Những lái buôn vũ khí là động lực của chiến tranh, xung đột

17/04/2018 09:36
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Kẻ đứng sau cuộc "không kích" nhằm vào Syria phải chăng là các lái buôn vũ khí? Các nước nhỏ muốn tránh bãi chiến trường, phải tự cường, tự chủ.

Sáng ngày 14/4 (giờ Hà Nội), ông Donald Trump tuyên bố từ Nhà Trắng, rằng:

"Tôi đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ tấn công chính xác vào các mục tiêu liên quan đến vũ khí hóa học của nhà độc tài Syria Bashar al-Assad. 

Sự hợp tác giữa Mỹ, Anh và Pháp chống lại những hành động tàn bạo này sẽ bao gồm tất cả các công cụ sức mạnh quốc gia của chúng ta: quân sự, kinh tế, ngoại giao."

Thủ tướng Anh Theresa May cũng cho biết, bà đã cho phép các lực lượng vũ trang Anh tiến hành cuộc tấn công phối hợp với đồng minh nhằm làm suy yếu khả năng sử dụng vũ khí hóa học của chính phủ Syria và ngăn cản việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt này.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

The Atlantic dẫn lời tướng Joshep Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Hoa Kỳ cho biết, có 3 mục tiêu đã bị tấn công tại Syria, gồm: Trung tâm nghiên cứu khoa học số 1 ở Damascus, một kho vũ khí hóa học ở phía Tây Homs và một kho vũ khí hóa học.

Ngay sau cuộc tấn công này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố:

"Một cuộc tấn công được thực hiện hoàn hảo đêm qua. 

Cảm ơn Pháp và Vương quốc Anh vì sự sáng suốt và sức mạnh quân sự của họ. Không thể có kết quả nào tốt hơn. Nhiệm vụ đã hoàn tất".

Phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã lên án hành động không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu là "hung hăng". 

Theo Guardian - một tờ báo chính thống của Anh, tuyên bố phát từ Điện Kremlin bác bỏ bằng chứng về vũ khí hóa học được cho là bị sử dụng tại vùng Douma, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria.

Moscow cho rằng vụ không kích trên "gây hiệu ứng tiêu cực lên toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế". 

Suốt buổi chiều tối 14-4, không có phản ứng quân sự nào từ Nga. 

Mãi cho đến 7 tiếng sau khi cuộc không kích kết thúc, từ Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới lên tiếng.

Ông gọi cuộc tấn công quân sự của Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp nhằm vào Syria là hành động vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Luật pháp quốc tế, là hành vi thù địch nhằm vào một nhà nước có chủ quyền;

Những lái buôn vũ khí là động lực của chiến tranh, xung đột ảnh 2

Chớ bông đùa với độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ quốc gia

Và Nga kịch liệt lên án hành động này. 

Nhà lãnh đạo Nga đồng thời nhấn mạnh, ông sẽ kêu gọi triệu tập một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thảo luận về cuộc tấn công của các cường quốc phương Tây tại Syria.

Trong khi đó, dư luận quốc tế đã có những đồn đoán, nhận định trái chiều, nhất là về nguyên nhân, động cơ, mục tiêu của cuộc “không kích” này. 

Chúng tôi xin được trao đổi với bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về một số nội dung có thể góp phần trả lời những câu hỏi mà dư luận đang đặt ra.

1. Nguyên nhân của những cuộc “không kích” này thực chất là gì: có phải xuất phát từ vấn đề bảo vệ “lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học” đối với dân thường không?

Động cơ và mục đích của cuộc không kích này là gì? 

2. Liệu cuộc “không kích” này có đẩy nhân loại vào một cuộc chiến tranh thế giới mới không?...

Nguyên nhân và động lực thực sự của "không kích"

Mỹ và 2 đồng minh phương Tây khẳng định rằng họ phối hợp phát động cuộc “không kích” này là nhằm làm suy yếu khả năng sử dụng vũ khí hóa học của chính phủ Syria và ngăn cản việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt này để chống nhân loại. 

Với những thông tin mà chúng tôi cập nhật được cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi cho rằng chưa đủ sức thuyết phục dư luận về nguyên nhân để Mỹ và Đồng minh phương Tây (Anh, Pháp) cùng phát lệnh “không kích” Syria, một quốc gia độc lập có chủ quyền là thành viên chính thức, hợp pháp của Liên Hợp Quốc. 

Bởi vì:

Thứ nhất: Cuộc “không kích” xảy ra trong khi một phái đoàn Liên Hợp Quốc tìm hiểu sự thật về thông tin chính phủ Sirya vừa tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học để tàn sát đồng bào mình chưa đưa ra được kết luận cuối cùng.

Trong quá trình giải trừ vũ khí hóa học, đã có hàng chục sự cố với nghi ngờ việc sử dụng các loại vũ khí hóa học xảy ra khắp mọi nơi ở Syria;

Dù kẻ nào đứng sau các cuộc tấn công vũ khí hóa học cũng là tội ác chống lại loài người, nhưng muốn ngăn chặn việc này phải ngăn tận gốc từ những tay lái buôn vũ khí. Ảnh nạn nhân vụ tấn công hóa học tại Syria là dân thường. Nguồn: Steemit.com.
Dù kẻ nào đứng sau các cuộc tấn công vũ khí hóa học cũng là tội ác chống lại loài người, nhưng muốn ngăn chặn việc này phải ngăn tận gốc từ những tay lái buôn vũ khí. Ảnh nạn nhân vụ tấn công hóa học tại Syria là dân thường. Nguồn: Steemit.com.

Thủ phạm bị nghi ngờ có cả lực lượng quân đội Syria, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Iran, cũng như ngay cả bởi các lực lượng đối lập Syria mà Mỹ hậu thuẫn.

Thứ 2: Theo quy luật đấu tranh sinh tồn, để bảo vệ chủ quyền, giữ vững sự ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng trước sự tấn công chống phá của các thế lực chống đối trong cũng như ngoài nước, bất kỳ Nhà nước của các Quốc gia đang tồn tại hợp pháp nào cũng đều có quyền:

Sử dụng mọi lực lượng vũ trang và các phương tiện khí tài cần thiết theo khả năng của mình, trừ một số loại vũ khí hủy diệt có khả năng đe dọa sự tồn tại của nhân loại mà gần đây đang bị nghiêm cấm bởi Liên Hợp Quốc, như vũ khí nguyên tử, hóa học…

Tuy nhiên, để loại bỏ triệt để khả năng sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm đó, không chỉ tập trung “diệt ngọn” mà quên đi “gốc rễ” của vấn đề. 

Đó chính là phải chỉ đích danh kẻ đã phổ biến công nghệ, quy trình sản xuất, tàng trữ, cung cấp và bán chác các loại vũ khí đó trên thị trường quốc tế. 

Nếu những “lệnh cấm” đó chỉ có hiệu lực đối với các quốc gia nhỏ yếu, trong khi vô hiệu đối với các siêu cường thì sẽ là một sự bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế.

Những lái buôn vũ khí là động lực của chiến tranh, xung đột ảnh 4

Ts Trần Công Trục: Ám ảnh "em bé Syria" và cảnh tỉnh với người Việt

Có áp bức, sẽ có đấu tranh. Triều Tiên theo đuổi đòn bẩy vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo để buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, là một ví dụ.

Những áp đặt bất công chỉ càng làm cho quan hệ quốc tế càng thêm phức tạp, quy luật “cá lớn nuốt cá bé” trong quan hệ quốc tế đã từng tồn tại trong các thể kỷ trước đây vẫn tiếp tục phát huy tác dụng tiêu cực của nó. 

Vì thế, thế giới vẫn luôn luôn ở trong trạng thái bất ổn, khả năng xung đột, chiến tranh, thậm chí chiến tranh hủy diệt bằng vũ khí nguyên tử và hóa học, vẫn hiện hữu.

Thứ 3, Như vậy có thể thấy rằng, lý do để bảo vệ lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học, bảo vệ cuộc sống đồng loại… e rằng chỉ là sự ngụy biện;

Đó chỉ là nguyên cớ để các siêu cường khai thác nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến lược của họ trong các cuộc tranh chấp phức tạp liên tục diễn ra tại khu vực Trung Đông, một khu vực có giá trị to lớn về địa- chính trị, địa- kinh tế, địa- chiến lược…

Thứ 4, Sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dường như thế giới bị chi phối bởi một siêu cường duy nhất đó là Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên, không vì thế mà việc sản xuất, chế tạo các loại vũ khí giết người tối tân, hiện đại bị dừng lại. 

Trong thực tế, vũ khí sát thương, phương tiện chiến tranh hiện đại vẫn ùn ùn xuất xưởng.

Chúng vẫn được tàng trữ, mua bán, hoặc công khai hoặc bí mật, trên thị trường quốc tế, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn lái buôn vũ khí thế giới. 

Để thu được lợi nhuận đó, các nước sản xuất, tàng trữ vũ khí đã “kích cầu” bằng cách trực tiếp hay xúi giục gây ra những điểm nóng, đụng độ vũ trang, xung đột…nhằm biến các nước nhỏ yếu trở thành nơi thử nghiệm vũ khí hoặc bãi chiến trường.   

Chưa biết khi nào người dân Syria mới thoát khỏi địa ngục trần gian? Ảnh minh họa, nguồn: NBC News.
Chưa biết khi nào người dân Syria mới thoát khỏi địa ngục trần gian? Ảnh minh họa, nguồn: NBC News.

Các “lực lượng khủng bố”, “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” (IS), các lực lượng “nổi dậy”, chống đối….phải chăng chính là “con đẻ”, là sản phẩm của các tập đoàn lái buôn vũ khí quốc tế?

Và vụ “không kích hạn chế” vào Syria lần này có lẽ không nằm ngoài “kịch bản” đó. 

Chiến tranh thế giới khó xảy ra, bởi kẻ giàu mới có nhiều thứ để mất

Như thông tin đã đưa, cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đều nhắc đến chữ "hạn chế" khi nói về cuộc không kích lần này, nhấn mạnh chúng đã được triển khai để "giảm thiểu tối đa thương vong cho dân thường". 

Nhưng những gì đã diễn ra cho thấy không phải là cuộc tập kích “giảm thiểu tối đa thương vong cho dân thường”, đó là cuộc tấn công được thiết kế để không ảnh hưởng tới các "nhân tố không phải Syria ở Syria". 

Đó là ai? Là Nga với hai căn cứ quân sự vững chắc; là Iran với các lực lượng mặt đất và tướng lĩnh đang hiện diện cùng quân đội Syria. 

Nếu nhìn đường đi của tên lửa và hướng tấn công của liên quân Mỹ thì thấy rõ các tên lửa hành trình của Mỹ, Anh và Pháp đều tránh đi ngang khu vực có lưới phòng không của Nga ở Syria và cuộc chống trả trở thành màn thử lửa của các hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga cung cấp cho Syria. 

Và vì thế, chế độ của Tổng thống Syria vẫn đứng vững và sẽ có thể nhận được thêm các vũ khí phòng thủ hiện đại từ Nga, chẳng hạn S-300, dưới danh nghĩa tự vệ.

Những lái buôn vũ khí là động lực của chiến tranh, xung đột ảnh 6

Một quả tên lửa "xịt", cứu danh dự 4 nước

Trong khi đó, Mỹ và Đồng minh vẫn giữ được “thể diện” của mình trước dư luận quốc tế.

Như vậy, trong tình hình hiện nay, cả Mỹ, đồng minh phương Tây của Mỹ và Nga, vì tính toán lợi ích sống còn của họ mà không thể để cho tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát dẫn đến chiến tranh thế giới.

Bởi hậu quả của nó sẽ là tất cả đều bị hủy diệt.

Thảm cảnh này chắc chắn không ai mong muốn; càng những kẻ “lắm tiền nhiều của” lại càng sợ chết hơn ai hết! 

Vấn đề còn lại là các quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong tầm ngắm của các siêu cường cần ứng xử ra sao để không bị lợi dụng, biến mình thành bãi thử vũ khí của kẻ thù lẫn đồng minh.

Nhìn lại những gì diễn ra tại Iraq, Libya và bây giờ là Sirya chùng tôi nhận thấy lý do tại sao trước khi mở cửa và cải cách toàn diện đất nước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải có tên lửa đạn đạo và bom nhiệt hạch trong tay.

Đó là lựa chọn của Triều Tiên do nhiều yếu tố của lịch sử và bối cảnh địa chính trị Đông Bắc Á hậu Chiến tranh Lạnh. 

Sẽ không có những động thái chuyển ngoặt bất ngờ về ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên 3 tháng vừa qua, nếu không có những bước tiến về công nghệ tên lửa đạn đạo và bom nhiệt hạch trong năm 2017.

Còn với các quốc gia nhỏ ven Biển Đông đang trở thành tâm điểm tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu không có tư duy độc lập tự chủ, tự lực tự cường và cách ứng xử khéo léo, thì nguy cơ trở thành bãi thử vũ khí của các siêu cường không phải không thể xảy ra.

Để phát triển cường thịnh, thì mọi chính sách của nhà nước phải chăm lo cho dân, như di huấn của Đức Trần Hưng Đạo, khoan thứ sức dân là thượng sách giữ nước, là kế sâu rễ bền gốc.

Phải cảnh giác với giặc nội xâm hơn cả, bởi nó phá hoại đất nước từ bên trong, như người xưa nói, minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng. Cuộc chiến chống nội xâm phải luôn thường trực, thì mới giúp đất nước cường thịnh và đẩy lùi nguy cơ ngoại xâm.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://edition.cnn.com/2018/04/13/politics/trump-us-syria/index.html?sr=fbCNN041318trump-us-syria0922PMVODtopVideo

[2]https://www.nytimes.com/2018/04/13/world/middleeast/trump-strikes-syria-attack.html

[3]https://www.theatlantic.com/international/archive/2018/04/us-syria-strike/557552/

[4]https://www.newyorker.com/news/news-desk/trump-strikes-syriaand-russia-and-irannot-only-over-chemical-weapons

Tiến sĩ Trần Công Trục