Nhận diện phương thức và thủ đoạn phạm tội của tội phạm buôn người

12/11/2017 09:00
Phương Phương
(GDVN) - Dù đa đạng về thành phần xã hội nhưng tội phạm buôn người vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm đối tương đã có tiền án tiền sự hoặc chứa chấp mại dâm.

Những phương thức thường gặp

Theo Cục Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, trong hầu hết các trường hợp, người phạm tội thường đi cùng nạn nhân để đảm bảo rằng nạn nhân có mặt đúng thời gian, đúng địa điểm hẹn gặp và trao đổi với người mua.

Trong trường hợp vận chuyển bằng phương tiện cá nhân (ô tô, tàu, thuyền…), người phạm tội có thể giấu nạn nhân ở những nơi kín trong các phương tiện đó.

Trong nhiều trường hợp, người phạm tội và nạn nhân đi qua biên giới bằng cách đi qua các cửa khẩu bằng các giấy tờ xuất, nhập cảnh hợp pháp; trường hợp không qua cửa khẩu thì thường có hành vi lén lút bí mật và được tính toán kỹ về thời gian, địa điểm vượt qua biên giới để tránh gặp lực lượng tuần tra của lực lượng chức năng.

Người phạm tội có thể căn dặn trước với nạn nhân về cách khai báo khi trên đường đi gặp sự kiểm tra, kiểm soát của các cán bộ thực thi pháp luật.

Hành vi mua bán nạn nhân có thể xảy ra ngay trong nội địa, địa bàn biên giới hay ở nước ngoài. Người bán và người mua thường có sự tiếp xúc trực tiếp với nhau tại những địa điểm hẹn trước để trao đổi nạn nhân; cuộc tiếp xúc có thể diễn ra trước mặt nạn nhân hoặc không, do đó nạn nhân có thể biết mặt tất cả các đối tượng đó.

Phương thức thanh toán phổ biến là người mua trả tiền mặt trực tiếp cho người bán hoặc cho người trung gian làm nhiệm vụ vận chuyển nạn nhân.

Đối với hành vi bóc lột hoặc xâm hại nạn nhân dưới mọi hình thức, hành vi này thường diễn ra tại nơi sử dụng nạn nhân như nô lệ tình dục hoặc lao động cưỡng bức. Hành vi xâm hại nạn nhân (hiếp dâm, đánh đập, gây thương tích…) còn có thể diễn ra ngay trên đường vận chuyển nạn nhân từ nơi tuyển mộ đến nơi bán.

Các đối tượng bị bắt trong một vụ án buôn người bị cơ quan chức năng triệt phá (Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp)
Các đối tượng bị bắt trong một vụ án buôn người bị cơ quan chức năng triệt phá (Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp)

Nhận diện tội phạm

Tội phạm buôn người thường đa dạng về thành phần xã hội, người phạm tội có thể thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần xuất thân, nghề nghiệp, địa vị xã hội, trình độ học vấn…

Nhưng phổ biến là những người đã có tiền án, tiền sự về hành vi chứa chấp, tổ chức hoặc môi giới mại dâm; những người có quan hệ với chủ chứa, kinh doanh hoặc môi giới mại dâm ở trong nước hoặc nước ngoài; những người thường qua lại hai bên biên giới để làm thuê hoặc buôn bán, du lịch…có điều kiện tiếp xúc với những cơ sở có nhu cầu tuyển mộ gái mại dâm, sử dụng lao động bất hợp pháp hoặc môi giới cho, nhận con nuôi.

Đặc biệt có trường hợp người phạm tội đã từng là nạn nhân bị mua bán.

Trong khi đó, đặc điểm nhân thân của người bị hại là thường ở độ tuổi còn trẻ, thuộc lứa tuổi thanh niên, một số ít là trung niên từ 30 đến dưới 40 tuổi.

Đây là độ tuổi đang có sức lao động tốt hoặc đang còn ở thời kỳ hoạt động tình dục (nếu bán cho cơ sở kinh doanh mại dâm) hoặc còn khả năng sinh sản (nếu bán cho người đàn ông có nhu cầu tìm vợ).

Phần lớn nạn nhân xuất thân từ nông thôn hoặc người làm thuê, người buôn bán nhỏ có thu nhập thấp. Một số ít có thể đang hành nghề mại dâm hoặc làm việc trong các cơ sở kinh doanh giải trí.

Một số khác tuy gia đình không gặp khó khăn về kinh tế nhưng có thể gặp khó khăn, trở ngại khác trong cuộc sống như: tình duyên trắc trở, cha mẹ đẻ li hôn với nhau hoặc bản thân đã li hôn, hoặc bị hắt hủi, ruồng bỏ...

Trình độ học vấn của các nạn nhân phổ biến là ở mức tương đối thấp, cá biệt có nạn nhân có trình độ học vấn cao, nhưng nhìn chung họ đều thiếu thông tin hoặc sở thích đi du lịch, ham làm giàu nhanh, ăn chơi đua đòi hoặc bị người yêu, người tình lừa bán…

Nhận diện phương thức và thủ đoạn phạm tội của tội phạm buôn người ảnh 2

Nhận diện cạm bẫy tình tiền của bọn tội phạm buôn người

Từ thực tế chỉ đạo và điều tra các vụ án lớn, việc đi tìm và tiến hành lấy lời khai nhân chứng là vấn đề hết sức quan trọng.

Đa phần những người làm chứng khi được hỏi về hành vi phạm tội của bọn tội phạm có tổ chức, lưu manh chuyên nghiệp thường có thái độ e dè, sợ sệt, sợ bị trả thù.

Vì vậy, họ thường hay từ chối khai báo hoặc khai báo không đủ, không chính xác những gì họ biết.

Chính vì vậy đòi hỏi khi tiến hành lấy lời khai nhân chứng phải nắm bắt được tâm lý người làm chứng, có năng khiếu và khả năng thuyết phục giáo dục họ.

Những trường hợp cá biệt đối với người làm chứng quan trọng có thể bố trí đưa người làm chứng đến một địa điểm an toàn có người bảo vệ để động viên, thuyết phục họ cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án, phải bảo vệ chặt chẽ và đảm bảo bí mật cho họ.

Phương Phương