Những điều vô lý trong vụ việc cô giáo một năm bị kỷ luật buộc thôi việc 2 lần

05/10/2019 06:24
Hoài Thu
(GDVN) - Sau khi bị kỷ luật, cô giáo Hoài Thanh đã khởi kiện “Tranh chấp về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại”.

Như tin đã đưa, trong thời gian chưa tròn một năm, chỉ từ ngày 08/8/2017 đến ngày 22/8/2018, cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh đã bị chuyển trường tới 02 lần và cũng bị nhận tới 02 lần kỷ luật với hình buộc thôi việc.

Sau khi bị kỷ luật, cô giáo Hoài Thanh đã khởi kiện “Tranh chấp về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại”.

Ngày 25/1/2019, Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) đã ban hành Quyết định thụ lý xét xử sơ thẩm.

Bị đơn là ông Phạm Bá Quyển, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Vụ kiện đã được Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước tổ chức hòa giải lần 3 nhưng không thành.

Tiếp cận các tài liệu, chứng cứ của vụ án do Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước thu thập và do đương sự cung cấp, qua bút lục, có khá nhiều điều khiến chúng tôi bất ngờ vì sự vô lý đến mức kỳ lạ.

Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông. (Ảnh: VOV)
Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông. (Ảnh: VOV)

Có hay không chuyện hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông cố tình “ngụy tạo” biên bản để phân công sai vị trí việc làm cho giáo viên?

Đưa ra những bút lục là tài liệu, chứng cứ đã được sao chụp tại tòa án Nhân dân huyện Cái Nước, cô Hoàng Thị Hoài Thanh khẳng định:

Biên bản giao nhiệm vụ được lập ngày 6/9/2018 (bút lục số 34/BL-TA) về việc “Phân công nhiệm vụ nhân viên thư viện năm học 2018-2019” của Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, do ông Phạm Bá Quyển, hiệu trưởng nhà trường làm chủ tọa là “ngụy tạo”.

Theo đó, ngày 6/9/2018 ông Phạm Bá Quyển đã lập biên bản về việc “Phân công nhiệm vụ nhân viên thư viện năm học 2018-2019” của Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông.

Nội dung biên bản thể hiện: năm học 2018-2019, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông quyết định phân công 02 giáo viên vào vị trí nhân viên thư viện để quản lý thư viện trường.

Người được hiệu trưởng phân công đảm trách ở vị trí thư viện là cô giáo Nguyễn Bé Thắm và cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh.

Tuy nhiên, khi tổ chức họp phân công thì cô Hoài Thanh không được phép tham dự nên cô Hoài Thanh không thể đề đạt nguyện vọng cũng như bày tỏ ý kiến cá nhân với hiệu trưởng khi được chuyển đổi vị trí việc làm.

Theo tài liệu chứng cứ cô Hoài Thanh cung cấp, cô đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cái Nước bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp là giáo viên trung học cơ sở hạng II, mã chức danh nghề nghiệp V.07.04.11 ngày 29/9/2017.

Ngay thời điểm được ông Phạm Bá Quyển phân công nhiệm vụ chuyển đổi vào vị trí nhân viên thư viện, cô Hoài Thanh cũng chưa được đào tạo hoặc bồi dưỡng để đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó và cũng chưa được ông Phạm Bá Quyển ký kết hợp đồng làm việc.

Tùy tiện thay đổi vị trí việc làm của giáo viên khi giáo viên không đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó, chính là vi phạm pháp luật

Ông Phạm Bá Quyển, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông đã thừa nhận, quá trình Phòng Giáo dục huyện Cái nước “điều động” cô Hoài Thanh về Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông thì nhà trường đang thừa giáo viên (bút lục số 70,71,72 BT-TA).

Kỷ luật buộc thôi việc cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh đúng hay sai?
Kỷ luật buộc thôi việc cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh đúng hay sai?

Và, ông Quyển cũng cho rằng quyết định số 841/QĐ-PGDĐT về việc điều động viên chức có ghi: “nhiệm vụ cụ thể của cô Hoài Thanh do trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông phân công”.

Do đó, ông Phạm Bá Quyển khẳng định, ông phân công cô Hoài Thanh, giáo viên trung học cơ sở hạng II, mã chức danh nghề nghiệp V.07.04.11 vào vị trí nhân viên thư viện trong năm học là phù hợp (?)

Nhưng, Luật viên chức 2010 quy định cụ thể về việc thay đổi vị trí việc làm như sau:

Khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.

Việc lựa chọn viên chức vào vị trí việc làm còn thiếu do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Khi chuyển sang vị trí việc làm mới, việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng làm việc hoặc có thay đổi chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và Điều 31 của Luật này. (Điều 32)

Chính vì vậy, việc cơ quan chức năng xem xét lại thủ tục tiếp nhận viên chức khi chuyển đến của hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông là việc làm cấp thiết.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông trong việc chuyển đổi vị trí việc làm của giáo viên một cách tùy tiện và không đúng pháp luật.

Hoài Thu