Nhận diện lạm thu

20/08/2019 06:26
Thảo Ly
(GDVN) - Lợi dụng sự thật thà và ít hiểu biết của một số phụ huynh, không ít hiệu trưởng đã nhẫn tâm móc hầu bao của họ một cách không thương tiếc.

Cứ vào đầu năm học, câu chuyện lạm thu luôn là đề tài nóng hổi trên các diễn đàn.

Vấn nạn lạm thu trong trường học (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).
Vấn nạn lạm thu trong trường học (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).

Thế nhưng không phải phụ huynh nào cũng hiểu thế nào là lạm thu? Và thu thế nào để biết là đang “lạm”?

Nói điều này vì trong quá trình viết bài, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với không ít phụ huynh ở vùng khó, đặc biệt là những phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số, họ trả lời vô tư đến xót lòng:

“Nhà trường bảo nộp bao nhiêu thì chúng tôi nộp thôi, không có thì đi mượn chứ chúng tôi có biết gì đâu mà thắc mắc?”.

Có lẽ, lợi dụng sự thật thà và ít hiểu biết của một số phụ huynh như thế, không ít hiệu trưởng đã nhẫn tâm móc hầu bao của họ một cách không thương tiếc.

Thông qua bài viết này, độc giả sẽ phần nào nhận diện được việc lạm thu trong nhà trường.

Những khoản được phép thu trong quy định vẫn có thể xảy ra lạm thu

1. Bảo hiểm y tế: Tiền bảo hiểm y tế học sinh năm 2019 – 2020 là 46.935 đồng/tháng. Có em sẽ đóng 12 tháng, có em đóng tới 15 tháng (chủ yếu là học sinh lớp 1).

2. Ấn phẩm.

3. Học phí (bậc trung học), tiền buổi 2 (bậc tiểu học dạy 2 buổi/ngày và với những trường chưa đủ tỉ lệ giáo viên 1.5).

Nhận diện lạm thu ảnh 2
Những khoản tiền “hoa hồng” đầu năm học thật hấp dẫn của hiệu trưởng!

4. Tiền phục vụ bán trú (đối với trường tổ chức bán trú).

5. Bao gồm tiền ăn, số tiền phải đóng theo thỏa thuận của phụ huynh với nhà trường.

Tiền chăm sóc bán trú, tiền trang thiết bị phục vụ bán trú.

Dù là tiền thu trong quy định, ngoài số tiền bảo hiểm y tế và tiền học phí gần như giống nhau, một số khoản thu trong quy định vẫn có dấu hiệu lạm thu khi trường học ấy thu với mức quá cao.

Ví như, tiền ấn phẩm có địa phương thu chỉ 20-30 ngàn đồng/học sinh.

Số tiền này đã được tính toán vừa đủ. Thế nhưng có nơi, nhà trường lại thu tới 100-120 ngàn đồng/học sinh.

Tiền học buổi 2 (bậc tiểu học) nơi thu 50 ngàn đồng/học sinh/tháng.

Nơi thu 100 ngàn đồng, nhiều nơi lại thu tới 200 ngàn đồng.

Tiền phục vụ bán trú, ngoài tiền ăn theo mức thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường thì khoản tiền chăm sóc bán trú, tiền trang thiết bị phục vụ bán trú, mức thu ít hay nhiều cũng phụ thuộc vào cái tâm của hiệu trưởng.

Thế là, lạm thu ngay chính những khoản tiền thu trong quy định.

Những khoản tiền ngoài quy định nguy cơ lạm thu khá cao

Nhận diện lạm thu ảnh 3
Giáo viên thành người đòi nợ, lỗi của không ít phụ huynh

Đầu tiên phải kể đến những khoản như tiền bảo hiểm tai nạn, tiền mua ghế ngồi chào cờ, tiền nước uống, tiền vệ sinh, tiền giữ xe, tiền học bơi, tiền tham quan, học kỹ năng sống, học Anh văn tăng cường, tiền quỹ hội, tiền quỹ đội, quỹ lớp…

Nhiều trường học hiện nay, không thông báo cho phụ huynh biết “Bảo hiểm tai nạn” là tự nguyện để bán cùng với “Bảo hiểm y tế” được xem là bắt buộc.  

Tiền ghế ngồi, thường thu học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10).

Nhưng không ít trường thu tất cả các khối lớp nhưng chỉ mua một số lượng ghế ngồi nào đấy vì những học sinh các khối khác đã mua năm trước nên ghế vẫn còn dùng lại được.

Tiền ghế thu từ phụ huynh cũng nhiều giá.

Hiệu trưởng không “xơ múi” thì thu đúng giá ghế đặt mua, hiệu trưởng tham lam thì một cái ghế phải gánh thêm mươi lăm ngàn đồng nữa.

Số tiền tưởng nhỏ nhưng nhân với hằng trăm học sinh, thậm chí hàng nghìn cũng chẳng thể là con số nhỏ.

Ngay khoản tiền nước uống, có trường thu 30-50 ngàn đồng/học sinh/năm nhưng trường thu tới 120-150 ngàn đồng/học sinh/năm học.

Rồi tiền vệ sinh, tiền giữ xe, tiền tham quan, học bơi, học Kỹ năng sống, Anh văn tăng cường…

Số tiền thu của phụ huynh với số tiền thực trả cho người được thuê cũng chênh nhau khá lớn.

Để "che mắt" nhiều người, có trường xé nhỏ các khoản tiền phải đóng.

Cụ thể,  đã có tiền quỹ hội lại sinh ra tiền quỹ lớp, tiền quỹ đội và thu lai ra trong suốt cả năm học.

Nhìn vào những khoản thu ngỡ không có điều gì đáng nói nhưng nếu phân tích kỹ, đối chiếu với giá cả thị trường hay với những trường trong cùng một địa bàn sẽ thấy hình bóng của lạm thu xuất hiện.

Dẹp bỏ lạm thu là ước muốn của bao người nhưng không phải dễ dàng gì.

Bởi, những món hoa hồng hấp dẫn, những khoản tiền chênh lệch có một sức hút vô cùng mãnh liệt đối với những hiệu trưởng mang đầy lòng tham.

Sự đoàn kết của tất cả phụ huynh, sự công tâm của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì may ra mới có thể hạn chế được.

Thảo Ly