Những cây gậy nào thường được dùng để đe nẹt cắt chỉ tiêu tuyển sinh trường tư?

24/02/2019 07:26
Hồng Thủy
(GDVN) - Trường tư thục vận hành theo một mô hình quản trị và nguyên lý khác hẳn trường công lập, lại bị quản lý bằng các tiêu chí của trường công, dễ đẻ ra tiêu cực.

Tiếp theo bài 4, Lấy quy hoạch để áp chỉ tiêu tuyển sinh, rất nhiều trẻ em Thủ đô sẽ thất học.

Chia sẻ với chúng tôi trong quá trình tìm hiểu về những gian nan, vất vả và tiêu cực phát sinh mỗi mùa tuyển sinh, hiệu trưởng một trường tư cho biết về những "cây gậy" có thể được cán bộ / chuyên viên phụ trách cấp chỉ tiêu lợi dụng để làm khó, đe nẹt các trường.

Cấp chỉ tiêu tuyển sinh là vì cơ chế xin cho, còn nếu để các trường tự chủ họ hoàn toàn có thể tự làm công tác tuyển sinh trên cơ sở trường lớp và giáo viên đầy đủ để đảm bảo tốt nhất chất lượng giáo dục.

Các trường sẽ cân đối được số phòng học, tính toán ra số lớp là bao nhiêu, hàng năm số lớp tuyển sinh được bao nhiêu. Trên cơ sở đó họ hoàn toàn có thể tự chủ tuyển sinh.

Giáo viên ở Hà Nội đang dư thừa rất nhiều, kể cả các trường yêu cầu cao cũng vẫn có thể tuyển đủ nếu cần mở rộng quy mô tuyển sinh, có điều ai cho họ mở rộng?

Trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, lọt thỏm dưới chân các tòa chung cư. Ảnh: Thái Hiền / Báo Hà Nội Mới.
Trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, lọt thỏm dưới chân các tòa chung cư. Ảnh: Thái Hiền / Báo Hà Nội Mới.

Việc các cơ quan quản lý nhà nước thanh tra hậu kiểm các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học là đúng, nhất là sĩ số, giáo viên, phòng học và cơ sở vật chất phục vụ việc học, nhưng cần theo tiêu chí phù hợp với trường tư thục.

Nên để các trường tư thục tuyển sinh thoải mái, chỉ cần cơ quan quản lý giáo dục thanh kiểm tra đột xuất mà học sinh không có chỗ học hoặc sĩ số quá cao, thì lập tức xử lý.

Nói chung, chẳng trường nào dại tuyển quá khả năng của mình cũng như yêu cầu đảm bảo chất lượng, bởi mỗi một cha mẹ học sinh đã là một "cán bộ thanh tra";

Không ai bảo vệ quyền lợi sát sườn của học sinh như cha mẹ chúng, khi chấp nhận bỏ tiền túi cho con theo học trường tư.

Đủ khả năng nhưng ít chỉ tiêu buộc trường tư phải gửi học sinh

Thực tế có trường tư thục đủ năng lực tuyển sinh khoảng 600 em, nhưng lại chỉ được cấp chỉ tiêu 400 em, buộc trường phải chuyển 200 em gửi sang các trường không tuyển được, với tên nằm trong danh sách trúng tuyển của các trường được gửi.

Qua mùa tuyển sinh, số học sinh gửi này làm thủ tục chuyển trường về trường các em thi ban đầu, tất nhiên trường gửi phải mất chi phí cho trường được gửi.

Tiếp đến là vấn đề sĩ số. Ví dụ tại Hà Nội, theo quy định của Bộ, sĩ số 1 lớp tiểu học tối đa là 35 học sinh nhưng thực tế mùa tuyển sinh năm ngoái nhiều trường tiểu học công lập lên tới 68, 69 học sinh / lớp. 

Phòng và sở không bao giờ nói động đến các trường công này. Nhưng khi đi kiểm tra các trường tư thục, trường nào mà tuyển quá một vài em là họ hành lên hành xuống.

Những cây gậy nào thường được dùng để đe nẹt cắt chỉ tiêu tuyển sinh trường tư? ảnh 2

Tuyển sinh đầu cấp vào mùa chạy chỉ tiêu

Trong khi đó không ít cán bộ trong ngành giáo dục, thậm chí cả người phụ trách tuyển sinh hàng năm đều chọn một số trường tư để gửi gắm "suất ngoại giao", nên nhiều khi sĩ số vượt quá mức nhà trường mong muốn cũng vì để vừa lòng các vị này để giữ quan hệ.

Cho nên dù lớp có quá tải một vài học sinh, thì đấy cũng là đóng góp của các trường tư thục trong việc giảm áp lực cho hệ thống trường công lập 68, 69 học sinh / lớp kia.

Nói cách khác, quy định về sĩ số hiện nay chỉ là công cụ để đe nẹt và dọa cắt chỉ tiêu trường tư trong khi rất nhiều trường công lập không thực hiện được, không sao.

Đây là một kẽ hở để một số người nằm trong cơ quan quản lý hành các trường, buộc các trường phải chạy chọt.

Áp đặt tiêu chí trường công vào trường tư, cây gậy đe nẹt hiệu quả mùa tuyển sinh

Quy định của nhà nước về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên với trường công lập áp dụng cho trường tư thục có nhiều điểm rất không phù hợp, nên có những trường tư thục không đáp ứng được các tiêu chí này.

Một là những quy định của nhà nước về cơ sở vật chất như sân chơi bãi tập, phòng chức năng (phòng họp, phòng hiệu trưởng, phòng hiệu phó...) theo mô hình trường công lập do nhà nước cấp đất xây dựng, không phù hợp với trường tư thục.

Bởi vì các trường tư thục phải bỏ tiền túi từ các nhà đầu tư, sáng lập trường để mua / thuê đất đai và mặt bằng, nên phải tính toán việc sử dụng sao cho hợp lý nhất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng đất đai / mặt bằng / thiết bị và con người.

Nhưng khi đi kiểm tra, người ta vẫn lôi những tiêu chuẩn của trường công lập để soi trường tư thục, tiêu chí nào không đạt thì lại phải chạy;

Chẳng hạn như tiêu chí diện tích bình quân đất (mặt bằng) / học sinh mà nhiều trường công lập nội thành Hà Nội không thể đạt được, lại có thể trở thành công cụ xử lý các trường tư thục.

Thứ hai là quy định bất thành văn, các trường tư thục Hà Nội không được phép mở quá 2 cơ sở, trong khi áp lực sĩ số các trường công ngày một cao, nhu cầu của cha mẹ học sinh cho con em theo học trường tư ngày một lớn.

Những cây gậy nào thường được dùng để đe nẹt cắt chỉ tiêu tuyển sinh trường tư? ảnh 3

Cơ chế xin-cho chỉ tiêu tuyển sinh đẻ ra tiêu cực như thế nào?

Những năm gần đây trước mỗi mùa tuyển sinh có nhiều bài báo phản ánh việc học sinh thi vào lớp 1 "khó hơn thi đại học", nhưng lại tập trung chỉ trích trường tư gây khó dễ cho cha mẹ học sinh mà không thấy nguyên nhân bản chất đến từ 2 chữ "chỉ tiêu".

Ví dụ, đáng lẽ năng lực tuyển sinh của nhà trường có thể lên tới một ngàn học sinh hoặc hơn nữa, nhưng chỉ được cấp khoảng 350 chỉ tiêu, với 1500 hồ sơ nộp vào thì buộc các trường phải sử dụng biện pháp sàng lọc, vì không được mở cơ sở mới.

Còn các trường tư thục muốn đáp ứng nhu cầu của dân, thì buộc họ phải thành lập những trường mới, có tên gọi là tên trường hiện có cộng thêm tên địa bàn mở cơ sở mới, thường gặp nhất là tên trường gắn liền với tên các khu đô thị mới.

Và tất nhiên các trường mới này lại phải có một bộ máy quản lý mới, một đề án mới, trong khi lẽ ra họ chỉ cần một bộ máy quản lý chung cho tất cả các trường trong hệ thống là đủ.

Nhân sự tăng lên và chi phí tăng lên.

Đây chính là một ví dụ điển hình nữa của tăng giấy phép con đối với các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội, đi ngược lại chủ trương kiến tạo và giảm thủ thục hành chính của Chính phủ.

Thứ ba là quy định về định biên giáo viên / lớp của trường công lập không phù hợp với trường tư thục, đang được một số cán bộ có thẩm quyền sử dụng để hành các trường tư thục.

Ví dụ ở trường công lập Bộ quy định 2,2 giáo viên / lớp, nếu nhà trường định tuyển 10 lớp thì phải có 22 giáo viên.

Nhưng định biên này là để tính biên chế giáo viên cho trường công lập, mỗi tuần được quy định dạy 12 tiết, 14 tiết hay 18 tiết, ví dụ như vậy, họ vẫn có dư thời gian ra ngoài dạy thêm.

Những cây gậy nào thường được dùng để đe nẹt cắt chỉ tiêu tuyển sinh trường tư? ảnh 4

Bỏ cơ chế chỉ tiêu tuyển sinh trường tư, quá tải trường công mới có lối thoát

Còn ở các trường tư thục giáo viên được tuyển dụng, sử dụng và trả lương theo khối lượng (mô đun) và chất lượng hoàn thành công việc, chứ không theo vị trí việc làm với quy định số tiết như trường công. 

Đây là lý do chính tại sao thu nhập chính thức từ lương của giáo viên trường tư cao hơn giáo viên trường công. Đây cũng là lý do chính tại sao học sinh trường tư thục không phải học thêm tối ngày như học sinh trường công lập.

Cho nên áp đặt định biên giáo viên của trường công vào trường tư như hiện nay chỉ là công cụ cho một bộ phận cán bộ / chuyên viên quản lý giáo dục lợi dụng bắt chẹt các trường tư thục mỗi mùa tuyển sinh mà thôi.

Còn để đảm bảo chất lượng dạy học, các trường tư phải tự lo chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giáo viên cũng như tối đa hóa hiệu quả bộ máy nhân sự.

Đây là sự khác biệt căn bản về mô hình quản trị cũng như nguyên lý vận hành giữa trường tư thục với trường công lập, nhưng lại đang được quản lý bởi một tiêu chí của trường công.

Vì vậy, việc đội ngũ giáo viên có đủ hay không hãy xem chất lượng giảng dạy của các trường tư thục, đừng áp hệ số giáo viên một cách cứng nhắc từ trường công lập lên trường tư thục.

Chính Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng nói với Báo Hà Nội Mới ngày 2/9/2018:

Năm học vừa qua Hà Nội đã giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng bài thi trung học phổ thông quốc gia đạt điểm 10.

Trong số 72 trường có tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100%, có tới 38 trường trung học phổ thông ngoài công lập. [1]

Nếu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công khai danh sách chất lượng các trường công lập và tư thục mỗi năm (tỉ lệ đỗ tốt nghiệp, chất lượng đỗ tốt nghiệp, số lượng đỗ đại học, số lượng học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia và có học bổng du học...), có lẽ dư luận sẽ thấy rõ vai trò và đóng góp của các trường tư thục lớn như thế nào.

Cho nên, nếu Hà Nội tiếp tục quản lý trường tư thục bằng cơ chế và tiêu chí của trường công, thì còn đẻ ra nhiều tiêu cực, nhũng nhiễu, và để tồn tại, sẽ khó tránh việc một số trường tư phải chạy chọt, thuê mướn, thậm chí làm giả số liệu cho đẹp hồ sơ để còn được cấp chỉ tiêu.

Vì vậy, đã đến lúc Hà Nội nên xem xét nghiêm túc việc bãi bỏ cơ chế xin cho chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường tư thục hiện nay, để các trường tư thục tự chủ tuyển sinh, phòng và sở chỉ thanh tra hậu kiểm với những tiêu chí riêng của trường tư thục, thì chắc chắn giáo dục Thủ đô sẽ có bước bứt phá ngoạn mục.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khach-moi/911733/no-luc-doan-ket-quyet-tam-dan-dau-ca-nuoc-ve-doi-moi-giao-duc-va-dao-tao

Hồng Thủy