Nói Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ vì cần cho dân, đã ai hỏi người dân chưa?

13/10/2018 07:25
Nhật Minh
(GDVN) - Đó là nhấn mạnh của ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Ông Lê Như Tiến chia sẻ, thông tin Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua việc xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng được sự quan tâm khá nhiều trong những ngày qua.

Đáng lưu tâm là rất nhiều ý kiến trái chiều về việc xây dựng Nhà hát giao hưởng.

Ông Lê Như Tiến: "Thành phố Hồ Chí Minh nên cân nhắc kỹ việc xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng tại thời điểm này". Ảnh: N.Q
Ông Lê Như Tiến: "Thành phố Hồ Chí Minh nên cân nhắc kỹ việc xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng tại thời điểm này". Ảnh: N.Q

“Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhân dân Thành phố, các vị cán bộ có trách nhiệm cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Bởi vì, hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều việc cần làm ngay.

Điển hình như tình trạng ngập úng, bệnh viện, trường học đều quá tải, ùn tắc giao thông.

Đó đều là những công việc cần nguồn vốn đầu tư lớn và ngân sách Nhà nước phải lo”, ông Lê Như Tiến phân tích.

Vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hình ảnh người dân Thành phố phải chịu cảnh ngập lụt.

Trẻ nhỏ nằm chen chúc ở các bệnh viện cho thấy nhiều việc cần kíp Thành phố cần ưu tiên giải quyết ngay.

“Phải cân nhắc, nghiên cứu thật kỹ, nhìn tổng thể các việc cần kíp để lựa chọn thứ tự ưu tiên.

Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch có phải là thứ cần ưu tiên tối thượng ở thời điểm này đối với Thành phố không?”, ông Tiến đặt câu hỏi.

Đặc biệt trong tình hình hiện nay khi Thủ Thiêm còn nhiều vấn đề nóng chưa được xử lý căn bản thì việc chi 1.500 tỷ đồng xây nhà hát ở đó dễ khiến dư luận phản ứng.

Hơn nữa, Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều loại hình nghệ thuật được ưa chuộng như dân ca nam bộ, cải lương chứ không phải giao hưởng.

Các nhà hát mà Thành phố đang có đã sử dụng hiệu quả, hết công suất hay chưa?

“Tôi đọc thấy có vị nói xây Nhà hát giao hưởng "vì cần cho người dân". Nếu đã vì dân thì hãy lấy ý kiến của người dân xem họ có mong muốn đó không”, ông Tiến nêu quan điểm.

Vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhớ lại: “Khi nhiệm kỳ khóa 13 của Quốc hội diễn ra, tôi đã nói rằng là lãnh đạo rất nhiều địa phương có một loại bệnh mà không có trong từ điển y học.

Đó là “bệnh thích hoành tráng”, “bệnh con gà tức nhau tiếng gáy”.

Nói Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ vì cần cho dân, đã ai hỏi người dân chưa? ảnh 2Thành phố Hồ Chí Minh lấy hơn 1.500 tỷ đồng tiền bán đấu giá đất xây nhà hát

Nơi này nơi kia có nhà hát cũng làm nhà hát, nơi này nơi kia có sân vận động cũng làm sân vận động, rồi bảo tàng…

Các công trình này làm xong rồi nhưng giá trị sử dụng, hiệu quả không đáng bao nhiêu.

Nhiều tỉnh cũng làm công trình như thư viện, bảo tàng, các công trình văn hóa khác tốn nhiều trăm tỷ nhưng hiệu quả sử dụng không đáng bao nhiêu đó là lời cảnh báo đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi cho rằng, dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau chưa ủng hộ việc xây dựng Nhà hát giao hưởng thì Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nên ghi nhận.

Dư luận có ý kiến khác nhau mà các vị có trách nhiệm nói là vì dân thì rõ ràng cần lấy ý kiến nhân dân xem người dân có thực sự cần Nhà hát giao hưởng không.

Đó là giải pháp tốt nhất trong thời điểm này”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Được biết, dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch sẽ có quy mô 1.700 chỗ, 2 khán phòng lớn và nhỏ, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2018 – 2022.

Dự án này dự kiến sẽ có tổng mức đầu tư là hơn 1.500 tỷ đồng, lấy từ nguồn tiền bán đấu giá khu đất 23 đường Lê Duẩn, quận 1.

Nhật Minh