Nhật Bản tập trận bắn đạn thật lớn nhất Fuji, lấy TQ là đối tượng

26/08/2014 09:27
Việt Dũng
(GDVN) - Cuộc tập trận diễn ra ngày 24/8 lấy Quân đội Trung Quốc làm đối tượng tác chiến, mục đích là bảo vệ đảo nhỏ của Nhật Bản trước nguy cơ xâm lược.
Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Các tờ báo điện tử Trung Quốc đưa tin, ngày 24 tháng 8 Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã tổ chức cuộc diễn tập bắn đạn thật có quy mô lớn nhất trong nước tại thao trường đông Phú Sĩ, ở chân núi Phú Sĩ, thành phố Gotemba, tỉnh Shizuoka.

Đây chính là cuộc diễn tập hỏa lực tổng hợp Phú Sĩ, và là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Mặt đất tổ chức huấn luyện công khai quy mô lớn kể từ khi Chính phủ Nhật Bản thông qua nghị quyết dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể vào cuối tháng 7 đến nay – điều này gây chú ý cho dư luận, nhất là khoa mục diễn tập phòng vệ đảo nhỏ. Có khoảng 30.000 người dân đến xem.

Theo tờ “Shizuoka Shimbun” Nhật Bản ngày 24 tháng 8, cuộc diễn tập này có khoảng 2.300 binh sĩ Lực lượng Phòng vệ tham gia, trang bị tham diễn gồm khoảng 80 xe chiến đấu và xe bọc thép, khoảng 60 khẩu pháo các loại cùng 20 máy bay chiến đấu và khoảng 600 xe khác. Hãng Kyodo cho biết, cuộc diễn tập đã chuẩn bị khoảng 44 tấn đạn dược, trị giá 350 triệu yên (khoảng 20,72 triệu nhân dân tệ).

Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Lực lượng Phòng vệ Mặt đất ngoài phô diễn trang bị của họ, còn lấy “Trung Quốc hoạt động tới tấp ở khu vực đảo Senkaku” làm bối cảnh, lấy “đoạt lại đảo bị kẻ thù xâm lược” làm mục tiêu giả định, triển khai diễn tập tác chiến liên hợp giữa Lực lượng Phòng vệ Mặt đất/Biển/Trên không.

Trong diễn tập, Lực lượng Phòng vệ tiến hành theo dõi và đánh bại “đội quân xâm lược đảo” từ trên biển, trên không và trên mặt đất. Trong đó, xe tăng Type 10 tiên tiến nhất của Nhật Bản đã phô diễn khả năng chiến đấu trong khoa mục bắn đạn thật.

Trong diễn tập đoạt lại đảo, Lực lượng Phòng vệ coi Trung Quốc là đối tượng tác chiến. Cuộc diễn tập chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là lực lượng triển khai trước tiến hành ứng phó. Giai đoạn 2 là lực lượng chủ lực cơ động triển khai tấn công. Giai đoạn 3 là đoạt lại đảo bị xâm lược.

Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Để mô phỏng tác chiến liên hợp trên đất liền-trên biển-trên không, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản lần này điều động máy bay săn ngầm P-3C, Lực lượng Phòng vệ Trên không điều động máy bay chiến đấu F-2, Lực lượng phòng vệ Mặt đất sử dụng máy bay trực thăng tấn công Apache, tên lửa chống hạm mặt đất Type 88, xe tăng Type 10… Nhưng do ở chân núi Phú Sĩ có nhiều mây, nên người dân chỉ có thể nghe thấy tiếng gào thét của máy bay chiến đấu trong mây, không nhìn thấy tung tích của chúng.

Cuộc diễn tập này được tổ chức hàng năm, từ năm 1961 trở đi. Hãng Kyodo bình luận, xét tới Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển, diễn tập lần này có ý định thể hiện Nhật Bản tăng cường phòng vệ đảo.

Theo tờ “Tin tức Trung Quốc”, từ cuộc diễn tập quân sự Fuji năm 2012 trở đi, Nhật Bản đã tăng thêm nội dung “phòng thủ đảo” cho cuộc diễn tập này. Tức là đặt tình huống giả định kẻ thù xâm lược đảo, 3 “quân chủng” Lực lượng Phòng vệ tiến hành huấn luyện phối hợp đoạt lại. 

Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Một người đàn ông 28 tuổi mang theo bạn gái đến xen cuộc diễn tập này, trả lời phỏng vấn cho biết, anh cảm thấy cuộc diễn tập này rất hoành tráng, bày tỏ tán thành với quyết định sửa đổi giải thích Hiến pháp dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể của chính quyền Shinzo Abe vào cuối tháng 7 vừa qua. Anh cho rằng, Nhật Bản là một trong những quốc gia chủ yếu trên thế giới, cần có quyền tự vệ tập thể.

Một người đàn ông 66 tuổi từng phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ cho biết, ông cũng tán thành dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, bởi vì, Nhật Bản cần thể hiện lập trường của mình đối với bên ngoài, cho rằng Nhật Bản cần tăng cường thực lực để đối phó với việc Trung Quốc tăng cường hoạt động hung hăng ở khu vực đảo Senkaku.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cùng cán bộ của bộ này đã thị sát cuộc diễn tập này. Ông Itsunori Onodera không đọc diễn văn, nhưng phát biểu cho rằng, năm 2014 là tròn 60 năm thành lập Lực lượng Phòng vệ, Nhật Bản đã thành lập Hội đồng bảo đảm an ninh quốc gia, đây là lần đầu tiên Nhật Bản thông qua hội đồng này, đã quyết định Đại cương kế hoạch phòng vệ mới và Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn.

Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Đánh giá về cuộc diễn tập trên, chủ nhiệm Hoàng Đại Tuệ, Trung tâm nghiên cứu Đông Á, Đại học nhân dân Trung Quốc cho rằng, diễn tập quân sự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng một tính chất với Đại cương kế hoạch phòng vệ và kế hoạch phòng thủ đảo nhỏ của họ.

Theo Hoàng Đại Tuệ, chính quyền Shinzo Abe luôn lấy Trung Quốc làm kẻ thù giả định, tuyên truyền mối đe dọa Trung Quốc, điều này thực sự đang làm thay đổi sự chú ý của quốc tế, làm giảm mức độ quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với quân sự của Nhật Bản, tiến tới thực hiện cởi trói cho lĩnh vực an ninh của họ, trở thành một quốc gia bình thường.

Hoàng Đại Tuệ nói thêm: Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản tạo dựng môi trường dư luận Trung Quốc sẽ vươn ra đại dương, làm thay đổi hiện trạng khu vực, nhằm làm giảm sức ép bất mãn ở trong nước đối với sửa đổi Hiến pháp, tìm kiếm sự ủng hộ của người dân đối với dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể của Chính phủ Nhật Bản.

Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Ngoài diễn tập đoạt đảo bắn đạn thật, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cơ bản quyết định, sẽ xin ngân sách năm tài khóa 2015 tăng 3,5% so với năm 2014, lên đến 5.054,5 tỷ yên (khoảng 299 tỷ nhân dân tệ), đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Hãng Kyodo cho rằng, đặc điểm của ngân sách này là tập trung trọng điểm vào các biện pháp tăng cường phòng vệ đảo nhỏ, bao gồm kinh phí xây dựng căn cứ cho lực lượng và xe đổ bộ của “quân đoàn cơ động đổ bộ” – lực lượng chuyên phòng vệ đảo nhỏ, cùng với kinh phí mua đất để triển khai máy bay vận tải mới Osprey ở sân bay Saga, tổng cộng 19 tỷ yên (khoảng 1,125 tỷ nhân dân tệ). Ngân sách này sẽ chính thức được quyết định vào ngày 29 tháng 8 tới.

Đồng thời diễn ra cùng với cuộc diễn tập lần này này, khoảng 10 giờ sáng ngày 24 tháng 8, tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết đã phát hiện 4 tàu hải cảnh Trung Quốc lần lượt xâm nhập lãnh hải Nhật Bản ở đảo Senkaku, đến giữa trưa thì chúng rời khỏi lãnh hải.

Hãng Kyodo cho hay, đây là lần thứ 20 tàu công vụ Trung Quốc xâm phạm lãnh hải trong năm 2014, lần trước là vào ngày 12 tháng 8. Đối với vấn đề này, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành họp bàn đối sách.

Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji 2014 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Việt Dũng