Nhật Bản phủ nhận tranh chấp, tăng cường sức mạnh bảo vệ đảo Senkaku

22/11/2014 09:36
Đông Bình
(GDVN) - Phủ nhận đồng thuận Nhật-Trung thừa nhận tranh chấp lãnh thổ, mua mới 4 máy bay cảnh báo sớm E-2D Mỹ, sử dụng Đội cảnh giới đặc biệt, tăng cường bắt giữ tàu cá

Phủ nhận đảo Senkaku có tranh chấp chủ quyền

Ngày 21 tháng 11 hội nghị nội các Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh, đảo Senkaku không tồn tại tranh chấp chủ quyền.

Báo Trung Quốc coi đây tiếp tục là một "khiêu khích nghiêm trọng" sau khi Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida phủ nhận tính chất trói buộc của 4 nguyên tắc Trung-Nhật.

Ngày 10 tháng 11 năm 2014, ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc (phải) có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Thái độ của ông Tập Cận Bình được cho là rất "lạnh nhạt", "coi thường", gây sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế.
Ngày 10 tháng 11 năm 2014, ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc (phải) có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Thái độ của ông Tập Cận Bình được cho là rất "lạnh nhạt", "coi thường", gây sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế.

Chính phủ Nhật Bản tuyên bố rõ ràng: "Không tồn tại vấn đề chủ quyền phải giải quyết giữa hai nước Nhật-Trung". Đây là câu trả lời trước chất vấn của 2 nghị sĩ Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản cho rằng, mặc dù 4 nguyên tắc có diễn đạt chữ nghĩa như vậy, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là Nhật Bản thừa nhận đảo Senkaku tồn tại tranh chấp, "lập trường liên quan đảo Senkaku của Chính phủ sẽ không thay đổi".

Đầu tháng 11, người đứng đầu Cục An ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đạt được 4 nguyên tắc Trung-Nhật, khi nói về vấn đề đảo Senkaku, hai bên cho biết: "Liên quan đến tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông những năm gần đây như đảo Senkaku, nhận thức đầy đủ hai nước có cách nhìn khác nhau".

Trung Quốc coi điều này có nghĩa là Nhật Bản gián tiếp thừa nhận Trung Quốc phát biểu về đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ đảo Senkaku. Nhưng, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng, nói như vậy không có nghĩa là Chính phủ Nhật Bản thừa nhận chủ quyền đảo Senkaku tồn tại tranh chấp.

Trước đó, ông Fumio Kishida thậm chí nhấn mạnh, 4 nguyên tắc Trung-Nhật không có tính ràng buộc. Tại Ủy ban ngoại giao, quốc phòng Thượng viện sáng ngày 13 tháng 11, ông Fumio Kishida công khai cho biết, hiện nay, 4 nguyên tắc đạt được với Chính phủ Trung Quốc không có hiệu lực pháp lý. Báo Trung Quốc nghĩ rằng, theo đó, Chính phủ Nhật Bản có thể thay đổi và vứt bỏ bất cứ lúc nào.

Đối với vấn đề này, người phát ngôn Sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản cho rằng: "Chúng tôi bày tỏ quan ngại và bất mãn nghiêm trọng đối với phát biểu liên quan của phía Nhật Bản. Đảo Điếu Ngư (cách gọi đảo Senkaku của phía Trung Quốc) là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Hàm nghĩa và tinh thần của 4 điểm đồng thuận nguyên tắc mà hai bên Trung-Nhật vừa đưa ra là rõ ràng.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida

Những năm gần đây, phía Nhật Bản coi thường lập trường của Trung Quốc trong vấn đề đảo Điếu Ngư, cố ý áp dụng hành động khiêu khích đơn phương, là nguồn gốc gây ra tình hình căng thẳng đảo Điếu Ngư hiện nay.

Quyết tâm và ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc là kiên định, đồng thời luôn tập trung vào thông qua đối thoại, tham vấn để quản lý, kiểm soát và giải quyết vấn đề đảo Điếu Ngư".

Theo người phát ngôn này, Trung Quốc thúc giục Nhật Bản "nhìn thẳng vào lịch sử" và sự thực, tuân thủ cam kết, dựa vào tinh thần đồng thuận nguyên tắc, đi cùng một hướng với Trung Quốc, nói năng và hành động thận trọng trong vấn đề đảo Senkaku, chấm dứt tất cả các hành vi gây thiệt hại cho "chủ quyền lãnh thổ" của Trung Quốc.

Được biết, ngày 7 tháng 11, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cục trưởng Cục an ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi đã tổ chức hội đàm ở nhà khách Điếu Ngư Đài, Trung Quốc. Theo báo chí Trung Quốc, hai bên đã đạt được Đồng thuận nguyên tắc 4 điểm về xử lý và cải thiện quan hệ Trung-Nhật:

Một, hai bên xác nhận sẽ tuân thủ các nguyên tắc và tinh thần của 4 văn kiện chính trị Trung-Nhật, tiếp tục phát triển quan hệ chiến lược, cùng có lợi Trung-Nhật.

Hai, hai bên dựa trên tinh thần "nhìn thẳng vào lịch sử, hướng tới tương lai", đạt được một số đồng thuận về khắc phục những trở ngại chính trị ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.

Ba, hai bên nhận thức được tồn tại chủ trương khác nhau về tình hình căng thẳng xuất hiện những năm gần đây ở biển Hoa Đông như đảo Senkaku, đồng ý thông qua đối thoại, đàm phán ngăn chặn tình hình xấu đi, xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát khủng hoảng, tránh xảy ra tình hình bất trắc.

Bốn, hai bên đồng ý tận dụng các loại kênh đa phương, song phương, tiếp tục tái khởi động đối thoại chính trị, ngoại giao và an ninh, nỗ lực xây dựng lòng tin chính trị. 

Lãnh đạo Trung-Nhật gặp thoáng qua tại APEC 2014
Lãnh đạo Trung-Nhật gặp thoáng qua tại APEC 2014

Sẽ mua 4 máy bay cảnh báo sớm Mỹ đối phó máy bay Trung Quốc

Hãng Kyodo, Nhật Bản ngày 20 tháng 11 cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lựa chọn máy bay E-2D Advanced Hawkeye của công ty Northrop Grumman - ông trùm công nghiệp quốc phòng Mỹ làm máy bay cảnh báo sớm mới của Lực lượng Phòng vệ Trên không.

Theo hãng tin này, để tăng cường theo dõi "máy bay quân sự Trung Quốc hoạt động ngày càng tới tấp ở biển Hoa Đông", máy bay cảnh báo sớm này sẽ triển khai ở căn cứ Naha vào năm tài khóa 2017. Chi phí mua sắm đã được đưa vào phương án ngân sách năm tài khóa 2015, nhập khẩu tổng cộng 4 chiếc.

Ngoài ra, Nhật Bản đã chính thức quyết định nhập khẩu máy bay vận tải MV-22 Osprey và máy bay do thám không người lái Global Hawk của Quân đội Mỹ. Trong "Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn" của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ghi rõ sẽ nhập khẩu 4 máy bay cảnh báo sớm mới, 3 máy bay không người lái tầm cao và 17 máy bay cất hạ cánh thẳng đứng, đồng thời đã tiến hành lựa chọn loại máy bay.

Bài báo chỉ ra, máy bay cảnh báo sớm E-2D nhỏ hơn về kích cỡ so với 737AEW&C của công ty Boeing Mỹ, mặc dù E-2D không bằng 737AEW&C về khoảng cách hoạt động liên tục và độ cao bay, nhưng giá cả rẻ trên một nửa. E-2D là loại máy bay mới nhất của dòng E-2C mà Lực lượng Phòng vệ Trên không đang sử dụng, sử dụng tương đối thuần thục, thông thạo, khả năng dò tìm mục tiêu và truyền tin cũng rất xuất sắc. Do đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản phán đoán nó thích hợp nhất cho nhiệm vụ theo dõi các hòn đảo ở tây nam.

Máy bay cảnh báo sớm trên biển E-2D Advanced Hawkeye Mỹ
Máy bay cảnh báo sớm trên biển E-2D Advanced Hawkeye Mỹ

Osprey là loại máy bay lựa chọn duy nhất của máy bay cất hạ cánh thẳng đứng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra đề nghị với địa phương về việc triển khai máy bay này ở sân bay Saga. Máy bay không người lái cũng có loại máy bay lựa chọn khác, nhưng căn cứ vào tính năng, cuối cùng đã chọn Global Hawk.

Bắt 7 thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc

Trang mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 19 tháng 11 cho biết, từ tháng 10 trở lại đây, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã liên tục bắt nhiều thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc do khai thác phi pháp san hô đỏ ở các vùng biển Nhật Bản như quần đảo Bonin.

Sáng ngày 18 tháng 11, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản tiếp tục giam giữ một tàu cá và bắt một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Đây là thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc thứ 7 Nhật Bản bắt được ở vùng biển này. Thuyền trưởng này đã 61 tuổi.

Theo bài báo, nhân viên bảo vệ bờ biển Nhật Bản phát hiện trên tàu cá Trung Quốc có dụng cụ lưới khai thác san hô, nhưng không thấy có san hô. Trên tàu còn có 13 thuyền viên khác, nhà chức trách Nhật Bản đã lần lượt thẩm vấn 13 người này.

Đài truyền hình NHK Nhật Bản ngày 18 tháng 11 cho biết, từ tháng 10 đến nay, tàu cá Trung Quốc bắt đầu xuất hiện rất nhiều ở vùng biển quần đảo Bonin và khai thác phi pháp san hô, đồng thời tàu cá Trung Quốc đã coi thường lệnh dừng hoạt động của phía Nhật Bản, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã tăng cường cảnh giới và cấm tàu cá Trung Quốc đến vùng biển quần đảo Bonin. Trong tương lai, đơn vị bảo vệ bờ biển ở Yokohama sẽ tiếp tục tăng cường mức độ cấm tàu Trung Quốc.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ tàu cá Trung Quốc khai thác trộm san hô
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ tàu cá Trung Quốc khai thác trộm san hô

Ngày 17 tháng 11, cũng có 2 thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị phía Nhật Bản bắt vì lý do khai thác trộm tương tự, địa điểm là vùng biển thành phố Minamisatsuma, tỉnh Kagoshima. Hai thuyền trưởng này tên là Lương Cúc Phu và Hà Trường Khôn, lần lượt 51 tuổi và 33 tuổi.

Điều đội cảnh giới đặc biệt ứng phó tàu cá Trung Quốc

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 13 tháng 11 dẫn báo Nhật tiết lộ, theo tin từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, đối với vấn đề rất nhiều tàu cá Trung Quốc khai thác trộm san hô ở vùng biển xung quanh quần đảo Bonin, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản từng điều động Đội cảnh giới đặc biệt (SST) tiến hành cảnh giới.

Theo bài báo, ngày 5 tháng 10, Đội cảnh giới đặc biệt nhận được mệnh lệnh, nhanh chóng lên máy bay trực thăng xuất phát từ căn cứ Osaka, hạ cánh trên tàu tuần tra cỡ lớn ở khu vực quần đảo Bonin, sau đó đã tổ chức cuộc họp nhanh về chuẩn bị trước cho tác chiến, rồi lại lên trực thăng. Khi máy bay đến vùng trời có tàu cá Trung Quốc khai thác trộm san hô, đội viên Đội cảnh giới đặc biệt trước tiên sử dụng dây thừng hạ xuống mặt ngoài tàu, sau đó cầm súng máy vào tàu, đã chế ngự ngư dân Trung Quốc "có ý đồ dùng dao phay chống đối", cưỡng chế đưa về Yokosuka.

Đội cảnh giới đặc biệt này được thành lập vào năm 1996, có nhiệm vụ ứng phó với các sự kiện khủng bố trên biển. Do số lượng người cụ thể, phạm vi bố trí chức vụ của đội này thuộc nội dung bí mật, vì vậy Chính phủ Nhật Bản chưa từng công khai đơn vị này, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng không công bố bất cứ thông tin nào liên quan đến điều động khẩn cấp lần này.

Đội cảnh giới đặc biệt - Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản
Đội cảnh giới đặc biệt - Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản

"Đội cảnh giới đặc biệt" Nhật Bản được xem là đơn vị đặc biệt chống khủng bố bí mật nhất Nhật Bản, trang mạng của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng chỉ đưa những thông tin đơn giản. Tên đầy đủ của nó là "Đội cảnh giới đặc biệt Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản", tiền thân là đội cảnh giới trên biển được thành lập ở sân bay Kansai vào năm 1985.

Năm 1992, nó sáp nhập với đội cảnh giới hộ tống vận chuyển plutonium từ Pháp và thành lập nên Đội cảnh giới đặc biệt hiện nay. Đơn vị đặc biệt này trong thời bình giải cứu tàu bị bắt cóc, bảo vệ vận chuyển hàng quan trọng như plutonium; kiểm tra tạm thời đối với tàu khả nghi, mục tiêu là ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ngày 29 tháng 5 năm 2010, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản tổ chức huấn luyện kiểm duyệt và tổng hợp ở vịnh Tokyo, đơn vị này công khai xuất hiện.

Đơn vị này có 7 phân đội, trong đó có phân đội đặc biệt làm các nhiệm vụ như bảo vệ, xử lý chất nổ. Mỗi phân đội có đội trưởng, đội phó và 6 đội viên. Đội cảnh giới này chủ yếu học từ đơn vị đột kích Seal của Mỹ các kiến thức về bắn, chặn đánh, chiến đấu cự ly gần, nhảy dù máy bay trực thăng.

Đội cảnh giới đặc biệt - Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản
Đội cảnh giới đặc biệt - Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản
Đông Bình