Những cô gái làm xiếc bay trên “lưng hổ”

01/05/2014 07:02
Kiều Oanh
(GDVN) - “Ngã xe mô tô với chúng tôi là chuyện bình thường nhưng chỉ cần sơ sẩy một chút là mất mạng như chơi” - cựu VĐV Nguyễn Thị Kim Quế chia sẻ.
Chiến binh của bộ “nữ tướng vàng”
Bộ “nữ tướng vàng” của CLB biểu diễn mô tô nghệ thuật khi xưa là những cô gái Hà thành, xinh đẹp, dịu dàng nhưng cũng rất “máu lửa” là Trần Thị Khanh (đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo), Nguyền Thị Huỳnh, Dương Ngọc Tuyển và Nguyễn Thị kim Quế.
Từ trái qua phải là bà Nguyễn thị Kim Quế, Nguyễn Thị Huỳnh (SN 1939), Trần Thị Khanh (SN 1943) và Dương Ngọc Tuyển (SN 1939) chụp hình lưu niệm trước giờ biểu diễn động tác quỳ bắn súng trên yên xe mô tô (1964) tại SVĐ Hàng Đẫy.
Từ trái qua phải là bà Nguyễn thị Kim Quế, Nguyễn Thị Huỳnh (SN 1939), Trần Thị Khanh (SN 1943) và Dương Ngọc Tuyển (SN 1939) chụp hình lưu niệm trước giờ biểu diễn động tác quỳ bắn súng trên yên xe mô tô (1964) tại SVĐ Hàng Đẫy.
Hà Nội, những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước đã từng có một đội mô tô biểu diễn nghệ thuật được nhiều người yêu thích. Đó là câu lạc bộ (CLB) mô tô Quốc phòng Hà Nội với những màn biểu diễn “bỏ hai tay đứng trên xe, đứng bắn, quỳ bắn, tránh đạn, kênh thuyền, thay lốp trên xe ba bánh. Và, đặc biệt là tiết mục biểu diễn nhạn đôi, nhạn ba, nhạn ghi đông….” Khiến hàng vạn người dân phải thót tim thán phục.
Năm 1961, khi đó mới 18 tuổi, tôi được xem bộ phim “Bước ngoặt bất ngờ” của điện ảnh Xô Viết (cũ) thấy người phụ nữ đi xe mô tô khiến tôi mê mẩn và ước mơ làm sao Việt Nam mình cũng có CLB để tham gia. Không ngờ, tới năm 1962 CLB mô tô Hà Nội được thành lập cùng một số CLB thể thao khác như “tàu lượn, bắn súng, nhảy dù. Thích nên tôi đăng ký tham gia ngay” bà Quế cho biết.
Cùng với Nguyễn Thị Kim Quế, hàng trăm thanh niên làm việc ở hầu khắp các xí nghiệp như: Cơ khí Hà Nội, xưởng may X.40, xưởng may 10, nhà in báo Nhân dân, khách sạn Thống Nhất… hồ hởi tham gia. Các nam, nữ thanh niên đã phải trải qua những vòng kiểm tra rất khắt khe về sức khỏe, kiến thức mới được là thành viên của CLB.
Trong những năm tháng sinh hoạt tại CLB mô tô biểu diễn Hà Nội, bộ tứ nữ VĐV này đã có hàng trăm cuộc biểu diễn và đi tới hàng chục tỉnh thành trên khắp miền Bắc như: Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình… ở đâu họ cũng được chào đón và cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Thế nhưng, sau ánh hào  quang đó, để đến được với niềm đam mê của mình, những người phụ nữ này cũng đã phải chịu không ít những  hy sinh và thiệt thòi.
Người điều khiển xe mô tô (ở chính giữa) là bà Kim Quế, cùng 2 người đàn ông phía trên cùng là ông Bồng và dưới cùng là ông Nhuệ đang biểu diễn trên xe mô tô nhân dịp bóng đá 12 nước XHCN đấu tại Việt Nam (1964).
Người điều khiển xe mô tô (ở chính giữa) là bà Kim Quế, cùng 2 người đàn ông phía trên cùng là ông Bồng và dưới cùng là ông Nhuệ đang biểu diễn trên xe mô tô nhân dịp bóng đá 12 nước XHCN đấu tại Việt Nam (1964).
Địa điểm tập luyện là SVĐ Quần Ngựa với phương tiện là những chiếc xe IJ hay JAWA 350 phân khối do Liên Xô và Tiệp Khắc sản xuất. Chiếc xe phân khối lớn tưởng chừng như khá đơn giản nhưng đối với những người phụ nữ chân yếu tay mềm lại không hề đơn giản vì phải làm quen với chiếc xe và tập … dắt xe. Và dần dà, họ đã tập được những động tác khó như bỏ hai tay, đứng lên yên xe, vừa đi xe vừa biểu diễn các động tác đứng, quỳ, nằm bắn súng bằng hai tay, biểu diễn động tác con nhạn trên mô tô.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh - chị cả của nhóm kể lại: “ Trong những ngày tập luyện với những động tác khó, bị ngã ê ẩm mình mẩy, xây xát tay chân là chuyện bình thường. Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm về chị Trần Thị Khanh trong lúc tập luyện do tập sai các động tác kỹ thuật bị ngã gẫy mất 4 chiếc răng. Vất vả, gian khổ là vậy nhưng chẳng ai nản lòng…”.
Bà Kim Quế đang biểu diễn mô tô trên SVĐ Hàng Đẫy.
Bà Kim Quế đang biểu diễn mô tô trên SVĐ Hàng Đẫy.
Tuy nhiên, vượt qua rất nhiều khó khăn đó, họ đã gắn bó với môn thể thao này trong suốt quãng thời gian dài cho tới khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ ác liệt, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, sân tập trở thành ụ pháo cao xạ của lực lượng phòng không và kho lương thực lưu động. Trong những thời kỳ gian khó của đất nước, bằng tình yêu, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ đã sống trọn cho sự đam mê và mang lại những khoảnh khắc khó có thể quên cho ngành thể thao Việt Nam.
Kiều Oanh