Những phận người đi qua “bão” HIV/AIDS

15/12/2015 08:21
THỤY MIÊN
(GDVN) - Phía sau sự nghèo nàn, lạc hậu vốn có những phận người hẩm hiu nơi núi rừng phía Tây, Thanh Hóa đang phải đối mặt với những án “tử hình” treo lơ lửng...

Những cái chết trắng, cùng với quan hệ tình dục không an toàn đã để lại những hệ lụy vô cùng tàn khốc, bản làng xơ xác, tiêu điều, mẹ mất con, vợ mất chồng, những đứa trẻ sinh ra không biết mặt cha mẹ…

Tại Thanh Hóa, số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện là 7.030 người, trong đó 1.126 người đã tử vong vì AIDS và 3.993 người đang sống chung với HIV/AIDS. Những năm qua, Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều biện pháp can thiệp ở các nhóm có nguy cơ cao, xây dựng mạng lưới dự phòng và chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV.

Trong lĩnh vực chăm sóc, hỗ trợ và điều trị thuốc kháng virus (ARV) cho người nhiễm HIV/AIDS đã triển khai tại 14 phòng khám và điều trị ngoại trú, 2.766 đang điều trị nhiễm HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu 90% người nhiễm được điều trị ARV. Đã mở được 20 phòng tư vấn tại các huyện, thị xã, thành phố.

Năm 2015, công tác chăm sóc cho người HIV/AIDS tại nhà cũng được đẩy mạnh và xem là một hoạt động rất quan trọng. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn phát hiện 300 – 400 trường hợp nhiễm mới, trong đó phần lớn là qua tiêm chích ma túy có dùng chung bơm kim tiêm, qua quan hệ tình dục không an toàn và qua lây truyền từ mẹ sang con không được can thiệp.

Điều đáng lưu tâm hơn là con số phát hiện chỉ là phần tảng băng nổi có thể nhìn thấy được, vẫn còn nhiều người nhiễm HIV chưa được phát hiện đang còn sống trong cộng đồng mà vẫn có các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm cho người khác mới là sự đe dọa với toàn xã hội.

Vượt qua “bão AIDS”

Cuộc sống khốn khó, gập ghềnh bên triền núi của vợ chồng anh Lê Hồng D (trú tại xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh) bị nhiễm HIV dường như nhân lên gấp bội. Tuy nhiên, bỏ lại sau lưng nỗi ám ảnh về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS anh chị vẫn gắng gượng, vật lộn mưu sinh để nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Vợ chồng anh Lê Hồng D và chị Lê Thị L gắng gượng vượt qua bệnh tật nuôi các con.
Vợ chồng anh Lê Hồng D và chị Lê Thị L gắng gượng vượt qua bệnh tật nuôi các con.

Trong căn nhà cấp 4 trống hơ, trống hoác anh D nhớ lại: Trước kia, gia đình ở xã Xuân Mỹ (huyện Thường Xuân). Năm 2002, toàn xã phải di dời nhường chỗ cho Dự án Hồ chứa nước Cửa Đạt, gia đình anh được bố trí tái định cư về đây.

Trong thời gian ở Thường Xuân, suốt ngày lênh đênh theo bè luồng, gỗ xuôi dòng sông Chu, những lúc không đi bè thì lên rừng đốn gỗ thuê.

Những lần thấy bạn bè tiêm chích, vì tò mò, cộng với sự lôi kéo nhiệt tình, thử vài lần xem cảm giác phê thuốc nó như thế nào. Năm 2008, thấy trong người sức khỏe yếu, đi khám bác sỹ kết luận anh D đã nhiễm virus HIV.

“Cầm kết quả trên tay, đất trời như đổ sập dưới chân tôi. Không thể tin được chỉ vài lần trót dại nghe lời bạn bè rủ rê mà kết cục lại cay đắng như bây giờ. Khi biết kết quả nhiễm HIV cả vợ chồng tôi đã khóc cạn nước mắt.

Sau khi được điều trị bằng thuốc ARV, sức khỏe dần dần cải thiện, tôi lao vào kiếm việc làm, ai thuê gì làm nấy… Từ ngày biết mình bị bệnh, lúc nào tôi cũng gắng gượng làm việc bù đắp cho vợ các con”, anh D chia sẻ.

Bị lây HIV từ chồng, chị Lê Thị L (vợ anh D) đau khổ tột cùng. Sau một thời gian dài suy sụp, chị cũng đã bình tâm lại.

Trước mắt chị là 4 đứa con (đứa đầu năm nay học lớp 10, đứa út chuẩn bị vào lớp 1), chị tự nhủ rằng, nước mắt không thể nuôi sống được 4 đứa con; nước mắt không thể làm mình khỏi bệnh, chị đã đi làm thuê, cuốc mướn, tần tảo chăm từng ngọn mùng tơi, bươn bả nhặt từng gọng lúa còn sót lại sau mùa gặt ngoài đồng.

Tuy nhiên, đến nay sức khỏe chị L đã được cải thiện nhiều. “Do được điều trị ARV kịp thời nên sức khỏe tôi cũng dần ổn định. Ngoài công việc nhà, tôi đi làm thuê cỏ mía, cỏ sắn… tằn tiệm lắm cũng chỉ đủ cho các cháu ăn, còn những chi phí cho con cái học hành thường phải đi vay mượn”, chị L tâm sự.

ThS.BS Lê Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam, Thanh Hóa đang nỗ lực để đạt được mục tiêu với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn dân cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS và những thách thức to lớn trong thời gian tới.

Coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện. Đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; phân bổ nguồn lực phù hợp; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện”.

THỤY MIÊN