công trình xây dựng trên đất, chứ không nhất thiết phải phá. 
Chuyện sử dụng sai mục đích đối với đất rừng là trách nhiệm của huyện, trong đó lãnh đạo thành phố cũng có trách nhiệm trong việc không kiểm tra, thanh tra, không theo dõi thường xuyên. Chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm trực tiếp hơn vì để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn của mình”, ông Võ đưa ý kiến.
Luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) trên báo Dân Việt cho rằng, vụ việc trên rất phức tạp, về hành vi xây dựng trái phép chỉ có một, nhưng nó lại phạm vào 2 hệ thống pháp luật. Thứ nhất là hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, thứ 2 là sử dụng đất không đúng mục đích.

Đây là sai phạm có tính chất nghiêm trọng nên khi xử lý cần phải thực hiện triệt để. Bên cạnh việc xử lý công trình sai phạm, còn phải xử lý người để xảy ra sai phạm.
“Để xảy ra sai phạm này là hệ quả của sự buông lỏng trong quản lý Nhà nước về đất đai, liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của các cá nhân trong hệ thống chính quyền. Theo tôi cần phải giao cho cơ quan công an để họ vào cuộc điều tra.
Với nhiệm vụ được giao quản lý mà không biết, vô ý để xảy ra sai phạm gây hậu quả lớn là hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Còn nếu có sự cấu kết giúp sức cho sai phạm để trục lợi đó là hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, ông Dũng phân tích.
Ông Dũng cũng cho rằng, đối với đối tượng có công trình sai phạm, có thể xem xét trách nhiệm hình sự của họ khi cố tình sử dụng đất sai mục đích gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên để chứng minh những điều đó thì cơ quan công an phải vào cuộc. Kết quả xác minh sẽ chỉ rõ các cá nhân nào để xảy ra sai phạm và đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Thuần Lương/kienthuc