Nhà “rùa học” Hà Đình Đức: “Cụ rùa Hồ Gươm đâu phải của riêng tôi”

11/03/2013 06:32
Hoàng Lâm
(GDVN) -“Khi gặp tôi nhiều người thường hỏi:”Cụ Rùa của ông dạo này thế nào ?”. Thực ra cụ Rùa đâu phải của tôi mà là của cả dân tộc Việt Nam. Nhưng những gì liên quan đến cụ Rùa mọi người đều hỏi tôi câu hỏi này, bởi vì tôi đã gắn bó với cụ hơn 20 năm nay…”
LTS: Vào Ngày 31/1/2013, PGS.TS. Hà Đình Đức đã đề nghị với lãnh đạo TP. Hà Nội cần khẩn trương xem xét trình lên Chính phủ để nghiên cứu, phê duyệt việc công nhận cá thể rùa Hồ Gươm (còn sống), tiêu bản rùa Hồ Gươm còn lưu tại đền Ngọc Sơn và bộ xương rùa Hồ Gươm còn lưu trong bảo tàng Hà Nội làm Bảo vật quốc gia.

Tuy nhiên, sau khi đưa ra đề xuất này, rất nhiều nhà văn hóa đã có phản biện khá gay gắt. Trước những ý kiến phản bác về đề xuất đưa “cụ” rùa Hồ Gươm là Bảo vật quốc gia, vừa qua báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó GS, TS Hà Đình Đức, người đã đưa ra đề suất trên. 
PV: Thưa PGS, sau khi đưa lên đề xuất về việc công nhận “cụ” rùa Hồ Gươm là Bảo vật quốc gia và nhận được nhiều ý kiến phản biện, ông có thể chia sẻ nhận định của mình về vấn đề này?
PGS.TS Hà Đình Đức: Qua hơn 20 năm nghiên cứu về Hồ Gươm, nghiên cứu về văn hóa Hà Nội, văn hóa Việt Nam, tôi thấy rùa Hồ Gươm xứng tầm với Bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, khi đưa ra đề xuất này đã có rất nhiều ý kiến, ý kiến ủng hộ cũng có, ý kiến phản bác cũng có nhưng tôi thấy phần lớn các nhà nghiên cứu văn hóa đều phản bác. 
P.GS, TS Hà Đình Đức
P.GS, TS Hà Đình Đức
Đồng ý rằng mỗi người một ý nhưng tôi thấy trong những ý kiến phản bác có những cái không ổn, ví dụ có giáo sư nói rằng rùa, rắn là loài “thủy quái”. Thực tế thì không thể nói thế được. Rồi rùa phá đê, nhưng từ trước tới nay chưa thấy có bằng chứng nào nói rằng rùa phá đê cả. Hay chuyện rùa trả gươm của vua Lê Lợi là hư cấu. Cái này tôi cho là đúng, truyền thuyết có từ bao giờ thì không ai xác định được là thế nào nhưng nên nhìn ở một góc độ khác.
Có giáo sư bảo tôi không nắm chắc tiêu chí xét duyệt Bảo vật quốc gia. Thực tế tôi tham gia từ khi Hội di sản văn hóa Việt Nam mới thành lập chứ không phải người ngoài cuộc.

 Tôi còn lưu giữ cả “Pháp lệnh Bảo vệ và Sử dụng Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh lam thắng cảnh” trong đó có Lệnh số 14-LCT/HĐNN do Chủ tịch Trường Trinh đã ký ngày 31/3/1984; Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng số: 228_HĐBT ngày 31/12/1985 “Quy định về việc thi hành cả “Pháp lệnh Bảo vệ và Sử dụng Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh lam thắng cảnh”do PCT Đỗ Mười ký; Thông tư số: 206-VHTT ngày 22/7/1986 Hướng dẫn thi hành “Pháp lệnh Bảo vệ và Sử dụng Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh lam thắng cảnh” do Thứ trưởng Bộ Văn hóa Vũ Khắc Liên ký.

(Sở VH và TT Hà Nội xuất bản năm 1986). Tôi cũng có trong tay Luật Di sản Văn hóa NXB Chính trị Quốc gia bản 2002 và 2007. Điều này chứng tỏ tôi quan tâm đến Di sản văn hóa và khi phát biểu hoàn toàn có trách nhiệm. Tôi cũng không tìm thấy “Tiêu chí Bảo vật quốc gia” trong các văn bản này.
PV: Có ý kiến cho rằng GS không nắm rõ các tiêu chí của Luật di sản trước khi đưa đề xuất. GS có thể làm rõ điều này?
PGS.TS Hà Đình Đức: Thực sự tôi không hiểu các tiêu chí mà báo chí đưa ra gần đây để chỉ trích tôi lấy ở đâu vì tôi không thấy có ở trong Luật di sản văn hóa và hướng dẫn thi hành. Đề xuất của tôi hoàn toàn dựa theo Luật di sản đàng hoàng. Vậy những tiêu chí mà báo chí đưa gần đây là căn cứ ở đâu???
Tôi đề xuất đưa “cụ” rùa Hồ Gươm là Bảo vật quốc gia vì tôi thấy “cụ” rùa Hồ Gươm liên quan đến truyền thuyết Hồ Gươm của vua Lê. Một truyền thuyết dựa trên cái thực, cái hư nhưng khi rùa Hồ Gươm nổi lên thì người ta nghĩ ngay đến trang sử oai hùng của  ông cha ta thế kỷ 15 đã  đánh đuổi quân xâm lược. Đây có thể nói là một bài học lịch sử giáo dục về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc cực kì hay cho con cháu đời sau noi theo không cần lên lớp mà vẫn tồn tại gần 600 năm nay, độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
PGS.TS Hà Đình Đức cùng đồng nghiệp bên cạnh tiêu bản rùa Hồ Gươm ở đền Ngọc Sơn - Ảnh: TL
PGS.TS Hà Đình Đức cùng đồng nghiệp bên cạnh tiêu bản rùa Hồ Gươm ở đền Ngọc Sơn - Ảnh: TL
Có ý kiến đóng góp, có người bảo nên, có người bảo không nên, tôi thấy nó cũng là một cái hay để thăm dò dư luận. Nên tôi cho rằng mình hoàn toàn có thể lấy một số ý kiến đó để mình có một chỗ dựa nhưng số đông chưa chắc đã là chân lý.
PV: Thưa PGS, “cụ” rùa Hồ Gươm đã không ít lần xuất hiện trên các tờ báo lớn trên thế giới. Liệu đây có phải là một trong những lý do để ông đưa ra đề xuất chăng?
PGS.TS Hà Đình Đức: Về vấn đề này tôi có thể khẳng định, “cụ” rùa Hồ Gươm không chỉ được quan tâm đặc biệt đối với người Việt Nam, mà còn là sự quan tâm của cả thế giới. Bằng chứng là tôi đã trả lời hàng trăm cuộc phỏng vấn của những hãng thông tấn lớn trên thế giới đến từ Mỹ, Pháp, Anh… hỏi về rùa Hồ Gươm…

Tôi cũng có thống kê đến 11 ngôn ngữ quốc tế nhắc đến rùa Hồ Gươm. Như vậy, rõ ràng đó là một hiện tượng văn hóa đặc biệt mà không phải là bất cứ một hiện tượng văn hóa nào cũng có vinh dự được thế giới quan tâm như vậy.
PV: Có ý kiến cho rằng không nên gọi cá thể rùa Hồ Gươm còn sống là “cụ”, PGS nhận định thế nào về ý kiến này?
PGS.TS Hà Đình Đức: Có người đưa ra ý kiến: “Việt Nam chỉ có cụ Hồ, còn Rùa Hồ Gươm không nên gọi bằng “cụ” để trong sáng tiếng Việt (?). Tôi cho rằng những người cao tuổi trong xã hội đều được gọi là cụ. Đa số người Việt Nam gọi Rùa Hồ Gươm là cụ Rùa. Còn ai muốn gọi như thế nào là tuỳ không có gì ép buộc. Rùa Hồ Gươm là linh hồn của Hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết “Hoàn Kiếm” (trả gươm) trong văn hóa Việt Nam, nên gọi là Rùa Hồ Gươm là cụ Rùa đã được nhiều người chấp nhận.
Xin cám ơn P.GS !
Hoàng Lâm