Nhật trang bị F-35, quyền kiểm soát trên không từ "thủ" sang "công"

08/02/2012 08:02
Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - "F-35 có ưu thế nổi bật về không chiến, có thể dễ dàng phá hủy các công trình phòng không của đối phương, tấn công chính xác mặt đất, mặt biển".
Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ
Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ

Tờ “Bình luận quân sự độc lập” Nga gần đây đưa tin, ngày 20/12/2011, Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định chọn máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lightning II của Mỹ làm máy bay chiến đấu chủ lực mới của Lực lượng Phòng vệ Trên không, có kế hoạch bắt đầu trang bị từ năm 2016, tổng cộng 46 chiếc, dùng để thay thế máy bay chiến đấu F-1, F-2 cũ và F-4EJ hết hạn sử dụng.

Báo Nga cho biết, theo kế hoạch, Mỹ sẽ bàn giao lô 4 máy bay chiến đấu F-35 Lightning II đầu tiên cho Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản trong năm tài chính 2016 (hết hạn vào ngày 31/3/2017). Trong 20 năm sau đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản chuẩn bị mua tiếp 42 máy bay F-35.

Những năm gần đây, tiến trình đổi mới máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản liên tục trì hoãn. Bộ Quốc phòng Nhật Bản vốn chuẩn bị bắt đầu trang bị máy bay chiến đấu mới trong khuôn khổ kế hoạch phòng vệ trung hạn 2005-2009, có kế hoạch mua 7 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ mới thay cho F-4.

Máy bay chiến đấu F-4EJ của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu F-4EJ của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản từng hy vọng mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-22 Raptor được Không quân Mỹ bắt đầu trang bị từ tháng 12/2005.

Chuyên gia Nhật Bản từng có cơ hội đánh giá thực tế tính năng kỹ chiến thuật của F-22. Biên đội máy bay chiến đấu F-22 của quân Mỹ định kỳ chuyển tới căn cứ không quân tại Nhật Bản, mỗi lần lưu lại vài tháng, tham gia tập trận chung trên không Mỹ-Nhật.

Chuyên gia Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cho rằng, F-22 là máy bay chiến đấu kiểu phòng không, rất phù hợp với chiến lược quân sự “xây dựng lực lượng vũ trang mang tính phòng ngư đơn thuần” của Nhật Bản, bởi vì Raptor chính là được nghiên cứu chế tạo nhằm bảo đảm giành lấy quyền kiểm soát trên không.

Nhưng, tháng 4/2009, Chính phủ Mỹ tuyên bố, do chi tiêu quốc phòng giảm mạnh phải dừng sản xuất F-22, số lượng đơn đặt hàng sử dụng cho nội bộ Không quân Mỹ cũng chỉ giới hạn ở 187 chiếc.

Báo giới Nhật Bản cho biết, hiện nay nhu cầu của Lực lượng Phòng vệ Trên không đối với máy bay chiến đấu sử dụng cho phòng không giảm rõ rệt, bắt đầu cần nhiều hơn máy bay chiến đấu đa dụng có thể tấn công mục tiêu trên mặt đất và trên biển.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ

Hơn nữa, năm 2007, Quốc hội Mỹ cấm xuất khẩu F-22 ra nước ngoài, kể cả đồng minh, bởi vì cần phải bảo vệ bí mật công nghệ mới nhất được sử dụng để chế tạo loại máy bay này, đặc biệt là công nghệ tàng hình.

Nhật Bản từng hy vọng Mỹ có thể dành cho “đặc ân”, cung cấp F-22 cho Nhật Bản – một đồng minh khu vực quan trọng nhất, kết quả không được toại nguyện.

Mỹ đề nghị Nhật lựa chọn loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm khác, đó là máy bay chiến đấu đa dụng F-35, mặc dù thời gian sản xuất hàng loạt tiếp tục bị trì hoãn.

Vì vậy, cho dù là trong thời gian kế hoạch quốc phòng trung hạn 2010-2014, quá trình thay mới kho máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cũng sẽ không thể được khởi động một cách thuận lợi.

Báo Nga cho biết, mãi đến tháng 9/2011, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản mới chính thức tuyên bố đấu thầu mua sắm máy bay chiến đấu mới. Máy bay chiến đấu F-35, F/A-18E/F của Mỹ và Typhoon của châu Âu tham gia cạnh tranh.

Máy bay F-35 có nhiều ưu thế khi không chiến, tấn công mặt đất, mặt biển
Máy bay F-35 có nhiều ưu thế khi không chiến, tấn công mặt đất, mặt biển

F-35 có ưu thế nổi bật, do các doanh nghiệp của 9 nước trong đó đứng đầu là Công ty Lockheed Martin nghiên cứu chế tạo, sử dụng một loạt công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ tàng hình.

Điều quan trọng hơn là, thiết bị thông tin của F-35 có thể thu nhận thông tin của tàu khu trục Aegis và radar trên mặt đất thu thập, áp dụng phương thức điều khiển tự động hóa, có ưu thế rất nổi bật về không chiến, có thể dễ dàng phá hủy các công trình phòng không của đối phương, thực hiện tấn công chính xác đối với các mục tiêu trên mặt đất và trên mặt biển.

Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã có 4 tàu khu trục Aegis bắt đầu tuần tra ở biển Nhật Bản.

Mặc dù máy bay chiến đấu F/A-18E/F và Typhoon đã có kinh nghiệm sử dụng chiến đấu thực tế phong phú, hơn nữa giá cả cũng rẻ, tiến hành cấp phép sản xuất ở Nhật Bản cũng sẽ không có vấn đề gì lớn.

Nhưng, nhìn vào việc Nhật Bản tích cực tranh thủ nhập về loại F-22 mới nhất có tốc độ cao, tầm bay cao, cơ động cao thì thấy rằng, Nhật Bản quan tâm hơn tới tính năng kỹ chiến thuật của máy bay chiến đấu thế hệ mới, bảo đảm có ưu thế kiểm soát trên không tương đối lớn.

Các quan chức Nhật Bản từng nói rõ là, tuy lựa chọn F-35 sẽ đối mặt với một số vấn đề và thách thức, bao gồm vấn đề tài chính, nhưng Nhật Bản vẫn hy vọng có thể có được máy bay chiến đấu loại mới nhất thế hệ mới.

Được biết, trong vòng 20 năm, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản có kế hoạch mua lượng lớn máy bay chiến đấu F-35, bao gồm chi phí mua sắm và chi phí duy tu, tổng cộng số tiền bỏ ra là 1.600 tỷ yên.

Máy bay F-35
Máy bay F-35

Nhật Bản hy vọng 40% vốn có thể dùng vào hợp đồng phụ của 3 nhà sản xuất trang bị hàng không Nhật Bản. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries) chuẩn bị sản xuất linh kiện máy bay F-35, Mitsubishi Electric sản xuất bộ kiện thiết bị điện tử cho F-35, Công ty TNHH Ishikawajima sẽ lắp ráp động cơ.

Về vấn đề định mức các công ty Nhật Bản tham gia chương trình sản xuất F-35, hai bên Mỹ-Nhật còn phải tiến hành đàm phán gian nan. Ngoài ra, do Nhật không tham gia chương trình nghiên cứu chế tạo F-35, cho nên Mỹ sẽ không chuyển nhượng công nghệ bộ phận cho Nhật Bản.

Hơn nữa, để có được những công nghệ mới từ Công ty Lockheed Martin, các nhà sản xuất linh kiện Nhật Bản liên quan còn phải bỏ ra chi phí chuyển nhượng.

Lãnh đạo Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản lo ngại, Mỹ không thể bắt đầu cung cấp F-35 trước khi máy bay chiến đấu cũ hiện có của Lực lượng Phòng vệ Trên không hết thời hạn phục vụ.

Một là do sau khi cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng, Mỹ có thể sẽ tiếp tục trì hoãn sản xuất F-35.

Hai là, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian sản xuất F-35, bởi vì 4 nước châu Âu tham gia chương trình này đang đứng trước khó khăn nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong giai đoạn bay thử của F-35, từng phát hiện có vấn đề về thiết kế. Nhưng Mỹ cam kết bắt đầu cung cấp F-35 cho Nhật Bản từ cuối năm tài chính 2016. Còn lãnh đạo Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cho biết, họ tin là Mỹ có thể thực hiện cam kết.

Báo Nga cho biết, lãnh đạo Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản chỉ ra, nếu Mỹ không thể bắt đầu cung cấp máy bay chiến đấu F-35 từ năm tài chính 2016, thì Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản sẽ sửa lại chiến lược phòng ngự trên không.

Trên thực tế, dù là F-35 có thể được cung cấp thuận lợi hay không, Nhật Bản cũng sẽ sửa chiến lược phòng thủ trên không, hơn nữa đây cũng là nhu cầu thực tế sau khi trang bị nhiều máy bay chiến đấu kiểu mới có tính năng tiên tiến.

Dẫu sao, sau khi thay bằng F-35, không chỉ có thể bảo đảm được quyền kiểm soát trên không khi không chiến, mà còn có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu trên mặt đất, trên biển, hơn nữa có thể sẽ thúc đẩy sứ mệnh của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản có thay đổi lớn trong 20-30 năm tới.

Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)