NHŨNG: Hiểm họa đứng đầu trong các hiểm họa

16/05/2016 06:45
Phiêu thạch ba
(GDVN) - NHŨNG làm cho guồng máy xã hội không hoạt động, không sinh lợi, của cải tiêu hao, niềm tin băng hoại.

LTS: Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả có bút hiệu phiêu thạch ba nhận diện các hành vi NHŨNG và tác hại khủng khiếp của nó với mong muốn bài viết sẽ là đóng góp được chút ít ý tưởng để các cấp hữu quan triển khai thành Luật. 

Bài viết thể hiện quan điểm, ý kiến riêng của tác giả. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Trong 4 hành vi THAM (theo cách nói hiện nay là tham nhũng), LẠM, NHŨNG và NHIỄU thì 2 hành vi THAM và LẠM về tài chính đã có nghiên cứu và chế tài trong “Luật phòng, chống tham nhũng”. 

Hiện nay, hệ thống pháp luật và việc thi hành luật của nước ta đã tương đối hoàn chỉnh nên hành vi NHIỄU đã không còn lộng hành hiên ngang nếu có thì nhanh chóng bị xã hội phát hiện và loại bỏ.

Chỉ còn hành vi NHŨNG đang tồn tại vô hình nhưng ngang nhiên và phổ biến gây ra tác hại vô cùng lớn cho đất nước mà luật pháp chưa phân tích, chế tài được. 

Trong bài viết này, tôi tập trung nhận diện các hành vi NHŨNG và tác hại khủng khiếp của nó. 

1.Nhận diện các hành vi NHŨNG

Như bài trước đã kết luận: NHŨNG là hành vi không giải quyết công việc đúng theo thời hạn quy định của pháp luật đối với công việc đó.

Vậy, NHŨNG biểu hiện như thế nào?

Thứ nhất, NHŨNG của Nhà nước:

Có thể khái quát khái niệm NHŨNG của Nhà nước như sau: Nếu hiệu quả làm việc của một Nhà nước thua kém so với một Nhà nước khác trong cùng điều kiện, hoặc thua kém so với hiệu quả cần phải có khi suy ra từ điều kiện và hiệu quả của các nước khác thì Nhà nước này NHŨNG. 

Ví dụ, từ một số đông nước có điều kiện A cho ra một hiệu quả  a suy ra những nước có điều kiện B phải cho ra một hiệu quả b. Nước nào có điều kiện B mà cho ra hiệu quả thấp hơn b nhiều thì nước đó NHŨNG. 

Nhà nước và các cơ quan, ban ngành thuộc Nhà nước là những guồng máy.

Một guồng máy hoạt động không hiệu quả là do chất lượng hoạt động của từng thành tố (động cơ, trình độ, phương pháp làm việc của cán bộ, công chức) thấp; cấu trúc (sơ đồ tổ chức, phân công, phân quyền) chưa hợp lý hoặc chương trình điều hành (hệ thống luật và sự thi hành, chấp hành luật) chưa tối ưu. 

Loại ngay cán bộ thuế tiêu cực, nhũng nhiễu (Ảnh minh họa từ thanhnien.vn)
Loại ngay cán bộ thuế tiêu cực, nhũng nhiễu (Ảnh minh họa từ thanhnien.vn)

Thứ hai, NHŨNG giữa các cấp chính quyền 

NHŨNG giữa các cấp chính quyền biểu hiện qua các hành vi:

- Cấp trên không giải quyết các sai trái của cấp dưới thuộc quyền một cách kịp thời và triệt để.

- Cấp dưới không tuân hành các mệnh lệnh của cấp trên trực tiếp một cách kịp thời và triệt để.

Phạm vi NHŨNG này gây mất niềm tin của dân vào cấp chính quyền đồng thời gây hại cho nhân dân. 

NHŨNG của Nhà nước và NHŨNG giữa các cấp chính quyền là vấn đề của nhà nước, không phải là trọng tâm của bài viết này; các cơ quan thượng tầng của nhà nước có trách nhiệm tự đo đạc và hiệu chỉnh. 

NHŨNG: Hiểm họa đứng đầu trong các hiểm họa ảnh 2

"Cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép vận chuyển hàng không"

(GDVN) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, việc xem xét, quyết định cấp GPKD vận chuyển hàng không cần được kiểm soát chặt chẽ...

Sau đây, tác giả tập trung vào vấn đề NHŨNG của cá nhân cán bộ, công chức.

Có thể chia các hành vi NHŨNG của cán bộ, công chức thành 2 phạm vi: NHŨNG với nhà nước và NHŨNG với người dân, qua các biểu hiện:

NHŨNG với Nhà nước, có thể liệt kê một số hành vi tiêu biểu như sau:

+ Làm việc không hết lòng, hết sức dẫn đến năng suất kém, chất lượng không đạt yêu cầu.

+ Không đủ trình độ đảm đương trách nhiệm được phân công dẫn đến biếng nhác, lơ đễnh trong công việc, để công việc tồn đọng.

+ Không làm tròn chức năng, đùn đẩy công việc cho bộ phận khác.

+ Giải quyết công việc qua loa, không đến nơi đến chốn làm cho công việc không có kết quả, thậm chí không lường hết những tai hại phát sinh về sau.

+ Lợi dụng thời gian công vụ làm việc riêng, đi “quan hệ” riêng tư, đi nhậu nhẹt, đi du lịch . . .

Tóm lại, một cán bộ, viên chức NHŨNG với Nhà nước là cán bộ không ý thức và không làm tròn vai trò, chức năng và nhiệm vụ của vị trí công tác được giao, trở thành một viên chức dư thừa (nhũng viên). Đó là rác trong guồng máy hành chính.

- NHŨNG với dân, có thể kê một số hành vi tiêu biểu như sau:

+ Nêu các lý do công vụ như đi công tác, họp . . . để hẹn việc nhiều lần.

+ Không hướng dẫn cho dân 1 lần mà hướng dẫn nhỏ giọt: Cứ đến hẹn lại nêu ra 1 sai sót của dân. Bắt dân làm đi làm lại nhiều lần.

NHŨNG: Hiểm họa đứng đầu trong các hiểm họa ảnh 3

Xử lý nghiêm hành vi bao che tham nhũng

(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ thị về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

+ Giải quyết công việc sai, sót nhiều lần hoặc không đạt chất lượng yêu cầu nhiều lần, gây hại cho dân.

+ Vận dụng sai chủ trương, chính sách của nhà nước để không giải quyết công việc hoặc kéo dài thời gian giải quyết gây hại cho dân.

Nhớ lại khi còn là Phó Thủ tướng Thường trực, đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng phải thốt lên: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào” [1]. Đó là NHŨNG. 

2. Tác hại của hành vi NHŨNG

Về tác hại vật chất: 


- NHŨNG với Nhà nước: 

Mỗi vị trí công tác là một mắt xích trong guồng máy hành chính nhà nước. Khi 1 cán bộ, viên chức NHŨNG thì bộ máy hành chính có một mắt xích yếu. Mắt xích yếu này sẽ kéo theo cả guồng máy làm việc thiếu hiệu quả.

Như vậy, không những tiền lương trả cho nhũng viên bị mất mà tiền lương và mọi chi phí hành chánh của guồng máy đó cũng bị sử dụng thiếu hiệu quả dẫn đến lãng phí rất lớn.

- NHŨNG với người dân: 

Khi người dân bị NHŨNG thì công việc đình trệ, vốn liếng đâu tư bị tồn đọng kéo theo sự mất việc làm của công nhân, dòng lưu chuyển tiền tệ không thông suốt. 

NHŨNG: Hiểm họa đứng đầu trong các hiểm họa ảnh 4

Móng tay quyền lực to hay bé?

(GDVN) - Biến Nhà nước thành công cụ trấn áp là hành động chống lại Nhà nước chứ không phải bảo vệ Nhà nước, hành động đó cần bị nghiêm trị.

Xét từng người dân thì NHŨNG làm thiệt hại đơn lẻ, có thể từ vài chục triệu đồng đến hàng ngàn tỷ đồng. 

Xét về đại thể, nếu xã hội mà đa số viên chức NHŨNG thì đất nước sẽ như dừng lại hoặc phát triển chậm chạp. Có không ít trường hợp do NHŨNG mà người đầu tư mất hết vốn liếng ban đầu.

Trước đây, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói “Có đồng chí vừa nói, có một dự án nhỏ thôi mà 200 ngày mới được làm thì bây giờ làm sao. Có lần tôi cũng trao đổi với các đồng chí, với bằng đó ngày người ta lên vũ trụ cũng về rồi” [2]. Phát biểu này chỉ nói về một góc độ tác hại của NHŨNG nhưng cũng cho thấy NHŨNG có tác hại khủng khiếp ra sao. 

Về tác hại tinh thần: 

- Đối với chính quyền: 

Khi bị NHŨNG, niềm tin của người dân vào chính quyền mất dần; nếu NHŨNG phổ biến thì nhân dân không biết đặt tay chân vào đâu để làm việc, để cống hiến và dần dần từ chối, phản đối chính quyền dẫn đến tình trạng “dân oan”.

Khi người dân đã từ chối chính quyền, dù là thụ động, thì người dân và chính quyền như hai thực thể biệt lập. Chính quyền không biết lấy ai làm tay chân giúp đỡ, không có ai động viên tinh thần... nhưng quan trọng hơn cả là mất mục tiêu phấn đấu, mất đối tượng phục vụ, có thể lạc lối trong định hướng.

Khi ấy, chính quyền phê bình nhau hay tổng kết, khen thưởng...cũng chỉ là tự sướng; còn người dân thì quay mặt, bĩu môi.

- Đối với bản thân người dân:

Khi người dân bị NHŨNG thì mất dần khí thế hăng say lúc đầu đối với dự án của mình. Bị NHŨNG càng lâu thì tình hình càng tệ, có thể lâm vào tình trạng stress, trầm cảm; hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng, có khi đổ vỡ.

NHŨNG: Hiểm họa đứng đầu trong các hiểm họa ảnh 5

Xử lý nghiêm hành vi bao che tham nhũng

(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ thị về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Có không ít trường hợp từ bỏ kế hoạch đầu tư hoặc bị phá sản và biến từ một công dân gương mẫu thành một phần tử phản động, sa đọa của xã hội.

3. NHŨNG: Hiểm họa đứng đầu trong các hiểm họa

Nhìn một cách tổng thể, hành vi NHŨNG ở nước ta hiện diện khắp các cơ quan, dân bị NHŨNG nhiều không kể hết. 

Từ các quy hoạch treo hàng vài ba mươi năm đến xét cấp các loại giấy phép, thậm chí là hồ sơ khai thuế để thu ngân sách cho Nhà nước. Vừa qua, tân Bí thư thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng làm việc quyết liệt với một số cơ quan, đơn vị, có thể nói, đâu cũng có hình bóng của NHŨNG: Từ con đường dẫn vào nhà bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Em [3] đến vấn đề sữa bò ở Củ Chi [4] , hành xử của ngành Thuế đối với doanh nghiệp [5] . . .

Trong điều hành đất nước, tệ THAM là rất nguy hiểm, bài trừ THAM là quốc sách phải thi hành triệt để. Tuy nhiên, xét cho cùng, THAM chỉ là chuyển của cải vật chất từ người này sang người khác hoặc từ của Nhà nước thành của tư nhân chứ không mất. 

Chính NHŨNG mới làm thiệt hại thực sự.

NHŨNG làm cho guồng máy xã hội không hoạt động, không sinh lợi, của cải tiêu hao, niềm tin băng hoại. Không phải THAM mà NHŨNG mới chính là nguyên nhân làm mục ruỗng xã hội có thể dẫn đến sự sụp đổ của đất nước, của thể chế. 

Bài viết này còn ở dạng sơ khai, rất mong nó sẽ đóng góp chút ý tưởng để các cấp hữu quan triển khai thành luật để xây dựng một chính quyền khỏe mạnh, vì sự nghiệp phát triển đất nước; để toàn dân làm việc trong khí thế hồ hởi, đất nước nhanh chóng tiến lên theo kịp bè bạn năm châu.

Tài liệu tham khảo: 

[1] http://dantri.com.vn/blog/vi-sao-thu-tuong-phai-thot-len-toi-rat-buon-20160427053958664.htm.

[2] http://vtc.vn/thu-tuong-du-an-nho-mat-200-ngay-nguoi-ta-len-vu-tru-cung-ve-roi.2.588247.htm

[3] ttp://daidoanket.vn/tham-vanampphan-bien/bi-thu-dinh-la-thang-lam-duong-sua-nha-ngay-de-me-nghi-ngoi/88296

[4] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-dinh-la-thang-truy-van-lanh-dao-huyen-cu-chi-3356987.html

[5] http://enternews.vn/bi-thu-dinh-la-thang-lang-nghe-va-doi-moi-cung-doanh-nghiep.html

Phiêu thạch ba