Nhiều động thái mới về tàu hộ vệ của Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar, Pháp

15/12/2015 08:23
Đông Bình
(GDVN) - Tàu hộ vệ là loại tàu được trang bị nhiều nhất hiện nay trên thế giới. Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar, Pháp vừa có nhiều động thái mới.

Tàu hộ vệ - chủ lực của hải quân hiện đại

Theo CCTV Trung Quốc ngày 12/12, trong biên đội hải quân hiện đại, tàu hộ vệ là tàu tác chiến hạng nhẹ có trọng tải và hỏa lực chỉ kém tàu khu trục, có thể thực hiện các nhiệm vụ như săn ngầm, hộ tống, tuần tra, cảnh giới, trinh sát và tác chiến chi viện đổ bộ cho biên đội tàu chiến.

Tàu hộ vệ BNS Shadhinota F111 Hải quân Bangladesh, mua của Trung Quốc
Tàu hộ vệ BNS Shadhinota F111 Hải quân Bangladesh, mua của Trung Quốc

Đồng thời, tàu hộ vệ còn là một loại tàu chiến mặt nước có số lượng chế tạo nhiều nhất, phân bố rộng nhất, cơ hội tham chiến nhiều nhất của các nước trên thế giới hiện nay.

Trong chiến tranh trên biển hiện đại, so với tàu khu trục có kích cỡ ngày càng lớn và có tên lửa là vũ khí chính, tàu hộ vệ chủ yếu thích hợp với tác chiến ở duyên hải/biển gần.

Hơn nữa so với tàu khu trục, chi phí chế tạo và bảo trì tàu hộ vệ thấp hơn, giúp cho nó trở thành chủ lực trong bảo vệ lãnh hải. Cùng với việc từng bước phát triển theo hướng hạng nhẹ, công dụng của nó có thể sẽ đa dạng hơn.

Hiện nay, các nước trên thế giới đều đang phát triển tàu hộ vệ hạng nhẹ của mình, mỗi nước lại có phương hướng phát triển khác nhau, tàu tương đối nổi tiếng là tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Visby của Thụy Điển.

Để theo đuổi khả năng tàng hình, hình thù loại tàu này trông rất giống khoa học viễn tưởng, trang bị nhiều loại vũ khí như pháo 57 mm, tên lửa chống hạm, ngư lôi, tên lửa săn ngầm. Tàu này sử dụng động cơ hỗn hợp diesel, tốc độ cao nhất có thể đạt 35 hải lý/giờ.

Tàu hộ vệ BNS Prottoy F112 Hải quân Bangladesh, mua của Trung Quốc khi hạ thủy
Tàu hộ vệ BNS Prottoy F112 Hải quân Bangladesh, mua của Trung Quốc khi hạ thủy

Hiện nay, trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu, chỉ riêng tàu hộ vệ đã có hơn 70 loại. Từ lâu công nghệ tiên tiến nhất nằm trong tay các nước phát triển như Âu-Mỹ, cạnh tranh khá gay gắt.

Riêng đối với Trung Quốc, họ đã phát triển được nhiều thế hệ tàu hộ vệ, đáng chú ý nhất hiện nay là tàu hộ vệ Type 054A và Type 056. Hai loại tàu này đã được chế tạo rất nhiều và hiện đang tiếp tục chế tạo, cải tiến, nhất là chuyển sang phiên bản săn ngầm.

Trong đó, Trung Quốc đã chế tạo được 24 tàu hộ vệ Type 054, hiện đã biên chế 20 chiếc cho 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc. Trong đó, Hạm đội Bắc Hải sở hữu 6 chiếc, Hạm đội Đông Hải 6 chiếc, Hạm đội Nam Hải 8 chiếc (ưu tiên triển khai ở Biển Đông). 4 chiếc khác dự kiến sẽ biên chế trong năm 2016.

Còn tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 đã chế tạo được 22 chiếc, biên chế 18 chiếc, trong đó đã biên chế cho Hạm đội Bắc Hải 5 chiếc, Hạm đội Đông Hải 5 chiếc, Hạm đội Nam Hải (Biển Đông) 6 chiếc, lực lượng đóng tại Hồng Kông (phía bắc Biển Đông) 2 chiếc.

Tàu hộ vệ Liễu Châu số hiệu 573 Type 054A Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ Liễu Châu số hiệu 573 Type 054A Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Như vậy, Trung Quốc cũng ưu tiên triển khai tàu hộ vệ Type 056 ở Biển Đông. Đấy là chưa kể Trung Quốc đã ưu tiên triển khai tàu khu trục tiên tiến nhất Type 052D ở Biển Đông, đã biên chế 3 chiếc đầu tiên cho Hạm đội Nam Hải.

Còn 4 chiếc mới cũng đã hạ thủy lần lượt vào tháng 7/2015, ngày 15/8/2015, ngày 24/10/2015 và ngày 1/11/2015.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xuất khẩu 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 cho Hải quân Bangladesh, lần lượt được đặt tên là Shadhinota và Prottoy, vừa biên chế ngày 11/12/2015. Đây là 2 tàu chiến tiên tiến nhất được Trung Quốc xuất khẩu ra nước ngoài cho đến nay.

2 tàu hộ vệ hạng nhẹ xuất khẩu cho Bangladesh này do Công ty TNHH công nghiệp nặng tàu thủy Vũ Xương - Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc chế tạo.

Chúng có lượng giãn nước khoảng 1.300 tấn, dài khoảng 90 m, rộng khoảng 11 m, tốc độ lớn nhất là 25,5 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục có thể đạt 2.000 hải lý, có năng lực chống hạm, phòng không và năng lực tấn công bờ biển.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Huệ Châu số hiệu 596 biên chế ngày 1 tháng 7 năm 2013, bố trí ở Hồng Kông, phía bắc Biển Đông
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Huệ Châu số hiệu 596 biên chế ngày 1 tháng 7 năm 2013, bố trí ở Hồng Kông, phía bắc Biển Đông

Ngoài ra, tàu hộ vệ này còn có các khả năng như tiến hành giám sát, tuần tra trên biển, bảo vệ quyền lợi biển, tìm kiếm cứu nạn, đồng thời có thể tiến hành hoạt động ở vùng nhiệt đới.

Báo Trung Quốc cho rằng, hiện nay nước này có thể xuất khẩu tàu hộ vệ mới công nghệ trong nước là do tỷ lệ giữa tính năng và giá cả “tốt”.

CCTV cho rằng, gần 10 năm qua năng lực chế tạo tàu chiến mặt nước của Trung Quốc đã có bước tiến dài, năng lực tác chiến tương đương với tàu chiến nước khác. Vì vậy, việc xuất khẩu các tàu chiến như tàu hộ vệ, tàu tuần tra, tàu tiếp tế và xuồng máy tên lửa đang tăng nhanh.

Hiện nay, chỉ riêng tàu chiến có trọng tải nghìn tấn trở lên, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 20 chiếc cho các nước như Bangladesh, Thái Lan, Myanmar, Pakistan, Ai Cập, Nigeria, Algeria.

Trong một khoảng thời gian rất dài, các cường quốc đóng tàu như Đức, Anh, Nga, Hàn Quốc cũng bắt đầu đưa tàu hộ vệ mới ra thị trường. Trong cuộc đua tranh quyết liệt, tỷ lệ giữa tính năng và giá cả, tính thực dụng trở thành yếu tố then chốt để tàu hộ vệ Trung Quốc vươn ra thị trường quốc tế.

Tàu hộ vệ F14 do Myanmar tự chế tạo
Tàu hộ vệ F14 do Myanmar tự chế tạo

Động thái mới về tàu hộ vệ của hải quân Myanmar, Pháp

Myanmar, Pháp mấy ngày qua cũng có một số động thái mới về tàu hộ vệ. Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 14/12 cho biết, Hải quân Myanmar đã tổ chức lễ khởi động cho chiếc tàu hộ vệ tự chế tạo thứ ba ở căn cứ hải quân Thilawar.

Tại buổi lễ, chiếc tàu hộ vệ tàng hình mới chế tạo đã được đánh số là F14. Tàu này đã trang bị hệ thống điện, thông tin và vũ khí mới nhất. Loại tàu này có lượng giãn nước tới 3.000 tấn, trang bị đầy đủ các hỏa lực phòng không, chống hạm và săn ngầm.

Ngoài ra, trước đó có nguồn tin cho biết, tiếp nhận công nghệ từ Trung Quốc, Myanmar cũng tự đóng được vài chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Anawratha, trang bị hệ thống điện tử và vũ khí có xuất xứ từ Nga và Trung Quốc.

Ngoài ra, theo China News ngày 14/12, chiếc tàu hộ vệ đa năng đầu tiên tên là Aquitaine của châu Âu (FREMM) đã đi vào vận hành, hoạt động, năm 2016 sẽ gia nhập biên đội chiến đấu tàu sân bay Charles de Gaulle R91 của Hải quân Pháp.

Tàu hộ vệ F14 do Myanmar tự chế tạo
Tàu hộ vệ F14 do Myanmar tự chế tạo

Thông tin trên được Tham mưu trưởng Hải quân Pháp tiết lộ vào ngày 2/12. Tàu này dài 142 m, lượng giãn nước 6.000 tấn, có thể chở 145 thủy thủ, tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ.

Tàu này tháng 12/2012 bàn giao cho Hải quân Pháp, từ ngày 30/3 đến ngày 4/4/2013 đã tham gia một cuộc huấn luyện, diễn tập của Hải quân Pháp, tháng 2/2014 được cho biết là đã có khả năng tác chiến ban đầu – tác chiến săn ngầm.

Theo kế hoạch, Tổ chức hợp tác vũ khí liên hợp châu Âu (OCCAR) phụ trách bàn giao 11 tàu hộ vệ FREMM cho Hải quân Pháp. Đối với vấn đề này, Công ty DCNS nhận thầu chế tạo 12 tàu hộ vệ FREMM, trong đó 11 chiếc bàn giao cho Hải quân Pháp, gồm phiên bản tấn công đối đất và phiên bản tấn công săn ngầm; 1 chiếc sẽ bàn giao cho Hải quân hoàng gia Morocco.

Tháng 10/2015, tàu hộ vệ FREMM mới nhất có tên là Languedoc của Công ty DCNS sẽ bắt đầu chạy thử ở bờ biển Brittany, Pháp. Hải quân Pháp dự tính đến năm 2020 sẽ tiếp nhận 8 tàu hộ vệ FREMM. 

Tàu hộ vệ FREMM do Pháp chế tạo
Tàu hộ vệ FREMM do Pháp chế tạo
Đông Bình