Nhìn lại cuộc đấu tranh chống sưu, thuế của nhân dân Trung Kỳ 110 năm về trước

18/03/2018 07:37
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Cuộc đấu tranh chống sưu, thuế xuất phát từ Quảng Nam, rồi lan nhanh ra mười tỉnh Trung Kỳ đã khiến chính quyền thực dân nới rộng tay trong nhiều lĩnh vực...

LTS: Nhìn lại cuộc đấu tranh chống sưu, thuế của nhân dân Trung Kỳ năm 1908, Đại tá Đặng Việt Thuỷ tái hiện những nỗ lực của nhân dân ta trong việc đấu tranh đòi dân chủ thời kỳ đó.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Sau khi hoàn thành công cuộc xâm lược Việt Nam, từ những năm cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bắt đầu khai thác thuộc địa trên quy mô lớn ở nước ta.

Trong đó, nhân dân các tỉnh Nam Trung Kỳ bị thực dân Pháp và phong kiến tay sai tiếp tay nhau đè nén, bóc lột nặng nề.

Ở Quảng Nam, người dân phải đào sông Cu Nhí để chở than từ Nông Sơn ra Đà Nẵng, đắp đường tới mỏ Bồng Miêu khai thác vàng, đắp đường từ Đà Nẵng đến đèo Ai Lao đi Di Linh, Tây Nguyên...

Năm 1908, thực dân Pháp bắt đầu sửa đường, mở rộng mặt đường và rải đá từ huyện Đại Lộc lên tỉnh.

Viên tri huyện ăn hối lộ nên phân bổ công việc không đều làm dân tình xôn xao, bất bình.

Ngày 11/3/1908, dân phu kéo nhau lên tỉnh, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đấu tranh đòi bỏ lệ đi xâu, giảm thuế.

Từ Đại Lộc lên tỉnh lỵ ở Hội An trên 40km, dân chúng hai bên đường theo mỗi lúc một đông, tại bến đò Vĩnh Điện gần tỉnh, số người lên đến năm, sáu trăm.

Đoàn người kéo đến Tòa công sứ, Công sứ Charles chỉ cho đại diện vào. Viên Công sứ vừa dọa nạt, vừa hứa xin ý kiến cấp trên và xét xử viên tri huyện.

Người dân không chịu giải tán, một mực đòi giải quyết, bọn cầm quyền đã cho bắt ba người đại diện, sau đó đày đi Lao Bảo (Quảng Trị).

Nhân dân căm phẫn, kéo đến đông hàng vạn người. Viên công sứ ra lệnh cho lính đánh đập, bắn súng thị uy, đoàn biểu tình cũng chỉ tạm thời tản ra, rồi tụ lại.

Những người tham gia kháng thuế năm 1908 (Ảnh: nghiencuulichsu.com)
Những người tham gia kháng thuế năm 1908 (Ảnh: nghiencuulichsu.com)

Ngày 21/3/1908, một đoàn biểu tình kéo vào bao vây dinh, đòi viên tổng đốc đi cùng với nhân dân đến Tòa công sứ xin giảm xâu thuế cho dân, Tổng đốc Hồ Đắc Trung bỏ trốn.

Trong khi đó thì Tòa công sứ Hội An bị đoàn biểu tình bao vây hơn một tháng, hết đợt này đến đợt khác.

Viên công sứ hứa sẽ cách chức tri huyện Đại Lộc và từ nay sẽ không tăng xâu thuế nữa. Lúc đó nhân dân mới chịu giải tán dần.

Nhưng các phủ huyện khác ở Quảng Nam nhân dân vẫn thi nhau nổi dậy.

Ngày 23/3/1908, nhân dân kéo đến phủ lỵ Điện Bàn đòi tri phủ đi xin xâu cùng với nhân dân. Tri phủ không chịu đi, bị người dân bỏ lên xe kéo đi.

Viên đề lại trốn được, chạy đến Tòa công sứ báo. Công sứ đã điều động lính khố xanh tới bủa vây đoàn biểu tình, rồi dùng roi, gậy, báng súng đánh túi bụi vào họ.

Bọn lính còn nổ súng cả vào những người biểu tình. Một số người nhảy xuống sông bị chết đuối, viên tri phủ được giải thoát.

Nhưng ngay sau tối hôm đó, dân chúng tụ tập trở lại. Thực dân Pháp ban hành lệnh giới nghiêm, tăng cường binh lính cho phủ, huyện.

Tại phủ Thăng Bình, nhân dân cũng đòi tri phủ cùng đi xin xâu.

Lính đến giải vây, bắn bị thương một số người và bắt đi những người bị tình nghi là cầm đầu. Đoàn biểu tình phải giải tán.

Tại Tam Kỳ, Hòa Vang, Duy Xuyên, dân chúng đều nổi dậy.

Ở Quảng Ngái, dân chúng cũng xôn xao bàn tán. Công sứ Quảng Ngãi Daudet đi khắp các xã, thôn, phủ dụ dân chúng.

Nhìn lại cuộc đấu tranh chống sưu, thuế của nhân dân Trung Kỳ 110 năm về trước ảnh 2Toàn cảnh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968

Từ chiều 28/3, phong trào bắt đầu bùng lên. Nhân dân huyện Bình Sơn cùng 25 hào lý các xã kéo đến dinh công sứ xin giảm sưu thuế.

Ở các phủ, huyện, nhân dân vây bắt vợ con quan lại tay sai, lập nhà giam để giam giữ chúng. Nhân dân còn rải truyền đơn kể tội Nguyễn Thân là tay sai đắc lực của Pháp.

Đến ngày 3/4, công sứ ra lệnh bắt một số người trong đó có Lê Khiết và Nguyễn Bá Loan là hai người cầm đầu, dùng roi, gậy, đàn áp người biểu tình.

Chúng phải điều động lính khố đỏ từ Bắc Kỳ vào đàn áp. Cuối tháng 4/1908, tình hình mới lắng xuống.

Tại Bình Định, những người biểu tình mang theo dao kéo, cắt "búi tóc" tất cả những người gặp trên đường.

Họ gọi nhau là "đồng bào", khắc con dấu "đồng bào ký", phát thẻ truyền khắp trong dân chúng.

Bọn thu thuế chợ, những cường hào hương lý tàn ác bị bắt và bị trừng trị, những tên nguy hiểm, có nợ máu đều bị xử tội.

Đến ngày 18/4/1908, số người biểu tình lên đến một vạn, bao vây tỉnh thành Bình Định.

Hết đợt này về, đợt khác lên thay, người nhà mang cơm nước đến tiếp tế. Nhiều cuộc xung đột diễn ra.

Ở Phú Yên, đến giữa tháng 5/1908 cũng bùng nổ những cuộc biểu tình của dân chúng.

Trong khi các tỉnh từ Quảng Nam trở vào đang sôi sục đấu tranh như vậy thì ở các tỉnh phía bắc Quảng Nam, phong trào tuy có chậm hơn, nhưng cũng không kém phần mãnh liệt.

Từ đầu tháng 4/1908, nhân dân Thừa Thiên biểu tình. Bọn cầm quyền vội điều lính tới ngăn chặn.

Bọn lính nổ súng bắn chết một người, đoàn biểu tình xông lên tước khí giới của chúng, rồi trói tên phó lãnh binh và bắt viên Phủ doãn phải dẫn đầu đoàn biểu tình (ngày 11/4).

Trên đường kéo về Huế, một số nơi đã bố trí để cắt tóc ngắn và khâu áo ngắn cho những ai còn búi tóc và mặc áo dài.

Khi vào tới thành Huế, số người tham gia đoàn biểu tình rất đông.

Nhìn lại cuộc đấu tranh chống sưu, thuế của nhân dân Trung Kỳ 110 năm về trước ảnh 3Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 ở các địa phương trong cả nước

Học sinh Trường Quốc học và Trường Quốc Tử Giám đọc thơ ca, hò vè yêu nước, khích lệ tinh thần đấu tranh.

Thực dân Pháp phải đưa vua Duy Tân lúc này mới 8 tuổi ra phủ dụ, nhưng không có tác dụng.

Cuối cùng, chúng điều lính đến đàn áp. Cuộc xô xát lớn diễn ra ở đầu cầu Tràng Tiền, có nhiều người bị trúng đạn hoặc bị bắt, buộc phải giải tán.

Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng nổi dậy hưởng ứng phong trào chống xâu thuế, nhưng khá muộn.

Cuộc vùng dậy của nông dân miền Trung trong thời gian dài đã làm tê liệt bộ máy của chính quyền thực dân - phong kiến ở nông thôn.

Trong giai đoạn đầu, mọi người biểu tình không mang theo vũ khí, không sử dụng bạo lực nhưng rất kiên trì, khi yêu cầu chưa được giải quyết đông đảo quần chúng không chịu giải tán, mọi dụ dỗ hứa hẹn, dọa dẫm của giới cầm quyền đều không có hiệu lực.

Chính quyền thực dân và phong kiến tay sai đàn áp, lính khố xanh lùng sục khắp nơi, bắt bớ, bắn giết những người cắt tóc ngắn.

Từ giữa tháng 4, nhiều đại đội lính khố đỏ từ Bắc Kỳ được điều vào đàn áp. Hai đại đội lính Âu cũng được phái vào Quy Nhơn (Bình Định) để thị uy.

Chúng còn giải tán những hội buôn, đập phá các trường học do các thân sĩ đứng tên xin phép lập.

Đặc biệt, nhiều người bị chính quyền thực dân kết án tử hình, trong đó có tiến sĩ Trần Quý Cáp, Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan (Quảng Ngãi), Ông Ích Đường (Quảng Nam), Trịnh Khắc Lập, Nguyễn Hàng Chi (Nghệ Tĩnh)...

Điển hình là Trần Quý Cáp, ông là chí sĩ, danh sĩ của phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ những năm đầu thế kỷ XX.

Năm 1906, Trần Quý Cáp được lệnh bổ Giáo thọ phủ Thăng Bình (Quảng Nam).

Ban đầu ông không chịu đi, nhưng do bạn bè lấy cảnh mẹ già, nhà nghèo thúc giục, ông mới đi nhậm chức.

Đến nhiệm sở, ông mời ngay những người biết chữ quốc ngữ, chữ Pháp về dạy cho học trò, từ đó chủ trương này lan nhanh ở trong tỉnh như các trường Diên Phong, Phú Lâm, Phước Bình...

Thực dân Pháp và đám tay sai Nam triều đã đánh hơi và nhận ra nguy cơ về những hoạt động của ông, nên chúng đã đổi ông vào làm Giáo thọ ở Ninh Hòa (Khánh Hòa).

Năm 1908, sau khi Trần Quý Cáp vào Ninh Hòa hơn một tháng thì ở huyện Đại Lộc bùng lên cuộc biểu tình chống sưu thuế.

Hốt hoảng trước phong trào đấu tranh sôi sục của quần chúng, bọn quan Nam triều đầu tỉnh Khánh Hòa là Án sát Nguyễn Văn Mại và Bố chánh Phạm Ngọc Quát, vừa để lập công vừa để bưng bít nội vụ hòng tránh tội liên quan nên đã câu kết với tên Công sứ Pháp bắt giam Trần Quý Cáp, buộc tội "đại phản nghịch", kết án "mạc tu hữu" (chẳng cần có) rồi xử ông "yên trảm" (chém ngang lưng) vào ngày 17/5/1908 tại bãi Sông Cạn, gần phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Nhìn lại cuộc đấu tranh chống sưu, thuế của nhân dân Trung Kỳ 110 năm về trước ảnh 4Chuyện về Vua Bảo Đại thoái vị

Chính quyền thực dân còn bắt và đày hàng trăm người ra Côn Đảo, trong đó có các chí sĩ yêu nước:

Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Trần Cao Vân (Quảng Nam); Cử Quản, Cử Súy, Tú Chẩm, Tú Tuyên, Huyện Mai (Quảng Ngãi); Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế (Nghệ Tĩnh); Cử Xứng, Tú Thiệp (Thanh Hóa)... Hàng trăm người khác bị đày đi Lao Bảo.

Điển hình là nhà yêu nước Phan Châu Trinh, ông là một trong những nhà Nho tiến bộ lãnh đạo phong trào Duy Tân và chống thuế ở Trung Kỳ.

Năm 1908 khi phong trào chống thuế, đòi giảm sưu bùng phát ở Quảng Nam, rồi lan nhanh ra mười tỉnh Trung Kỳ, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp.

Lúc này Phan Châu Trinh đang làm báo ở Hà Nội, nhưng thực dân Pháp viện cớ cho ông là người khởi xướng, bắt ông giải về Huế, giao cho Nam triều kết án, đày đi Côn Đảo...

Phong trào chống sưu, thuế ở Trung Kỳ thực sự là một cuộc đấu tranh công khai, tự phát của nông dân nhằm đòi chính quyền thực dân thực hiện những cải cách dân chủ.

Phong trào đã kết hợp chặt chẽ với các cuộc vận động Duy Tân đang phát triển mạnh. Nhưng vì thiếu sự lãnh đạo và tổ chức chặt chẽ, phong trào đã bị đàn áp và cuối cùng tan rã.

Tuy vậy, chính quyền thực dân đã phải nới rộng tay trong nhiều lĩnh vực. Sau vụ này, chúng đã phải giảm thuế thân và một vài nhà thương và trường học đã được mở.

Nhận xét về cuộc đấu tranh chống sưu, thuế xuất phát từ Quảng Nam, rồi lan nhanh ra mười tỉnh Trung Kỳ, nhà chí sĩ cách mạng Huỳnh Thúc Kháng đã viết:

"Suy cuộc cự sưu năm 1908, thuần nhiên là từ sức quần chúng phôi gan trải ruột, đem xương máu chống lại hai chính phủ: chính phủ bảo hộ Pháp và chính phủ bù nhìn Nam triều  (...)

Rõ ràng là viên đá móng đầu tiên xây nền dân chủ trong thời quyền còn vững chãi" (1).

Tài liệu tham khảo:

(1). Huỳnh Thúc Kháng, "Vụ chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908", Nhà xuất bản Ích Trí, 1946, trang 3.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY