Những kỷ niệm về Nguyên Bộ trưởng Giáo dục Trần Hồng Quân

19/11/2011 08:17
TS. Văn Đình Ưng
(GDVN) - GS Trần Hồng Quân là một người Thầy, một nhà bác học, nhà tư tưởng có tầm nhìn chiến lược
Những kỷ niệm về GS Trần Hồng Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo thì nhiều, nhưng hôm nay nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin kể 3 kỷ niệm.
Sao lại tặng hoa cho anh? Vào đầu năm 1997, GS Trần Hồng Quân gặp trao đổi và mời tôi ra Bộ GD&ĐT làm việc, giao cho giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Đại học & GDCN. Tôi đang công tác tại Học viện Báo chí và tuyên truyền, khá thuận lợi, nhưng sau khi gặp GS và nghe ông nói say sưa về công việc của Bộ, ngành, của tạp chí, tôi phấn khởi nhận lời, và thu xếp ra Bộ làm việc từ ngày 1/7/1997. Tôi tự nhủ, đây cũng là dịp thay đổi không khí, thử sức mình. Những ngày được làm việc với Bộ trưởng Trần Hông Quân không ngờ với tôi thật ngắn ngủi, bởi vì năm 1997 cũng là năm ông vừa tròn 60 tuổi, Quốc hội Khóa X đã phê chuẩn để GS Trần Hồng Quân thôi giữ chức Bộ trưởng, bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Minh Hiển giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từ tháng 11 năm 1997.  Vào chiều hôm đó, cơ quan Bộ GD&ĐT rộn ràng đón Tân Bộ trưởng, các đơn vị thay nhau mang hoa đến chúc mừng Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển. Tôi nói anh em tạp chí chuẩn bị 2 bó hoa thật đẹp, một bó chúc mừng Tân Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, một bó chúc và cảm ơn GS Trần Hồng Quân đã hoàn thành 10 năm lãnh đạo Bộ và ngành GD&ĐT.   Chúc mừng Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển xong, tôi dẫn anh em tạp chí mang bó hoa sang phòng GS Trần Hồng Quân, nhưng vào phòng không có ông ở đó, cũng không có ai cả. Bất giác tôi chạnh lòng, bổ đi tìm ông. Lát sau thư ký của ông đi tìm và mời ông về tiếp khách. Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc rộng rãi, ông vui lắm, rất xúc động, ngạc nhiên hỏi: Sao các em lại mang hoa tặng anh? Tôi thay mặt anh em tạp chí nói với ông lý do tặng hoa, chúc mừng ông đã hoàn thành 10 năm lãnh đạo ngành GD&ĐT, cảm ơn ông vì những gì ông đã quan tâm chỉ đạo phát triển tạp chí. Ông mời tôi ngồi gần bên và thâm mật nói chuyện với anh em tạp chí. Vì không có khách vào nên chúng tôi được nói chuyện hồi lâu với ông, khi ra về ông nói: cảm ơn các em, làm anh xúc động quá... Chiều muộn hôm đó, có người nhìn thấy GS Trần Hồng Quân từ phòng làm việc đi bộ qua sân về phòng riêng của mình phía sau cơ quan Bộ, tay mang cặp, tay cầm một bó hoa thật tươi, thật đẹp, và chỉ có một bó hoa đó thôi.
GS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ NCL
GS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ NCL
Nghỉ rồi, về đây với anh ! Vào một chiều tháng 8/2010, khi tôi đang liên hoan cùng anh em Văn phòng Bộ GD&ĐT để chuẩn bị nghỉ hưu, tôi nhận được điện thoại từ GS Trần Hồng Quân. Biết tôi được nghỉ chế độ ở Bộ, ông hỏi thăm và ngỏ lời mời: Em được nghỉ rồi, về đây với anh! Về Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, giúp ông mảng thông tin tuyên truyền. Tôi có quyết định nghỉ từ 1/8/2010, dành một buổi gặp và nghe ông tâm sự về công việc, trăn trở của ông về tình hình giáo dục đào tạo, về những khó khăn không đáng có của hệ thống các trường đại học ngoài công lập. Em về Hiệp hội với anh, nhiều việc đang cần các em chung sức chung lòng thì mới làm được. Thế là lại một lần nữa tôi nhận lời mời của GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam về làm việc với ông tại Hiệp hội từ 1/9/2010. Vẫn là công việc gắn với tuyên truyền báo chí, gắn với giáo dục đại học, những việc này tôi đã làm trong 13 năm qua tại Bộ GD&ĐT khi giữ các cương vị Tổng biên tập tạp chí Đại học và THCN, Phó Chánh Văn phòng Bộ. Điều mà tôi rất vui là được tiếp tục làm việc với ông, lần này không phải chỉ là 4- 5 tháng, mà dài hơn, có thể 5 năm hoặc lâu hơn...Chúng ta đừng để lỡ thời cơ lần nữa! Những tư tưởng đổi mới giáo dục đại học của ông trước đây, tôi đã nghiên cứu nắm được khá kỹ và rất khâm phục, chỉ tiếc là ông chưa có điều kiện thực hiện triệt để. Trước tình hình hết sức khó khăn của các trường đại học những năm còn vận hành theo cơ chế bao cấp, nhà nước rót kinh phí cho trường đại học, đào tạo theo địa chỉ. Có khi trường lớn như đại học Bách khoa Hà Nội mà chỉ đào tạo 200 sinh viên/năm. Kinh phí không có, nhiều giảng viên đại học nghỉ không lương để đi làm kiếm tiền sinh sống... Sau khi đi khảo sát một số nước, GS Trần Hông Quân đã đưa ra 4 tiền đề mới cho giáo dục đại học: 1) Giáo dục đại học không chỉ đào tạo cho biên chế nhà nước, kinh tế quốc dân, mà còn phải đào tạo nhân lực cho các thành phần kinh tế khác, đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của mọi người muốn có học vấn đại học ở các mức độ khác nhau; 2) Giáo dục đại học không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, mà còn phải dựa vào các nguồn lực khác có thể huy động như học phí, hợp đồng đào tạo, đóng góp của các tổ chức kinh tế - xã hội thông qua các hợp đồng nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, phục vụ ký với nhà trường; những dự án quốc gia và quốc tế, các sự hỗ trợ khác từ xã hội, cá nhân hảo tâm cấp cho học bổng, giúp sinh viên nghèo, giúp nhà trường đầu tư cơ sở vật chất; 3) Giáo dục đại học không chỉ thực hiện kế hoạch nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng mà còn phải tự lực thăm dò nhu cầu nhân lực của xã hội, phải dự báo nhu cầu để chủ động đáp ứng yêu cầu nhân lực trong tương lai; 4) Ngày nay người tốt nghiệp đại học, có một bộ phận được nhà nước phân công công tác, còn phần lớn phải tự tìm việc làm, tự tạo công việc mới cho xã hội, nhà trường giúp họ đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên để họ có thêm năng lực thích ứng thị trường lao động. Những đột phá trong tư duy đổi mới giáo dục đại học của ông đã đem đến cho hệ thống đại học nước nhà sự hồi sinh, sức sống mới. Trong tư tưởng của ông, muốn giáo dục đại học phát triển mạnh thì cần có một số trung tâm đại học được đầu tư mạnh, được trao quyền tự chủ đủ mạnh để làm đầu tầu dẫn dắt các trường đại học cao đẳng khác đi lên. Việc thành lập 2 Đại học quốc gia ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, thành lập một số Đại học vùng là để thực hiện tư tưởng triết lý đó. Đồng thời ông tham mưu cho Đảng & Nhà nước chủ trương phát triển các trường ngoài công lập. Đã có 16 trường đại học ngoài công lập ra đời trong thời gian ông làm Bộ trưởng. Đến nay có 81 trường ĐH, CĐ NCL gánh vác đào tạo khoảng 15% số sinh viên, cung ứng nguồn nhân lực mà không tốn kinh phí của nhà nước. GS Trần Hồng Quân lạc quan tin rằng, mặc dù nhiều người còn nghi ngờ, mặc cảm với các trường ngoài công lập, nhưng khoảng 5 – 10 năm tới sẽ có từ 5-10 trường vượt lên đứng trong tóp trường ĐH hàng đầu Việt Nam. Ông đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng Luật Giáo dục đại học mà Quốc hội Khóa XIII đang xem xét. Từ đầu năm 2011, ông chủ trương tổ chức các cuộc hội thảo ở 3 miền, hội thảo 2 vòng, góp ý trực tiếp cho Ban soạn thảo Bộ GD&ĐT, góp ý bằng văn bản. Trước tình hình Ban soạn thảo và lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhận thức chưa đầy đủ một số nội dung do Hiệp hội góp ý, không sửa những điều khoản mà ông cho rằng hết sức quan trọng, ông đã chỉ đạo chúng tôi soạn công văn báo cáo Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Ban Tuyên giáo trung ương và tuyên truyền trên báo chí để mọi người hiểu. Đó là vấn đề quyền tự chủ đại học, vai trò của Hội đồng trường trong trường đại học khi được giao quyền tự chủ, vấn đề trường tư thục không vì lợi nhuận và trường vì lợi nhuận, vấn đề quyền bình đẳng của người học trong thụ hưởng đầu tư cho đào tạo từ nhà nước; và điều cơ bản nhất, theo ông, quan niệm của những người soạn thảo Luật GD ĐH vẫn loay hoay trong phạm vi nhỏ hẹp là xây dựng luật để quản các trường đại học cao đẳng, để níu kéo, giữ cơ chế “xin-cho” chứ không phải là luật giáo dục đại học với ý nghĩa phổ quát cực kỳ quan trọng của nó. Ông chỉ đạo chúng tôi phải tìm cách nói cho được tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân tinh thần của Hiệp hội chúng ta về xây dựng Luật GD ĐH. Dự thảo Luật GD ĐH trình Quốc hội lần này mới mang tính chất Luật của các trường đại học, mà lẽ ra phải mang tính chất Luật của hệ thống giáo dục đại học. Trong đó cần làm rõ: Triết lý, sứ mạng, tính chất của giáo dục đại học; Đối tượng thi hành luật không chỉ là các trường đại học, mà cả Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các cơ quan quản lý nhà nước  và toàn xã hội. Nhiều vấn đề lớn của nền giáo dục đại học chưa được nghiên cứu thấu đáo như: Nền giáo dục đại học Việt Nam nên mang tính đại chúng hay tinh hoa; Vấn đề cơ cấu hệ thống giáo dục đại học; Vấn đề công bằng xã hội trong giáo dục đại học; Khái niệm tự chủ đại học và nội hàm của nó; Vấn đề xã hội hóa trong giáo dục đại học; Vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận; Vấn đề đa dạng của loại hình giáo dục đại học; Vấn đề hội đồng trường; Quan điểm về quản lý nhà nước đối với các trường đại học ... Để sửa chữa, bổ sung, tu chỉnh cho dự thảo Luật GD ĐH đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn mới cần bố trí đủ thời gian, lực lượng và các điều kiện cần thiết khác cho công việc quan trọng này. Ông tỏ ra không hiểu được, tại sao đến lúc này mà Ban soạn thảo và lãnh đạo Bộ GD&ĐT cứ không chịu đưa vào luật những nội dung cốt yếu như vậy?! Ông buồn rầu nói với chúng tôi: Chúng ta đừng để lỡ thời cơ một lần nữa! Mất thời cơ lần này thì giáo dục đại học Việt Nam lại khủng hoảng thêm ít nhất 10 năm nữa, và còn tụt hậu xa thêm mấy chục năm so với thế giới...            Với tôi, GS Trần Hồng Quân là một người Thầy, một nhà bác học, nhà tư tưởng có tầm nhìn chiến lược về phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế, năng động, sáng tạo. Những kỷ niệm về ông là những kỷ niệm đẹp. Trong tôi luôn mong ước có một sự mầu nhiệm nào đó để những tư tưởng lớn của ông về phát triển giáo dục nói chung, về giáo dục đại học nói riêng được thực hiện trong cuộc sống.
Hà Nội, ngày 18/11/2011
TS. Văn Đình Ưng