Nhiều giáo viên Vĩnh Thuận không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề

01/08/2019 06:44
Bài và ảnh: Nguyễn Phan
(GDVN) - Nhiều giáo viên không dám bày tỏ vì sợ hãi và sợ va chạm với thế lực nên đành âm thầm chịu ngậm đắng, nuốt cay khi chế độ của mình bị xâm hại.

Trao đổi với chúng tôi là tâm sự trĩu nặng của một cô giáo (đề nghị không nêu tên) là viên chức trực thuộc đơn vị trường học do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang quản lý.

Cô cho biết, cô vào ngành năm 1988 và chỉ còn 1 thời gian rất ngắn nữa là cô được chấp thuận cho nghỉ chế độ theo diện Nghị định chính sách tinh giản biên chế số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính Phủ.

Nhưng, điều khiến cô day dứt, đau khổ mà không biết kêu ai chính là chế độ của bản thân cô đang có nguy cơ bị mất một cách vô lý mặc dù cô đã có trên 31 năm cống hiến cho ngành giáo dục.

Nguyên nhân cô giáo này không được hưởng chế độ một cách trọn vẹn phải nói là khá kỳ quặc.

Bởi, mặc dù các quyết định phân công cho cô đều là giáo viên nhưng cô lại không được hưởng chế độ của giáo viên.

Kể từ năm 2012 đến nay cô đã không được hưởng đầy đủ các chế độ của nhà giáo. Cô bị tước mất phụ cấp thâm niên và mất cả chế độ phụ cấp giảng dạy.

Nay, chỉ còn 03 tháng nữa (tháng 10/2019), cô nhận quyết định nghỉ chế độ nhưng các chế độ nói trên vẫn không được xem xét dù cô đã cố gắng liên hệ đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét.

Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi thấy khá kỳ lạ vì cái lý do mà cô không được công nhận là giáo viên và hưởng chế độ đầy đủ của giáo viên vì nhiệm vụ của cô trong bảng phân công là: phụ trách thiết bị; kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận. (Ảnh minh họa: Congly.vn)
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận. (Ảnh minh họa: Congly.vn)

Tuy nhiên, trong thực tế, hàng năm, ngoài nhiệm vụ chính là phụ trách thiết bị cô vẫn đảm nhiệm công tác giảng dạy như: dạy thay, dạy thế cho đồng nghiệp nghỉ phép khi được hiệu trưởng phân công và cũng tham gia coi kiểm tra.

Gửi cho chúng tôi các văn bản có liên quan, gồm: Bằng Trung học sư phạm; Đại học sư phạm (liên thông); Quyết định lương hiện hưởng; Hồ sơ bảo hiểm xã hội…cùng các văn bản pháp quy liên quan đến chế độ của bản thân.

Cô buồn bã nói: “Chả biết cậy nhờ vào ai nên đành tìm đến các bạn để nhờ báo chí lên tiếng giúp. Trong công việc tôi luôn có tinh thần trách nhiệm cao, phấn đấu. Có 4 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhiều giấy khen,bằng khen....

Nay các cấp lãnh đạo trả lời khi tôi hỏi về phụ cấp là: về hưu chỉ có lương chính thôi, không được phụ cấp gì cả.Tôi từng có biết bao nhiêu lần hy vọng rồi bấy nhiêu lần thất vọng ê chề.

Theo hồ sơ cá nhân của cô giáo, năm 1988 cô có bằng trung học sư phạm, qua quá trình phấn đấu đến năm 2006 cô có bằng đại học sư phạm. Từ năm 1988 đến năm 2005 cô giáo đã có 18 năm liên tục trực tiếp đứng lớp giảng dạy.

Năm 2005 đến nay, do ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận thiếu nhân viên phụ trách văn phòng nên nhà trường phân công cô vừa tham gia giảng dạy, vừa kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch công đoàn cơ sở và kiêm nhiệm cả công tác thiết bị trường học.

Dấu hỏi lớn cho 22 trường đạt chuẩn quốc gia ở Vĩnh Thuận
Dấu hỏi lớn cho 22 trường đạt chuẩn quốc gia ở Vĩnh Thuận

Quá trình cống hiến này của cô đã được ghi nhận thành tích bằng 04 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Cô cũng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang; Liên Đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen cho sự nghiệp giáo dục.

Nhưng sự thật lại quá tàn nhẫn, bởi sau 31 năm cống hiến cho ngành giáo dục, mặc dù cô giáo có rất nhiều thành tích nổi bật cô lại bị cấp có thẩm quyền “cắt” chế độ chính đáng là phụ cấp thâm niên và phụ cấp nhà giáo của một cách rất vô lý và sai pháp luật (?).

Qua các nguồn tin tin cậy, chúng tôi biết được hiện tại huyện Vĩnh Thuận còn khá nhiều trường hợp khác cùng chung hoàn cảnh của cô giáo này.

Nhưng, họ không dám bày tỏ vì sợ hãi và sợ va chạm với thế lực nên đành âm thầm chịu ngậm đắng, nuốt cay vì chế độ của mình bị xâm hại.

Ban hành văn bản trái pháp luật, trách nhiệm thuộc về ai?

Năm 2018, sau nhiều phản ánh của truyền thông về việc nhiều nhà giáo của huyện này không được đảm bảo chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi do bị phân công làm công tác văn phòng.

Năm 2019, ngành giáo dục Vĩnh Thuận đã có một số điều chỉnh nhất định để số giáo viên thực hiện kiêm nhiệm công tác văn phòng được hưởng chế độ phụ cấp giảng dạy và một số khác được xem xét chế độ thâm niên.

Nhưng, đó chỉ là những người may mắn, bởi những người may mắn này có được chế độ là do hiệu trưởng nhà trường quyết tâm …làm đúng (!).

Qua tài liệu cô giáo/ nhân vật trong bài đã cung cấp, đối chiếu các văn bản pháp quy hiện hành có thể thấy cô giáo này đủ các điều kiện để hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo được quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 07 năm 2011 và Nghị định số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.

Bởi, trong suốt quá trình công tác, ngoài nhiệm vụ chính được phân công, trong các năm học cô giáo đều tham gia giảng dạy (dạy thay, coi kiểm tra…) cho giáo viên nghỉ phép.

Qua các học sinh được cô dạy, các em cho biết các tiết dạy của cô rất được học sinh yêu mến.

Nhưng, nhằm khống chế việc chi trả chế độ cho nhà giáo theo quy định hiện hành, ngày 8/01/2019 ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận đã ban hành một văn bản hết sức “lắt léo” để quy định định mức tiết dạy đối với giáo viên làm công tác kiêm nhiệm văn phòng.

Nợ hơn 4 tỉ đồng tiền nâng lương của 1.120 nhà giáo, đến bao giờ mới trả?
Nợ hơn 4 tỉ đồng tiền nâng lương của 1.120 nhà giáo, đến bao giờ mới trả?

Cụ thể: Ngày 08/01/2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận ban hành văn bản số 01/PGDDT-TC hướng dẫn phân công nhiệm vụ đối với viên chức trong các trường mầm non, phổ thông trực thuộc của huyện.

Nội dung yêu cầu, đối với giáo viên kiêm nhiệm, ngoài nhiệm vụ được quy đổi theo hướng dẫn của Sở Giáo dục Kiên Giang, những giáo viên này phải đảm bảo giảng dạy đủ khối lượng 50% số tiết theo quy định mới được hưởng phụ cấp thâm niên và phụ cấp giảng dạy.

Tức là, đối với giáo viên tiểu học, ngoài công tác kiêm nhiệm văn phòng thì phải dạy từ 12-13 tiết và 10 tiết/ tuần.

Giáo viên trung học cơ sở, ngoài công tác kiêm nhiệm văn phòng, phải dạy từ 9-10 tiết/ tuần.

Văn bản số 01/PGDDT-TC ngày 08/01/2019 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận về việc hướng dẫn phân công nhiệm vụ đối với viên chức trong các trường mầm non, phổ thông trực thuộc của huyện giống như một cái bẫy bởi sự lập lờ, nhập nhèm của việc chỉ đạo.

Nhiều hiệu trưởng đành chịu để giáo viên của mình bị thiệt thòi vì nhà trường không thể đáp ứng được việc phân công cho giáo viên kiêm nhiệm công tác văn phòng số lượng tiết dạy như yêu cầu đặt ra của công văn số 01/PGDDT-TC ngày 08/01/2019 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận.

Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi nhà giáo rất rõ ràng.

Đối tượng và phạm vi áp dụng đưa ra luôn đảm bảo điều kiện có lợi nhất cho công chức, viên chức.

Cụ thể, Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 07 năm 2011 quy định về đối tượng và phạm vi áp dụng để hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo như sau:

Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật)” (Điều 1).

Nghị định số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo cũng nêu rõ:

Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07)”.(Điều 1).

Về chế độ phụ cấp nhà giáo, Thông tư số 27/2018/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 10 năm 2018 quy định:

Đối tượng quy định tại khoản 1 Mục này đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các kí tự đầu của mã số hạng là V.07) thì được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Riêng đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Mục này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo”.

Văn bản số 01/PGDDT-TC ngày 08/01/2019 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận
Văn bản số 01/PGDDT-TC ngày 08/01/2019 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận 

Như vậy, việc Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Thuận ban hành văn bản số 01/PGDDT-TC ngày 08/01/2019 có nội dung bắt buộc ngoài việc thực hiện kiêm nhiệm công tác khác, nhà trường phải phân công để nhà giáo giảng dạy đủ 50% số tiết theo quy định mới cho nhà giáo hưởng chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi là một việc làm trái văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Từ đó có thể nhận định rằng, tùy tiện ban hành văn bản trái luật chính là một trong nhiều nguyên nhân góp phần dẫn đến việc nhà giáo của ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận suốt nhiều năm qua đã luôn phải nhờ cậy đến truyền thông đưa tin can thiệp liên tục về chế độ chính sách.

Bài và ảnh: Nguyễn Phan