Nhà văn Lê Lựu: “Ăn uống ở Hà Nội bây giờ xô bồ và thiếu văn hóa lắm”

11/07/2012 07:24
Nguyễn Tiến
(GDVN) - Trong kí ức của nhà văn Lê Lựu, ngày xưa những người Hà Nội ăn uống rất 'nhẹ nhàng', ăn nói thì thanh lịch còn bây giờ thì xô bồ và tục tĩu, thiếu văn hóa lắm...
Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết xung quanh vấn đề văn hóa ứng xử và văn hóa phục vụ khách hàng của một bộ phận các chủ nhà hàng ở Hà Nội phục vụ theo kiểu bún mắng, cháo chửi, thậm chí còn có những hành động rất thiếu tôn trọng với khách hàng. Mới đây là bài viết của độc giả Hoàng Tuấn “Văn hóa ứng xử của một bộ phận người ở Hà Nội thật đáng xấu hổ”, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả. 

Nhiều độc giả cho rằng, văn hóa bán hàng hay văn hóa ẩm thực của người Hà Nội nay đã bị phai nhạt, biến đổi đi rất nhiều, không còn giữ được những nét đẹp của ngày xưa nữa. Để độc giả có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Lê Lựu về văn hóa ẩm thực của người Hà Nội xưa.

Không ít người Hà Nội vẫn thờ ơ, bàng quan trước những cảnh "bún mắng, cháo chửi" và nghịch lý là các quán này vẫn đông nghịt khách. Ảnh: Internet.
Không ít người Hà Nội vẫn thờ ơ, bàng quan trước những cảnh "bún mắng, cháo chửi" và nghịch lý là các quán này vẫn đông nghịt khách. Ảnh: Internet.

Chiều muộn mùng 9/7, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm đến Trung tâm văn hóa Doanh nhân tại phố Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội, nơi nhà văn Lê Lựu đang sinh sống và làm việc. Sau nhiều năm chống chọi với hàng chục căn bệnh quái ác, nhà văn Lê Lựu giờ đây đã yếu hơn xưa rất nhiều.
Mỗi bước đi của ông đều phải có người đỡ nhưng tinh thần của ông vẫn hết sức minh mẫn, đặc biệt là những kỉ niệm về nét văn hóa ẩm thực của một thời ở Hà Nội vẫn còn in đậm trong trí nhớ nhà văn này.
Khi nhắc tới những quán ăn với những phong cách phục vụ thiếu tôn trọng khách hàng như “bún mắng, cháo chửi hay ốc lắm mồm...”, và đặc biệt là những câu chuyện đánh chửi khách mới đây ở một số nhà hàng sang trọng ở Hà Nội, nhà văn Lê Lựu cho biết: Cả người ăn và người bán hàng đều không giữ được những nét thanh lịch, không giữ được văn hóa tối thiểu nơi công cộng nữa.

“Ăn như vậy cốt là để no, to cái bụng chứ không có văn hóa gì về ăn uống hết. Ăn như vậy là xô bồ, tục tĩu. Bây giờ nhất là những quán bia người ta ra đó để say sưa, rồi văng tục, chửi bới ghê lắm...”, nhà văn Lê Lựu than thở.
Nhà văn Lê Lựu cũng cho biết thêm, ngày xưa người Hà Nội ăn uống rất nhẹ nhàng và ăn nói rất thanh lịch, không xô bồ như bây giờ. Đồng thời ông cũng chia sẻ những kỉ niệm không thể nào quên về những năm tháng ăn uống tại Hà Nội. “Lần đầu tiên tôi đạp xích-lô ra Hà Nội là năm 1956, đến thăm nhà một bà cụ ở phố Hoàng Diệu.

Nhà văn Lê Lựu (Ảnh CAND)
Nhà văn Lê Lựu (Ảnh CAND)
Bà cụ ấy quý tôi lắm, khi ăn cơm nhà bà cụ có mười đứa con nhưng mỗi người chỉ ăn có khoảng hai bát cơm nhỏ thôi nhưng cụ xới cho tôi tới tám bát cơm mà tôi ăn vẫn đói vì ở nhà bụng bị chèn ngô, khoai lâu ngày.  Bữa cơm đó gồm có bát canh rau ngót, mấy con tôm và một đĩa giò lụa. Người ta ăn nhẹ nhàng như vậy thôi. Sau này những năm 80 tôi đến nhà một ông tướng ở quân đội ăn cơm cũng chỉ có một đĩa rau muống, một bát canh và đĩa lạc rang, người ta cũng chỉ ăn 'thanh cảnh' vậy thôi.
Nhà văn Lê Lựu cũng chia sẻ về món ăn mà ông khoái khẩu nhất là đậu phụ chấm mắm tôm, nhưng ông cho rằng mắm tôm bây giờ không như trước kia nữa. “Ngày xưa là mắm tôm nguyên chất, hơi xanh một tí, ăn không phải chưng khi vắt chanh vào thì thơm lừng. Mắm tôm bây giờ ăn thì phải chưng lên làm mất mùi mắm tôm đi”.
Nhưng bây giờ ở Hà Nội người ta cậy lắm tiền nhiều của, ra ngoài nhà hàng sang trọng đắt tiền để ăn để tiêu, còn các chủ nhà hàng, các nhân viên phục vụ thì không quen được phong cách phục vụ lịch sự có văn hóa... Một bên thì cậy nhiều tiền, một bên thì không biết phục vụ vậy là hai bên cãi vã đánh chửi nhau. Sự tao nhã, thanh lịch trong ăn uống của người Hà Nội bây giờ còn ít lắm!”.
Về nguyên nhân dẫn đến những tình trạng bún mắng, cháo chửi, đánh chửi nhau với khách hàng ở nhiều địa chỉ nhà hàng ở ngoài Hà Nội trong thời gian gần đây theo nhà văn Lê Lựu là do những người vô văn hóa đem đến, từ nước ngoài mang về. “Nhiều người từ cách sinh hoạt, ăn uống, nói năng… cũng cố gắng giống Tây một tí để tỏ ra là mình sành. Ví dụ mặc quần chẽn thì người ta chẽn vừa nhưng mình làm quá lên để tỏ ra mình sành, đến lúc mình lại hở hơn họ...”.
Về những ý kiến cho rằng, những văn hóa không đẹp trong văn hóa ăn uống, kinh doanh là người tỉnh lẻ mang lên, nhà văn Lê Lựu cho rằng: “Không phải bất cứ người nhà quê nào cũng làm hỏng Hà Nội và không phải bất cứ người Hà Nội nào cũng là người văn hóa. Bởi vì hiện nay có sự đan xen lẫn nhau khó phân biệt người nào Hà Nội. Bây giờ khó tìm được người Hà Nội gốc lắm và cũng khó tìm được người nhà quê gốc, vì người nhà quê gốc sống rất chân thành...”.
Nhà văn Lê Lựu được biết đến không chỉ là tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng được chuyển tải thành phim như: “Sóng ở đáy sông”, “Thời xa vắng”... mà còn được biết đến là người sành sỏi trong chuyện ăn uống. Món ăn ưa thích của ông khi là đậu phụ chấm mắm tôm, mắm tép hay ăn những bát 'phở đục', phở nước cuối cùng để tận hưởng vị ngon ngọt từ những giọt nước dùng cuối cùng...
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Điểm nóng
Tranh cãi về Clip mỳ Gấu đỏ Góc ảnh độc giả
Văn hóa ứng xử nơi công cộng  Hình ảnh cười chỉ có ở giao thông VN
Hà Nội - một thời để nhớ
Bấm xem ảnh đẹp
Điểm nóng: Hành trình tổ công tác đặc biệt 142
Bấm xem clip hot
Nguyễn Tiến