Nhật Bản đã coi Trung Quốc là mối đe dọa từ 20 năm trước?

29/12/2013 09:15
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản sớm xác định Trung Quốc là đối thủ khu vực, đối mặt với sức ép an ninh to lớn, muốn tự chủ hơn về an ninh-phòng vệ, phù hợp với tình hình mới.
Nhật Bản coi máy bay chiến đấu F-35 là máy bay chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo của nước này
Nhật Bản coi máy bay chiến đấu F-35 là máy bay chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo của nước này

"Mục tiêu cuối cùng của Nhật Bản là tái lập trật tự khu vực và thế giới mới"

Tờ  "The Japan Times" ngày 22 cho rằng, sau khi quay trở lại cầm quyền, ông Shinzo Abe và đội ngũ của ông đã khéo léo chèo lái. Trong chiến lược an ninh quốc gia vừa được nội các Nhật Bản thông qua đã lấy đối phó với Trung Quốc làm trung tâm, Chính phủ Shinzo Abe chủ trương giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước để tăng cường ủng hộ của người dân nước này.

Tuy nhiên, Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc "dẫn lời giáo sư luật Hiroshi Nishihara, Đại học Waseda, Nhật Bản" tuyên truyền cho rằng, việc đưa chủ nghĩa yêu nước vào trong chiến lược quốc gia là điều "kỳ lạ", vì lòng yêu nước tùy thuộc vào cá nhân mỗi người, cho nên đây là "cưỡng chế yêu nước" để đổi lấy an ninh quốc gia.

Theo nhà phân tích chính trị Nhật Bản Harris thuộc tổ chức tư vấn Teneo Interlligence, ông Shinzo Abe đang nỗ lực chuyển vai trò của Thủ tướng Nhật Bản từ nhà quản lý lập pháp sang Tổng tư lệnh, quản lý thống nhất cơ quan quốc phòng mạnh hơn. Những thay đổi này tạo ra sự tương phản rõ rệt so với trước đây. Đây là "hy sinh dân chủ" để tiến hành cạnh tranh với Trung Quốc.

Tờ "Nhà quan sát" Pakistan ngày 21 cho rằng, dưới sự lãnh đạo của ông Shinzo Abe, tòa án, ngân hàng, cục pháp chế nội các, cơ quan phát thanh công cộng và đại học đã có "màu sắc đảng phái", ngân hàng Nhật Bản trở thành công cụ thúc đẩy "Kinh tế học Abe".

Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: mua máy bay vận tải MV-22 Osprey
Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: mua máy bay vận tải MV-22 Osprey

Học giả Vương Thiếu Phổ, Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng, ông Shinzo Abe nhanh chóng kiểm soát về mặt quân sự, an ninh, quyền lực chính trị là để hỗ trợ cho thực hiện giấc mơ "phục quốc cánh hữu" của mình, mục tiêu cuối cùng là tái lập trật tự mới của Đông Á, thậm chí thế giới, học giả Trung Quốc gọi đây là điều "rất nguy hiểm" đối với Nhật Bản.

"Giấc mơ Nhật Bản" của Shinzo Abe là quay trở lại thời kỳ Minh Trị?

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" ngày 23 tháng 12 cũng có bài viết dẫn hãng Kyodo, Nhật Bản ngày 22 cho rằng, ông Shinzo Abe mong muốn mỗi năm có thể đến thăm đền Yasukuni một lần, từ khi quay trở lại làm Thủ tướng vào ngày 26 tháng 12 năm 2012, ông đã gửi lễ cúng tế, nhưng bản thân ông còn chưa đến thăm, quan chức cấp cao nội các Nhật Bản cho biết, chưa rõ ông Abe có đến thăm hay không.

Theo bài báo, nếu ông Shinzo Abe đến thăm ngôi đền thờ "tội phạm chiến tranh" này sẽ gây tức giận cho Trung Quốc và Hàn Quốc (vì Nhật Bản từng tiến hành xâm lược Trung Quốc trước đây). Ngày 20 tháng 12, Ngoại trưởng Nhật Bản đã tiến hành thảo luận hữu nghị với Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, báo Thái Lan đã bày tỏ hoan nghênh và cho rằng, đây là "mối quan tâm toàn cầu".

Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: mua máy bay do thám không người lái Global Hawk
Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: mua máy bay do thám không người lái Global Hawk

Tờ "Nam Hoa buổi sáng" ngày 22 thì cho rằng, ông Shinzo Abe là người theo chủ nghĩa dân tộc, bắt đầu chuyển từ ngôn ngữ sang thực tế, tập trung mở rộng quân bị (Kế hoạch phòng vệ mới của Nhật Bản tập trung vào mua sắm, trang bị vũ khí tiên tiến đối phó Trung Quốc), theo đó, bài báo cho rằng, "tham vọng quân sự của Abe sẽ đe dọa sự ổn định khu vực".

Nhưng, sự cảnh báo này liệu có tác dụng hay không? Bởi vì, dư luận cũng phải nhìn vào chính việc tăng cường quân bị mạnh mẽ trên biển-trên không-trên mặt đất-trên vũ trụ-không gian mạng... của Trung Quốc những năm gần đây, đồng thời Trung Quốc cũng chủ trương phô trương sức mạnh quân sự để thực hiện những đòi hỏi chủ quyền trên biển như "đường lưỡi bò" phi pháp trên Biển Đông của họ.

Hơn nữa, Nhật Bản đâu có tên lửa chiến lược, đâu có tên lửa hành trình, đâu có vũ khí hạt nhân... như Trung Quốc?

Các tờ báo Nhật thừa nhận, trong năm qua, quan hệ Trung-Nhật đầy căng thẳng, tổng kim ngạch thương mại Nhật-Trung từ tháng 1-6 năm nay giảm mạnh 10,8% so với cùng kỳ năm 2012; nhiều sự kiện nóng nổi lên như: sự kiện radar tàu chiến Trung Quốc ngắm bắn tàu chiến, máy bay Nhật Bản; tàu hộ vệ và máy bay trinh sát Nhật Bản xâm nhập khu vực diễn tập của 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc khi tiến hành diễn tập ở vùng biển Tây Thái Bình Dương; Trung Quốc đơn phương lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, đòi nước khác phải trình báo tại không phận quốc tế; Nhật Bản công bố Đại cương phòng vệ mới, đối đầu Nhật-Trung leo thang....

Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: Tăng cường năng lực cảnh báo sớm trên hướng tây nam
Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: Tăng cường năng lực cảnh báo sớm trên hướng tây nam

Cao Hồng, Phó trưởng phòng nghiên cứu Nhật Bản, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng: Không còn nghi ngờ gì nữa, hiện nay, xung đột giữa Trung-Nhật đã hơn cả thời đại Koizumi.

Ông Shinzo Abe lên cầm quyền một năm thực chất là một năm tồi tệ nhất từ khi Trung-Nhật thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972 đến nay. Ông phân tích cho rằng, một mặt là do yếu tố thời đại.

Nhật Bản đang rất muốn trở thành một "quốc gia bình thường" như nước khác, Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, trong khi đó sức mạnh quốc gia của Mỹ suy yếu, theo đó, Nhật Bản muốn thực hiện tự phát triển trong cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ, điều này đã khiến cho mâu thuẫn Trung-Nhật gay gắt chưa từng có.

Mặt khác, ông Shinzo Abe khác với các nhà chính trị Đảng Dân chủ (DPJ) Nhật Bản, thuộc phái chiến lược chủ nghĩa bảo thủ, báo Trung Quốc diễn giải ra thành "chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quân phiệt", nghĩa là "giấc mơ Nhật Bản" của ông Shinzo Abe là "quay trở về thời đại Minh Trị".

Bộ Quốc phòng Trung Quốc: Nhật làm loạn khu vực

Tờ "Hoàn Cầu" ngày 23 tháng 12 cho biết, ngày 17 tháng 12 năm 2013, nội các Nhật Bản đã tổ chức hội nghị thông qua 3 văn kiện về an ninh, phòng vệ quan trọng, gồm "Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia", "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới và "Kế hoạch xây dựng Lực lượng Phòng vệ trung hạn". Ba văn kiện này đã đặc biệt nhấn mạnh đến "mối đe dọa" từ Trung Quốc, theo bài báo thì Nhật Bản đang tạo cớ để mở rộng quân bị.

Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: Triển khai thêm 1 phi đội 20 máy bay chiến đấu F-15 cho căn cứ Naha, Okinawa hướng tây nam
Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: Triển khai thêm 1 phi đội 20 máy bay chiến đấu F-15 cho căn cứ Naha, Okinawa hướng tây nam

Các văn kiện này khẳng định Nhật Bản là quốc gia yêu chuộng hòa bình, kiên trì chính sách phòng vệ "chỉ phòng thủ", không làm cường quốc quân sự; nhưng Nhật Bản cũng thúc đẩy "chủ nghĩa hòa bình tích cực".

Trong "Đại cương kế hoạch phòng vệ" đã từ bỏ chính sách "xây dựng Lực lượng Phòng vệ có chừng mực", đề xuất sửa Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, có kế hoạch mua sắm các loại vũ khí trang bị tiên tiến như máy bay chiến đấu F-35, máy bay do thám không người lái Global Hawk… của Mỹ, tăng cường số lượng tàu khu trục; thành lập các lực lượng tác chiến mang tính tấn công như lực lượng tác chiến đổ bộ (như Thủy quân lục chiến Mỹ)…

Báo Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh ngày 20 tháng 12 tuyên bố Nhật Bản không có tư cách nói đến tự do, dân chủ, nhân quyền, pháp trị, bởi vì Nhật Bản không nhìn thẳng vào lịch sử, phủ nhận lịch sử chiến tranh xâm lược thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, thách thức trật tự thế giới sau Chiến tranh...

Nhật Bản khẳng định sẽ tăng cường phối hợp quốc tế, tích cực đóng góp cho an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế, nhưng theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì Nhật Bản vẫn có tư duy Chiến tranh Lạnh, tăng cường đồng minh quân sự với các nước có liên quan, có ý đồ lôi kéo nước khác "gây ra đối đầu khu vực", "làm loạn tình hình khu vực".

Theo đó, báo Trung Quốc cho rằng, hành động của Nhật Bản là đi ngược lại trào lưu thời đại "phát triển hòa bình, hợp tác cùng thắng" (như Trung Quốc đề xướng?).

Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: Tăng cường chế tạo tàu ngầm
Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: Tăng cường chế tạo tàu ngầm

Ngoài tờ "Hoàn Cầu", hầu hết các phương tiện truyền thông Trung Quốc trong thời gian qua đặc biệt lo ngại về các động thái quân sự, ngoại giao của Nhật Bản, điều này đã thể hiện dây thần kinh nhạy cảm của một quốc gia từng bị Nhật Bản xâm chiếm, từng bị mất đi "tôn nghiêm dân tộc" như Trung Quốc.

Một trong những điều mà Trung Quốc đặc biệt lo ngại là những thùng thuốc súng, trong đó có vũ khí hạt nhân lại hiện diện ngay tại "cửa nhà", nhất là khi Nhật Bản có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân dễ dàng, có nền tảng công nghệ vững chắc, dễ dàng phát triển các loại vũ khí trang bị tiên tiến nếu họ muốn.

Do sức ép an ninh từ Trung Quốc, nhất là để giữ vững sự kiểm soát của họ đối với đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và đòi Nhật phải nói là có tranh chấp, để sau này, Trung Quốc mạnh lên rồi, đòi lại bằng được), trong khi Mỹ cũng đối mặt với sự suy yếu tương đối, nhất là khi phải căng sức trên toàn cầu, Nhật Bản chủ trương trở thành quốc gia bình thường như các nước khác, tăng cường sức mạnh quân sự, tự chủ hơn trong phòng vệ, đồng thời tích cực nới lỏng xuất khẩu vũ khí, phối hợp với các nước trong khu vực để bảo vệ an ninh, trong đó có an ninh hàng hải - những tuyến đường sinh mệnh của Nhật Bản và cũng là của Trung Quốc, và Trung Quốc cũng đang tìm cách kiểm soát bằng quân sự - như Biển Đông, eo biển Malacca...

Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: trang bị máy bay vận tải tầm xa cỡ lớn C-2 nội địa
Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: trang bị máy bay vận tải tầm xa cỡ lớn C-2 nội địa

Nhật Bản đã coi Trung Quốc là mối đe dọa từ 20 năm trước?

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" ngày 21 tháng 12 cũng có bài viết dẫn báo Mỹ cho rằng, Nhật Bản đã có chính sách mới về an ninh, phòng vệ, nguyên nhân chủ yếu là do cạnh tranh của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Trước thách thức an ninh từ Trung Quốc, trong đó Trung Quốc vừa đơn phương lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, theo báo Anh, Nhật Bản đưa ra chiến lược an ninh mới là kịp thời.

Trong khi đó, tờ "Nihon Keizai Shimbun" Nhật Bản ngày 18 cho biết, ngay từ 20 năm trước, quan chức phòng vệ Nhật Bản đã nhìn thấu Trung Quốc. Năm 1994, mặc dù công tác điều chỉnh Đại cương phòng vệ tập trung vào CHDCND Triều Tiên - nước có tham vọng hạt nhân, nhưng khi đó có quan chức Lực lượng Phòng vệ từng cho rằng: "Nước thực sự cần cảnh giác, đề phòng chính là Trung Quốc".

20 năm trước, bất kể về quân sự hay về kinh tế, Trung Quốc không được  gọi là nước lớn. Nhưng, khi đó, quan chức Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã cho rằng: "Nhìn ở góc độ lịch sử, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến ra Thái Bình Dương. Nếu trước đó Lực lượng Phòng vệ suy yếu, Trung Quốc sẽ nắm lấy điểm yếu".

Tờ "Thời đại" Mỹ gần đây cũng truy nguồn gốc của cuộc khủng hoảng giữa Trung-Nhật, cho rằng, Trung-Nhật đang xảy ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nguy hiểm. Nhìn bề ngoài, hai nước tranh chấp một số hòn đảo không người ở trên Thái Bình Dương, nhưng nhìn sâu vào bên trong, sự kiện này có thể truy đến 75 năm trước, trong đó có “lịch sử chiến tranh”.

Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: thành lập Quân đoàn cơ động đổ bộ (Thủy quân lục chiến)
Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản: thành lập Quân đoàn cơ động đổ bộ (Thủy quân lục chiến)

Theo báo Trung Quốc, trên thực tế, nhiệt độ của "Kinh tế học Abe" đã thay thế bằng "Quân sự học Abe". Theo tờ "Nihon Keizai Shimbun", các nguồn tin xung quanh ông Shinzo Abe cho biết: "Năm nay là năm kinh tế, năm 2014 sẽ trở thành năm bảo đảm an ninh".

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 19 nói trên truyền hình TV Asahi: "Tôi cho rằng, Thủ tướng Shinzo Abe hy vọng đưa Nhật Bản trở thành quốc gia bình thường". Theo ông, để bảo vệ nhân dân cần thiết phải cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể.

Đông Bình