Nợ ngân hàng và cái vòng luẩn quẩn của giáo viên

06/04/2017 06:48
Nguyễn Cao
(GDVN) - Có một thực tế là rất nhiều giáo viên ở các trường hiện nay đều mắc nợ ngân hàng, không ít thì nhiều, nhất là giáo viên công tác ở các vùng nông thôn.

LTS: Chuyện giáo viên kêu ca về mức lương thấp đã trở thành đề tài được bàn rất nhiều trong ngành giáo dục.

Tuy nhiên, hiện nay, các thầy cô giáo còn phải xoay sở kiếm sống khi trở thành những “con nợ” của ngân hàng và mỗi tháng đến kỳ nhận lương đều bị trừ ngang để trả nợ.

Giáo viên cứ phải sống mãi trong cái vòng luẩn quẩn tính kế mưu sinh liệu có tận tâm với sứ mệnh “trồng người” của mình?

Bài viết dưới đây là những chia sẻ chân thực của thầy giáo Nguyễn Cao, người đã nhiều năm gắn bó với nghề giáo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Những năm gần đây, đội ngũ thầy cô giáo đã và đang trở thành những khách hàng quen thuộc của các ngân hàng. 

Bởi phần lớn các giáo viên đều có nhu cầu vay vốn mà những khách hàng này không mấy khi trở thành “nợ xấu” bởi hàng tháng khi có bảng lương là các kế toán nhà trường đã làm danh sách trừ ngang lương. 

Vì thế, trường học đã trở thành những vị khách đặc biệt được các ngân hàng chăm sóc, chào mời… vay nợ.

Phải nói rằng các ngân hàng ngày nay họ rất chu đáo để làm vừa lòng các trường học, nhất là đối với Ban Giám hiệu nhà trường và Chủ tịch Công đoàn. 

Ngoài chuyện chiết khấu phần trăm hoa hồng đầy đủ thì mỗi khi trong trường tổ chức các ngày lễ lớn như: Khai giảng; Kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam; Tổng kết năm học… họ đều đến dự và đều có quà cho đơn vị.

Thêm nữa, việc giúp đỡ một số học sinh khó khăn cũng được một số ngân hàng chú trọng. 

Nhiều giáo viên buộc phải vay nợ ngân hàng. (Ảnh minh họa trên baoangiang.com.vn)
Nhiều giáo viên buộc phải vay nợ ngân hàng. (Ảnh minh họa trên baoangiang.com.vn)

Có thể đây chỉ là mối quan hệ hai chiều nhưng rõ ràng các ngân hàng đang làm hết mình để làm vừa lòng khách hàng.
   
Có một thực tế là giáo viên ở các trường hiện nay gần như ai cũng mắc nợ ngân hàng, không ít thì nhiều, nhất là giáo viên công tác ở các vùng nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì tỉ lệ giáo viên vay càng lớn. 

Do điều kiện, thủ tục vay vốn rất nhanh, nhiều khi sáng làm hồ sơ là chiều có thể nhận tiền cho nên khách hàng cũng không phải chờ đợi, nhất là khi các ngân hàng họ liên kết với nhau, chỉ cần kiểm tra số chứng minh nhân dân là biết khách hàng mình nợ nần như thế nào nên hồ sơ nào “sạch” là việc giải ngân được tiến hành nhanh chóng. 

Trong thời buổi cạnh tranh, trên cùng một địa bàn có nhiều ngân hàng cùng nhau kinh doanh nên họ đều đưa ra những chính sách cạnh tranh nhau để kéo khách hàng đến với mình. 

Các Hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn được các ngân hàng gửi sẵn mẫu hồ sơ vay vốn, bảng chiết khấu hàng tháng, mức vay theo số lương. 

Nợ ngân hàng và cái vòng luẩn quẩn của giáo viên ảnh 2

Lùm xùm vay nợ tiền tỷ ở trường Trung Tự, giáo viên tố cáo lẫn nhau

Nên, khi giáo viên có nhu cầu chỉ cần báo với Chủ tịch Công đoàn lấy hồ sơ điền thông tin, sau đó Chủ tịch Công đoàn và Hiệu trưởng kí xong là nhân viên ngân hàng có mặt ngay tại trường lấy hồ thẩm định, trình lãnh đạo kí và giải ngân ngay tức khắc. 

Song, có lẽ chuyện vay là dễ nhưng trả được nợ ngân hàng là cả một chặng đường dài đầy dâu bể kéo theo vô vàn những khó khăn đối với giáo viên ngày nay.
  
Chúng ta đều biết: Nợ nần cũng như các tệ nạn khác, mắc vào thì dễ mà dứt ra thì vô cùng khó. Ai cũng biết vậy, cũng không ai muốn mình trở thành con nợ. 

Tuy nhiên, cuộc sống của giáo viên, nhất là những giáo viên mới ra trường, có điều kiện kinh tế gia đình không được khá giả thì chuyện vay nợ ngân hàng là điều kiện tất yếu để sinh tồn. 

Bởi, trong quá trình học đại học, cha mẹ đã phải lo chi phí một số tiền rất lớn cho trang trải việc học hành. 

Những năm gần đây, khi ra trường phần lớn phải lo lót một lượng tiền nữa mới có việc làm.

Ai cũng hi vọng có nghề rồi bù lại tiền xin việc nhưng với đồng lương giáo viên mới vào nghề khoảng trên dưới 3 triệu đồng mà hàng trăm thứ phải lo thì lấy đâu mà có dư để trả nợ. 

Nợ ngân hàng và cái vòng luẩn quẩn của giáo viên ảnh 3

Thầy Mỹ Dennis Berg nêu quan điểm mức lương và phẩm giá của giáo viên

Thành ra, bắt đầu dính vào nợ ngân hàng, cắm sổ lương hàng tháng để trả nợ tiền xin việc.

Rồi chuyện khi đi làm lo xe cộ, chuyện lấy vợ, lấy chồng, sinh con… nhiều giáo viên còn lo chuyển trường, lo chuyện đất cát, nhà cửa mà cái gì cũng cần tiền. 

Và, cái vòng luẩn quẩn nợ nần ấy cứ kéo dài triền miên không dứt.

Nhiều giáo viên chỉ được lãnh đủ lương trong 12 tháng tập sự, khi hết tập sự được bổ nhiệm ngạch là các ngân hàng cho vay nên từ đó sổ lương cứ nằm dai dẳng ở ngân hàng.
   
Hiện nay, các ngân hàng đều cho vay mức kịch trần với số lương nên phần lớn giáo viên đều vay với số lượng tiền tối đa có thể. 

Nhiều giáo viên hàng tháng chỉ còn lĩnh lương khoảng 1- 1,5 triệu đồng, còn lại bao nhiêu là trừ nợ ngân hàng hết.

Chính vì số tiền lương còn ít ỏi nên đa phần giáo viên phải kiếm thêm công việc phụ để làm thêm kiếm tiền trang trải cho gia đình.
    
Công việc dạy thêm và mở lớp dạy thêm tại nhà không nhiều bởi không phải nơi nào cũng dạy thêm được mà cũng chỉ tập trung được vài môn học chính ở các lớp cuối cấp nên phần nhiều giáo viên lựa chọn là đi làm gia sư (giáo viên dạy tại nhà) cho một số gia đình có nhu cầu kèm cặp con em họ. 

Thu nhập của công việc này cũng chẳng đáng là bao nhưng nó vẫn còn được xem là đúng nghề của mình. 

Nhiều giáo viên làm công việc tạp vụ, quét dọn ở các công ti tư nhân, các phòng khám tư nhân, các trung tâm gia sư hoặc đi trả bài học sinh ở các trung tâm gia sư. 

Nợ ngân hàng và cái vòng luẩn quẩn của giáo viên ảnh 4

Chuyện kể của người thầy vừa thoát kiếp chạy hợp đồng như chạy cơm từng bữa

Ngoài ra, công việc cũng được nhiều giáo viên lựa chọn là bán hàng online trên các trang mạng xã hội.

Những giáo viên chốn thôn quê thì mở thêm tạp hóa, chăn nuôi, trồng trọt…

Và, tất nhiên khi người thầy bị chi phối nhiều công việc để kiếm tiền thì chuyên môn chính của mình sẽ bị xao nhãng và ít được chú trọng tập trung. 

Điều đó cũng đồng nghĩa sự thua thiệt thuộc về học trò. Đây cũng là điều bất cập và là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục hiện nay chưa đáp ứng được sự kì vọng của xã hội.
   
Còn nhớ, lúc còn đảm nhận vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu trước Quốc hội là cố gắng để đến năm 2010, giáo viên sống được bằng lương. 

Tuy nhiên, lời hứa đó đã không trở thành hiện thực bởi đất nước còn nhiều khó khăn.

Vì thế, những giáo viên có thâm niên 20 năm tuổi nghề cũng chỉ có mức lương (bậc 6, hệ số 3,99) tương đương với một người thợ hồ mới vào nghề. 

Thành thử, chuyện vay nợ ngân hàng để trang trải những khi cần thiết là điều không tránh khỏi, mà cuộc sống của phần lớn giáo viên vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. 
    
Không ai muốn vay nợ, nhưng vì nhiều những lí do khác nhau mà phần lớn giáo viên đều “dính” nợ ngân hàng.

Cái vòng “vay nợ - làm thêm - chất lượng giáo dục…” xem chừng vẫn là một bài toán gian nan chưa có lối thoát cho nhiều thầy cô giáo.

Nguyễn Cao