Nhật-Mỹ-Ấn diễn tập ở Ấn Độ Dương ứng phó Hải quân Trung Quốc

10/07/2015 13:42
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo)
(GDVN) - Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ định kỳ tham gia diễn tập Malabar, Nhật Bản còn thành lập các liên đội cơ động khẩn cấp ứng phó Trung Quốc.
Biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương
Biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương

Tập trận 3 bên đối phó Trung Quốc

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 10 tháng 7 dẫn trang mạng “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản ngày 9 tháng 7 đăng bài viết "Nhật-Mỹ-Ấn sẽ tổ chức huấn luyện liên hợp ở Ấn Độ Dương kiềm chế Trung Quốc".

Bài viết cho biết, Chính phủ Nhật Bản ngày 9 tháng 7 quyết định điều Lực lượng Phòng vệ Biển tham gia hoạt động huấn luyện liên hợp Malabar ở vịnh Bengal, Ấn Độ Dương vào tháng 10 với Hải quân Mỹ và Hải quân Ấn Độ.

Các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản và Ấn Độ đều đã xác nhận thông tin này. Từ năm 2007 đến nay, Lực lượng Phòng vệ Biển đã 8 năm chưa tham gia huấn luyện ở vịnh Bengal.

Lần này, 3 nước Nhật-Mỹ-Ấn chuẩn bị để sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ Biển trở nên thường xuyên. Mục đích là 3 nước hợp tác kiềm chế Trung Quốc - nước đang hoạt động ngày càng gia tăng (hung hăng) ở biển Hoa Đông, Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Hình ảnh này được cho là tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Trung Quốc xuất hiện ở Ấn Độ Dương
Hình ảnh này được cho là tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Trung Quốc xuất hiện ở Ấn Độ Dương

Bài báo cho biết, Lực lượng Phòng vệ Biển sẽ cử vài tàu hộ vệ và máy bay tuần tra tham gia huấn luyện liên hợp lần này. Cùng Hải quân Mỹ và Ấn Độ triển khai huấn luyện tác chiến đối không, tác chiến săn ngầm, kiểm tra tàu khả nghi, tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Về nguyên tắc, huấn luyện liên hợp Malabar hàng năm đều tổ chức luân phiên ở duyên hải Ấn Độ và vùng biển Thái Bình Dương. Tháng 9 năm 2007, Nhật Bản, Australia và Singapore từng tham gia huấn luyện tổ chứcở vịnh Bengal.

Về sau, do Trung Quốc mạnh mẽ phản đối, quy mô huấn luyện thu hẹp. Lực lượng Phòng vệ Biển chỉ tham gia huấn luyện ở duyên hải Nhật Bản vào tháng 4 năm 2009 và tháng 7 năm 2014.

Lập mới các liên đội cơ đội khẩn cấp

Tờ "Nihon Keizai Shimbun" Nhật Bản ngày 9 tháng 7 đăng bài viết "Nhật sẽ lập ra các liên đội cơ động khẩn cấp ở Kumanoto và Kagawa" cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản chuẩn bị thiết lập "Liên đội cơ động khẩn cấp" ở 2 tỉnh Kumanoto và Kagawa để ứng phó linh hoạt với các tình trạng Nhật Bản bị tấn công vũ lực.

Diễn tập Malabar-2010 giữa Mỹ-Ấn ở biển Ả rập
Diễn tập Malabar-2010 giữa Mỹ-Ấn ở biển Ả rập

Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ còn mua khoảng 40 "xe chiến đấu cơ động" có hỏa lực thậm chí như xe tăng và có thể cơ động, có kế hoạch bắt đầu sử dụng vào năm tài khóa 2017. Đối mặt với Trung Quốc tăng cường hoạt động trên biển, Nhật Bản sẽ tăng cường phòng vệ các đảo nhỏ như các đảo ở hướng tây nam.

Để triển khai khẩn cấp lực lượng ở các đảo nhỏ bị tấn công vũ lực, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất có kế hoạch biên chế lại 7 trong số 15 sư đoàn/lữ đoàn trên toàn quốc thành "sư đoàn cơ động" và "lữ đoàn cơ động",

đồng thời trong những sư đoàn, lữ đoàn cơ động này lần lượt lập mới "liên đội cơ động khẩn cấp" có thể vận chuyển bằng máy bay vận tải và máy bay trực thăng.

Dự tính, trong năm tài khóa 2016, Lực lượng Phòng vệ sẽ lần lượt lập mới các liên đội cơ động khẩn cấp khoảng 800 quân ở sư đoàn 8 (thành phố Kumamoto) và lữ đoàn 14 (thành phố Zentsu, tỉnh Kagawa). Sư đoàn 6 (thành phố Higashine, tỉnh Yamagata) và lữ đoàn 12 (huyện Kunugi, tỉnh Gunma) cũng sẽ bố trí.

Ngày 14 tháng 4 năm 2012, Mỹ-Ấn tổ chức diễn tập liên hợp trên Ấn Độ Dương
Ngày 14 tháng 4 năm 2012, Mỹ-Ấn tổ chức diễn tập liên hợp trên Ấn Độ Dương

Những liên đội cơ động khẩn cấp này sẽ chuyên phụ trách đổ bộ và đoạt lại đảo nhỏ, cùng với "trung đoàn cơ động đổ bộ" bố trí ở thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki tạo thành lực lượng cốt lõi phòng thủ hướng tây nam của Nhật Bản.

Khi chuẩn bị trình ngân sách vào năm tài khóa 2016, Bộ Quốc phòng Nhật Bản bố trí hơn 10 tỷ yên dùng làm chi phí mua sắm xe chiến đấu cơ động cho các liên đội cơ động khẩn cấp.

Trong "Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn" các năm tài khóa 2014 - 2018 đã viết rõ phải mua 99 xe chiến đấu cơ động, mục tiêu là khoảng 200 chiếc.

Xe chiến đấu cơ động mua sắm theo kế hoạch có 8 bánh, độ linh hoạt cao, tốc độ tối đa đạt 100 km/giờ, cao hơn 30 km so với tốc độ của xe tăng Type 10 kiểu mới nhất.

Những chiếc xe này sẽ trang bị pháo cỡ 105 mm, nhằm ứng phó với các tình hình như tấn công đảo nhỏ và tác chiến du kích. Trọng lượng xe khoảng 26 tấn, có thể vận chuyển thông qua máy bay vận tải C-2 đang được Bộ Quốc phòng Nhật Bản phát triển.

Máy bay vận tải C-2 Nhật Bản
Máy bay vận tải C-2 Nhật Bản

Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch cắt giảm từ khoảng 700 xe chiến đấu trên cả nước xuống còn khoảng 300 xe chiến đấu, sau đó dùng xe chiến đấu cơ động để bổ sung. Xe chiến đấu sẽ chủ yếu được tập trung ở Kyushu và Hokkaido, chuyên môn ứng phó với các cuộc tiến công của Trung Quốc và Nga.

Trong "Phương châm hợp tác phòng vệ Mỹ-Nhật", chính phủ hai nước Nhật-Mỹ đã lần đầu tiên đưa vào nội dung "phòng vệ đảo nhỏ".

Quy mô sư đoàn của Lực lượng Phòng vệ khoảng 8.000 quân, lữ đoàn khoảng 4.000 quân, là tổ chức cấp dưới của 5 "phương diện đội" (quân đoàn): Quân đoàn Phương Bắc, Quân đoàn Đông Bắc, Quân đoàn Phương Đông, Quân đoàn Trung Bộ và Quân đoàn Phương Tây. 

Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo)