Những ý tưởng hay của Ứng viên Tổng Cục trưởng Đường bộ

26/04/2014 16:02
Nhóm PV
(GDVN) - Hôm nay 26/4, tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) diễn ra cuộc thi tuyển Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam.
Các ứng viên đã “quyết liệt” thuyết trình bảo vệ chương trình hành động trước 15 thành viên Ban Giám khảo gồm các Thứ trưởng, lãnh đạo các Vụ, Cục và chuyên gia trong ngành GTVT. Đặc biệt, cuộc thi có sự tham dự của khá nhiều phóng viên, báo đài “mục sở thị” trực tiếp từ hội trường kế bên.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, các PV đã được bố trí phòng làm việc riêng, có gắn 1 tivi truyền trực tiếp hình ảnh cuộc thi từ Hội trường.
Cuộc thi có 4 ứng cử viên gồm: Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ GTVT; ông Phạm Hồng Sơn - TGĐ Ban Quản lý Dự án 2 Bộ GTVT; Phạm Hữu Sơn - TGĐ Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường là Trưởng Ban Giám khảo.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT.

Trong cuộc thi này, có thể nói 2 ý tưởng trình bày của ông Phạm Hồng Sơn và ông Nguyễn Văn Huyện có khá nhiều điểm hay và “sát sườn” nhất với thực tế phát triển ngành đường bộ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ GTVT, ứng viên cuộc thi cho rằng: Chiến lược của ông là sẽ quản lý tất cả phương tiện tham gia giao thông vận tải, thực hiện và quản lý giám sát chặt chẽ các phương tiện chở khách tuyến cố định ngay tại địa điểm xuất phát (bến xe, bến cảng, điểm bốc xếp hàng...); Phát triển các dịch vụ hỗ trợ vận tải, trong đó đặc biệt quan tâm đến hệ thống bến xe, trạm dừng nghỉ đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý. 

Cũng theo ông Huyện, ông sẽ tập trung tiến hành rà soát công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch mạng vận tải (kết hợp các phương thức vận tải khác), bến xe và dịch vụ hỗ trợ để làm cơ sở phát triển vận tải bền vững. Đồng thời, phân cấp mạnh cho địa phương trong công tác quản lý vận tải; Tổng cục chỉ thực hiện việc tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện...

Tuy nhiên, phần trình bày của ông Huyện về giải pháp lại xoay quanh khá nhiều đến quan điểm thanh tra, kiểm tra trong quản lý, bởi lẽ ông Huyện có kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực Thanh tra.

Đối với phần trình bày của ông Phạm Hồng Sơn - TGĐ Ban Quản lý Dự án 2 Bộ GTVT lại được khá nhiều “khán giả báo chí” đánh giá cao, tổng hợp phần trình bày có vẻ “nhỉnh” hơn các ứng viên khác về chiến lược phát triển ngành cầu đường Việt Nam. 

Ông Phạm Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2 Bộ GTVT.
Ông Phạm Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2 Bộ GTVT.

Cụ thể, ông Phạm Hồng Sơn cho biết một trong những giải pháp mà Tổng Cục Đường bộ cần triển khai đó là phải phối hợp giữa các ngành và các địa phương đẩy mạnh kiểm soát tải trọng xe. Dứt khoát lắp đặt các hệ thống cân tải trọng xe, thí điểm trọng tải cân tốc độ cao trong vòng 10 năm tới. Đây thực sự là vấn đề giải đáp “điểm nóng” của ngành GTVT gần đây liên quan đến các tuyến xe “khủng” vượt trạm cân.

Cũng theo ông Sơn, một trong những công tác cần triển khai đó là ngành đường bộ phải quy định bao nhiêu năm về tăng cường hệ thống thẩm định, đào tạo thẩm định viên về an toàn giao thông. Đồng thời, đưa thiết bị cảnh báo hành trình, gắn còi báo động trên xe, xe tải cũng gắn, xe con cũng gắn, qua đó giúp đảm bảo an toàn giao thông và giám sát hành trình các chiếc xe, giảm thiểu vi phạm và tai nạn giao thông.

Trong công tác tổ chức thì phải làm lại hệ thống đào tạo thầy thợ, nâng cấp trình độ tay nghề để tránh trường hợp “không thi mà vẫn có bằng”, công tác chuyên nghiệp hóa quản trị và duy tu đường bộ. Đặc biệt, theo quan điểm của ông Sơn là nên xóa bỏ tư duy bao cấp trong việc bảo trì đường bộ: Có sao dùng vậy, không có trông chờ vào cấp trên, cứ rót vốn bao nhiêu xuống thì nuôi bộ máy cồng kềnh…
Được biết, trong số 4 ứng cử viên tham gia cuộc thi thì ông Phạm Hồng Sơn là người được xem là có nhiều kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực cầu đường. Cụ thể, ông Phạm Hồng Sơn học chuyên ngành Kỹ sư đường bộ, trình độ quản lý Nhà nước là chuyên viên cao cấp. Ông Sơn cũng từng trải qua khá nhiều vị trí công tác hàng chục năm trong lĩnh vực cầu đường, trực tiếp quản lý Ban Dự án đường Hồ Chí Minh – tuyến đường huyết mạch của quốc gia.
Nhóm PV