Những cô giáo đến từ phía mặt trời

25/09/2019 06:21
Trần Phương
(GDVN) - Nắng cũng như mưa, đều đặn từng ngày, từ phía mặt trời, các cô giáo lên điểm trường Hô Củng, điểm trường ấy chẳng khi nào ngớt tiếng cười của lũ học trò nhí

Sau những ngày về thăm gia đình, các cô lại đến với lớp học phía trong lòng núi, các cô đến từ phía mặt trời mọc, đến từ ánh bình minh dọi chiếu vào thung lũng….

Điểm trường mầm non Hô Củng A và Hô Củng B nằm cách trung tâm xã Chà Tở (Huyện Nậm Pồ, Điện Biên) trên 20 km, nghe có vẻ như không xa đối với các thầy cô giáo miền núi nhưng những ngày đến trường của các cô giáo chẳng khác nào những chuyến đi phượt.

Bởi trên cung đường hơn 20 km đó có đủ các loại đường “hỗn hợp”, từ đường nhựa, đường dải cấp phối, đường đất, sống trâu, sống bò, ổ gà, ổ voi… quãng đường có đèo, có rừng, có suối… những cung đường mà đi mãi nhưng các cô chẳng thể nào quen.

Cô giáo Lò Thị Thời cùng các em học sinh trong điểm trường Hô Củng B. Các em năm nay đã được học trong lớp nhà ghép
Cô giáo Lò Thị Thời cùng các em học sinh trong điểm trường Hô Củng B. Các em năm nay đã được học trong lớp nhà ghép

Trong Hô Củng, hơn 100 học sinh mầm non (gần 100% người dân tộc H'mông) chia thành 4 lớp và được đảm nhận bởi 4 cô giáo trẻ. Mỗi cô một hoàn cảnh, các cô đều xa gia đình, bỏ lại con nhỏ cho người thân chăm sóc, cùng nhau tựa lưng vào núi để chăm sóc trẻ vùng cao.

Quãng đường từ trung tâm xã Chà Tở vào đến Hô Củng như một cuộc hành trình dài theo tuổi thanh xuân của các cô giáo mầm non.

Mùa mưa, con đường các cô giáo đến trường cũng đỏng đảnh lạ thường, theo chân các cô giáo vào Hô Cửng, quãng đường hơn 20 km chúng tôi di chuyển mất hơn 1h đồng hồ.

Con đường đến trường của các cô giáo có cả nắng, mưa, sương mù, gió lạnh… nhóm thầy cô di chuyển trước chúng tôi chưa đầy 20 phút có thể lên đến được đến điểm trường bằng xe máy.

Còn chúng tôi xuất phát sau, gặp trời mưa, con suối khô khốc các cô vừa qua đã biến thành cả một dòng sông lớn.

Cả đoàn phải để xe máy, đi bộ qua suối. “May là hôm nay cầu vẫn chưa bị cuốn trôi”, bác bảo vệ đi cùng chúng tôi cho biết. Bởi có những ngày, các cô vào trường, trời mưa, qua suối cầu bị trôi mất các cô phải… khênh xe máy qua.

Tiếng hò, tiếng dô đồng thanh của các cô giáo vang cả một góc núi rừng.

Cô giáo ‘siêu nhân’ ở Nộc Cốc
Cô giáo ‘siêu nhân’ ở Nộc Cốc

Trước đây, điểm trường tại Hô Củng là những mái nhà tranh tre, nứa lá, cuộc sống của cô và trò vô cùng vất vả.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự chung tay của cộng đồng, công tác kêu gọi xã hội hóa giáo dục ở Nậm Pồ đạt được nhiều kết quả khích lệ, trong đó, điểm trường Hô Củng B cũng đã được các mạnh thường quân tài trợ phòng học, đảm bảo 3 cứng.

Nhà lớp ghép đã được thay thế phòng học tạm, vậy là từ năm học này, cô và trò tại Hô Củng thoát cảnh vừa học vừa lấy chậu hứng nước mưa.

Để được lớp học khang trang như vậy, 4 cô giáo trong điểm trường Hô Củng này đã phải tự biến mình thành thợ xây, thợ nát nền sau giờ dạy học là tay bay, tay thước xây dựng lớp học cho các em.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng trường mầm non Chà Tở cho biết: “Nhiều lúc cũng thương chị em. Chuẩn bị đến ngày khai giảng, vừa dứt tay bay, tay thước, chân còn nguyên cả bùn, vữa các cô lại về trung tâm, tập múa tập hát cho ngày khai giảng. Nhìn chị em chúng em mà nhiều khi ái ngại cho chính mình”.

Thế nhưng, khi phóng viên nói chuyện với cô giáo Lò Thị Thời (Sinh năm 1995) cô giáo phụ trách cả 2 điểm trường Hô Củng A và B, các cô vẫn giữ được vẻ lạc quan yêu đời: “Chị em chúng em đường thì chưa quen lắm nhưng thế này mãi cũng quen rồi. Chị em cũng phải tự lấy đó là niềm vui vì các em học sinh của mình thôi anh ạ”.

Chuyện cô giáo bị ngã gần như là chuyện thường thấy. “Năm vừa rồi, cô Thời bị ngã không may tím cả một bên má và mắt, mấy hôm sau là lễ 20/11, khách đông, mấy thầy có vẻ ái ngại cho cô ấy, hỏi em, em bảo cô ấy đi lên ngã xe thôi, mọi người bảo bảo ôi thế là may rồi.

Họ tưởng cô giáo bị ai đánh. Ngẫm lại vừa buồn cười vừa tủi anh ạ”, cô Hồng kể về chị em giáo viên của mình.

Bốn cô giáo Lò Thị Thời, Lường Thị Hương (sinh năm 1996) ở Hô Củng A và cô giáo Đinh Thị Anh Tuyết, Kim Thị Hằng (hai cô giáo lâu năm) ở Hô Củng B giờ coi nhau như chị em, 4 con người, 4 hoàn cảnh khác nhau đến với Hô Củng duy trì và phát triển giáo dục vùng khó.

Dù khó khăn còn nhiều, nhưng các em học sinh người dân tộc H'mông vẫn được đảm bảo các điều kiện giáo dục tốt nhất.
Dù khó khăn còn nhiều, nhưng các em học sinh người dân tộc H'mông vẫn được đảm bảo các điều kiện giáo dục tốt nhất.

Học sinh đông, ở Nậm Pồ, giáo viên mầm non vẫn thiếu nhiều, mỗi lớp chỉ có thể có 1 cô giáo phụ trách do đó từ chuyện ăn, chuyện  vệ sinh của các con các cô đều đảm nhận cả.

Vừa là cô giáo, các cô còn kiêm cả người bảo mẫu, nấu ăn, thợ cắt tóc… chăm sóc tận tình cho học sinh của mình.

Mơ ước của 2 cô giáo mầm non ở điểm trường Huổi Lụ 1
Mơ ước của 2 cô giáo mầm non ở điểm trường Huổi Lụ 1

Khi được hỏi một cô một lớp thì các cô nấu ăn cho các con như thế nào. Cô Thời bảo: “có cách cả anh ạ, chị em luân phiên nhau, chuẩn bị từ sớm”.

Để đến với điểm trường đảm bảo giờ học, các cô phải đi từ 5h sáng, đến nơi cũng là lúc mặt trời mọc lên các em học sinh đã chờ sẵn trước cửa lớp. Bố mẹ chúng đưa chúng đến sớm để đi làm nương.

Một ngày cuốn đi với các cô thật nhanh, khi học sinh về, 4 chị em lại quây quần lại với những câu chuyện của gia đình của cuộc sống. Trong Hô Củng không có sóng điện thoại, phải đi dò, chỗ dò được sóng ấy là nơi các cô liên hệ về với gia đình.

Với các cô một ngày qua nhanh, một tuần qua lâu và một tháng là thời gian dài đằng đẵng bởi nỗi nhớ gia đình, nỗi nhớ con nhỏ ở lại với ông bà để mẹ đi dạy ở bản xa….

Cô giáo kiêm cả thợ cắt tóc.
Cô giáo kiêm cả thợ cắt tóc.
Đường vào Hô Củn phải đi qua những cánh rừng không bóng người, chỉ có bóng sương mù kín đường
Đường vào Hô Củn phải đi qua những cánh rừng không bóng người, chỉ có bóng sương mù kín đường
Con đường vào điểm trường trước và sau 1 cơn mưa.
Con đường vào điểm trường trước và sau 1 cơn mưa.
Đường vào giờ chỉ là một con suối đục ngàu
Đường vào giờ chỉ là một con suối đục ngàu
Mưa lỡ cuốn trôi mất cầu, chị em ta lại cùng nhau khênh xe qua suối. Tiếng hò dô khênh xe vang cả một góc rừng.
Mưa lỡ cuốn trôi mất cầu, chị em ta lại cùng nhau khênh xe qua suối. Tiếng hò dô khênh xe vang cả một góc rừng.
Điểm trường mới trong mưa
Điểm trường mới trong mưa
Trần Phương