Nhiều ngư dân khó trả nợ vốn vay Nghị định 67

04/11/2018 05:46
Bài và ảnh: Thủy Phan
(GDVN) - Thiếu bạn thuyền, nhiều bộ phận tàu hư hỏng… là một trong nhiều lý do khiến không ít chủ tàu cá 67 ở Quảng Bình gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng.

Tại Quảng Bình, thời gian qua, nhiều tàu cá nằm bờ, trong đó có những tàu được đóng bằng nguồn vốn Nghị định 67. 

Với những ngư dân đang gánh những khoản nợ tiền tỷ đã vay để đóng tàu cá, cứ mỗi ngày tàu cá nằm bờ là thêm một ngày họ như “ngồi trên đống lửa”.

Theo nhiều ngư dân, sắp đến kỳ trả lãi ngân hàng nhưng họ bị rơi vào cảnh không biết lấy gì để trả. 

 Nhiều ngư dân khó trả nợ vốn vay Nghị định 67 ảnh 1“Trạm y tế” trên biển của ngư dân

Tàu cá mang số hiệu QB 91568 TS của anh Trương Ngọc Tú, ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới có giá 16 tỷ đồng và được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính Phủ.

Hơn 1 năm đưa vào sử dụng, gia đình anh Tú gặp nhiều trở ngại trong hoạt động đánh bắt và khai thác hải sản khiến điều kiện trả nợ ngân hàng khó khăn.

Anh Tú tâm sự, nhiều bộ phận trên tàu bị hư hỏng phải thay thế. Có những chuyến ra khơi một số lưới cụ bị cắt mất nên tiền đầu tư lại rất tốn kém. Chưa kể, có lúc không thuê được bạn thuyền tàu phải nằm bờ nhiều ngày.

Vì vậy, sắp tới kỳ hạn trả nợ ngân hàng, nhưng gia đình ngư dân này chưa biết cách gì xoay sở để có nguồn tiền trả.

“Mùa vụ chúng tôi chỉ có làm được 4 tháng thôi mà phải trang trải cho cả năm. Trong khi đó phát sinh rất nhiều chi phí khiến điều kiện trả nợ gặp khó khăn. Nếu điều kiện ngân hàng cho phép quy định trong 1 năm trả 200 triệu thì chúng tôi sẽ dễ thở hơn”, anh Tú nói.

Anh Tú cũng cho rằng, nhiều ngư dân làm chưa đủ trả nợ thì làm sao mà có tiền bảo dưỡng tàu để đi biển lâu năm được. 

Không chỉ anh Tú mà nhiều ngư dân khác ở Quảng Bình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự. 

Nhiều chủ tàu cá 67 gặp khó trong việc trả nợ ngân hàng.
Nhiều chủ tàu cá 67 gặp khó trong việc trả nợ ngân hàng.

Theo thống kê, đến đầu tháng 10/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình phê duyệt cho 117 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. 

Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng cho 87/117 tàu vay vốn gần 989 tỷ đồng/1.265 tỷ đồng tổng mức đầu tư. 

Tuy nhiên hiện chỉ có 18/87 tàu trả nợ ngân hàng đúng thời hạn, 25 tàu cá vẫn trả được nợ nhưng có nguy cơ chuyển qua nợ quá hạn, 23 tàu thường xuyên quá hạn nợ ngân hàng cả lãi và gốc và 21 tàu không trả được nợ gốc lẫn lãi. 

Điều này làm tăng nguy cơ nợ xấu đối với các ngân hàng thương mại trên địa bàn. 

Theo ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh Quảng Bình, để thực hiện có hiệu quả hơn trong vấn đề cho vay thực hiện nghị đinh 67 của Chính phủ, đảm bảo thu hồi nợ cho ngân hàng đòi hỏi các cấp, các ngành phải vào cuộc quyết liệt để đôn đốc các chủ tàu trả nợ cho ngân hàng, trong đó, ngân hàng nhà nước có đề xuất với Trung ương về gia hạn nợ vay, kéo dài thời hạn trả nợ từ 11 năm lên 20 năm để các ngư dân có điều kiện trả nợ tốt hơn.

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Quảng Bình cũng đã yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho các chủ tàu cá trong việc trả nợ ngân hàng; đồng thời tiếp tục thực hiện hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho các tàu cá khai thác vùng biển xa để tăng hiệu quả sản xuất. 

Bài và ảnh: Thủy Phan