Những độc chiêu marketing "dậy sóng" truyền thông năm 2012

02/01/2013 14:01
Anh Tú
(GDVN) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cạnh tranh khốc liệt như năm 2012, nhiều doanh nghiệp đã chọn cho mình những cách quảng cáo tiếp cận khách hàng độc chiêu, "có một không hai"...

1. Xếp số 1 là Trung Nguyên
Năm 2012 là năm “sếp” của Công ty cà phê Trung Nguyên thể hiện hoạt động marketing một cách mạnh mẽ.
Mở đầu, vào ngày 4/7, Công ty cafe Trung Nguyên tổ chức họp báo nhằm công bố số liệu nghiên cứu thị trường của Công ty AC Nielsen và Kantar Worldpanel về vị thế của thương hiệu cafe Trung Nguyên nói chung và sản phẩm cafe hòa tan G7 nói riêng tại thị trường Việt Nam.

Đặng Lê Nguyên Vũ nói về một nền cà phê toàn cầu tại Thụy Sỹ (Ảnh: BBC)
Đặng Lê Nguyên Vũ nói về một nền cà phê toàn cầu tại Thụy Sỹ (Ảnh: BBC)

Theo đó, Trung Nguyên thông báo: Trong năm 2011, sản phẩm cà phê hòa tan G7 đã dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan Việt Nam về thị phần (38%).
Tuy nhiên, ngay sau đó, Nielsen đã bác bỏ tuyên bố này. Theo Nielsen, từ "số một" bao hàm nghĩa rất rộng nên cần phải xem lại vì G7 chỉ dẫn đầu thị phần về cafe 3 trong một. 
"Việc công bố thông tin như vậy có thể ảnh hưởng đến uy tín của Nielsen cũng như các đối tác", nguồn tin từ Nielsen cho biết.
Sự kiện này đã gây xôn xao dư luận một thời gian dài, sau đó ít hôm, Trung Nguyên đã khéo léo chỉnh lại các công bố về vị thế số một của nhãn hàng G7. Trong tuyên bố "G7 - Cafe hòa tan thứ thiệt số một Việt Nam" phát đi hôm 4/7 đã được bổ sung từ "3 in 1". Nguồn số liệu cũng không còn đề tên Nielsen, thay vào đó là "Một công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới".
Cuộc tranh cãi về vị thế số 1 chưa kịp lắng thì trên Reuters, “vua cà phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ lại “tuyên chiến” với thương hiệu cà phê nổi tiếng Hoa Kỳ Starbucks.
Ông Vũ vạch trần Starbucks: “Họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”.
Câu nói này ngay lập tức đã dấy lên một làn sóng tranh luận, giữa một bên ủng hộ ý chí và nghị lực “quyết đấu” theo tinh thần “châu chấu thắng voi” và một bên cho rằng: Trung Nguyên "chơi không đẹp" khi nói xấu đối thủ.
Đánh giá về hiệu quả marketing, một chuyên gia trong ngành cho rằng: Về PR, Trung Nguyên rất thành công ở mục tiêu thu hút sự chú ý công chúng. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự cho xây dựng thương hiệu lại có thể mang điểm trừ khi hình ảnh của Đặng Lê Nguyên Vũ trở nên khác đi trong mắt của người tiêu dùng Việt.
2. Chàng trai bán cà phê Arabica bằng xe đạp
Trong khi Trung Nguyên mải mê với những mục tiêu toàn cầu lớn lao thì một chàng trai trẻ kinh doanh cà phê theo kiểu thiết thực hơn, từng bước tiến gần hơi với người tiêu dùng Việt khi đưa tới tận tay những người ưa thích cà phê những cốc cà phê ngon và an toàn.
Nguyễn Duy Biểu có vốn liếng chỉ là một cái xe đạp. Cách tiếp thị của Biểu thành công vang dội khi chỉ đơn giản phục vụ một cốc cafe Arabica ngon, thuyết phục mọi người uống lần đầu. Hơn thế nữa Biểu đã chứng minh một điều đơn giản. Một tách cà phê ngon lành, nguyên chất không hề có gì huyền bí như các công ty cà phê thường quảng cáo về công nghệ, về công thức không thể sao chép. Bí quyết của một cốc cà phê ngon chỉ là "Lương Tâm". Thực sự phục vụ, lợi nhuận chính đáng từ kinh doanh chân chính chứ không tham lam lợi nhuận từ việc pha trộn bột ngũ cốc rẻ tiền hay tẩm ướp hóa chất độc hại vào cafe nhằm tăng lợi nhuận.
Đánh giá hiệu quả marketing: Không cần có nhiều vốn liếng, không cần nắm một tập đoàn, không cần PR tên tuổi hoành tráng trên các báo. Một sáng tạo tiếp thị chân chính hoàn toàn có thể lay động con tim người tiêu dùng. Đây là một thành công đáng góp mặt trong các bài học marketing căn bản.
3. Gấu Đỏ - Gắn kết yêu thương
Sản phẩm marketing của người được mệnh danh là “phù thủy marketing” hàng đầu Việt Nam Trần Bảo Minh - cựu giám đốc tiếp thị toàn cầu của Pepsi. Tuy nhiên, chiến dịch marketing mì Gấu Đỏ gắn kinh doanh với từ thiện đã không đạt hiệu quả như công ty mong muốn.
Có thể nói, mô hình marketing này là một mô hình hiện đại. Nó đang được sự hưởng ứng của người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ, nơi người dân thay vì gửi tiền cho các quĩ từ thiện, họ muốn thấy rõ hơn tiền của mình đã được sử dụng thế nào. Tuy nhiên ở Việt Nam, mô hình này còn quá mới. Sự ủng hộ của người Việt cho các hoạt động nhân ái còn ở múc độ an toàn, họ chỉ tin chính mình và bạn bè mình khi cùng làm từ thiện, qua bất kì ai người ta sẽ nghi ngại. Điểm yếu này bị đối thủ khai thác làm thất bại chương trình marketing của Gấu Đỏ.

Mô hình kinh doanh gắn liền với từ thiện khá thành công trên thế giới nhưng lại chưa thực sự hiệu quả tại Việt Nam.
Mô hình kinh doanh gắn liền với từ thiện khá thành công trên thế giới nhưng lại chưa thực sự hiệu quả tại Việt Nam.

Đánh giá hiệu quả marketing: Thất bại. Bài học về áp dụng mô hình thành công quốc tế vào Việt Nam. Sau này, mô hình Gấu Đỏ sẽ thành công chứ chưa phải bây giờ.
4. VietJetAir nhảy Keangnam Style và Lady Gaga
Thành công kinh ngạc. Đó là tất cả những gì cần nói về cách xuất phát chiếm lĩnh thị trường giá rẻ của hàng hàng không này. Trong 3 hãng Air Mekong, JetStar, Viet JetAir... thị phần của họ là phân khúc chiếu dưới, những người bay chỉ cần sở hữu túi tiền xấp xỉ 1 triệu đồng. 
Trong khi Jetstar chưa thực sự tạo được hình ảnh ấn tượng trong mắt người tiêu dùng, Air Mekong chưa có các hoạt động marketing đáng gây chú ý thì VietJetAir lại thành công vang dội ngay buổi đầu xuất trận khi thể hiện rõ nét và tạo nhận biết rộng khắp mô hình bay "Sành điệu, thương hiệu, mà không phải tiêu nhiều tiền". 
Đóng giả Lady Gaga nhảy múa trên máy bay của VietJetAir.
Đóng giả Lady Gaga nhảy múa trên máy bay của VietJetAir.


Đánh trúng tâm lý giới bình dân với mô hình luôn có sự kiện hấp dẫn, chú trọng vào hình thức trình bày trong phục vụ. 

Với phương châm “Bay là thích ngay”, VietJetAir đã tạo nên sự đột phá trong dịch vụ hàng không, kéo theo các hãng hàng không nội địa khác vào cuộc chạy đua về giá và dịch vụ. Cách hoạt động của hãng như đóng giả Lady Gaga nhảy múa trên tàu bay hay nữ tiếp viên mặc bikini, chào mừng ngày khai trương đường bay mới với vũ điệu Keangnam Style đã đem lại sự thích thú cho nhiều người, đặc biệt, việc tổ chức đám cưới “có một không hai” trên máy bay của VietJetAir khiến đôi uyên ương trẻ vô cùng hãnh diện.
Đánh giá về mức độ thành công của chiêu quảng cáo này, có ý kiến cho rằng: Trung Nguyên cũng như các công ty khác cần học hỏi, kiểm soát scandal, lựa chọn các mô hình marketing phù hợp với nhóm tiêu dùng bình dân, trong đó VietJetAir là tiêu biểu.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Anh Tú