Những bất cập trong mạng lưới quy hoạch các trường sư phạm (2)

07/06/2019 06:00
Nam Phong
(GDVN) - Việc trao thêm quyền tự chủ cho các địa phương có khả năng dẫn tới sự buông lỏng về quản lí chuyên môn khiến chất lượng đào tạo không được bảo đảm.

LTS: Tiếp theo kỳ 1, tác giả Nam Phong phân tích những bất cập trong hệ thống các trường sư phạm hiện nay như việc đào tạo giáo viên, mô hình quản lý...

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tồn tại một số nghịch lý trong đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm

Thứ nhất, số lượng tuyển sinh tỷ lệ nghịch với nhu cầu và mất cân đối giữa các địa bàn.

Thứ hai, một số địa phương đã có trường đại học sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý đóng trên địa bàn, có khả năng đáp ứng nhu cầu giáo viên tất cả các bậc học nhưng vẫn duy trì sự tồn tại của trường cao đẳng sư phạm do địa phương quản lý, thậm chí có địa phương còn “khai sinh” loại hình trường này sau cả thời điểm ra đời của trường đại học nói trên.

Thứ ba, nhiều địa phương có trường cao đẳng sư phạm và vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh đều đặn hàng năm nhưng trong thông báo tuyển giáo viên các bậc phổ thông thì chỉ tuyển những đối tượng có bằng tốt nghiệp đại học.

Rõ ràng, đã đến lúc địa phương không có nhu cầu sản phẩm từ các trường cao đẳng nhưng vẫn duy trì hệ đào tạo này.

Sinh viên Khoa Giáo dục mầm non Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hành làm đồ chơi cho trẻ. Ảnh: Giaoducthoidai.vn
Sinh viên Khoa Giáo dục mầm non Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hành làm đồ chơi cho trẻ. Ảnh: Giaoducthoidai.vn

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 08 trường sư phạm lớn trong cả nước chỉ chiếm 15,4% (năm 2016), 15,5% (năm 2017) và 23,6% (năm 2018) tổng số chỉ tiêu đào tạo sư phạm trong cả nước, trong đó một số trường đại học sư phạm lớn như Đại học sư phạm Hà Nội và Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh mỗi trường cũng chỉ chiếm 4% tổng số chỉ tiêu.

Điều này cho thấy phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh còn lại thuộc các trường đại học đa ngành, cao đẳng sư phạm và cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Đỗ Văn Oai, Hiệu trưởng Trường cao đẳng sư phạm Hà Giang cho rằng:

Cần duy trì cơ sở đào tạo giáo viên tại địa phương: giải quyết vấn đề thiếu giáo viên của địa phương (đào tạo giáo viên có trình độ cao đẳng: tiểu học, mầm non).

Các trường trọng điểm chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các trường sư phạm là trường vệ tinh cần phải giải quyết bài toán nhân sự dôi dư, vấn đề ngân sách của địa phương và của trung ương trong đào tạo giáo viên.

Xây dựng các trường thực hành sư phạm để sử dụng đội ngũ giảng viên dôi dư; giao nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên giáo viên địa phương; đào tạo giáo viên ngành mầm non và tiểu học”.

Mô hình quản lý các trường sư phạm còn nhiều bất cập

Có nhiều cấp quản lý khác nhau đối với các trường sư phạm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia, Đại học vùng, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố...

Cũng do mô hình quản lý với các cấp khác nhau, nên việc quản lý chỉ tiêu tuyển sinh còn nhiều bất cập.

Sở Giáo dục sẽ được chủ trì xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên
Sở Giáo dục sẽ được chủ trì xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên

Cả nước có trên 113 cơ sở đào tạo giáo viên thuộc nhiều cấp học và có mô hình khác nhau: các trường chỉ có đào tạo giáo viên (Đại học sư phạm – Đại học Thái Nguyên, Đại học sư phạm – Đại học Huế), các trường đại học sư phạm nhưng có đào tạo ngoài sư phạm, các khoa sư phạm trong các trường đào tạo đa ngành, các trường đại học sư phạm kỹ thuật, các trường cao đẳng sư phạm (hầu hết hiện nay đều đào tạo đa ngành), các trường trung cấp sư phạm…

Hơn thế nữa, trong một số đại học vùng có trường đại học sư phạm nhưng đào tạo giáo viên lại phân tán trong nhiều đơn vị khác nhau. Đặc biệt một số trường trung cấp đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học.

Nếu tập trung đầu mối các trường sư phạm về Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ dẫn tới tình trạng quá tải và không đúng với chức năng chính của Bộ là quản lý về chuyên môn, giảm khả năng mở rộng xã hội hóa trong giáo dục nói chung, bao gồm cả đào tạo sư phạm.

Việc trao thêm quyền tự chủ cho các địa phương có khả năng dẫn tới sự buông lỏng về quản lí chuyên môn khiến chất lượng đào tạo không được bảo đảm.

Đối với giải pháp tiến hành đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực ở các trường sư phạm, cần nhấn mạnh đến chức năng của khối này là đào tạo nhân lực sư phạm.

Đây là điểm rất đặc thù khiến cho việc lồng ghép đào tạo liên ngành, đa ngành là không phù hợp và có khả năng làm lu mờ đặc trưng sư phạm.

Khả năng kết nối giữa các trường sư phạm với các cơ sở giáo dục đào tạo khác còn rất hạn chế.

Mặc dù các trường sư phạm đã ngày càng chú trọng tới chất lượng đào tạo cũng như bảo đảm các tiêu chí chuẩn đầu ra, nhưng sau khi tốt nghiệp sinh viên vẫn chủ yếu phải tự tìm việc làm trong khi chưa có những hoạt động hỗ trợ phù hợp từ các cơ sở đào tạo.

Đây chính là hạn chế trong đào tạo giáo viên ở các cơ sở đào tạo giáo viên trong cả nước hiện nay.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng:

Cần quản lý tập trung trong đào tạo giáo viên, trong đó có chú ý đến việc đào tạo giáo viên đặc thù. Nghiên cứu các vấn đề về chính sách có liên quan đến đào tạo giáo viên như: miễn học phí, lương giáo viên, chế độ đãi ngộ,…

Đặc biệt, cần xây dựng mạng lưới dựa trên quy luật về “hình tháp nhân lực”, xác định rõ chức năng của các trường đại học sư phạm trọng điểm (đào tạo chất lượng cao, đào tạo sau đại học, nghiên cứu phát triển chương trình giáo dục, nghiên cứu khoa học giáo dục), các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương (đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên ở địa phương)”.

Giải thể trường trung cấp sư phạm, không đào tạo giáo viên ở các trường đa ngành
Giải thể trường trung cấp sư phạm, không đào tạo giáo viên ở các trường đa ngành

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng:

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quản lý chỉ tiêu đào tạo giáo viên. Nói cách khác, cần tăng cường quản lý nhà nước tập trung đối với đào tạo giáo viên.

Bối cảnh hiện nay đòi hỏi thay đổi về đào tạo nguồn nhân lực, đó là chuyển từ số lượng sang chất lượng.

Do đó, cần dựa trên chuẩn chất lượng trong đào tạo giáo viên. Đào tạo giáo viên là một quá trình liên tục theo chuỗi, do đó cần quan tâm đến xây dựng các chương trình bồi dưỡng thường xuyên.

Điều này liên quan đến các yếu tố, các nút trong mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, đó là: Các trường sư phạm (cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục), các viện nghiên cứu giáo dục, các cơ sở giáo dục ở địa phương.

Sự gắn kết này thể hiện trong các hoạt động như phát triển chương trình, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục,…

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng được các cơ chế, chính sách, chuẩn chất lượng để tạo ra nguyên tắc ‘bình thông nhau’ trong chia sẻ nguồn lực”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp thì cho rằng “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có lộ trình cụ thể cho việc giảm quy mô đào tạo giáo viên đối với các trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên.

Cần xây dựng cơ chế gắn kết giữa trường đại học sư phạm trọng điểm với các trường vệ tinh, từ đó đề xuất cơ chế quản lý quy hoạch, thiết chế của hệ thống đào tạo giáo viên theo mạng lưới”.

Các trường sư phạm lớn đào tạo tỷ lệ hệ đào tạo vừa làm vừa học cao, đào tạo sau đại học còn ít và đào tạo ngoài ngành sư phạm chiếm phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh

Đối với các trường đại học sư phạm có đội ngũ giảng viên trình độ cao đã tăng số lượng đào tạo sau đại học (thạc sỹ và nghiên cứu sinh), ví dụ Trường đại học sư phạm Hà Nội đào tạo sau đại học chiếm 12,7% tổng số sinh viên, Trường đại học sư phạm - Đại học Thái Nguyên chiếm 8,3%, Trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 4,7%.

Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với các trường đại học sư phạm trọng điểm của Trung Quốc (đào tạo sau đại học chiếm từ 70-80%).

Điều này là do các trường đại học sư phạm lớn của Việt Nam vẫn tham gia đào tạo liên kết với các địa phương (hệ vừa làm vừa học) nhiều, ví dụ Trường đại học sư phạm Hà Nội đào tạo tại chức vẫn chiếm 54,9%, Trường Đại học Vinh chiếm 46,1%, Trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 45,9%, Trường Đại học Cần Thơ chiếm 26,3%,… dẫn đến các trường này chưa tập trung nguồn lực vào đào tạo chất lượng cao phục vụ nhu cầu của xã hội (đặc biệt là nhu cầu của giáo dục tư thục) và vươn tầm hội nhập quốc tế trong đào tạo giáo viên.

Đặc biệt, xu hướng đào tạo ngoài ngành đối với các trường sư phạm lớn có xu hướng tăng lên, ví dụ năm 2018 chỉ tiêu đào tạo ngoài sư phạm của Trường đại học sư phạm Hà Nội chiếm 51,2%, Trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 63%, Trường Đại học Vinh chiếm 83,3%, đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng chiếm 82,6%,… có nghĩa là các trường này đào tạo ngoài sư phạm chiếm đa số.

Tiến sĩ Vũ Hoài An, Hiệu trưởng Trường cao đẳng sư phạm Hải Dương, cho rằng “Cần căn cứ vào thực tiễn giáo dục địa phương và kinh nghiệm quốc tế để quy hoạch sư phạm, trong đó căn cứ thực tiễn đề cập đến: dự báo dân số, số trẻ đi học, phân luồng (giáo dục nghề nghiệp,…).

Vấn đề bồi dưỡng giáo viên nên giao cho các trường vệ tinh, các trường địa phương.

Các trường đại học sư phạm trọng điểm chỉ bồi dưỡng giáo viên cốt cán, giảng viên các trường cao đẳng, đại học và nghiên cứu phát triển các chương trình bồi dưỡng.

Do đó, quản lý quy hoạch cần phải làm rõ nhiệm vụ của các trường sư phạm trọng điểm, nhiệm vụ của các trường vệ tinh”.

Nam Phong