Những "gã khổng lồ" trong thế giới chuồn chuồn

14/04/2011 15:59

Hóa thạch lớn nhất của nhóm chuồn chuồn cổ đại (Protodonata) được tìm thấy là của loài Meganeuropsis permiana từ kỷ Pecmi, cách đây 250 triệu năm, có chiều dài sải cánh cánh lên tới tới 710 mm.

Một hóa thạch khác cũng nổi tiếng không kém, là của loài Meganeura monyi từ kỷ Carbon được tìm thấy ở Pháp với chiều dài sải cánh khoảng 685 mm. Tuy nhiên, cho tới hiện nay thì tất cả các nhóm chuồn chuồn cổ đại trên đều đã bị tuyệt chủng.

Vậy hiện nay, trong thế giới của các loài chuồn chuồn, thì loài nào là loài lớn nhất trên trái đất ?

 
Ảnh 1. Megaloprepus caerulatus từ Nam Mỹ. (Keith Wilson)
Ảnh 1. Megaloprepus caerulatus từ Nam Mỹ. (Keith Wilson)

Có rất nhiều thông tin không chính xác và mâu thuẫn được công bố trên các tạp chí và cả trên internet đối với câu hỏi này, hầu hết đều sử dụng tổng chiều dài sải cánh (wingspan) và tổng chiều dài cơ thể (body length) để tính kích thước của chuồn chuồn. Nếu tổng chiều dài sải cánh được sử dụng thì loài chuồn chuồn lớn nhất trên thế giới có lẽ là loài Chuồn chuồn kim Megaloprepus caerulatus ở Nam Mỹ (Ảnh 1), với sải cánh lên tới 191 mm và cơ thể dài tới 120 mm. Rõ ràng với chiều dài sải cánh như thế thì cho đến hiện nay khó có loài chuồn chuồn nào có thể vượt qua được kích thước của loài chuồn chuồn với đôi cánh có màu sắc kỳ lạ này.

Trong một số tài liệu và cả trên internet (đáng kể nhất là trên Wikipedia) đã thống kê rằng loài Chuồn chuồn ngô Anax strenuus , một loài đặc hữu của Hawaii là loài chuồn chuồn lớn nhất trên thế giới với sải cánh tối đa được ghi nhận là 190 mm ! Tuy nhiên, Keith Wilson, một nhà nghiên cứu Chu ồn chuồn nổi tiếng trên thế giới thì cho rằng, tất cả những mẫu vật của loài này được ông thu thập đều có sải cánh dài không quá 150 mm – rất xa so với kích thước nêu trên. Dennis Paulson (2006) cũng ghi nhận chiều dải sải cánh của mẫu con cái của loài này trong bộ sưu tập của ông cũng chỉ dài 144 mm.
 

Ảnh 2. Con cái của loài Tetracanthagyna plagiata từ quần đảo Malaysia and Borneo (Keith Wilson).
Ảnh 2. Con cái của loài Tetracanthagyna plagiata từ quần đảo Malaysia and Borneo (Keith Wilson).

Nếu sử dụng chiều dài sải cánh để so sánh, thì loài chuồn chuồn lớn thứ hai trên thế giới phải là loài chuồn chuồn ngô Tetracanthagyna plagiata phân bố ở quần đảo Malaysia và Borneo (Ảnh 2). Con cái của loài này có chiều dài sải cánh lên tới 163 mm và tổng chiều dài cơ thể khoảng 100 mm. Loài lớn thứ 3 là loài chuồn chuồn ngô Petalura ingentissima , chỉ mới được ghi nhận từ bắc Queensland, Australia (Ảnh 3). Loài chuồn chuồn này có sải cánh dài tới 162 mm, và một cơ thể kềnh càng với chiều dài tối đa khoảng 125 mm.

 Nếu tính theo tổng chiều dài cơ thể, thì các loài chuồn chuồn kim thuộc giống Mecistogaster và Pseudostigma ở Nam Mỹ là những loài dài nhất thế giới. Theo ghi nhận của Dennis Paulson (2006) thì loài Mecistogaster linearis có chiều dài cơ thể lên tới 135 mm, và ông phỏng đoán rằng đây chắc chắn là loài chuồn chuồn kim dài nhất và cũng là loài chuồn chuồn dài nhất trên thế giới.

Ảnh 3. Petalura ingentissima (con đực) từ bắc Queensland , Australia (Keith Wilson).
Ảnh 3. Petalura ingentissima (con đực) từ bắc Queensland , Australia (Keith Wilson).

Tuy nhiên, Hedström & Sahlén (2001) cũng ghi nhận một con đực của loài Pseudostigma aberrans có chiều dài cơ thể lên tới 144 mm và một mẫu vật của loài Pseudostigma accedens có tổng chiều dài là 135 mm. Jill Silsby (2001) thì thông báo loài Mecistogaster lucretia dài tới 150 mm với sải cánh khoảng 125 mm. Và gần đây nhất, KD Dijkstra (2007) đã thu thập được 2 mẫu con đực của loài Mecistogaster lucretia (Ảnh 4) với tổng chiều dài cơ thể là 146 & 149 mm. Đây xứng đáng là “nhà vô địch” chuồn chuồn về chiều dài cơ thể.

Loài chuồn chuồn ngô dài nhất từng được ghi nhận là con cái của loài Petalura ingentissima với chiều dài cơ thể khoảng 125 mm, sải cánh dài khoảng 155 mm.
 

Ảnh 4. Mecistogaster lucretia (KD Dijkstra)
Ảnh 4. Mecistogaster lucretia (KD Dijkstra)

Có một cách để so sánh kích thước giữa các loài chuồn chuồn là tính toàn bộ chiều dài của cánh hoặc chiều rộng tối đa cánh. Nếu theo cách này, thì loài chuồn chuồn ngô khổng lồ Chlorogomphus papilio (Ảnh 5) với chiều rộng tối đa cánh lên tới 34 mm, tổng chiều dài cánh khoảng 101 mm và sải cánh rộng 130 mm. Loài này phân bố ở các vùng thuộc nam Trung Quốc và bắc Việt Nam (Cao Bằng).

Theo Sinh Vật Rừng Việt Nam