Nữ sinh Quảng Bình và lá thư cảm động gửi chiến sĩ Trường Sa

03/08/2012 05:23
Đồng Thị Huyền Nga
(GDVN) - "Các anh, những người lính canh giữ Trường Sa luôn sẵn sàng thực thi mọi nhiệm vụ và trọng trách…Biển cả bao la ôm các anh vào lòng…".
LTS: Hôm nay, khi tình hình biển Đông đang căng thẳng, cả thế giới đang lên án trước những hành động leo thang của Trung Quốc tại biển Đông, đặc biệt là những hành động gây hấn của nước này trên các hòn đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam thì ở khắp nơi, những người Việt Nam từ vùng quê gió Lào cát trắng, từ những nơi xa xôi tận Châu Mỹ, Châu Phi một lòng hướng về vùng đất ruột thịt này. Trong lúc "dầu sôi lửa bỏng", mượn những cánh thư, nhiều tâm tư đã được gửi đến những người lính đảo. Lá thư của nữ sinh - con một người lính biên phòng dưới đây cũng là một trong số đó.

"Con người ngày nay thường đổ lỗi cho sự tiến bộ của khoa học công nghệ để cho phép mình đánh mất dần những giá trị nhân văn trong giao tiếp hằng ngày. 
Nếu chọn viết thư tay hay nhấc chiếc điện thoại thì chắc chắn hầu hết chúng ta sẽ thích nói “alô” hơn nhiều. 
Thế nhưng, những lá thư giản đơn mà ấm áp vẫn mang cho mình những sứ mệnh vô cùng đặc biệt không thể thay thế. Những lá thư gói ghém nỗi nhớ mong, niềm yêu thương vô bờ bến. Những lá thư ấy, ta dành cho người ta thương, ta yêu…Hôm nay, em muốn viết một lá thư như thế, gửi đến Trường Sa, gửi những thiên thần mặc áo lính, những người em vẫn gọi là “người giữ nước”.
Gửi Trường Sa đầy gió từ thành phố mang tên Bác!
Điều đầu tiên em mong muốn, đó là khi đọc bức thư này, các anh đã có thể có đôi chút thảnh thơi hiếm hoi sau ngày dài, sau đêm thâu chắc tay súng canh giữ, tuần tra vất vả…
Mùa bão đang về rất nhanh, dù ở đây mọi thứ vẫn thật yên bình nhưng em biết, ngoài đại dương đang liên hồi dậy sóng. Khó khăn sẽ gấp bội khó khăn. Đất nước mình là thế, năm nào cũng phải gồng mình chịu bão. Biết sao được phải không các anh? Nhưng em biết, đất hiền nuôi những anh hùng, các anh vẫn vững chí, có hề nao núng gì vì các anh biết…Tổ quốc cần! Tuy vậy, điều em muốn nói với các anh rằng, đất liền thương và lo cho các anh nhiều lắm. Hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng cũng phải biết tự chăm sóc mình, các anh nhé.
Em chưa một lần may mắn được đặt chân đến Trường Sa nhưng qua các phương tiện truyền thông, em biết rằng, cuộc sống tinh thần của các anh đang được cải thiện rất nhiều. Rất nhiều đoàn khách đã đến đây, mang theo nhiều quà từ đất liền gửi, những giây phút ấy, em đọc được trong mắt các anh những sự xúc động không nên lời. Cuộc sống nơi biển khơi chắc cũng ít khó khăn về tinh thần hơn xưa nhiều. Đất liền chúng em biết điều đó nhưng vẫn lo cho các anh. Sự thiếu thốn về tinh thần là không thể tránh được. Khoảng cách địa lý và nhiệm vụ công tác làm cho đất liền nơi đây không liên lạc thường xuyên để kịp chia sẻ tâm tư tình cảm với Trường Sa yêu quý.
Gửi những người đồng chí can trường, dũng cảm đang ngày đêm gìn giữ biển đảo quê hương
Gửi những người đồng chí can trường, dũng cảm đang ngày đêm gìn giữ biển đảo quê hương
TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA - HOÀNG SA NHÌN TỪ ĐẤT LIỀN
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY


Nơi Trường Sa còn thiếu thốn ấy, nơi Trường Sa còn gian khổ ấy, ngày ngày vẫn in những dấu chân mòn lối của các anh. Đối với mỗi người con dân tộc, mảnh đất hay biển cả dưới chân ta còn hơn cả sự linh thiêng. Giữ chắc lãnh thổ đất nước còn hơn cả nghĩa vụ công dân. Đó là tiếng gọi da diết, hùng vang của lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Lao động nào cũng vinh quang, công việc nào cũng đáng quý nhưng với đất liền thì công việc thầm lặng của các anh thật khó mà diễn tả thành lời. Vì chúng em biết rằng, nơi ấy dù chiến tranh đã đi qua rất lâu nhưng đâu đó vẫn có những sự hi sinh, những mất mát, quyết tử để giữ “biển vàng” của Tổ quốc, để lại những niềm tiếc thương vô hạn. Nhưng chúng em biết rằng, các anh, những người lính canh giữ Trường Sa luôn sẵn sàng thực thi mọi nhiệm vụ và trọng trách…Biển cả bao la ôm các anh vào lòng…
Nhiệm vụ khó khăn gian khổ là vậy nhưng chúng em được biết, các anh vẫn đang sống rất tốt, vẫn đang tăng gia sản xuất khi có thể, vẫn ươm những mầm xanh phơi phới tuổi trẻ Việt Nam mà không phong ba, bão táp nào quật ngã được. Nơi đất đảo sỏi đá, màu xanh của hi vọng, của ước mơ, của ý chí vẫn đang hiên ngang trước kẻ thù, trước thiên nhiên. Dũng cảm và oai hùng!
Chắc hẳn các anh sẽ hỏi tại sao em lại gọi các anh là những “người giữ nước”. Trước đây, em cũng chỉ biết gọi các anh là những người lính biển, lính hải quân như mọi người vẫn thường hay làm thế. Nhưng khi lớn dần lên, khi biết được công việc và nhiệm vụ của các anh nơi đảo xa Tổ quốc, cộng với đó việc học tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm đã cho em nhiều xúc cảm rất lạ, thế là em gọi bố em - người chiến sĩ Biên phòng nơi biên giới là “người giữ đất”, còn các chiến sĩ nơi đảo xa là “người giữ nước”. Có lẽ suy nghĩ ấy còn nhiều ngô nghê và thiếu toàn diện nhưng tất cả điều đó thể hiện được suy nghĩ và tình cảm của em gửi đến các anh!
Đất nước chúng ta có rừng vàng, biển bạc, đó là điều không gì có thể chối cãi được. Trong thời đại ngày nay, khi tất cả các nước đều vươn ra biển lớn để tìm kiếm những nguồn lợi kinh tế thì biển trở nên “hấp dẫn” hơn bao giờ hết. Nước ta có nhiều luận lợi với vị trí của một nước có bờ biển rộng, đẹp và trù phú với nhiều tài nguyên quý giá có một không hai. Chính vì điều này mà từ rất lâu rồi, đất nước Việt Nam hiền hậu luôn bị các thế lực ngoại xâm nhòm ngó và xâm lược. 
Ngày nay, khi tiếng súng đã yên nhưng tình hình trên biển Đông không hề bớt căng thẳng. Khi mà các thế lực vẫn lăm le những ý định ngông cuồng, muốn dùng những sức ép “không tiếng súng” hòng cướp biển Đông của chúng ta, ở đất liền, chúng em yên bình nhưng ngoài kia, họ vẫn đang làm biển Đông nổi sóng. Và các anh, những người canh giữ biển, là lực lượng quân đội đi tiên phong và giữ trọng trách nặng nề nhất chống lại âm mưu, hành động hiểm ác đó. Và chính các anh, những “người giữ nước” mang lại cho đất liền những phút giây thấy an lòng.
Và em cũng biết, trong những khoảnh khắc linh thiêng, những chiến sĩ của Trường Sa đã, đang và sẽ sẵn sàng ngã xuống để bảo toàn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam. Ngày qua ngày, các anh vẫn đưa mắt hướng theo phía xa chân trời, quan sát mọi động tĩnh của thế lực hắc ám, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ. Một phút giây cũng không buông lơi cây súng, dù mặt trời đỏ gắt trên vai, dù mưa tuôn ướt quân phục người lính thì các anh vẫn can trường vượt qua như những tượng đài lịch sử. Chúng em nơi đất liền cũng luôn dõi theo từng hơi thở nhịp đập của người lính biển.
Quê hương em là vùng đất Quảng Bình gió Lào cát trắng, tài sản quý giá nhất của nơi đây, gần như chỉ có biển. Tuổi thơ của biết bao thế hệ con người Quảng Bình dường như chỉ có biển. Biển đi sâu vào miền kí ức nghèo khó nhưng ấm áp nghĩa tình như một điều giản dị, tự nhiên đến vô cùng. Những người con như em dù đi đâu vẫn muốn ôm trọn biển vào lòng, để được ru êm trong giấc ngủ, để được gió hát an ủi khi buồn tủi và để sóng vỗ động viên khi gặp khó khăn trên đường đời. Đối với em, biển là bà, là mẹ, là bạn bè, là người ruột thịt. Biển bao năm vẫn êm ả như thế, biển vẫn hát tâm tình, vẫn reo vui những khúc ca khải hoàn để những người con đắm mình trong dòng nước mát quê hương, thưởng thức hương vị của đất trời. Nếu như thiếu các anh, biển chắc sẽ không bình yên như thế. Đối với chúng em, các anh là những thiên thần mang áo lính cụ Hồ, là lính biển Việt Nam.
…Không xa…đâu Trường Sa ơi, vì Trường Sa là ruột thịt của đất liền, là con của đất mẹ bao la…
Trái tim ta nhiều ngăn hơn ta tưởng, ở góc đẹp đẽ nhất trong trái tim dân tộc, các anh là biểu tượng của tình yêu, của sức chiến đấu, ý chí, trí tuệ và tâm hồn Việt!
Gửi đến các anh tình yêu từ đất liền, hẹn các anh vào những ngày không xa!".
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đồng Thị Huyền Nga