Những phong tục Tết kỳ lạ nhất Việt Nam

23/01/2012 06:04
H.A (tổng hợp)
(GDVN) - Những tập tục như vỗ mông, rủ nhau đi ăn trộm, đánh thức gia súc dậy đón Tết... vẫn đang được duy trì ở nhiều nơi mỗi độ xuân về.

Người Lô Lô đánh thức gia súc đón Tết
Người Lô Lô ở miền biên giới Lào Cai, Hà Giang làm bữa cúng tất niên vào chiều 30, cúng sức khỏe, hồn sống cho mọi thành viên gia đình. Trong lễ cúng này đàn ông được cúng bằng gà mái còn đàn bà cúng bằng gà trống. Các công cụ sản xuất như cuốc, xẻng, dao rựa, cày bừa, chồng trại đều được dán giấy quét màu vàng, màu bạc để cầu may và không được di chuyển động chạm tới trong ba ngày tết. Có một phong tục lạ là đêm giao thừa, cả cộng đồng Lô Lô giỏng tai, sốt ruột chờ đợi giếng gà đầu tiên gáy sáng. Bất kể lúc nào dù sớm hay muộn, cứ hễ tiếng gà gáy đầu tiên trong đêm giao thừa đó chính là thời khắc thiêng liêng đón tết của bản. Lúc đó, chủ nhà thắp hương cúng năm mới, cử người gánh nước cầu may, cử người đánh thức các con vật nuôi dậy cùng người đón tết.

Người H'Mông và tục vỗ mông
Bên cạnh đó, lễ hội Sải Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc) trong ngày Tết là lễ hội lớn nhất trong năm và thể hiện nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người H'Mông. Lễ hội này thường diễn ra vào ngày mùng Hai của năm mới nhằm tạ ơn tổ tiên về mùa màng, súc vật, cầu cho con cháu đầy đàn. Trong lễ hội, diễn ra rất nhiều hoạt động văn hoá như ném pao - một trong những trò người H'Mông rất thích, múa khèn, múa ô, hát ống, hát giao duyên... Đặc biệt vào ngày Tết, thanh niên trai gái người H'Mông thường hay tụ tập dưới chân núi để vui Xuân. Khi người con trai ưa người con gái nào đó, sẽ vỗ vào mông cô ta và dắt tay tìm chỗ tâm tình thâu đêm suốt sáng.

Người Thái với tục gọi hồn ngày Tết
Một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của người Thái là tục gọi hồn. Thường vào tối 29 hoặc 30, mỗi gia đình thịt hai con gà, một để cúng tổ tiên, một để gọi hồn cho mọi người trong nhà.
Đầu tiên, người cúng (thường là thày cúng) lấy một cái áo của mỗi người trong gia đình, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà.
Ăn trộm cầu may ngày Tết
Với người Dao đỏ, ngày rằm đầu năm thì... cả bản phải đi ăn trộm cầu may. Cả xã, già, trẻ, gái, trai đều đi ăn trộm, không trừ một ai. Những thứ có thể ăn trộm được trong ngày rằm tháng riêng này là: Cây hành, cây tỏi, thịt treo gác bếp và rượu.
Người nào càng ăn trộm được nhiều thì người đó năm tới càng may mắn, làm nương được mùa, đi rừng bắt được con thú to, chăn nuôi không bị dịch bệnh và gia đình mạnh khỏe. Gia đình nào bị “trộm” viếng thăm nhiều và bị mất nhiều đồ thì năm đó gia đình ấy không may mắn. Nếu tên “ăn trộm” đang “hành nghề” mà bị gia đình phát hiện thì bị phạt uống một bát rượu. Còn nếu ăn trộm thành công, gia chủ phải mang “chiến lợi phẩm” đến nhà gia chủ để xin thưởng. Vật thưởng cho tên ăn trộm tài ba cũng chỉ là chai rượu hoặc miếng thịt sấy khô.
Kéo vợ của người Dao đỏ
Từ những ngày giáp Tết đến hết tháng Giêng, khi nhà nào thóc cũng đã đầy bồ, thịt đã treo kín bếp, người người được nghỉ ngơi chuẩn bị cho vụ mùa mới thì cũng là lúc nam thanh, nữ tú đến tuổi trưởng thành lại hướng theo tiếng gọi tình yêu đôi lứa, lo chuyện xây dựng mái ấm gia đình.
Các già bản huyện Phong Thổ - Lai Châu kể lại rằng: ngày xưa, theo phong tục của người Dao Đỏ, nhà gái thách cưới gồm 70 đồng bạc trắng, 2 con lợn, 20 vò rượu và toàn bộ phí tổn tổ chức đám cưới nhà hai họ. Phong tục này đã ngăn cản những chàng trai nghèo có được hạnh phúc cho mình. Và tục kéo vợ ra đời chẳng ai biết từ khi nào, đó là một hình thức “lách luật” thách cưới để những chàng trai nghèo có thể đến được với hạnh phúc và xây dựng gia đình.
"Kéo vợ" không phải cứ thấy cô nào xinh xắn, giỏi giang, muốn lấy làm vợ thì kéo về nhà mình, mà thực tế đôi nam nữ đã tìm hiểu nhau rất cặn kẽ và đã ưng nhau. Cho nên kéo vợ chỉ là cái tục phải có để người con gái chính thức bước chân về nhà chồng. Sau khi kéo cô gái về nhà, ba ngày sau chàng trai chỉ việc sang nhà gái thông báo họ đã thành vợ chồng. Cho đến khi con đàn, cháu đống, của cải dư thừa họ mới tổ chức đám cưới. Chính vì vậy mà ở Mồ Sì San bây giờ có những cặp vợ chồng đã ngoài 70 tuổi nhưng "kéo" vợ từ thủa đôi mươi, nay mới tổ chức đám cưới.
Độc đáo Lễ hội bắt chồng ở Tây Nguyên

Mỗi năm, mùa bắt chồng các đồng bào Chu Ru, Cil, Cơ Ho... ở Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung được bắt đầu từ mùng một Tết âm lịch cho đến hết tháng ba. Lễ bắt chồng phải diễn ra ban đêm. Khi thích một chàng trai nào đó, cô gái về thông báo cho gia đình và dòng họ biết. Gia đình sẽ đến nhà trai hỏi dạm.

Nếu cả hai dòng họ đồng ý, cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay người con trai vào một đêm đẹp trời. Trường hợp người con trai không thích có thể trả lại nhưng đến 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai và cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi chàng trai chấp nhận.
Trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức một đêm hội gọi là "Đêm hội bắt chồng". Trong đêm hội này, chàng trai và cô gái phải đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình, có một số câu luật độc đáo như: "Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước...".
Ngày cưới chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn nhẫn và đeo lại cho nhau. Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn chàng trai do mẹ cô gái cất giữ.


Đón Tết bằng đuốc lửa, dao sắc và đốt ống nứa nổ

Người Dao cư trú rải rác ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc Tổ quốc. Có một nghi thức đón tết không thể thiếu là trước giờ phút cúng giao thừa, chủ nhà đốt một bó đuốc rồi tay cầm đuốc rực lửa, cầm con dao sắc to bản đi từ nhà ra ngõ. Vừa đi chủ nhà vừa khấn xua đuổi tà ma, rủi ro, vận hạn. Sau lời khấn ngoài cổng vẫn cây đuốc cháy sáng và con dao sắc trong tay, chủ nhà quay trở vào vừa đi vừa cầu may, cầu phúc, đón lộc theo vào. Cùng lúc đó, trẻ nhỏ trong nhà quây quần bên bếp lửa đốt những ống nứa lép tép còn tươi tạo ra tiếng nổ xua đuổi tà ma và những điều xấu xa khỏi nhà, ra khỏi đầu óc. Cầu cho năm mới sáng dạ thông minh, trưởng thành hơn năm cũ.


Đóng cửa chặt cài then chắc đón thời khắc giao thời

Người Pà Thẻn ở Hà Giang, Tuyên Quang có phong tục lạ thờ bát nước lã quanh năm trên bàn thờ tổ tiên của gia đình. Bát nước này được đậy kín không được để cho cạn khô. Trong năm chỉ vào cuối tháng 6 tức là giữa năm, gia chủ mới được phép mở ra xem và tiếp thêm nước lã cho đầy bát để đợi đến tết.
Vào đêm ba mươi tết, trời tối như ống tre nút lá, nhà nhà cửa đóng, then cài. Cửa đi ra vào, cửa sổ, cửa trước cửa sau, cửa hậu, cửa nách, ô thoáng đều phải bịt, che kín. Sau khi đóng kín mọi ô cửa, gia chủ lấy bát nước trên bàn thờ xuống lau chùi, cọ rửa và thay nước mới. Lúc đó, nghi thức cúng giao thừa mới được bắt đầu. Cùng trong đêm giao thừa cửa đóng then cài đó, trong nhà thường bí mật nấu một nồi cháo gà để cả gia đình cùng ăn. Ăn cháo xong, gia chủ mới làm lễ xin nước mới vào bát nước thờ. Việc làm này giữ bí mật trong nhà không lộ ra ngoài, theo tín ngưỡng của bà con nếu lộ ra thì trong năm mới gia đình làm ăn vất vả, con cái ốm đau bệnh tật.
Sáng sớm mùng 1 tết, người trong nhà xách súng kíp ở lách cửa phụ, cửa hậu ra sân bắn 3 phát. Dứt tiếng nổ, mọi người trong nhà mở toang các cửa để cùng vui đón năm mới. Lúc này, tục lệ giữ bí mật đêm giao thừa mới được cởi bỏ.


Bánh chưng đen cúng năm cũ, bánh chưng trắng cúng năm mới

Người Pù Péo miền rẻo cao Hà Giang có tục lệ đón năm mới rất lạ. Tối ngày 29 tết, bà con Pù Péo gói bánh chưng đen cúng tiễn năm cũ. Vẫn là lá dong gạo nếp nhân đỗ nhưng gạo được nhuộm màu đen của nước lá cây rừng không độc hại, nhân bánh được làm bằng đậu đen hoặc vừng đen. Bánh chín trong đêm được cúng lễ tiễn năm cũ vào sáng sớm 30 tết, lúc tinh mơ gà gáy - bà con tin rằng như vậy sẽ khép lại những đen đúa, rủi ro của năm cũ.
Đêm 30 tết, bà con nô nức gói bánh chưng trắng gồm nếp trắng, nhân đậu xanh đãi vỏ vàng ươm hoặc nhân đậu trắng. Bánh được luộc trong đêm vớt ra lúc gà gáy sáng để cúng tổ tiên đón năm mới. Bà con tin rằng với bánh chưng trắng sẽ được tổ tiên mang lại cho họ điều may mắn phúc lộc của cả năm.


Tiếng sấm của đất trời mới là hiệu lệnh đón tết xuân

Một số vùng người Thái miền Tây tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa lại có tục lệ đón tết xuân kỳ lạ, là phụ thuộc vào tiếng sấm đầu xuân. Theo chu kỳ sản xuất, cuối năm cũ thu hoạch mùa màng xong, trời thường hanh khô rét mướt, bà con chưa vội ăn tết. Vì vậy, tết xuân cổ truyền của đồng bào không dựa vào quy định ngày tháng cụ thể mà phụ thuộc vào lẽ tự nhiên của trời đất. Khi trời chuyển mùa cũng là lúc bà con chuẩn bị đón tết xuân chờ mong sấm dậy.
Hễ có tiếng sấm đầu mùa là chủ nhà gọi mọi người dậy động tay động chân vào các vật dụng để đánh thức nó. Sau bài khấn tổ tiên và trời đất, chủ nhà phát cho mỗi người trong nhà một quả trứng gà. Tiếng chiêng bản nổi lên với lời cầu cho mặt trời trắng như quả trứng gà bóc, tròn như quả dưa nương, hồng hoa vông nở. Trứng được đem luộc và mọi người ăn phần trứng của mình.
Dựa tiếng sấm già làng đưa ra dự báo năm mới tốt đẹp an lành. Mọi người hội nhập vào cuộc vui rượu cần, hát khắp điệu xòe, cồng chiêng mừng sấm về mang mưa thuận, nắng hòa cho mùa vụ mới.

Người Nùng không làm bánh ngày chẵn

Với người Nùng, ngày Tết thường kéo dài từ những ngày cuối của năm cũ đến hết 30 tháng Giêng năm sau.

Tết của người Nùng không cầu kỳ tốn kém nhưng chu tất, trịnh trọng. Thứ không thể thiếu trong phong tục ngày Tết của người Nùng là gà trống thiến và bánh khảo. Từ đầu tháng Chạp, nhà nhà đã lo nhốt gà vào lồng để vỗ béo. Người Nùng kiêng gói bánh chưng vào ngày chẵn, theo họ đó là những ngày không tốt, nương ruộng dễ bị vỡ lở, sâu bọ phá hoại mùa màng.

Đối với người Nùng, bữa cơm chiều 30 Tết là lớn nhất trong năm, gia đình sum họp, thắp hương tưởng nhớ ông bà. Sáng mùng Một Tết, người ta cắt những băng giấy đỏ dán lên tất cả những công cụ lao động trong gia đình và mỗi góc cây trong vườn nhà, chuồng trại; thắp hương cầu thần linh phù hộ cho mọi việc đều tốt đẹp trong năm mới...
H.A (tổng hợp)