'Nói đạo nhạc là xúc phạm Trịnh Công Sơn'

14/04/2011 12:00
Giới làm nhạc tỏ ra bức xúc khi gần đây trên mạng đang dấy lên nghi vấn cố nhạc sĩ tài hoa "đạo nhạc"! Bà Trịnh Vĩnh Trinh nói đây là sự xúc phạm đến anh trai bà.

Giới làm nhạc tỏ ra bức xúc khi gần đây trên mạng đang dấy lên nghi vấn cố nhạc sĩ tài hoa "đạo nhạc"! Bà Trịnh Vĩnh Trinh nói đây là sự xúc phạm đến anh trai bà.

Những hoạt động kỷ niệm 10 năm ngày Trịnh Công Sơn ra đi chưa kịp lắng thì trên mạng xôn xao chuyện ca khúc Con mắt còn lại của cố nhạc sĩ (sáng tác năm 1992) có giai điệu giống tác phẩm The Syncopated Clock của Leroy Anderson (sáng tác năm 1945), nhất là ở đoạn dạo đầu.

Thông tin này do một blogger đăng tải với dẫn chứng là bản phối có nhiều nét tương đồng của 2 ca khúc trên. Bản phối The Syncopated Clock được Gontiti phối khí năm 1983, còn bản phối Con mắt còn lại là tiết mục nhóm 5 Dòng kẻ trình bày trong chương trình Rơi lệ ru người, diễn ra tại TP HCM kỷ niệm 7 năm ngày Trịnh Công Sơn mất.

'Nói đạo nhạc là xúc phạm Trịnh Công Sơn' ảnh 1
Ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm rung động hàng triệu trái tim người yêu nhạc. Ảnh tư liệu.

Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn được sáng tác năm 1992, lấy nguyên câu thơ "Còn hai con mắt khóc người một con" trong bài thơ Mắt buồn của thi sĩ "điên" Bùi Giáng. Còn The Syncopated Clock được Leroy Anderson viết năm 1945 khi phục vụ quân đội Mỹ. Tác phẩm này được ghi âm vào năm 1950, được chọn làm nhạc nền cho "Late Show" - chương trình TV thu hút lúc bấy giờ, khiến âm nhạc Anderson được nhiều người biết đến.

Ngay khi nghi vấn được đăng tải, nó lập tức dấy lên làn sóng tranh luận sôi nổi từ các khán giả yêu và quan tâm nhạc Trịnh.

Những nhạc sĩ, ca sĩ - giới chuyên môn gắn bó với dòng nhạc Trịnh nói gì về vấn đề này?


Nhạc sĩ Hoài Sa - người hòa âm, đạo diễn âm nhạc cho nhiều chương trình nhạc Trịnh - cho rằng, sự so sánh này không có căn cứ và "vô cùng nhảm nhí". Anh giải thích: "Đây là nhạc country, tất cả ca khúc thuộc dòng nhạc này đều giống nhau về nhịp, phách, tốc độ và hòa âm... Đây cũng được xem là cái chuẩn để các nhạc sĩ sáng tác ra các tác phẩm thuộc dòng nhạc này".

'Nói đạo nhạc là xúc phạm Trịnh Công Sơn' ảnh 2
Nhạc sĩ Hoài Sa là đạo diễn âm nhạc, nhạc sĩ hòa âm phối khí nhiều chương trình nhạc Trịnh. Ảnh: st.

Nhạc sĩ còn cho biết, dòng nhạc country có nguồn gốc từ Mỹ, nên nhiều ca khúc nhạc nhẹ Việt Nam có đôi chút nét giống là điều không tránh khỏi. "Nhưng không vì thế mà đặt ra nghi vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 'đạo nhạc'. Tôi có thể kiếm ra trên dưới 50 ca khúc có bản phối tương tự bản phối của The Syncopated Clock của Leroy Anderson", Hoài Sa bức xúc.

Bất bình cũng là cảm giác của nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn ngay khi nghe được thông tin này. Theo anh, những người đưa ra nghi vấn này không phải là những người làm nhạc. Sau khi nghe qua 2 bản phối mà blogger dẫn chứng, Trần Mạnh Tuấn cho biết, giữa hai ca khúc The Syncopated Clock và Con mắt còn lại hoàn toàn khác nhau, chỉ giống nhau ở 3 nốt đầu.

"Âm nhạc là sự kế thừa và mỗi nhạc sĩ khi sáng tác có sự trùng lắp là điều hiển nhiên. Nhưng với tư cách và âm nhạc của Trịnh Công Sơn thì không thể nói Trịnh đi copy nhạc của người khác. Tôi cảm thấy buồn và nực cười cho những người kém hiểu biết khi đưa ra thông tin này với một nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn", Trần Mạnh Tuấn nói.

Ca sĩ Ánh Tuyết cũng kịch liệt phản đối việc nghi ngờ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "đạo nhạc". Chị chia sẻ, ca khúc Con mắt còn lại lấy từ ý thơ của Bùi Giáng khi ông bị rớt mắt kính và ngẫu hứng làm thành thơ. Từ chi tiết này, Trịnh Công Sơn viết nên giai điệu của ca khúc dựa trên sự tinh nghịch của thi sĩ "điên".

Còn về vài nốt nhạc giống nhau giữa hai bản phối, Ánh Tuyết cho rằng, đó là sự giống nhau vô tình của những tâm hồn âm nhạc lớn.

"Nếu nói sự giống nhau thì trên đời này có rất nhiều sự giống nhau không thể giải thích nổi. Tôi khẳng định anh Sơn không đạo nhạc. Nếu dựa vào tâm hồn anh, lối sống của anh thì không bao giờ có chuyện ăn cắp nhạc của người khác. Việc nói Trịnh Công Sơn đạo nhạc là xúc phạm anh và xúc phạm đến hàng nghìn trái tim yêu nhạc Trịnh", chị nói.

Phía gia đình Trịnh Công Sơn không phản hồi gì nhiều về chuyện này vì cho rằng đây là chuyện bịa đặt, xúc phạm đến danh dự của Trịnh Công Sơn. Mong muốn của gia đình là khán giả hãy tìm đến những người có chuyên môn để thẩm định.

Trịnh Công Sơn (28/2/1939 - 1/4/2001) là một trong những nhạc sĩ lớn của tân nhạc Việt Nam. Ngoài nhạc, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ.

Trịnh Công Sơn sáng tác khoảng hơn 500 ca khúc, không những mang đậm phong cách riêng mà còn gửi gắm nhiều triết lý. Ông từng lý giải: "Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo".

Tình yêu là đề tài lớn nhất trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Những bản tình ca chiếm đa số trong danh mục nhạc phẩm. Khả năng viết nhạc tình của họ Trịnh tưởng chừng không biết mai một theo năm tháng. Hàng loạt ca khúc ra đời, nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả yêu nhạc nhiều thế hệ.

Năm 1972, ông đoạt giải thưởng Đĩa Vàng ở Nhật Bản với bài Ngủ đi con qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly. Năm 1985, đoạt giải Nhất cuộc thi "Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh" với bài Em ở nông trường, em ra biên giới.

Năm 1997 ông đoạt giải thưởng lớn của Hội nhạc sĩ cho chuỗi bài hát: Xin trả nợ người, Sóng về đâu, Em đi bỏ lại con đường, Ta đã thấy gì đêm nay.

Năm 2004, Giải thưởng Âm nhạc Hòa bình Thế giới được trao cho Trịnh Công Sơn vì "lý tưởng hòa bình mà ông đã đấu tranh không mệt mỏi cho nhân loại".

Tháng 3/2011, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua việc đặt tên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho con đường dài 600 mét, rộng 11 m lát nhựa mới mở ven sông Hương, TP Huế.

Theo VnExpress