Những giáo viên cắm bản

11/03/2012 09:29
Theo Bao NA
Bằng tình thương yêu trẻ chân thành. Một lời chúc mừng, một bông hoa trong các ngày lễ 8/3, hay 20/10  cũng không dễ  gì có được…
 
Sau khi hạnh phúc gia đình tan vỡ, cô giáo Nguyễn Thị Sáu đem theo con trai trở về mãnh đất Kỳ Sơn. Cô trở thành giáo viên Trường Phổ thông cơ sở bán trú Tây Sơn. Biết hoàn cảnh của cô, thầy trò nơi đây ai cũng thương, động viên để cô vượt lên nỗi đau tinh thần. Về trường mới, cô Sáu chứng kiến cuộc sống đồng bào còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhiều gia đình lại đông con. Cũng do đời sống lam lũ nên không mấy gia đình quan tâm đến việc học hành của con cái. 
Và, để no cái bụng, đồng bào cõng theo con đi nương, đi rẫy, đi khe suối kiếm cá,  trẻ độ từ 10 tuổi trở lên cũng lao động cùng với bố mẹ. Cô Sáu kể cho tôi nghe chuyện cô đi vận động học sinh đến trường. Vẫn biết là gian nan nhưng khó ai nghĩ nó gian nan đến thế. Leo rừng, xuống suối, vận động được các em đi học, học được một thời gian lại bỏ, lại học, điệp khúc ấy xảy ra thường xuyên. Cô Sáu không đành lòng lại đi vận động.          
Cô nhớ nhất là học trò Mùa Như Giảng ở bản Huồi Giảng 3, em rất ham học nhưng khổ nỗi nhà đông con, bố mẹ bắt nghỉ học để trông em. Nhớ lần đầu tiên mẹ con cô giáo Sáu đến nhà em Giảng thì trời đã khuya, định bụng ở nhờ nhà Giảng ngủ, vừa vận động gia đình, vừa sáng mai ôn bài cho Giảng, không ngờ cô Sáu còn bị bố Giảng xua đuổi, bảo “đi học mà đói à”. Cô Sáu cùng con ra về trong đêm khuya, kịp vội vàng đưa cho em Giảng mấy quyển sách, vở và chiếc bút cô vừa mới mua. Dọc đường về sương lạnh, rét vùng cao thấu thịt da, nhà ai cũng đã tắt đèn, tối như mực, mẹ con cô về đến nhà trời đã hừng đông. 
Tủi khổ, đói rét sau đêm từ nhà Giảng, cô càng thấy thương Giảng hơn. Hôm sau, lại tiếp tục ngược rừng. Lần thứ 3, bố Giảng mới chấp nhận cho cô vào nhà. Đó là trường hợp vận động học sinh khó khăn nhất của cô giáo Sáu từ trước đến nay. Giờ Giảng đang là Thiếu sinh quân ở Thái Nguyên. Không riêng Giảng, rất nhiều em học sinh ở Tây Sơn, nhờ tình thương yêu, trách nhiệm của cô giáo Sáu, các em phải bỏ học giữa chừng như trước, nhận thức của đồng bào thay đổi rõ nét, ai cũng nhận thấy được thiếu học thì suốt đời nghèo khổ. 
Ngược vào Trường THCS bán trú xã  Bảo Thắng (Kỳ Sơn), ở đây chủ yếu  đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống. Từ Mường Xén vào BảoThắng gần 50 cây số, lối mòn độc đạo hun hút sâu vào thung lũng. Những con dốc dựng đứng không biết dài bao nhiêu km, chỉ biết chiếc Min tắt máy thì trôi vài chục phút. Đến mái trường này tôi cũng được chứng kiến những cô giáo có thâm niên trên dưới 10 năm “cắm” bản  vì con chữ vùng cao. 
Cô giáo Ngô Thị  Hoa công tác tại trường đang chuẩn bị bữa trưa cho các em học sinh bán trú. Thấy tôi, cô giáo Hoa ngỡ ngàng vì “ở chốn sơn lâm này chưa khi nào thấy người khách là nữ từ xuôi vô đây”. Khi tôi vừa cất lời: “Ở đây nhà trường tổ chức nấu cơm cho các em học sinh à cô?”, cô Hoa nói với ánh mắt đầy cảm thông: “Nhà trường hỗ trợ thêm, các em mang đến trường chỉ cơm với muối vừng thôi. Một số em học sinh ở bản xa, nhà trường cùng phụ huynh dựng nhà tranh che mưa che nắng, có chỗ cho các em ở lại học, một số em nhà gần đi về trong ngày”.
Cô giáo Hoa ngoài giờ lên lớp, còn đi vào rừng, xuống suối  tìm lương thực, thực phẩm góp vào bữa ăn hàng ngày cho các em học sinh xa nhà. Cô Hoa tâm sự: Có lần cô cùng với hai đồng nghiệp nữ cùng trường ra xã Chiêu Lưu đi mò cua đồng ở các ruộng lúa, cô Hoa đã  thò tay vào lỗ có rắn, thần hồn nát thần tính, nhưng biết ruộng có nhiều cua, cô tiếp tục đi hết ruộng này đến ruộng khác. Mùa gặt lúa, rạ ở trên các ruộng, cô Hoa chuyển từng bó rạ sang một bên để tìm ếch mang về làm thịt, làm ruốc cho cô trò ăn dài ngày. Chăm học trò bao nhiêu nhớ con mình bấy nhiêu. Hai vợ chồng cô đều công tác cùng trường  đành nhờ ông bà nội nuôi con. Đôi lúc, cô Hoa nhớ con mình đến nao lòng nhưng đường đi lại quá khó khăn đành nén lòng, một năm tranh thủ về thăm con vào dịp hè và Tết. 
Cô Hoa kể, trẻ em ở đây còn  đói nghèo lắm, nhiều em đến lớp chỉ có manh áo đủ che thân. Mỗi lần về xuôi, vợ chồng cô Hoa lại chất đầy hai, bao bao bì quần  áo cũ, sách vở và đồ dùng học tập. Có  lần phải mất tiền triệu tiền thuê xe lai chở  vào trường. Trời Đông giá lạnh, thấy các em học sinh đắp chăn mỏng, lòng dạ cô Hoa bồn chồn không yên, cô mạnh dạn đề nghị nhà  trường góp tiền mua chăn bông cho các em học sinh. Hai mùa  Đông gần đây em nào cũng có giấc ngủ ấm.
Chia tay cô Hoa, cô Sáu, tôi trở  về Trường Tiểu học Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ở  đây, ai cũng cảm phục tấm chân tình của cô giáo La Thị Hoàn. Cô Hoàn đã dìu dắt học trò  của mình không bỏ lớp, bỏ trường, đặc biệt có em La Thị Sáu suốt 5 năm liền đạt học sinh giỏi toàn diện của trường, có phần nhờ  công lao của cô giáo Hoàn. Trường bản Búng, xã  Môn Sơn  (Con Cuông) nằm bên dòng sông Giăng, đồng bào chủ yếu người Đan Lai sinh sống.
Bản Búng có  86 hộ, 440 nhân khẩu, cuộc sống chủ yếu hái lượm nên tỷ lệ hộ nghèo chiếm trêm 90%. Do giao thông cách trở, chủ yếu là đường thuỷ, muốn vào Trường Tiểu học bản Búng phải mất hơn 2 giờ  đồng hồ đi bằng xuồng máy, cũng vì giao thông hiểm trở nên người dân quanh năm chỉ biết núi rừng. Học sinh ở đây chủ yếu học biết chữ  ở nhà đi rừng, lấy chồng, hỏi vợ. Nhiều em học sinh đang tuổi trăng tròn đã về làm dâu nhà  chồng. 
Em La Thị Sáu ở bản Khe Búng, là  lớp trưởng lớp 5D Trường Tiểu học bản Búng, không ít lần đến trường trong nỗi thấp thỏm vì nhiều lần bị bố mẹ bắt bỏ học. Sáu học giỏi, thông minh, ngoan ngoãn nên luôn được cô  Hoàn chú ý và quan tâm từ khi cô Hoàn là giáo viên chủ nhiệm của em năm học lớp 3. 
Cô Hoàn kể, không ít lần cô thấy Sáu học không tập trung, cứ lóng nga lóng ngóng nhìn dòng sông trước mặt. Giận quá, cô bắt xòe tay ra để phạt thì  thấy cả hai bàn tay em chai dày hơn cả người quai búa làm rèn, các lớp chai nổi u thành từng cục. Cô  nhìn thấy vội kéo tay trò úp lên mặt mình khóc vì  thương và tự trách mình không hiểu, thì ra em lao động đến nỗi bàn tay em như vậy. Trò thấy cô khóc, ngơ ngác oà lên khóc theo.  Nhà  Sáu có tới 8 anh em. Đường lên nhà Sáu, phải nhiều lần nghỉ chân, buồn lắm. Hàng ngày, sau giờ  tan trường, Sáu phải xuống suối bắt cá, lên rừng hái măng bất kể mưa, rét. Rẫy mất mùa, bát cơm toàn sắn. 
Có lần Sáu đến trường ngất vì đói. Từ hôm đó, Sáu được cô Hoàn quạn tâm cả tinh thần, vật chất. Dù hoàn cảnh cô  khó khăn, con đang tuổi đi học, chồng là công nhân đường sắt thường xuyên xa nhà nhưng mỗi tháng cô tranh thủ một lần lên nhà Sáu mang theo gạo, lạc khô, muối động viên bố mẹ  Sáu để Sáu yên tâm tới trường. Những bài tập nào Sáu còn bỡ ngỡ cô Hoàn tranh thủ giảng lại cho em, Sáu được cô dạy kèm những bài khó, Toán  nâng cao. Từ nhà cô Hoàn đi  đến nhà Sáu mất gần 3 giờ đi bộ, đường hiểm trở, leo dốc nhưng vì tình thương yêu trò, trái tim bao la của người phụ nữ giàu lòng nhân  ái đã không quản khó khăn, mưa rét, bất chấp thời tiết để giúp học trò. Năm Sáu lên lớp 4, trong hai ngày liên tiếp Sáu không tới lớp, cô đến tận nhà, biết được bố Sáu có ý định cho con đi giúp việc dưới thành phố, Sáu khóc sưng cả  mắt. Bố Sáu còn đuổi cô Hoàn ra khỏi nhà, bảo: “Nhà ta nghèo, khổ quá phải đi làm mới có ăn, cô có nuôi được con ta không, làm gì một tháng có được 1, 5 triệu  đồng..?”. Suốt mấy ngày sau đó, cô Hoàn đến nhà vận động, phân tích, đưa ra những tấm gương học giỏi. Như “mưa dầm thấm lâu” bố của Sáu chấp nhận cho con tiếp tục đi học và từ đó đến nay Sáu luôn là học trò ngoan, giỏi của bản, của trường.  
Không chỉ cô Sáu, cô Hoa, cô  Hoàn mà rất nhiều nhiều giáo viên vùng sâu, vùng xa nói riêng và giáo viên Nghệ An nói chung đang ngày  đêm lặng lẽ, tâm huyết với trò. Chỉ có những trái tim nhân hậu, tình thương yêu bao la của người phụ  nữ mới giàu sẻ chia, rung động trước những khó khăn, thách thức trước cuộc sống đang diễn ra quanh mình!
Theo Bao NA