Những chia sẻ của Phó Bí thư tỉnh ủy Sơn La rất thẳng thắn, trách nhiệm

02/06/2019 07:16
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Chúng tôi tin ông Nguyễn Đắc Quỳnh đã và đang đau xót lắm sau sự việc tiêu cực ở kỳ thi năm 2018 xảy ra tại địa phương mình.

Nếu nhìn vào những diễn biến sau vụ sửa điểm ở Sơn La trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 thì chúng ta thấy có rất nhiều những đau xót, ê chề và xen lẫn cả sự bất bình.

Trong số 8 người bị truy tố thì có 6 người đang công tác trong ngành giáo dục. Điều đáng buồn nhất là có tới 5 người đang công tác ở Sở Giáo dục. Ngoài ra, còn có tới 4 người đang là lãnh đạo của Sở Giáo dục cũng đang nằm trong diện “nghi án”.

Kỳ thi năm 2019 chưa diễn ra nhưng đã phải “thay tướng” giữa chừng vì ông Phạm Văn Thủy bị dư luận phản đối. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy còn những điểm sáng, vẫn còn đó những người đang có thể làm điểm tựa cho nhân dân Sơn La, cho niềm tin xã hội.

Người chúng tôi muốn nói đến đó là ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Sơn La.

Ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Sơn La trao đổi với các phóng viên (Ảnh: Bích Hoàng)
Ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Sơn La trao đổi với các phóng viên (Ảnh: Bích Hoàng)

Là người lãnh đạo đứng ở vị trí thứ 2 về mặt Đảng ở Sơn La, chúng tôi tin ông Nguyễn Đắc Quỳnh đã và đang đau xót lắm sau sự việc tiêu cực ở kỳ thi năm 2018 đã xảy ra tại địa phương mình.

Có nỗi đau nào hơn khi mà tỉnh Sơn La đang còn nghèo khó nhất nước, hàng chục nghìn hộ dân thuộc diện hộ nghèo mà có những phụ huynh lại dám bỏ tiền tỉ ra chạy điểm, chạy trường cho con.

Có nỗi buồn nào hơn khi có hàng loạt cấp dưới của mình đã bị truy tố, bị khai trừ khỏi Đảng mà trong đó có những người đang thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ tỉnh ủy!

Nỗi buồn ấy còn được nhân lên bởi kết thúc điều tra giai đoạn 1 lại thêm nhiều những tình tiết phức tạp khi đến cả Giám đốc Sở Giáo dục cũng nằm trong nghi án nhờ sửa điểm cho 8 thí sinh.

Và, có hàng chục phụ huynh của các thí sinh cũng đang nằm trong diện “chạy điểm” là những người lãnh đạo của một số ngành, một số huyện…

Xử lý những người sai phạm, đã làm mất niềm tin của nhân dân là chuyện đương nhiên phải làm. Nhưng, thực tế có quá nhiều lãnh đạo của địa phương vướng vào vụ tiêu cực sửa điểm trong 1 kỳ thi thì làm sao vui được?

Nhưng, nỗi buồn của Phó Bí thư Thường trực còn được nhân lên gấp bội lần khi có nhiều người là cấp dưới của ông đang phủ nhận việc mình có tham gia vào việc sửa điểm và phủ nhận việc chi tiền để chạy điểm cho con em mình.

Trong khi, một số bị can đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính cho cơ quan điều tra.

Phó Bí thư Thường trực Sơn La: Chúng tôi không để yên đâu!

Chính vì thế, khi trao đổi với báo giới bên hành lang phiên họp Quốc hội ngày 31/5 thì ông Nguyễn Đắc Quỳnh đã bất bình và nói:

Chúng tôi có kêu gọi cán bộ có gian lận thi cử thì nhận đi, không ai gắp điểm vào tay con mình đâu. Nhận đi sẽ là tình tiết giảm nhẹ”.

Điều mà Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy chia sẻ với báo chí cũng là nỗi niềm chung của nhiều người trong thời gian qua. Không ai dại gì mà lại đi rút những bài thi ở nhiều Hội đồng thi để sửa điểm để nó đẹp hơn, để nó bằng với điểm đã được phụ huynh “đặt hàng”.

Nhưng, ta thấy sau lời khai của ông Trần Xuân Yến với cơ quan điều tra về việc ông Hoàng Tiến Đức đã gửi gắm danh sách 8 thí sinh để sửa điểm thì ông Đức đã “bẻ kèo” nói là chỉ “nhờ xem điểm” và cuối cùng ông lại thay đổi lời khai này!

Chính vì vậy, những phụ huynh được cơ quan điều tra mời lên lấy lời khai cũng đều nói là họ chỉ “nhờ xem điểm”, thậm chí một chủ nhà hàng còn nói là có người khách mà ông không nhớ tên nhờ xem điểm cho con.

Rồi, tình cờ ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo dục vào nhà hàng ăn uống, tiếp khách nên ông đã nhờ xem điểm cho vị khách kia!

Chính vì những câu chuyện có phần ly kỳ như vậy, nên ông Nguyễn Đắc Quỳnh đã chia sẻ với báo chí bằng những lời gian ruột của mình:

Khi giao trách nhiệm xử lý, tôi đã nói với nhiều cán bộ rằng, đây là tôi đang cứu vớt các đồng chí, hãy tự giác đi, hãy tự nhận đi, sau này sẽ có hình thức giảm nhẹ.

Còn nếu ai mà không nhận thì sau này sẽ chịu xử lý rất cao, có tăng nặng, chứ chúng tôi không bao che”.

Ông Hoàng Tiến Đức không xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo ưu tú

Tất nhiên, sự kêu gọi tự giác đối với những người đang nằm trong “tầm ngắm” của cơ quan điều tra tự nhận lỗi chưa hẳn là họ sẽ nhận. Bởi nhận, cũng đồng nghĩa sẽ mất thêm nhiều thứ nữa chứ không phải mất “tiền tỉ” như thông tin mà các bị can đã khai với cơ quan điều tra.

Nhưng, từ lời kêu gọi cấp dưới thành khẩn và sự cương quyết trong chỉ đạo của tỉnh ủy thì chúng ta tin sự việc sẽ nhanh chóng được đưa ra ánh sáng một cách rõ ràng nhất.

Có lẽ có nhiều người sẽ chưa hẳn đặt trọn niềm tin vào lời chia sẻ với báo chí của ông Nguyễn Đắc Quỳnh vừa qua nhưng một điều mà chúng ta phải thừa nhận đó là lời phát biểu gan ruột và rất thẳng thắn của vị Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy.

Nếu so với nhiều người khác như cấp dưới của ông Quỳnh đang cố gắng phủ nhận để đổ lỗi cho người khác thì ông xứng đáng là một người đứng đầu.

Nếu so sánh với quyền Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La, bà Tráng Thị Xuân đã cương quyết chối từ những câu hỏi của phóng viên về tiêu cực trong kỳ thi năm 2018 thì lời nói của ông Quỳnh đã hơn hẳn và Xuân.

Nếu so sánh với ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang thì lời của ông Nguyễn Đắc Quỳnh cũng xứng đáng nhận được những lời khen.

Ông Quỳnh đã hơn hẳn ông Vinh khi thẳng thắn nhìn vào vấn đề, không loanh quanh, thoái thác trách nhiệm của mình và cũng cương quyết xử lý sai phạm- dù chức vụ ông Quỳnh thấp hơn.

Dù đã mất niềm tin, nhưng chúng ta tin là Sơn La sẽ không có vùng cấm trong xử lý tiêu cực đối với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Bởi, niềm tin ấy đã đang được nhen nhóm lên từ những người cương trực, thẳng thắn như Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Nguyễn Đắc Quỳnh.

Tài liệu tham khảo:

https://thanhnien.vn/giao-duc/pho-bi-thu-son-la-khong-ai-tu-nhien-gap-diem-bo-tay-con-minh-dau-1087754.html

NGUYỄN NGUYÊN