Những câu hỏi lớn liên quan tới vận mệnh dân tộc

02/01/2016 06:08
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Lý tưởng của thanh niên ngày nay là gì? Trước thực trạng đất nước hiện nay, thanh niên phải làm gì? Thanh niên có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng không?

LTS: Đó là những câu hỏi mà đồng chí Trường Chinh đã đặt ra khi truyền cảm hứng cho ông Vũ Mão (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) khi ông còn giữ trọng trách làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Theo ông Vũ Mão, trải qua nhiều cương vị công tác quan trọng của Đảng và Nhà nước, đồng chí Trường Chinh được đánh giá là một nhà chính trị lỗi lạc, nhà tư tưởng, nhà hoạch định chiến lược tài ba, là nhà văn hóa lớn, nhà báo chính luận sắc sảo, nhà thơ nặng tình với đất nước, với nhân dân.

Dường như, ở cương vị nào, đồng chí cũng là người đi tiên phong, mở đường cho các thế hệ sau tiếp bước.

Những dấu ấn sâu đậm khi lãnh đạo Quốc hội

Thời gian làm Chủ tịch Quốc hội của đồng chí Trường Chinh là hơn 20 năm, đảm trách các cương vị: Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa II, III và IV từ 15/7/1960 đến 3/6/1975: Chủ tịch Quốc hội các khóa V và VI.

Từ 3/6/1975 đến 4/7/1981, nếu kể cả thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII của Quốc hội thì đồng chí có đến 25 năm lãnh đạo Quốc hội. Đồng chí đã để lại cho Quốc hội nhiều dấu ấn trong việc: tuyển chọn và đào tạo đội ngũ cán bộ Văn phòng Quốc hội, xây dựng nhà nước pháp quyền, hội tụ ý kiến các nhà trí thức yêu nước.

Sau khi Tổ quốc được thống nhất, nhiệm vụ hàng đầu của Quốc hội là xây dựng hệ thống pháp luật, trong đó xây dựng bản Hiến pháp mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Muốn triển khai được một khối lượng công tác khổng lồ này, điều cần thiết lúc này là phải tuyển chọn và đào tạo cho Văn phòng Quốc hội một đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt.

Đồng chí Trường Chinh chủ trương tuyển chọn một số cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật đang công tác ở các ngành để về công tác ở Văn phòng Quốc hội. Chủ trương này gặp phải hai luồng ý kiến do dự:

Một là, liệu các ngành có chịu “mất” cán bộ nòng cốt của ngành mình không?

Hai là, những cán bộ này về Quốc hội liệu họ có khiêm tốn và nhiệt tình để làm việc không?

Bằng kinh nghiệm của mình, đồng chí Trường Chinh đã thuyết phục được mọi người để quyết tâm xin được các chuyên gia giỏi về công tác ở Văn phòng Quốc hội. Các luật gia Nguyễn Huy Thúc, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Đình Lộc... đã trở thành những cốt cán góp phần xây dựng các văn bản pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp 1980.

Tổng Bí thư Trường Chinh (phải) chúc tết cán bộ Nhà máy Dệt Thành Công - nơi xé rào đột phá về sản xuất công nghiệp vào tháng 1/1985. Ảnh tư liệu.
Tổng Bí thư Trường Chinh (phải) chúc tết cán bộ Nhà máy Dệt Thành Công - nơi xé rào đột phá về sản xuất công nghiệp vào tháng 1/1985. Ảnh tư liệu.

Sau một thời gian công tác, các đồng chí này đã được bầu làm đại biểu Quốc hội của khóa VII. Sau này, đồng chí Nguyễn Đình Lộc được đề bạt làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội rồi làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Đây là một kinh nghiệm tốt, thể hiện tầm nhìn về xây dựng đội ngũ cán bộ Quốc hội của đồng chí Trường Chinh.

Bên cạnh việc tuyển chọn những chuyên gia giỏi và có kinh nghiệm về công tác ở Văn phòng Quốc hội, đồng chí Trường Chinh còn quan tâm tới việc tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về công tác ở Văn phòng Quốc hội.

Năm 1978, đồng chí giao cho đồng chí Xuân Thủy là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký công văn gửi sang Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp tuyển chọn một số sinh viên học giỏi từ nước ngoài và trong nước.

Qua đào tạo, rèn luyện và cống hiến, nhiều đồng chí đã trưởng thành và được giao trọng trách. Có 4 đồng chí trở thành Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Trần Thế Vượng, Nguyễn Văn Thuận, Phan Trung Lý, Nguyễn Đức Hiền.

Một số đồng chí là Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội như Nguyễn Văn Phúc hoặc là Trưởng ban của các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có đồng chí làm Vụ trưởng như Nguyễn Thị Thảo...

Dấu ấn khi làm Tổng Bí thư

Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho yêu nước, đồng chí Trường Chinh đã làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, thơ Đường và được đào tạo bài bản về văn hóa và lịch sử theo truyền thống Nho học.

Năm 1927, khi mới 20 tuổi đồng chí Trường Chinh lên Hà Nội học ở Trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương và tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.

Năm 1930, bị kết án 12 năm tù và đày đi Sơn La, đến năm 1936 được trả tự do.

Giai đoạn 1936–1939, đồng chí là Xứ Ủy viên Bắc Kỳ, được chỉ định vào Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm ấy, đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt.

Tại Hội nghị Trung ương 7 họp tại làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh từ ngày 6 đến ngày 9/11/1940, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử làm Quyền Tổng Bí thư thay đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt.

Tháng 5/1941, tại Hội nghị Trung ương 8 họp tại Cao Bằng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1943, bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.

Dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh có công lớn trong cuộc Cách mạng Tháng Tám. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu bốn biển; đồng chí cũng là người có công lao to lớn.

Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận với cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi là do anh Trường Chinh”.

Trường Chinh không chỉ là một nhà lý luận văn hóa mà còn là nhà báo cách mạng nổi tiếng, là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ.

Ông cũng là một nhà thơ có nhiều bài thơ trữ tình, tự sự, chính luận… đã in thành hai tập thơ với bút danh Sóng Hồng.

Là người có tri thức uyên bác, đồng chí Trường Chinh đã vận dụng nền tảng kiến thức Đông – Tây vào quá trình hoạt động cách mạng. Thời ấy, hiếm có nhà cách mạng nào lại được học hành có bài bản như Trường Chinh.

Tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp luật, mà nay ta gọi là Nhà nước pháp quyền đã có từ lâu và được phát huy cao độ trong những năm tháng đồng chí là Chủ tịch Quốc hội.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh là người tổ chức thực hiện để đưa tư tưởng Đại đoàn kết toàn dân đi vào cuộc sống.

Những bậc trí thức cao niên như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn,... được trọng dụng, bố trí vào những vị trí rất cao của Nhà nước ta ngay từ thời kỳ còn trong trứng nước.

Năm 1985 và đầu năm 1986 là thời điểm thật ngặt nghèo. Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế – xã hội nặng nề. Nền kinh tế vận hành thiếu năng động, kém hiệu quả. Nhiều nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người dân về ăn, mặc, ở không được giải quyết đầy đủ.

Sự thiếu hụt kinh niên khiến tình trạng căng thẳng trong xã hội gia tăng. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút. Bao vấn đề gay go đặt ra trong cuộc sống khiến không ít đảng viên băn khoăn, lo lắng.

Ở TP. Hồ Chí Minh, bầu không khí chính trị nặng nề bao phủ, lãnh đạo Thành phố tìm mọi cách thông tin tới Bộ Chính trị tình hình ấy. Một điều rất nguy hiểm là đã có một số thông tin hoặc phản ánh sai lệch về Thành phố.

Hoàn cảnh lúc đó rất thúc bách, nếu kéo dài thêm thì những nhân tố mới góp phần giải quyết khó khăn sẽ nhanh chóng bị thui chột. Sau này, năm 1992, tôi càng hiểu ra điều đó khi được đồng chí Nguyễn Văn Linh – nguyên là Bí thư Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh ở năm tháng ngặt nghèo này, tâm sự:

“Đại hội VI của Đảng ta là Đại hội Đổi mới. Người có công đầu trong sự kiên quyết phất cao Ngọn cờ Đổi mới là đồng chí Trường Chinh. Có được tư duy ấy là nhờ đồng chí Trường Chinh chân thành lắng nghe tiếng nói từ cơ sở.

Trong dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi tha thiết mời đồng chí xuống thăm các nhà máy. Đồng chí đã cố gắng thu xếp thời gian để xuống nhiều cơ sở sản xuất. Qua đó, đồng chí thấu hiểu những nhu cầu của người lao động và những điều cần tháo gỡ trong cơ chế bảo thủ hiện tại”.

Những câu hỏi lớn liên quan tới vận mệnh dân tộc ảnh 2

Người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VI của Đảng do đồng chí Trường Chinh trình bày đã khẳng định: Đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn.

Những khẩu hiệu và phương hướng nêu trong báo cáo trình đại hội như: “lấy dân làm gốc”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, “luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”… đã để lại những dấu ấn sâu sắc, là những khẩu hiệu có tính chỉ đạo hành động trong suốt quá trình đổi mới đất nước.

Có thể nói, Báo cáo chính trị và Nghị quyết của Đại hội VI là đỉnh cao của tinh thần thực sự cầu thị, dám nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật, dũng cảm phê bình và tự phê bình một cách nghiêm túc, giải phóng được sức sản xuất, phát huy sự thông minh, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên, chắp cánh cho chúng ta vươn đến những thắng lợi vĩ đại.

Đã có rất nhiều sự việc đáng ghi nhớ trong những ngày tháng đó. Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chia sẻ rất thật lòng: “Phải nói rằng, vào thời điểm đó (năm 1986) chỉ có đồng chí Trường Chinh, với hiểu biết sâu sắc về lý luận và là một người rất nguyên tắc, có phần cứng theo kiểu chính thống, mới có thể chỉ đạo thành công Đại hội VI – Đại hội của đổi mới”.

Trải qua 81 tuổi đời, 63 năm hoạt động cách mạng kiên cường và liên tục, đồng chí Trường Chinh đã nêu một tấm gương sáng và để lại cho chúng ta những bài học quý về sự hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí cũng là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, nhất là sự đổi mới tư duy ở những bước ngoặt lịch sử, trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình, đề ra chủ trương phù hợp, dựa vào sức mạnh của nhân dân để làm nên thắng lợi của đồng chí Trường Chinh là bài học vẫn còn nguyên giá trị ở thời điểm hiện nay.

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của Trường Chinh, ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, với bất cứ cương vị lãnh đạo gì, đồng chí bao giờ cũng là Người một lòng vì nước – vì dân, không mảy may vì cá nhân!

Với tấm lòng thành kính Nhà lãnh đạo xuất chúng của đất nước, tôi đã viết “Trường Chinh – Tấm gương sáng ngời”:

Lộng gió biển khơi xanh biếc bờ/ Phù sa bồi đắp sóng hồn thơ/ Lương dân mòn mỏi đời sương khói/ Khao khát đổi thay nuôi ước mơ

Tháng Tám trào dâng trời hương sắc / Tâm can nghĩa khí cuộn Sóng Hồng/ Niềm vui phơi phới tình Dân – Đảng/ Vận nước huy hoàng dậy núi sông

Một thuở xông pha trong lòng địch/ Chiến khu vó ngựa vượt băng đèo/ Bồn chồn nhịp bước bao suy nghĩ/ Thấp thóang đầu non ngọn trăng treo

Bền bỉ Trường Chinh  tâm  – đức – trí/ Thủy chung đằm thắm nghĩa quê hương/ Gương đài tỏa sáng: Người – Anh – Cả/ Đất nước vươn mình rạng ánh dương.

Ngọc Quang (ghi)